Quang cảnh Đền Hạ
Theo các tài liệu “Hiệp Thuận linh từ”- đền Hạ được xây dựng năm 1738. Đền là nơi nhân dân thờ Mẫu Thượng ngàn, là nàng Phương Dung công chúa, con gái của vua Hùng. Ông Nguyễn Tất Lập, Trưởng Ban quản lý đền kể về lịch sử của ngôi đền: Trong văn bia ghi lại, hai công chúa được nhà vua cử đi thị sát phong tục tập quán ở địa phương, đến bến Tam Cờ thì dừng chân, đêm đến gặp một cơn giông tố, hai công chúa đã bay về trời. Mỗi khi có mưa to gió lớn dân làng thôn Hiệp Thuận đến cầu nguyện và thấy linh nghiệm, từ đó nhân dân lập nên đền thờ này.
Nằm giữa trung tâm thành phố, phía trước là dòng sông Lô lịch sử, phía sau lưng núi Là làm thế tựa, đền Hạ bề thế, u tĩnh trong cảnh núi non sông nước hùng tráng. Trải qua các thời kỳ, đền có các tên gọi khác nhau, đời Lý gọi là đền Tam Kỳ, đời Trần có tên là đền Hiệp Thuận. Lúc đó đền thuộc thôn Hiệp Thuận, xã Ỷ La, đến Hậu Lê mới có tên là Đền Hạ như ngày nay.
Đền Hạ có kiến trúc theo lối nội công ngoại quốc, hướng chính Đông nhìn thẳng ra sông Lô. Trước sân chầu là hệ thống cổng phụ có bốn trụ, trên mỗi đỉnh trụ gắn một con phượng đắp nổi. Cạnh sân chầu là hai miếu còn gọi là Lầu Cô. Tiếp đến là Lầu Tế, thờ Đệ nhị Thượng ngàn, sau là Tam phủ thờ Đệ nhất Thượng ngàn, gian chính bố trí hình chữ tam gồm ba cung.
Nghệ thuật kiến trúc cổ nổi bật của đền là sự chạm khắc gỗ tinh xảo. Các cột, kèo, thượng lương, cửa võng, cửa xiếp đều được chạm trổ, với đề tài là tứ linh và tứ quý, trên thân cột chạm hình long giáng thuỷ cung. Đặc biệt, đền còn giữ được nhiều bảo vật lâu đời có giá trị nghệ thuật cao, nổi bật là quả chuông đồng, khánh cỡ lớn được đúc vào thời Lê, 3 pho tượng cổ cùng 20 đạo sắc phong của các triều Lê, Nguyễn. Nội dung các sắc phong vừa mang dấu ấn lịch sử vừa mang tính chất văn chương, ca ngợi phẩm chất cao quí và sức mạnh linh thiêng của các nương thần, phù trợ cho dân nước. Năm 1991, đền Hạ được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Đến năm 1994, đền được Nhà nước xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cổ.
Hàng năm vào tháng 2 âm lịch, đền Hạ tổ chức lễ hội rước Mẫu đầy uy nghi và linh thiêng, cầu cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt, mọi người được khoẻ mạnh. Lễ hội đã thu hút hàng nghìn người dân địa phương và khách du lịch đến tĩnh tâm, cầu mong cho một năm an lành, thuận lợi.
Không chỉ có giá trị cao về kiến trúc nghệ thuật, đền Hạ còn là nơi để người dân tìm về chốn linh thiêng để cầu an, một nét đẹp tâm linh của người Việt nói chung, của người dân Tuyên Quang nói riêng. Truyền thống của dân ta từ bao đời thờ Mẫu để nhớ về cội nguồn dân tộc, nương tựa khí thiêng sông núi, uy linh Tổ Tiên, để tâm thái thêm bình yên và mạnh mẽ.
Đặng Thủy