Lăng mộ cổ bằng đá hàng trăm năm bị lãng quên ở Hà Nội
Bí ẩn phía sau lăng mộ đá thời Lê Trịnh ít người biết đến ở Hà Nội
Nhật Minh
Chủ nhật, ngày 05/06/2022 06:00 AM (GMT+7)
Aa
Aa+
Lăng mộ đá thời Lê Trịnh nằm trong khuôn viên một nhà dân ở thôn Bình Vọng, (xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội). Từ bao nhiêu năm nay, lăng mộ đá này vẫn hiển hiện trên gò đất nhưng ít người biết đến.
Bí ẩn phía sau lăng mộ đá thời Lê Trịnh ít người biết đến ở Hà Nội
Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng gần 20 km số về phía Nam, làng Bình Vọng (xã Văn Bình huyện Thường Tín, Hà Nội) có một lăng mộ đá nằm trên một gò đất rộng khoảng 200 m2. Theo những chứng tích còn lại trong lăng mộ thì lăng mộ có từ thời Lê Trịnh.
Người dân trong làng cũng không biết được lăng mộ này có từ bao giờ, ông Nguyễn Văn Hợi (xã Văn Bình huyện Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ: "Ngay từ nhỏ tôi đã thấy lăng mộ hiện hữu ở đó, tôi cùng những đứa trẻ trong làng vẫn thường hay leo trèo trong khu lăng mộ chơi đùa. Cho đến nay tôi đã gần 70 tuổi rồi, lăng mộ vẫn còn ở đó một cách đầy bí ẩn".
Trong sập đá khám thờ có hai bài vị đá. Bài vị bên trái (theo hướng nhìn ra) có ghi dòng chữ: “Thị nội Giám ty Lễ giám Thái giám Đề đốc Hiệp vệ Khuê Quận công tặng Thiếu bảo Nguyễn tướng công hiệu Thuần Hòa tặng thụy Thuần Cẩn am chủ”.
Nghĩa là: Am chủ là tướng công Đề đốc Hiệp vệ Nguyễn Khuê, tên hiệu là Thuần Hòa, là Thị nội Giám ty Lễ giám Thái giám được tặng chức Thiếu Bảo, khi mất được ban tên thụy là Thuần Cẩn.
Bài vị bên phải có dòng chữ: “Quận phu nhân Lê quý thị hiệu Diệu Tín am chủ”. Nghĩa là: Am chủ là bà quận phu nhân họ Lê hiệu là Diệu Tín”. Như vậy, am mộ đá là song táng vợ chồng ngài quan Thái giám Nguyễn Khuê.
Theo như tấm bia ở hông phía Đông của am thì am mộ được dựng năm Vĩnh Khánh thứ 3 (1731). Năm Tân Hợi này cũng là năm triều đình mở khoa thi.
Tượng phía trái nhìn từ trong ra tạc một võ sĩ hai tay nắm lấy kiếm. Bên cạnh tượng phía trên có dòng chữ: “Tả thủ môn Trương Nghĩa Sĩ”.
Nghĩa là: Nghĩa sĩ giữ cửa bên trái họ Trương. Tượng bên phải là một lão nô hai tay cầm thanh đao. Bên cạnh phía trên có dòng chữ: “Hữu thủ môn Lý Lão Nô”. Nghĩa là: Lão nô giữ cửa bên phải họ Lý.
Am mộ được dựng trên nền đá có hình vuông, mỗi chiều khoảng 2,5 m, cao khoảng 2 m. Cửa am mộ ở phía Nam. Am mộ như ngôi nhà có hiên chạy xung quanh. Bốn góc là 4 cột đá chống đỡ. Các đầu đao được tạo hình vân mây. Mái có đầu đốc. Hai bên đầu hồi là họa tiết vân mây hình lá đề. Ở thành am phía Bắc và Tây là hình cửa hai cánh. Mỗi cánh có 6 thang ngang. Giữa thành am mộ phía Đông là bia đá.
Phía trước, trên bậc đi lên am mộ đá Khuê quận công dựng hai con chó đá. Đây cũng là điểm khác biệt với lăng mộ Quận Vân ở xã Vân Tảo (cùng huyện, cách đó vài km) dựng tượng người và tượng voi, ngựa, nghê đá, chó đá trước lăng. Về niên đại, lăng Quận Vân dựng năm 1733, tức là sau am mộ Khuê Quận công 2 năm.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.