Cập nhật: 10:51 PM GMT+7, Thứ tư, 17/02/2016
    Nguồn tin:Bảo tàng Lịch sử quốc gia
    • Font
    • In bài
    • Gửi cho bạn bè
    • Ý kiến

    Trên con phố nhỏ Lý Quốc Sư, mỗi khi chiều xuống, khách bộ hành sẽ nghe tiếng chuông chùa trầm ấm, thư thái và chuông Nhà thờ lớn binh boong gióng rả cùng vang lên, thả vào không gian, lay động tâm hồn du khách bốn phương… Và chỉ cách vài bước chân, Tháp Rùa rêu phong trầm mặc… Tất cả âm thanh, đường nét, sắc trời ấy bao năm rồi, đã tạo nên một nét đặc biệt cho Hà Nội từ thuở vua Lý Thái Tổ chọn nơi có thế “rồng cuốn hổ ngồi” này làm kinh đô nước Việt; kể từ 1010 đến nay, Thăng Long- Hà Nội tròn 1005 năm tuổi đang trong thế Rồng bay lên.


    Tên chùa được lấy làm tên phố, và cái tên phố Lý Quốc Sư gợi ta liên tưởng đến một Thiền sư thời Lý được phong là Quốc sư. Lần trở lại sự tích ngôi chùa, sử cũ chép: vào năm 1136, Minh Không Thiền sư chữa khỏi bệnh nan y cho vua Lý Thần Tông, sau dó, ông được vua phong là Quốc Sư.

    Theo sách Lĩnh nam chích quái, Thiền sư Minh Không thuở nhỏ tên là Nguyễn Chí Thành, sinh ngày 14 tháng 8 năm Bính Ngọ (1066), tại làng Điềm Giang, phủ Trường Yên (nay là thôn Quốc Thanh, xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Vốn thông minh nên sau 10 năm theo học thiền sư Từ Đạo Hạnh, ngài được thầy khen, ban pháp danh Minh Không, thuộc đời thứ 13 dòng Ti-ni-đa-lưu-chi và về trụ trì tại chùa Giao Thủy (Nam Định). Năm 1136, vua Lý Thần Tông bị bệnh nặng, gầm thét như hổ, lông lá mọc khắp người, các danh y tài giỏi cũng bó tay. Lúc đó, nghe tiếng thiền sư Minh Không, triều  đình cho vời vào cung và ngài đã chữa khỏi bệnh cho vua. Cảm phục tài năng, nhớ ơn cứu mạng của thiền sư, vua Lý Thần Tông phong ngài là Quốc sư. Ngày 1 tháng 8 niên hiệu Đại Định thứ 2 (1141), Quốc sư ngồi hoá tại chùa Giao Thủy, thọ 76 tuổi. Thương tiếc thiền sư, dân làng lập đền thờ ngài, nên đền có tên là đền Lý Quốc Sư thuộc phường Báo Thiên.

    Theo tác giả Nguyễn Uẩn trong sách Hà Nội đầu thế kỷ XX (tập 2), toà tháp cao 12 tầng có quả chuông đồng nặng 12.000 kg ở cạnh chùa Sùng Khánh được vua Lý Thánh Tông cho dựng sau năm Đinh Dậu (1057) có tên gọi là Đại thắng tư thiên bảo tháp, dân gian quen gọi là tháp Báo Thiên và chùa Sùng Khánh được gọi là chùa Báo Thiên, nên phường cũng mang tên là phường Báo Thiên. Thời  giặc Minh xâm chiếm Thăng Long, chùa và tháp bị phá huỷ nặng nề. Đến thời Lê Thánh Tông, đền Lý Quốc Sư vẫn thuộc phường Báo Thiên. Đến thời nhà Nguyễn, phường Báo Thiên đổi thành làng Tiên Thị nên dân gian vẫn gọi đền Lý Quốc Sư theo tên làng là đền Tiên Thị.

    Cuối thế kỷ XIX, vị trí của đền  Lý Quốc Sư được Nguyễn Uẩn nêu rõ như sau: Phía bắc, bên phải Nhà thờ lớn có xóm cư dân ở trên đất thôn Tiên Thị hầu hết theo đạo công giáo. Trên khu vực này có di chỉ huyện Thọ Xương và đình làng Tiên Thị. Vụ cháy lớn năm 1887 làm cháy suốt khu Nhà Chung, sang Chân Cầm, huyện Thọ Xương, đình Tiên Thị cũng bị cháy rụi. Quay lưng vào khu Thọ Xương cũ là đền Lý Quốc Sư. Ngôi đền cổ có từ thời Lý, trước kia ở cạnh tháp Báo Thiên, phải di đến chỗ mới, để nhường chỗ cho khu vực Nhà thờ lớn mà người Pháp cho xây dựng. Địa điểm mới ấy, chính là ngôi chùa Lý Quốc Sư hiện nay hiện nay - số nhà 50 phố Lý Quốc Sư. Năm Ất Mão (1855), quan huyện Thọ Xương là Phan Huy Kiêm đứng ra chủ trì việc xây dựng lại. Đốc học Hà Nội Lê Đình Duyên soạn văn bia sau khi đền được tôn tạo xong, cho đến nay, vẫn còn bia đá với bài khắc trên bia Trùng tu Tiên thị từ bi ký. Năm1932, hoà thượng Thích Thanh Định, tự Quang Huy, đến trụ trì, tôn thêm tượng Phật, Bồ Tát trong đền, nên từ đó cho đến nay, đền Tiên Thị được gọi là chùa Lý Triều Quốc sư.

    Tam quan chùa Lý Triều Quốc sư, Hà Nội.

    Đầu thế kỷ XX, con đường nhỏ nối phố cổ Hàng Bông với xóm Chân Cầm, làng Tiên Thị được mở thành phố và có tên là phố Lamblot. Ngôi chùa bị phá hủy trong chiến sự mùa đông năm 1946, đến tháng 6/1954 được tu tạo lại; hiện vẫn còn bia đồng do cử nhân Trần Lê Nhân soạn ghi lại việc trùng tu này.

    Trải 10 thế kỷ với bao thăng trầm, hưng phế của các triều đại, chùa Lý Triều Quốc sư vẫn còn lưu giữ được một số hiện vật quý: trong hậu cung có  tượng bà Tằng Thị Loan, ông Từ Vinh - thân mẫu và thân phụ của thiền sư Từ Đạo Hạnh và cả Thiền sư Giác Hải, đều được tạc bằng đá, tượng thiền sư Minh Không bằng gỗ cao 1m và Quan thế âm Bồ Tát cùng Thiện tài, Long nữ   ... tất cả những di vật quý hiếm này mang nét mỹ thuật của thời Hậu Lê rất tinh tế, mềm mại.

    Riêng tượng thiền sư Minh Không bằng gỗ cao 1m được đặt ở chính giữa hậu cung lại thể hiện phong cách nghệ thuật giữa  thế kỷ XX, khi chùa đại trùng tu năm 1954. Ba bức hoành phi ghi ba chữ Thiên, Nhân, Sư đã gói cả tài đức của Minh Không: Thiền sư là bậc Thầy trong cả vũ trụ và con người.

    Khởi đầu là đền thờ nhân thần, sau đó thờ thêm Phật mà thành chùa, chùa Lý Triều Quốc sư được công nhận di tích lịch sử văn hoá năm 1995. Năm 2000 và 2010 chùa đều được tu sửa các hạng mục thêm khang trang để đón chào Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi.

    Chùa Lý Triều Quốc sư cùng với đình thờ Tướng quân Phạm Ngũ Lão (cùng trên phố Lý Quốc Sư), chùa Bà Đá, đình Nam Hương, tượng vua Lê Thái Tổ làm nên quần thể di tích lch sử văn hoá đặc sắc phía Tây hồ Hoàn Kiếm trong  một không gian của những con phố nhỏ: Lý Quốc Sư - Nhà Thờ - Hàng Trống nhìn ra mặt hồ bốn mùa xanh lục. Bên kia, phía Tây Hồ Hoàn Kiếm, tượng Vua Lý Thái Tổ sừng sững uy nghi.

    Đã 1005 năm, hôm nay và mai sau, Thăng Long - Hà Nội mãi lắng hồn thiêng Đất Việt.

    Phạm Kim Thanh



    Nguồn tin:Bảo tàng Lịch sử quốc gia
    • Font
    • In bài
    • Gửi cho bạn bè
    • Ý kiến

    Kim Sách Triều Nguyễn

    Cổ vật Việt Nam

    Sưu tập Báo chí cách mạng VN (1925-1945)

    • Di sản văn hóa Phật giáo
    • Đèn cổ Việt Nam
    • Khu vực:

    Liên kết Website

    Thống kê truy cập

    • Trực tuyến: 1980
      Thành viên online:
      1.host
      Số lượt truy cập: 27426912