Nhà cổ ở Sa Đéc
|
Hàng cột hiên nhà ông Nguyễn Văn Thường
|
Sa đéc là một thị xã lâu đời ở đất miền Tây Nam Bộ với chiều dài lịch sử trên 300 năm. Từ một địa danh chợ Vĩnh Phước thuộc phủ Tân Thành, huyện Vĩnh An vào thời Minh Mạng (1832), Sa Đéc trở thành một địa hạt do người Pháp lập ra khi chia tách từ tỉnh An Giang và trở thành tỉnh lỵ từ năm 1889.
Với địa thế nằm bên bờ sông Tiền, trên con đường thủy giao thương đi Phnôm Pênh, là trung tâm của một miệt vườn trù phú, Sa Đéc từ xưa đã là một nơi thị tứ và cảng sông quan trọng. Nơi đây đã sớm hình thành phố thị, nhà cửa, phố xá đông đúc và được xây dựng công phu mà hiện nay vẫn còn tồn giữ được rất nhiều ngôi nhà cổ. Người Pháp đã sớm xây dựng các công trình công thự ở cồn Tân Quy Đông biến Sa Đéc trở thành một thị xã có quy hoạch kiến trúc kiểu Châu Âu. Điều này làm cho Sa Đéc hiện tồn tại hai dạng nhà cổ có tuổi đời trên trăm năm, một dạng nhà cổ truyền thống thuần Việt thường bằng gỗ và một dạng nhà cổ ảnh hưởng kiến trúc Phương Tây xây bằng gạch, hay nhà xây kết hợp nhà gỗ.
Các ngôi nhà gỗ xưa của Sa Đéc thường có tầm vóc khá lớn, nó thể hiện sự giàu có của chủ nhân, (thường là các doanh thương buôn bán theo đường sông nước) và tiện ích của con sông Tiền khi dễ dàng vận chuyển gỗ quý từ Cămpuchia về. Trong số các ngôi nhà cổ trên, nổi bật nhất là hai ngôi nhà cổ truyền thống theo kiểu nhà rường Huế, được làm hoàn toàn bằng gỗ tốt, chúng có tuổi đời lâu nhất và phần chạm trổ tinh vi có giá trị mỹ thuật cao.
Ngôi nhà thứ nhất là của ông Nguyễn Văn Thường, ấp Phú Hòa, xã Tân Phú Đông, thị xã Sa Đéc. Ong là đời thứ 3 của chủ nhân đầu tiên, ông Nguyễn Văn Mao. Vốn là một người buôn bán mặt hàng nổi tiếng của Sa Đéc thời đó là cau khô nên rất giàu có, ông Mao đã mua lại căn nhà này từ một người thợ kim hoàn, dựng lại vào năm 1910. Ngôi nhà có cấu trúc 3 gian, 2 chái theo lối nhà rường Huế có phần cải biên theo nhà cổ Nam Bộ, mái lợp ngói âm dương, nền nhà lót gạch tàu hình lục giác. Điều đặc biệt của ngôi nhà là từ các bộ phận kiến trúc như cột, kèo, thanh xà đến các phần trang trí như bao lam, thành vọng và các bức hoành phi, liễn đều bằng gỗ mun, để lâu đời lên nước càng lau càng bóng.
Các phần trang trí của ngôi nhà như bao lam, khám thờ, thành vọng được chạm trổ tinh xảo với nhiều đồ án hoa văn truyền thống kết hợp với cẩn ốc xà cừ. Ngay từ các cây cột cũng được tạo dáng khá cầu kỳ, chân cột được đẽo thành hình chiếc đôn có chân loe, bụng thắt. Nằm ở dưới các đầu cột của thanh kèo là các hình chạm với đồ án cá hóa rồng. Mặt dưới thanh kèo được chạm viền theo khung chữ nhật, phía trong chạm các đồ án mang phong cách Huế với các đề tài Tứ thời như: mai hóa lân, sen hóa quy, cúc hóa phượng, phật thủ hóa long. Các mặt vách của ngôi nhà cũng theo kiểu thức của nhà cổ phía Nam, các phần chạm khắc được bố trí trong các ô hộc xen kẽ nhau cùng với chấn song tạo nên các mảng vách dày đặc về họa tiết nhưng lại dễ dàng thông gió. Hình chạm trong các ô hộc là đồ án hoa lá quen thuộc như mai điểu, tứ linh, cúc, lan … cách chạm lộng cao khối làm cho họa tiết rất sắc sảo. Bao lam là một khối mỏng thếp vàng viền theo cấu trúc trang nghiêm, vuông vắn với các ô hộc đan xen nhau của khám thờ.
|
Nhà ông Lê Văn Võ, được cất vào năm 1860 |
Ngôi nhà cổ thứ hai là của ông Lê Văn Võ, nằm gần ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Thường. Ngôi nhà này được xây dựng vào đời vua Tự Đức năm thứ 13 (1860), đã tồn tại đến nay qua 3 thế kỷ và trở thành ngôi nhà cổ lâu đời nhất tại Sa Đéc. Ngôi nhà này được làm bằng gỗ căm xe với cấu trúc 3 gian 2 chái. Không gian kiến trúc của nhà căn nhà này cũng giống căn nhà trước, nhiều mảng chạm trổ tinh xảo gắn với các mảng cẩn ốc xà cừ. Sau hàng cột thứ nhất là hàng cột thứ 2 cùng bộ khung cửa. Khung cửa và vách được chạm trổ rất phức tạp, theo các đường viền, uốn cong hình bán nguyệt như cửa chính hay cắt chéo góc như hai cửa bên. Trên khung cửa là các ô hộc chạm đề tài tứ linh, hoa lá. Để tôn thêm các họa tiết được chạm, các nghệ nhân còn chạm thêm một lớp hoa văn hình chữ vạn, hình tổ ong lót phía sau. Cùng với các ô hộc hình hoa lá, vách nhà được xếp xen kẽ hình hoa văn đơn giản như chữ vạn, quả trám, tổ ong hay song tiện để tránh sự đơn điệu. Đầu kèo chạm hình hoa lá, trái cây như mai, đào, cúc, lựu. Mặt dưới thân kèo cũng chạm trổ đồ án hoa lá với nét chạm sâu làm nổi rõ họa tiết. Khác với căn nhà trước, căn nhà này có bộ bao lam lớn và chạm trổ cầu kỳ hơn, chiếm vị trí chính trong các gian thờ. Chính giữa bao lam là hình con dơi ngậm vòng (tượng trưng cho phúc), hai bên là hình hoa hồng, chim trĩ ở tấm giữa, chim và hoa mai ở hai tấm hai bên.
Để hòa hợp với kiến trúc ngôi nhà là các vật dụng nội thất cũng cổ xưa không kém như trường kỷ, bàn ghế, tủ thờ, các cây đèn dầu cổ… Trong ngôi nhà này còn treo rất nhiều hoành phi, câu đối được sơn son, thếp vàng hoặc khảm xà cừ bằng chữ Hán và chữ Nôm, góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp cho không gian nội thất, thể hiện một phần nào suy nghĩ của người Sa Đéc, coi mình như một vùng đất hiếu học của miền Tây.
N.T.T
Tài liệu tham khảo:
_________________________
Bảo tàng Đồng Tháp
Nguyễn Đình Đầu. 300 năm Sa Đéc. Tạp chí Xưa và Nay số 448
tháng 10/97
Điện ảnh Đồng Tháp.
Phim tài liệu Sa Đéc xưa và nay,
tập 2: Hồn xưa nhà cổ.
Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 11-12