Về Liên Chung nghe câu hát Ví
14:51 | 18/03/2014
Hàng thế kỷ nay, làng Hậu, xã Chung Sơn, Phủ Yên Thế xưa, nay là thôn Hậu, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, từng là cái nôi của làn điệu hát ví - hát ống rất nổi tiếng.
Đây là loại hình dân gian truyền thống với lối hát giao duyên, đối đáp nam nữ và trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng đậm nét. Trong câu hát thường có sự ví von so sánh để giãi bày tâm tư, tình cảm giữa người này và người kia, vì thế nhân dân còn gọi lối hát này là hát ví.
Hình ảnh người dân hát ví khi đi làm đồng
Hát ví thường gắn liền với đời sống sinh hoạt, lao động hàng ngày của người dân, vì thế có thể mỗi một hoạt động, việc làm của con người cũng có thể trở thành đề tài để sáng tác hát ví.
“Mặt trời đã xế về Tây
Hỡi em cắt cỏ bên đầy, bên vơi
Em còn cắt nữa hay thôi
Để tôi cắt với làm đôi vợ chồng”.
Hình thức diễn xướng của hát ví đơn giản, gắn liền với quang cảnh thiên nhiên sẵn có và sinh hoạt đời sống hàng ngày của người lao động. Lời thơ của hát ví, hát ống giản dị, mộc mạc, gần gũi như những lời nói đời thường, nhưng lại mềm mại, dễ nghe, dễ hiểu như chính con người nơi đây. Hát ví không quá khó bởi lời hát chủ yếu được phát triển trên nền tảng gốc là ca dao nhưng người hát cần sự sáng tạo, thông minh, khả năng đối đáp linh hoạt. Thường thì hát ví là hai bên nam nữ hát đối đáp với nhau. Có cả người già, người trẻ, nhưng thường thì người trẻ hay hát nhiều hơn.
Hình ảnh hát trên đình
Xưa kia, hình thức sinh hoạt dân gian này các đôi trai gái thường mượn cớ để làm quen nhau, tìm hiểu nhau vào những buổi trưa hè, gặp nhau ở ngoài đường hay cùng hát khi đi cấy ngoài đồng, hát để mời trầu, mời nước, bày tỏ tình cảm. Nét độc đáo của hát ví ở xã Liên Chung còn thể hiện ở sự phong phú về ngôn từ, khả năng ứng biến linh hoạt trong từng hoàn cảnh của đôi bên khi đối đáp.
Trong cuộc hát ống, hát ví đôi khi còn là những sự so tài cao thấp giữa các phường hát. Phường này, người này hát lên những câu đối để phường kia hay người kia đối lại hay giải đáp. Nếu đối đáp được thì đó là một sự thỏa đáng, còn nếu không thì bên thua coi đó là một món nợ hẹn lần sau đáp lại.
Cũng có khi trong hát ống, hát ví giao lưu còn là những câu bông đùa, giễu cợt, trêu chọc giữa người này với người kia để thử tài ứng đáp. Bên bị trêu chọc cố gắng suy nghĩ tìm ra câu hát sao cho thỏa đáng, nếu không bên nghe sẽ bị coi là thua và chịu đến lần sau.
Ông Nguyễn Văn Đài, người đã có công sưu tầm, khôi phục hát ví ở xã Liên Chung cho biết: Hát bông đùa gây cho người khác cảm giác bực nhưng không tức, giận mà không ghét mà chỉ cố gắng hát để đối lại cho nó thỏa đáng còn nếu mà không hát được thì là bị thua. Hát một câu minh chứng và giải thích.
Ra đời trong lao động sản xuất, trải qua thăng trầm của chiến tranh, câu hát, lời ca đã có lúc mai một. Nhưng đến nay hát ví Liên Chung đã được khôi phục, cả xã đã có một câu lạc bộ, sinh hoạt định kỳ vào các buổi tối.
Hình ảnh câu lạc bộ hát dưới gốc đa
Thành lập được hơn một năm, nhưng số thành viên câu lạc bộ hát ví ở Liên Chung đã phát triển khá mạnh. Số người tham gia ngày một đông và ở đủ mọi lứa tuổi.
Ban ngày đi làm, tối về tập hát… món ăn tinh thần của người dân vùng Liên Chung này rất đỗi giản dị, nhưng nó giúp làm vơi bớt đi những vất vả và thiếu thốn về vật chất.
Đình Vường - nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân thôn Hậu, xã Liên Chung, hôm nay, mọi thành viên trong câu lạc bộ hát ví, hát ống lại tụ hội để tập hát chuẩn bị cho buổi diễn ở khu văn hóa Đồng Mô.
Thành viên trong câu lạc bộ đang hát tập tại Đình Vường
Tinh thần của câu hát ví năm xưa đã được trở lại. Giờ đây vào mỗi buổi tối người ta lại được nghe câu hát ví thân thuộc từ mái đình Vường linh thiêng.
Qua bao nhiêu năm thăng trầm, câu hát đã trở lại với bà con nông dân ở đây. Dẫu vất vả, dẫu khó khăn, nhưng với họ, chỉ cần có tình yêu, niềm đam mê với làn điệu quê mình thì hành trình trở lại của một nét văn hóa truyền thống cũng bớt gian nan hơn.
Ban biên tập - Kênh VTC16