Con đường nhỏ rẽ từ huyện Chiêm Hóa vào thác Bản Ba dài khoảng 25 km uốn lượn quanh những triền núi cao và những cánh đồng lúa xanh ngát, nay đã cơ bản được rải nhựa. Gần 3 km đường dẫn vào thác đã được hoàn tất, tạo thuận lợi cho du khách đến du ngoạn thác Bản Ba. Năm 2007, huyện Chiêm Hóa đã được đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia thắng cảnh Bản Ba và khai trương điểm Du lịch sinh thái thác Bản Ba. Những doanh nghiệp làm du lịch ở huyện Chiêm Hóa đã và đang đầu tư mạnh vào nơi đây, xây dựng khu vui chơi và nghỉ dưỡng với nhiều dịch vụ phục vụ du khách có tổng giá trị đầu tư hàng chục tỷ đồng. Một khu dịch vụ với các hoạt động du lịch phát triển vừa mang tính hiện đại nhưng vẫn không làm mất đi vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ của điểm du lịch sinh thái này đang dần được hình thành sẽ ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách du lịch.
Nhiều du khách muốn đến thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên trong lành và thơ mộng của thác Bản Ba
Truyền thuyết kể rằng: Ngày đó dòng thác còn rất nhỏ, làng Lạc Bạn, nơi đầu thác, vốn có từ lâu do một đôi trai gái phương xa đến khai phá lập nghiệp. Làng mạc ngày càng trù phú và đông đúc. Hàng năm, làng có cuộc thi vượt thác Lạc Bạn để thể hiện sự dũng mãnh của trai miền sơn cước. Dòng nước chảy xiết đã cuốn đi bao người, nước mắt thương xót của người dân hòa vào dòng thác nhỏ tạo thành dòng thác lớn. Lệ thi vượt thác từ đó không còn nữa và dòng thác lớn cứ chảy mãi, chảy mãi. Câu chuyện về thác Bản Ba được người dân trong xã lưu truyền cho đến hôm nay.
Ông Ma Đức Thạch là một người dân đã sống ở đây nhiều năm. Giờ đây ở tuổi ngoài 60, ông vẫn thường xuyên có mặt trên con thác, vào những ngày hè được chứng kiến nhiều đoàn du khách từ khắp mọi nơi đến khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác Bản Ba, ông càng thấy tự hào hơn về danh thắng đẹp mà thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng cho quê hương mình. Không biết tự bao giờ, ông Thạch đã trở thành một tình nguyện viên của nhiều đoàn du khách khi đến thác Bản Ba. Qua lời kể của ông, du khách hiểu thêm về truyền thuyết của dòng thác cùng với những phong tục tập quán truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.
Ông Ma Đức Thạch kể cho du khách nghe về truyền thuyết của dòng thác
Ở nơi bắt đầu dòng thác, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi được đứng giữa một cánh rừng nguyên sinh, quanh năm vi vu khúc nhạc hòa cùng tiếng hót du dương và thánh thót của các loại chim rừng. Nếu như ở phía dưới luôn sôi động bởi tiếng ầm ào thác đổ thì ở trên đỉnh thác, du khách lại được đắm mình trong cảnh thiên nhiên đầy yên tĩnh và gần gũi, phù hợp với những ai muốn đi tìm cho mình một khung cảnh tĩnh mịch mà thi vị giữa thiên nhiên hoang dã.
Dòng thác đổ trắng xóa giữa cánh rừng đại ngàn trải dài với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi tầng tầng cành lá che kín mặt trời, những thân dây leo chằng chịt hình thù kỳ dị vươn ra tứ phía hoặc vắt ngang đâu đó tạo thành những chiếc võng lý tưởng cho khách nghỉ chân trong cuộc hành trình khám phá thượng nguồn con thác.
Thám hiểm rừng già là thú vui dành cho những du khách yêu thiên nhiên hoang dã. Đến với thác Bản Ba, du khách còn được ngắm nhìn nhiều loại chim, thú quý cùng với những đàn bướm sặc sỡ sắc màu, các giống côn trùng và nhiều loài thực vật hoang dã, được hít thở mùi hương rừng tinh khiết hay ngắm những bông hoa rừng giản dị mà khiêm nhường như tấm lòng của người dân vùng cao hiếu khách.
Thác Bản Ba có một vẻ đẹp độc đáo bởi cả chuỗi thác liên hoàn với ba tầng thác lớn mang tên thác Tát Củm, Tát Cao và thác Tát Gió cùng lúc đổ nước thẳng đứng ở độ cao 1000 mét và điểm xuyết thêm nhiều dòng thác nhỏ. Dòng thác nhỏ cao từ 5 mét đến 7 mét chia thành các khe, nhánh mềm mại như dải lụa trắng tỏa rộng ra xung quanh, khi băng qua những triền đá, khe núi, có lúc lại dịu dàng trôi, len lỏi buông lơi, khi trữ nước vào nhiều vực mà thoạt nhìn như những ao, giếng, mặt nước như gương xanh biếc da trời đã tạo nên bức tranh thiên nhiên kỳ ảo và có sức quyến rũ lạ thường.
Dòng nước thác Bản Ba đổ xuống các bậc đá tung bọt trắng xóa tạo nên một dây chuyền âm thanh ầm ào, vang động cả cánh rừng nguyên sinh. Cạnh những cột nước của thác có rất nhiều những tảng đá to và phẳng như những chiếc chiếu nghỉ thiên nhiên để du khách dừng chân ngắm cảnh hoặc làm nơi hạ trại. Từ đây, những ai thích khám phá thiên nhiên và ưa thích du lịch mạo hiểm có thể ngược dòng thác, hướng lên thượng nguồn và đặt chân đến nơi bắt đầu của dòng thác Bản Ba.
Đến với thác Bản Ba, du khách được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp đầy ấn tượng mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người, được đắm mình giữa bãi tắm rộng trong làn nước trong xanh soi rõ từng viên cuội sỏi. Những giờ phút dạo chơi vãn cảnh bên dòng thác sẽ mang đến cho du khách một cảm giác thư thái, sảng khoái, xua tan những mệt mỏi sau chuỗi ngày làm việc căng thẳng. Một điều thú vị nữa là sẽ được những người dân nơi đây kể cho nghe sự tích "Cây dong lá đỏ".
Chuyện kể rằng, ngày xưa chúa Cả Lượng cai quản đất này, một hôm chúa đi tắm thác gặp rồng quấn mây hồng liền cưỡi rồng bay ngược lên đỉnh thác. Chúa gặp bầy tiên nữ thách đánh cờ, chúa thắng được tiên tặng cho đôi hài ngàn dặm. Nhờ thế chúa học ở kinh đô nhưng đêm đêm vẫn bay về nhà gặp vợ mà mẹ chúa không hay biết. Thấy con dâu có mang, mẹ chúa nghi oan cho con dâu. Để rửa oan, một tối nọ, vợ chúa dấu một chiếc hài làm chứng. Sáng ra chúa lên kinh đô bằng một chiếc hài tiên, chiếc kia đắp bằng đất sét. Lội thác, hài đất sét tan, chúa vào học muộn bị vua đuổi học, chúa lỡ lời bất kính bị vua cho quân đuổi theo trị tội. Chúa Cả Lượng chạy về hóa thân thành chiếc cột nhà, lính cưa cột ngang tầm vai, chúa hóa thân lại thành người, đầu lìa khỏi cổ, phép màu cũng không thể gắn được. Máu của chúa chảy thấm ra đất mọc thành lá dong đỏ.
Đến ngày nay, dong lá đỏ vẫn sinh sôi mà chỉ có ở rừng Bản Ba. Lá dong đỏ gói với xôi nếp Chiêm Hóa là đặc sản mà ai đã được nếm, đều cảm nhận được vị rừng thấm đẫm nơi đầu lưỡi. Cùng với cơm lam, xôi ngũ sắc, thịt trâu xào măng chua, mắm cá ruộng, bánh gai, rượu báng... là những món ăn quen thuộc của đồng bào dân tộc Tày nơi đây.
Một phong cảnh đẹp, không khí trong lành cùng với bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã giúp cho du khách được tận hưởng chuyến đi trọn vẹn cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ và thơ mộng.
Những sản phẩm mây giang đan thể hiện sự khéo léo của các cô gái Tày, H'Mông là quà lưu niệm hấp dẫn du khách
Đến Bản Ba hôm nay, du khách còn được đi thăm làng nghề mây giang đan của bà con các dân tộc xã Trung Hà. Nếu muốn, du khách còn có thể tự tay làm một sản phẩm mây giang đan để làm kỷ niệm. Dưới chân thác, những cánh đồng lúa làng Bản Ba xanh rì tươi tốt. Những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày, Dao, Nùng cất ven sườn núi và thấp thoáng trong thung lũng Bản Ba. Bản làng nơi đây giờ đã no ấm, đông vui nhưng vẫn giữ được nhiều nét đẹp của nếp sống văn hóa cổ truyền. Những câu hát đối, đáp Sli nồng nàn, hát lượn trữ tình trong tiếng đàn tính khoan nhặt sau bếp lửa bập bùng.
Không chỉ hấp dẫn du khách bởi những tầng thác nước trắng xoá mà những truyền thuyết, những ngôi nhà sàn thấp thoáng dưới chân núi, cùng với tiếng hát sli, hát lượn, hát then quấn quýt và hơn cả là tấm lòng mến khách của người dân nơi đây chính là lời mời gọi du khách - Hãy cùng đến Bản Ba./.
P.v