Thông báo Hán Nôm >> Tác giả >> T >> Chu Quang Trứ
74.Tấm bia chùa Giầu với niên đại thời Trần và chân dung vua Trần Nhân Tông (TBHNH 2001)

Cập nhật lúc 11h07, ngày 21/03/2007

TẤM BIA CHÙA GIẦU VỚI NIÊN ĐẠI THỜI TRẦN VÀ
CHÂN DUNG VUA TRẦN NHÂN TÔNG

CHU QUANG TRỨ

PGS - Viện Mỹ Thuật

Trong các di vật cổ thì bia đá thường chứa cả hai giá trị thư tịch và nghệ thuật, hai mặt này bổ sung nhau, từ tìm hiểu mặt này sẽ hiểu sâu hơn về mặt kia, nhưng sâu đến đâu còn do ở người khai thác và cách khai thác. Trên tinh thần nay, tôi muốn trở lại tấm bia chùa Giầu vẫn được hiểu là bia thời Trần nhưng sự chứng minh thì chưa kỹ.

Các tài liệu khảo cổ và Hán Nôm từ non 20 năm nay đã vài lần đề cập tới tấm bia này, đều gọi là "bia chùa Dầu". Chùa có tên chữ là "Khánh Long Tự", vậy Dầu có lẽ là tên làng. Nhưng không, chùa thuộc hai thôn Đinh và Trung thuộc xã Đinh Xá huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam. Nhân dân địa phương gọi là "chùa Giầu" với hy vọng mong cho quê mình được giàu có, và phải gần 700 năm nay đang thành sự thật. Có thể do phát âm tiếng "Giầu" không chuẩn, song nếu những tài liệu đã công bố viết là "chùa Dầu" thì sẽ không có ý nghĩa gì.

Chùa đã nhiều lần làm lại, giá trị kiến trúc và điêu khắc không có gì đặc biệt, song đặc biệt quý là tấm bia cổ bị vỡ làm 3 mảnh đã được chắp gắn lại bằng xi măng nên trông khá nguyên vẹn, hiện cao 96cm, trên dưới đều rộng 60cm, dày 12cm. Bia dựng gần sát tường, mặt sau quan sát rất khó, song bài văn có thể in dập được. Mặt trước có phần trán cao 13cm chạm một đôi rồng chầu vào bốn chữ viết thảo thành hai hàng dọc và hai hàng ngang (mỗi hàng đều chỉ có hai chữ), có thể đoán đọc là "Đại Phúc Thông Minh" (song cũng có người đọc là "Lục Tổ Thông Minh"). Cả hàng bia là bức phù điêu chân dung một người ngồi ngai, cao 64 cm, nếu kể cả vòng hào quang trên đầu thì cao 73cm; về chiều rộng thì vòng hào quang rộng 26cm, hai tay ngai cách nhau 43cm, mặt ngai rộng 30cm, còn đài sen rộng 40cm.

Dưới góc độ tài liệu thư tịch, bài văn ở mặt sau và hai sườn bai, ông Hồ Đức Thọ và ông Dương Văn Vượng (cán bộ Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Hà Nam Ninh, nay là tỉnh Hà Nam) trong Hội nghị Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1983 đã công bố bài "Về tấm bia thời Trần ở Đinh Xá (Hà Nam Ninh)", và sau đó ông Tống Trung Tín (cán bộ Viện Khảo cổ học) trong luận án Phó tiến sĩ, năm 1997 được in thành sách Nghệ thuật điêu khắc Việt Nam thời Lý và thời Trần - thế kỷ XI - XIV đều đã công bố khái quát nội dung bản dịch: Bia mang tên Ngô gia thị bi cho biết ở Mai thôn xã Đinh Xá lộ Lợi Nhân có ông Ngô Lãm được vua ban cho hiệu là Ngộ Không cư sĩ, vào năm Mậu Tuất niên hiệu Hưng Long thứ 6 (1298) đã cúng ruộng tiền để xây dựng Vân Am ở địa phương; đến năm Hưng Long thứ 12 (1304) đại sa môn ở đây viên tịch, Ngộ Không quyết định an táng tại địa phương. Phần tiếp theo ghi việc một số người cúng tiền, ruộng để tu sửa Vân Am.

Hai ông Thọ và Vượng cho hay mảnh bia ghi niên đại đã thất lạc, song ở mảnh bia còn lại có hai chữ "Đại Trị", "nhớ dòng chữ này mà chúng ta biết được một cách chắc chắn tấm bia được dựng vào thời Trần". Ông Tín thì thừa nhận luôn: "Bia chùa Dầu ở Đinh Xá (Hà Nam) có niên hiệu Đại Trị thời Trần (1358 - 1369)" mà không chứng minh gì.

Mấy năm gần đây, ông Phạm Văn Thắm có nhã ý cung cấp cho tôi cả bản chép chữ Hán, bản phiên âm và bản dịch nghĩa toàn văn tấm bia này. Ông vẫn gọi là bia chùa Dầu, vì có một số chữ mờ nên đôi chỗ phải dịch ý. Tên văn bia là Ngô gia thị bi nghĩa là Văn bia họ Ngô, nội dung gồm hai phần: phần đầu xin trích nguyên bản dịch:

"Tại tiểu am thôn Mai, kinh (...), lộ Lợi Nhân, nguyên có người ở Ông Xá đã mất, họ Ngô, được ban hiệu là Ngộ Không cư sĩ. Ngày 10 tháng 8 băn Mậu Tuất, niên hiệu Hưng Long 6 (1298) nhà vua [Ngự lãm] ở Vân Am, đích thân ông họ Ngô (...) dâng tấu xin đem đất vườn để dựng chùa. Khi ấy có vị Viên Tịch đại sa môn đã dâng tấu xin đem đất vườn để dựng chùa. Khi ấy có vị Viên Tịch đại sa môn đã dâng tấu xin phật Tam Thế cho về ở tiểu am thôn Mai, đến năm Hưng Long thứ 13 (1305) thì mất. Ngày 25 tháng 8 Ngộ Không quyết [định mai] táng. Vì lẽ đó dựng nhà tại đây.

Năm Bính Ngọ niên hiệu Đại Trị (1366), nguyên Nhập nội (...) [hiệu] đạo sĩ ẩn dấu công lao phù thuỷ vốn có [đi] khuyên giáo khắp nơi cúng ruộng làm chùa, khắc bia mới [để mọi người] được thụ trì kinh Ngọc Đế và kinh Đại Bi.

Hàn lâm Thư tả cục thượng chánh thủ xã chính Nguyễn Hồng (...), Nguyễn Chính, Vũ Thị Tiểu xuất tiền 10 quan [để dựng bia]".

Phần cuối bài văn ghi việc bà Lê Thị Đàm, ông Phan Cương và vợ là bà Trần Thị Ân, bà Dương thị Nương, ông Đỗ Văn Mã, ông Nguyễn Cán và vợ là bà Đỗ Thị Thịnh, các ông Trương Nhị, Phạm Đạt, Phạm Viêm và Phạm Tổng cúng ruộng hoặc ao cùng vị trí các thửa đất đó.

Từ những thông tin của văn bản bản dịch, chúng ta nhận ra một số vấn đề và các sự kiện chính:

- Bài văn không trực tiếp nói rõ niên đại, song nếu năm 1983 ông Thọ và ông Vượng chỉ vì thấy có hai chữ "Đại Trị" mà khẳng định "bia được dựng vào thời Trần" thì không thoả đáng, phải biết năm Đại Trị có sự kiện gì. Nay ông Thắm cho biết năm Đại Trị tổ chức khuyên giáo các nơi cúng ruộng làm chùa, nhân đấy khắc bia mới. Vậy bia mới có thể chính là tấm bia này. Sự phỏng đoán này sẽ được làm rõ hơn khi chúng tôi tìm hiểu ngôn ngữ tạo hình là hoa văn trang trí sẽ nói ở đoạn dưới.

- Ngày 08 tháng 10 năm Mậu Tuất niên hiệu Hưng Long 6 (1298) nhà vua ngự lãm về Vân Am, đích thân ông họ Ngô dâng tấu xin đem đất vườn để dựng chùa. Vậy vua đây là vua nào? Năm 1298 thuộc đời vua thứ 4 nhà Trần là Trần Anh Tông, nhưng đồng thời cũng có cả vua cha là Thượng hoàng Trần Nhân Tông. Trần Nhân Tông sau khi nhường ngôi thường đi vân du khắp nơi, sang cả Chiêm Thành, ngài đi tu và lập ra Thiền phái Trúc Lâm, được coi là vua Phật, là đức Phật tái thế ở Đại Việt.

- Năm Hưng Long 13 (1305) vị đại sa môn ở chùa thôn Mai mất, ngày 25 tháng 8 Ngộ Không quyết định mai táng ông và dựng nhà tại đây.

- Tên bài văn là "Ngô gia thị bi" nghĩa là văn bia họ Ngô, nhưng chỉ nói rất sơ lược về cá nhân ông họ Ngô có hiệu là Ngộ Không cư sĩ với các việc xẩy ra vào năm 1298 và 1305, đến năm 1366 dựng bia thì ông mất rồi. Trong danh sách những người công đức cho chùa không có ai họ Ngô.

Còn về mặt trước bia, năm 1983 hai ông Thọ và Vượng cho biết: "Mặt trước nổi bật phù điêu chân dung một vương công mũ, áo chỉnh tề, tai to, mặt lớn và hai tay vòng nâng "hốt" (?) trước ngực, ngồi trên ngai rồng, sau đầu có vòng nhật. Bức phù điêu này cao 0,70m rộng 0,40m dày chừng 2,5cm đến 3cm. Dưới bức phù điêu là băng hoa văn hình cánh sen. Dưới lớp cánh sen là bẩy lá đề sắp xếp tạo nên diềm chân bia. Hai bên thành và trán bia được viền bằng dải hoa dây cách điệu, mềm mại. Trán bia khắc đôi rồng chầu vào bốn chữ "Đại Phúc Thông Minh" (tôn quý cụ thể cái phúc lớn, sáng sủa, minh bạch) tương tự như kiểu "lưỡng long triều nguyệt" vậy".

Ông Tín tập trung khảo tả kỹ bức chân dung: "Choán kín lòng bia là hình chạm một người đàn ông đã luống tuổi đang ngồi trên ghế dựa (tay ghế chạm rồng), khuôn mặt béo tốt, phương phi, mắt dài, mày xếch, sống mũi thẳng, ria mép dài, mồm rộng, hai bàn tay vòng ngay ngắn trước ngực, hai chân buông thẳng, mũi bàn chân quay về hai phía, dáng vẻ quắc thước. Phục sức gồm có áo choàng rộng nhiều nếp lớn phủ kín từ vai đến chân, ống tay áo rộng xòe ra che kín trước bụng, phía dưới các ông tay áo xuất hiện ba dải dây lưng có tua tròn. Mũ đội kiểu "bình thiên" có hai phần: Phần dưới ôm khít đầu, phần trên loe rộng, đỉnh mũ bằng phẳng có trang trí các hình tròn và đường vạch chéo. Cổ đeo một vòng lớn có đính hạt ngọc (chấm tròn) và các tua dài. Phía bên dưới có hàng cánh sen dẹo".

Riêng ông Thắm do tập trung vào bài văn bia, nên chỉ nói rất ngắn: "Mặt trước bia trang trí dải hoa văn. Trán bia chạm hình lưỡng long, chầu vào bốn chữ Triện. Theo sự đoán nhận của chúng tôi, bốn chữ đó là "Lục Tổ Thông Minh". Lòng bia chạm khắc hình một người đàn ông đầu đội mũ bình thiên, ngồi trên một chiếc ngai, có thể đây là chân dung một người có công xây dựng chùa".

Ba nguồn thông tin trên khá thống nhất, chỉ khác ở mức độ khảo tả kỹ lưỡng hay sơ sài, riêng bốn chữ ở giữa trán bia thì do lối viết thảo mà hai chữ đầu có người đọc là "Đại Phúc", có người đọc là "Lục Tổ". Dựa vào mặt chữ cách điệu, chúng tôi nghĩ là "Đại Phúc" thì đúng hơn và sát với nội dung bài văn bia đã nói trên. Loại trừ sự khác nhau ấy, có thể rút ra hai vấn đề: Niên đại tương đối của bia, và bức chân dung là nhân vật nào?

Những người đi trước đều không khai thác ngôn ngữ tạo hình để tìm niên đại. Song chạm khắc trang trí luôn là ký tự mang tính thời đại, có thể đọc được niên đại tương đối xoay quanh niên đại tuyệt đối với sai số cho phép vài mươi năm. Ở trang trí bia chùa Giầu, chúng ta nhận thấy:

- Viền quanh bia là hai dây hoa uốn sóng đều đặn theo hình sin từ chân bia bốc lên rồi ngoắc ngọn vào nhau ở đỉnh bia, trong mỗi khúc uốn lại trổ ra một bông hoa lấp kín tạo bởi những guột móc toả về hai bên. Loại hoa văn này thường gặp trên nhiều bệ đá cuối thời Trần.

- Bố cục trán bia là đôi rồng chầu vào mảng chữ tên bia "Đại Phúc Thông Minh" ở chính giữa trán. Lối bố cục này phổ biến trên nhiều bia thời Lý và bia thời Trần, từ thời Lê về sau rất hiếm gặp mà mảng ô chữ được thay bằng hình mặt trời, còn tên bia được chuyển sang viết thành một hàng ngang dưới trán bia.

- Con rồng ở trán bia vẫn là loại rộng rắn uốn khúc đều đặn nhưng không thắt túi nữa, đã khá mập. Răng nanh vẫn quyện lấy môi trên kéo dài ra thành cái mào phải có ở rồng Lý nhưng tù hơn và có khi biến thành cái dấu hỏi to (ở đầu rồng tay ngai). Rồng đã có tai và sừng chạc. Con rồng này khá điển hình cho rồng nửa sau thời Trần.

- Phía dưới chân bia có một dãy chạm bẩy hình lá đề mà cạnh bị ấn khấc, xen kẽ phía trên là 6 hạt tròn nhọn đầu với những vạch cong như đang quay. Trong lòng các lá đề được chạm cặp sừng vắt chéo hoặc có một hay ba tia bốc lên, đan xen là hạt tròn nhỏ nhọn đầu. Có thể đấy là biểu hiện sự phát triển của thế giới, của vũ trụ. Những hình này thường gặp trên một số bệ đá cuối thời Trần, về sau còn phát triển kéo dài đến đầu thế kỷ XVII - tất nhiên có biến hoá.

Như vậy hình chạm trang trí cho biết tấm bia này được tạo ra vào khoảng cuối thời Trần. Từ khung niên đại tương đối này có thể tin đoạn văn bia nói rằng năm 1366 nhân có chuyện cúng ruộng làm chùa cần ghi lại mà đã tạc tấm bia này. Và chính do cách nói này mà bia không cần ghi thêm dòng niên đại tạo dựng. Các mảnh bia vỡ đã tìm thấy đầy đủ chứ không thiếu mảnh ghi niên đại. Ở đây hai thứ ngôn ngữ tạo hình và ngôn ngữ văn tự đã bổ sung nhau rất hữu hiệu.

Còn về nhân vật được chạm ở mặt trước bia, hai ông Thọ và Vượng bảo là hình "một vương công", ông Tín khẳng định "chính là hình ảnh Ngộ Không cư sĩ" ông Thắm thì nói dè dặt là "hình một người đàn ông... có công xây dựng chùa". Ông Tín đã khảo tả kỹ rồi, chúng tôi không cần bổ sung, song vấn đề là "đọc" được gì ở những thông tin ấy?

Nếu nhân vật chỉ có thân phận là một vương công hay một cư sĩ hoặc chỉ có công xây dựng chùa thôi thì làm sao được ngồi ngai rồng, hai tay cầm hốt, đầu đội mũ “bình thiên” và mặc áo như kiểu long bào, thậm chí phía sau đầu còn toả vòng hào quang và toàn thể lại ở trên một toà sen? Luật lệ phong kiến xưa chỉ giành những thứ trên cho thần, thánh hay ít ra là vua; người dân bình thường hay quan chức mà lạm dụng những thứ đó thì chắc chắn sẽ bị ghép tội rất nặng. Vì thế chắc chắn bức chạm chân dung này không thể là một ông Vương công hoặc một người đàn ông chung chung hay một ông cư sĩ Ngộ Không cụ thể!

Đối chứng với tượng đã biết có hình thức tương tự bức chạm trên, chúng tôi thấy có hai loại nhân vật là vua và Ngọc Hoàng ở cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Chẳng hạn các tượng "Đức Vua" Mạc trong vùng Hải Phòng bằng đá ở các chùa Đại Linh thôn Đại Trà làm năm1578, chùa Bạch Đa thôn Phúc Hải làm năm 1580, ở chùa Hưng Khánh thôn Trung Hành làm năm 1583, ở chùa Thiên Phúc thôn Hoa Niễu gắn với bia dựng năm 1562, ở chùa Hoa Tân thôn Bách Phương gắn với bia dựng năm 1582, ở chùa Phúc Linh thôn Nhân Trai và chùa Chiêu Tường thôn An Hưng cùng phong cách với tượng ở các chùa trên, rồi tượng gỗ vua Lê Đại Hành ở Hoa Lư (Ninh Bình) làm cuối năm1611 - 1612. Tương tự tượng các Đức Vua trên là tượng Ngọc Hoàng bằng đá chùa Hồng Phúc thôn Xuân Ổ (Bắc Ninh) làm cuối thế kỷ XVI và tượng Ngọc Hoàng bằng gỗ ở chùa Sổ (tức quán Hội Linh) ở thôn Ước Lễ (Hà Tây) làm đầu thế kỷ XVII. Thực ra Đức Vua (Mạc hay Tiền Lê trên đây) là vua ở cõi Trần, còn Ngọc Hoàng là vua ở cõi Trời, cả hai cùng là vua và cùng theo một cách thức thể hiện ở tư thế và trang phục. Những tượng vua và Ngọc Hoàng muộn hơn có khác một số chi tiết.

Từ sự đối chứng trên, bức chân dung chùa Giầu phải là Vua hoặc Ngọc Hoàng. Bản phiên âm bia chùa Giầu của ông Thắm, cuối đoạn nói về sự kiện năm 1366 có sáu chữ "tân điêu thạch bi, Ngọc Hoàng" ở giữa hai chữ bị mờ đằng trước và bốn chữ bị mờ đằng sau. Như vậy có thể hiểu là "làm mới bia đá và tượng Ngọc Hoàng" hoặc "làm mới bia đá", còn Ngọc Hoàng giúp mọi người thụ trì kinh Ngọc Đế (có lẽ là kinh Đạo giáo: Cao thượng Ngọc Hoàng bổn hạnh tập kinh như một số ván in lưu ở chùa quán Linh Tiên - Hà Tây). Dù đó là hình Ngọc Hoàng khắc năm 1366 thì cũng là theo mẫu vua thời Trần.

Tuy nhiên cũng có thể nghĩ đó là chân dung vua thực sự, ghi lại hình ảnh và sự kiện năm 1298 vua Trần Nhân Tông đã ngự giá về đây, và nhờ đó Vân Am có thêm đất của cư sĩ Ngộ Không dâng làm chùa. Trên thực tế lịch sử Việt Nam, nơi nào được các vua ghé thăm thường có hình thức gì đó để tôn vinh, thời chúng ta những nơi được Bác Hồ đến thăm cũng thường có nhà lưu niệm, bia hoặc tượng Người. Các hình Ngọc Hoàng thường không thấy có hào quang ở đầu và càng không ở trên đài sen, những thứ đó thường gắn với Phật. Vua Trần Nhân Tông là Tổ của Thiền phái Trúc Lâm, tức Vua đã hoá Phật, hay là Phật tái thế, do đó bức chân dung chùa Giầu có tư thế và trang phục vua, có đài sen và hào quang của Phật là hoàn toàn thích hợp.

Nói tóm lại, trở lại tấm bia chùa Giầu, chúng tôi muốn từ những gợi ý tư liệu của người đi trước, kết hợp với nghiên cứu thực địa, muốn xác định mấy vấn đề:

- Niên đại bia (gồm cả văn bia và hình chạm) là thời Trần, cụ thể là năm 1366. Đây là một tài liệu rất hiếm và rất quý mà hai ngành Hán Nôm và mỹ thuật cần đặc biệt coi trọng.

- Hình chạm ở mặt bia đằng trước chính là chân dung vua Trần Nhân Tông. Đây là hình ảnh vua Việt Nam sớm nhất hiện nay được biết, là mẫu cho các tượng vua và Ngọc Hoàng mà hình ảnh sớm hiện nay được biết là vào cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII. Tư liệu này ngành lịch sử và các ngành nghệ thuật (mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh) rất cần tôn vinh và khai thác.

- Với hai ý nghĩa trên Bộ Văn hoá Thông tin và UBND tỉnh Hà Nam cần có kế hoạch bảo tồn và tôn vinh đặc biệt với tấm bia chùa Giầu.

Thông báo Hán Nôm học 2001, tr.654-664

In
Lượt truy cập: