Xã hội
  
27-09-2010 00:00:00

Trăm năm nát với lòng người... 

PN - Tỉnh Quảng Nam hiện có 70 di tích là phế tích, có nguy cơ mất sạch dấu vết; 34 di tích xuống cấp nghiêm trọng. Trong 12 năm, từ 1997 đến 2009, tỉnh chỉ bỏ ra 12 triệu để tu bổ các di tích, mà lại dùng để chống… mối mọt. Kỳ lạ. Mỗi lần đón rước bằng di tích, quan chức từ huyện đến tỉnh đều trịnh trọng hứa giữ gìn, tôn tạo, giờ tất tật lại đổ cho… Nghị quyết!

“Tai nghe Chúa ngự thuyền rồng / Thiếp thương phận thiếp má hồng nắng mưa / Thuyền rồng Chúa ngự nơi đâu / Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình” – dân ven sông Thu Bồn truyền nhau những câu thơ ấy như giai thoại về cuộc gặp gỡ giữa cô gái hái dâu vùng Duy Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam Đoàn Quý Phi, với Chúa Nguyễn Phúc Lan nhân một đêm trăng sáng trên sông, để sau đó khi Nguyễn Phúc Lan lên ngôi, bà được phong là Hiếu Chiêu Hoàng hậu vì đã sinh ra Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần.

Lăng mộ bà bây giờ nằm ở làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh. Trước đây, ngay đầu đường có tấm biển chỉ đường vào di tích lăng mộ bà Đoàn Quý Phi. Đường bị xẻ ra, tấm biển biến mất. Mới đây có dịp, tôi ghé thăm khu di tích, chỉ thấy tường lở, gạch đổ, bát nhang ngả nghiêng, cổng sét hoen gỉ. Di tích cấp tỉnh mà không có đường vào, phải men theo đường ruộng mà tìm. Một người dân sống gần đó vô tư: “Trâu bò, tối không lùa về mà cứ đưa vào đây, đóng cổng, mai lại thả ra, khỏe”. Phía tây mộ, vẫn còn tấm biển như trêu ngươi: “Lăng mộ bà Đoàn Quý Phi. Di tích lịch sử cấp tỉnh, được công nhận ngày 15/2/2005. Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm di tích. Phòng VHTT Duy Xuyên”.

Lăng mộ bà Đoàn Quý Phi

Dân xứ Quảng phong bà là "Bà chúa tằm tang". Cả một vùng bãi bồi ven sông Thu Bồn một thời mướt xanh những biền dâu. Những con dân xứ Quảng nơi này ra đi, mang theo nghiệp cha ông, đã làm nên làng dệt Bảy Hiền lừng lẫy một thời ở Sài Gòn. Bãi dâu xưa nay chỉ còn trong ký ức. Bao lễ hội giới thiệu tiềm năng du lịch-văn hóa, người ta cũng bày ra… diễn để chụp ảnh, quay phim cảnh cô gái mỹ miều bên khung cửi ươm tơ dệt lụa. Xong là giải tán, nên lăng mộ của bà Chúa còn có nghĩa lý gì!

Mộ bà Đoàn Quý Phi

…Cách đây bảy năm, buổi trưa, một mình tôi đứng với nắng, cỏ và cổng tháp trong cảm giác ớn lạnh khi đối diện với vết tích của trung tâm tín ngưỡng được xem là lớn nhất Đông Nam Á thuở huy hoàng của vương quốc Chămpa. Ông xuất hiện, với cây roi giữ bò trên tay. Ông nói khá nhiều. Những chói sáng ký ức len lỏi giữa gạch đá và cây rừng. Tất cả như bừng dậy, rồi cũng như lời chia tay, tất cả theo lá rừng hòa vào cơn gió vô thường. Ông, một người mang họ Trà, vốn là một trong bốn dòng họ người Chăm đang sống tại Quảng Nam. Ông nhắn gửi và ước mong. Trong niềm vui không chỉ riêng của bà con nơi đây khi Phật viện Đồng Dương được công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 2001, có lẽ ông cũng mãn nguyện phần nào.

Ông Trà Y, người đã sống một đời với Phật viện Đồng Dương

Tôi mang ý nghĩ đó khi quay trở lại chốn này. Nỗi niềm ngày cũ tưởng chừng là chuyện nhàn đàm, không ngờ lại xốn xang đến tận bây giờ. Lối đi xưa không còn nữa. Tất cả đã biến thành rừng keo như ma trận, đang trùm lấp toàn bộ di tích. Cỏ mọc lút đầu người. Mấy hôm nay mưa lớn. Cỏ như dài ra, tốt tươi thêm. Và muỗi. Những viên gạch vỡ như đứt lìa sự sống. Với tôi, nếu Mỹ Sơn như sự đuổi bắt, tìm kiếm không ngừng của những giá trị mang tính biến dịch mất-còn, hủy diệt-tái sinh ở đời, thì những viên gạch Chăm vương vãi khắp khu vườn phế tích này mang cái nhìn tuyệt đối ở cuối con đường nhân sinh, rằng nếu quay đầu nhìn lại, sẽ thấy mình khác gì cỏ, đá.

Tháp Sáng như một đại hiệp mình đầy thương tích đang đứng tấn. Tôi lại nhớ ông. Không biết ông còn sống không. Đôi mắt người già trầm đục. Tôi đọc trong đó, vẫn nỗi u uẩn xưa, chỉ có khác là giờ nó không thành tiếng. Lần đó có người hứa trùng tu nơi đây cho đàng hoàng. Nhưng ông im lặng, không lộ niềm vui, dẫu nhỏ nhoi, bởi là người đã từng chứng kiến giờ phút tàn lụi tang thương nên mọi hứa hẹn bây giờ cũng chỉ là một cơn gió thoảng…

Tháp Sáng, vết tích sót lại tại Phật viện Đồng Dương

Sách ghi, từ đầu thế kỷ XX, người ta từng phát hiện tại đây có đến 229 hiện vật. Toàn bộ khu vực kiến trúc của di tích kéo dài xuyên suốt hơn 1.330m bắt nguồn từ hướng tây và chấm dứt ở hướng đông. Riêng khu vực chánh điện, vành đai hình chữ nhật dài 326m, chiều rộng 155m cùng hệ thống tường bao bọc kiên cố. Từ chánh điện mở ra một con đường rộng dài hơn 763m hướng thẳng vào phía đông, đi vào một thung lũng hình chữ nhật có diện tích 1.080m2, đây được xem như cụm kiến trúc còn lại bảo lưu được phần đài thờ chính khá nguyên vẹn cùng các bức tượng thờ bằng đá, đồng được phát hiện xung quanh. Ngoài phần chánh điện được phát hiện, hệ thống nền gạch của một khu tăng xá, giảng đường nối nhau trên một chu vi rộng lớn, những viên ngói cũng được phát hiện rải rác đâu đây cho phép ta liên tưởng đến cấu trúc xây dựng của một mô hình Phật viện khép kín rất lý thú. Tấm bia tìm thấy tại đây đã khẳng định: Phật viện Đồng Dương do vua Indravarman II sáng lập vào năm 875. Đây cũng là khu trung tâm kinh đô Indrapura, của một dòng họ thấm đượm tinh thần Phật giáo. Cả Phật viện đồ sộ giờ chỉ còn chiếc cổng mà dân địa phương gọi là Tháp Sáng. Không tường rào, cổng ngõ, không người bảo vệ, trâu bò mặc sức lang thang.

Ông Dương Đức Quý, Phó ban VHXH HĐND tỉnh, nói: “Kẹt ở chỗ là chưa có nghị quyết chuyên đề về vấn đề di tích, nên việc quản lý không chặt chẽ”. Kỳ lạ. Mỗi lần đón rước bằng di tích, quan chức từ huyện đến tỉnh đều trịnh trọng hứa giữ gìn tôn tạo, giờ lại đổ cho... nghị quyết! Cũng vì thế chẳng lấy làm lạ khi mới đây, cơ quan chức năng công bố cả tỉnh hiện có 70 di tích là phế tích có nguy cơ mất sạch dấu vết; 34 di tích xuống cấp nghiêm trọng. Trong 12 năm, từ 1997-2009, tỉnh chỉ bỏ ra 12 triệu để tu bổ các di tích, mà lại là dùng để… chống mối mọt nhà ông Nguyễn Nho Phán ở Điện Bàn. Một người có trách nhiệm ở tỉnh chua chát: “Mỗi năm tỉnh bỏ ra hàng chục tỷ cho Mỹ Sơn, Hội An, chưa kể tiền Trung ương rót về. Chỉ cần cho các di tích trên vài phần trăm của số đó là quý lắm rồi. Chi tiền tỷ để làm lễ hội thì được, nhưng bảo vệ di tích sao khó quá. Có lẽ di tích không đẻ ra tiền!”.

Ông Phan Thanh Cẩm, Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích danh thắng tỉnh nói: “Lăng mộ Đoàn Quý Phi, huyện chịu trách nhiệm. Tầm quốc gia như Phật viện Đồng Dương, tỉnh chịu trách nhiệm. Việc bỏ hoang, trồng keo thành rừng, bao lần xã Bình Định và huyện Thăng Bình đã làm biên bản cam kết không xâm phạm, nhưng biên bản ghi xong, là quên luôn”. Vậy thì nói làm gì?

Lê Trung Việt

Thích và chia sẻ chủ đề trên Chia sẻ
Bản in

Bình Luận (0)

    Ý kiến bạn đọc

    LƯU Ý: PNO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. PNO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Các ý kiến viết bằng ngoại ngữ, tiếng Việt không dấu hoặc có tính chất quảng cáo không được đăng. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của bạn đọc.






    Chọn mã xác nhận khác.

    Xem bài theo ngày  /   / 
    Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khuyên SV ‘đừng tự mình đứng yên’

    Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khuyên SV ‘đừng tự mình đứng yên’

    PNO - Sáng nay (3/10), Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã dự lễ khai giảng năm học 2014 - 2015 tại Đại học quốc gia TP.HCM và đánh trống khai giảng năm học mới.

    Xem thêm

    Lặng thầm nói lời chào với Tax

    Lặng thầm nói lời chào với Tax

    PN - Hôm qua, 25/9, là ngày hoạt động cuối cùng của Thương xá Tax. Cuối giờ chiều, tòa nhà vốn từng là một trong những biểu tượng của Sài Gòn hoa lệ sẽ được bàn giao cho Ban quản lý Đường sắt đô thị để... đập bỏ.

    Xem thêm

    Cận cảnh cuộc sống cụ bà gần trăm tuổi mọc sừng dài giữa gối

    Cận cảnh cuộc sống cụ bà gần trăm tuổi mọc sừng dài giữa gối

    PNO - Cái sừng mọc lên ở giữa đầu gối đang khiến cuộc sống của cụ bà gần trăm tuổi gặp nhiều khó khăn. Cụ không thể đi lại được, thường xuyên đau nhức và đặc biệt luôn lo lắng về căn bệnh lạ này.

    Xem thêm

    Cấp giấy “bệnh nặng xin về” cho bệnh nhân đã tử vong

    Cấp giấy “bệnh nặng xin về” cho bệnh nhân đã tử vong

    PN - Khi được chuyển từ lầu ba xuống khoa Cấp cứu hồi sức, một lát sau, vợ tôi qua đời. Dù nói tôi đem vợ về lo hậu sự nhưng nhân viên Bệnh viện An Bình lại cấp giấy ghi “bệnh nặng xin về”.

    Xem thêm