(HN) - (TP.HCM)

Hình khắc cổ bí ẩn trên đá ở Hà Giang

Những hình khắc bí ẩn từ nghìn đời nay ở bãi đá cổ Xín Mần, Hà Giang từng gây tranh cãi, đến nay đã dần được giải mã và hé lộ nhiều bí ẩn bị thời gian vùi lấp.

Vòng tròn được khắc trên đá.

Bãi đá cổ bí ẩn này nằm giáp ranh với các bản Nùng Mở, Nấm Chiến, Tả Cố Tỷ, là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Nùng. Nấm Dẩn theo tiếng Nùng có nghĩa là khu vực nguồn nước.

Bãi đá cổ liên quan mật thiết với tục thờ đá. Ông Lù Văn Phiên ở Nấm Dẩn cho hay: “Ở đây có tục thờ đá từ lâu đời nên những khối đá cổ bí ẩn kia không ai dám xâm phạm tới”.

Bãi đá cổ nằm trong một thung lũng rộng, xung quanh có dãy núi cao bao bọc. Suối Nậm Khoòng nằm giữa thung lũng bên những tảng đá ngổn ngang mà người dân bản địa gọi là Nà Lai Shứ, nghĩa là ruộng nhiều chữ.

Theo truyền thuyết mà người dân kể lại, khu có bãi đá cổ là nơi thần thánh cất giữ những bí mật. Những hình khắc lạ lùng trên các tảng đá được người dân coi như một biểu tượng thiêng liêng và khu vực thung lũng của bãi đá cổ được xem là “đất thánh”.

Tảng đá lớn với những hình khắc lạ nằm trên một thửa đất canh tác cách nhà ông Lù Văn Ngán, nguyên chủ tịch UBND xã Nấm Dẩn 25 m về hướng Tây. Theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam, thì đây là tảng đá thuộc loại magma biến chất, có hình chữ nhật với chiều dài bề mặt khoảng 12,7 m, rộng 9,2 m, độ dày không đều 1 - 1,4 m.

Bề mặt tảng đá không bằng phẳng, hơi cong khum hình lưng rùa. Trên tảng đá ấy có 84 hình chạm khắc với nhiều họa tiết và kích cỡ khác nhau. Ngoài 84 hình khắc, còn có 80 lỗ vũm được khoét với đường kính từ 5 - 6 cm, sâu 1 - 2 cm.

Theo các nhà khảo cổ, để tạo ra được các hình khắc, người xưa đã sử dụng kỹ thuật đục khắc rất thô sơ. Dùng đục có sự trợ giúp của búa, đục trực tiếp trên bề mặt tảng đá. Những rãnh đục này thường có mặt cắt hình lòng máng.

Tiến sĩ Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học Việt Nam phân tích: “Dụng cụ đục khoét ở bãi đá cổ Xín Mần phải có chất liệu kim loại là sắt. Các hình khắc phải được phác họa trước, đặc biệt là hình tròn”.

Ở đây có 3 khối đá lớn khắc nhiều ký tự lạ trên mặt đá. Dấu vết phong hóa trên bề mặt các khối đá được các nhà khoa học chứng minh là đã được sáng tác cách đây trên 1.000 năm và chưa thể giải mã để tìm ra chủ nhân. Bãi đá Nấm Dẩn là loại hình di tích khảo cổ có niên đại khoảng 2.000 năm và rất hiếm có ở Việt Nam. Đây có thể là di tích mộ thủ lĩnh cộng đồng hoặc khu đất thiêng thờ cúng các vị thần linh bản địa.

Theo tổng kết của tiến sĩ Trình Năng Chung, các hình vẽ trên đá gồm các hình dạng: hình học (như hình tròn, hình chữ nhật, hình vuông), hình hoa văn vuông và tròn, những vạch đục khắc song song, những biểu tượng sinh thực khí (phần nhiều là biểu tượng sinh thực khí nữ hình tam giác có rãnh dọc ở giữa), hình bàn chân người với kích thước như thật có ngón chân khắc lõm sâu trong đá, hình người trong tư thế giơ hai tay dạng hai chân như trong các bích họa thời tiền sử. Phong cách tạo hình và mô típ đề tài của các hình khắc ở Nấm Dẩn được các nhà khoa học nhận định tương tự như hình khắc ở bãi đá cổ Sa Pa.

Biểu tượng sinh thực khí nữ giới khắc trên tảng đá cổ.

Cũng theo ông Chung, trước đây tại hang Đồng Nội, Hòa Bình, các nhà khảo cổ người Pháp đã tìm thấy trên vách hang những hình khắc mang tính ước lệ về động vật và khuôn mặt người. Những hình khắc cổ còn tìm thấy trên vách hang Thượng Phú, Tuyên Hóa, Quảng Bình. Có thể nói nghệ thuật đục khắc đá ở Xín Mần nằm trong mắt xích truyền thống cổ xưa.

Khi so sánh mô típ hình người ở Xín Mần với các khu vực lân cận, các nhà khảo cổ nhận thấy có nét tương đồng với các bích họa ở Hoa Sơn dọc sông Tả Giang phía nam tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ thẳng thắn, chưa thể xác định chính xác niên đại của các hình khắc ở Xín Mần, vì hình khắc được sáng tác không cùng thời, bằng chứng là các hình vẽ ấy chồng chéo lên nhau.

Trong một cuộc khảo sát mới nhất tại Xín Mần, các nhà khảo cổ còn phát hiện di chỉ khảo cổ cách Nấm Dẩn 700 m, một tảng đá magma biến chất được kê chân khá cẩn thận, bề mặt đá rất bằng phẳng và còn giữ nguyên trạng thái phong hóa tự nhiên.

Hiện tại, các nhà khảo cổ tạm xếp di tích cự thạch Nấm Dẩn vào sơ kỳ thời đại sắt (khoảng đầu Công nguyên). Điều này phù hợp với dữ kiện khảo cổ học về loại hình di tích đá lớn ở khu vực Đông Nam Á.

“Ở khu vực Đông Nam Á, nghệ thuật bích họa thời tiền sử có niên đại tương đương văn hóa Hòa Bình mới chỉ tìm thấy ở một vài nơi như Thái Lan, Malaysia, Myanma và đề tài thể hiện chủ yếu là động vật và cảnh săn bắt thời nguyên thủy. Khi so sánh hình khắc ở bãi đá cổ Sa Pa và ở Xín Mần thì rõ ràng hình khắc Xín Mần có trước, dẫn chứng là những hình bàn chân người ở Xín Mần là nghệ thuật tạo hình nguyên thủy có ở khu vực Đông Nam Á cũng như trên thế giới”, tiến sĩ Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết.

An ninh thủ đô