Đình Minh Hương Gia Thạnh hội quán tọa lạc tại 380 đường Trần Hưng Đạo, phường 11, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh.
Đình là nhà việc của xã Minh Hương, một xã được thành lập vào năm 1698, tập hợp con cháu người Hoa ở dinh Phiên Trấn. Năm 1808, vua Gia Long ban cho tên "Gia Thạnh đường" nên đình còn có tên Minh Hương Gia Thạnh. Năm 1867, chính quyền thuộc địa thay đổi cơ cấu hành chính, đình không còn là nhà việc của xã và trở thành hội quán của hội Minh Hương Gia Thạnh.
Đình được xây dựng năm 1797, trùng tu vào các năm 1839, 1901 và 1962. Lần trùng tu cuối sử dụng một số vật liệu hiện đại và xây thêm tầng lầu trên chính diện.
Kiến trúc đình theo kiểu nhà năm gian, vì kèo gỗ, mái lợp ngói ống, tường gạch. Nội thất đình bao gồm võ ca, chính điện và hậu điện. Bên phải võ ca có miếu Ngũ Hành.
Đứng trước cổng có thể nhìn rõ trên mái đình các trang trí hình lưỡng long tranh châu, cá hóa long, tượng ông Nhật bà Nguyệt, phù điêu trích tuồng tích của Trung Quốc ... do lò gốm Đồng Hòa sản xuất năm Tân Sửu 1901.
Bộ khung gỗ kết cấu kiểu kẻ chuyền và các cột gỗ kê trên chân đế bằng đá tạo cho đình thêm nét cổ kính. Trên cột và các đà ngang treo nhiều hoành phi, câu đối, phần lớn được làm từ đầu và giữa thế kỷ XIX. Có tất cả 38 hoành phi và 22 câu đối, tập chạm bốn chữ "Thiện tục khả phong" (Tục tốt đáng khen) do vua Tự Đức ban cho năm 1863 và câu đối của Trịnh Hoài Đức làm năm Minh Mạng thứ 2 (1821):
"MINH đồng nhật nguyệt diệu NAM thiên,
Phượng chử lân tường GIA cẩm tú
HƯƠNG mãn càn khôn binh VIỆT địa,
long bàn hổ cứ THẠNH văn chương"
Tạm dịch:
"Sáng cùng nhật nguyệt rạng trời Nam,
lân múa, phượng bay thêm gấm vóc
Hương khắp đất trời thơm cõi Việt,
rồng chầu hổ phục thịnh văn chương"
Chính điện đình xây trên nền cao, phía trước trang trí ba bao lam chạm lộng các đề tài tùng - hạc, mai - điểu, liên - áp, giỏ cua, giỏ trái cây ... Cuối chính điện là ba khám thờ lớn bằng gỗ đặt trên bệ gạch, được chạm viền chung quanh lưỡng long tranh châu, lân, phụng, dây hoa ...
Khám thờ thần đặt ở giữa với bài vị:
- Ngũ thổ tôn thần - Ngũ cốc tôn thần
- Đông trù tư mệnh -Bốn cảnh thành hoàng
Trước khám thờ có một lư trầm bằng đá và hai tượng Ngô Nhân Tịnh, Trịnh Hoài Đức cũng bằng đá đặt hai bên.
Bên trái là khám thờ Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh và Đô đốc tướng quân Trần Thắng Tài, hai vị quan tướng có công lớn, được triều Nguyễn phong là Thượng đẳng thần.
Khám bên phải thờ Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tịnh, hai người Minh Hương làm quan đến chức Thượng thư, (cùng với Lê Quang Định hợp thành "Gia Định tam gia", một nhóm nổi tiếng về văn học và sử học).
Góc trái chính điện có một chuông đồng. Quai chuông là một con rồng hai đầu, bốn chân. Thân chuông đúc nổi 2 hàng chữ "Gia Định thành Minh Hương xã công tạo", "Long tập Quí Mùi thu nguyệt" (chuông do xã Minh Hương thành Gia định làm năm Quí Mùi - 1823)
Hậu điện cách chính điện một sân thiên tỉnh nhỏ. Ở đây cũng có ba khám thờ trang trí giống nhau. Các vị tiền hiền khai sáng ra làng được thờ ở khám thờ chính giữa. Bên trái là khám thờ các hương chức và phu nhân có công, vợ chồng ông Trương Công Sĩ, người đã tặng đất cho xã. Những viên chức nhỏ có công và vợ được thờ ở khám bên phải.
Miếu Ngũ Hành thờ Ngũ Hành Nương Nương và Chúa Sinh Nương Nương (người chuyên lo giúp việc sinh đẻ). Trong khám thờ có tượng Bà mẹ Sinh. Trước tượng Bà là tượng hai hầu và mười hai bà mụ bồng đứa trẻ trên tay.
Phúc đức chính thần (Thổ Địa) và Bạch Mã Thái giám cũng được thờ ở miếu. Góc trái miếu có một chuông đồng đúc năm Tự Đức thứ 2 (1849).
Ngoài những hiện vật đã kể, trong đình còn nhiều hiện vật quí khác như: bia lập năm 1839 ghi tên những người Minh Hương làm quan có tiếng dưới triều Nguyễn; một số hoành phi câu đối, đặc biệt là đôi câu đối làm cong theo thân cột, chạm nổi long, lân, qui, phụng ... với đầu rồng được chạm cao hơn bề mặt câu đối gần một tấc, hai đỉnh gang làm năm 1842; bộ ghế chạm rồng, phượng; bộ thập bát binh khí ...
Đình Minh Hương là một trong những ngôi đình xưa ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ý nghĩa là một di tích của xã Minh Hương, nơi thờ tự hương hỏa của người Minh Hương, đình còn có giá trị về nghệ thuật thư pháp, nghệ thuật chạm khắc gỗ mang phong cách Việt Nam thế kỷ XIX.
Đình Minh Hương đã được Bộ Văn hóa ra quyết định số 43-VH/QĐ ngày 07/01/1993 công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật./.