Sự trường tồn của ngôi đền là nhờ một dòng họ nhiều đời nối tiếp nhau trông coi, chăm sóc.
Chuyện buồn nàng "Chúa tiên"
Bến Ghềnh ngày xưa giờ chỉ còn trong sử sách, nước sông Hồng qua hàng trăm năm bồi lở đã biến bến sông này trở thành dĩ vãng. Nằm ngay trên nền đất vốn là bến Ghềnh xưa kia, đền Ghềnh (quận Long Biên, Hà Nội) là đoạn cuối của một con ngõ nhỏ chạy ngoằn ngoèo ngay dưới chân dốc cầu Chương Dương.
Quá trình hình thành và tồn tại của ngôi đền này gắn với số phận buồn của nàng công chúa Ngọc Hân, người được cả kinh thành Thăng Long xưa kia gọi là "Chúa tiên" bởi dung nhan xinh đẹp và tài cầm kỳ thi hoạ xuất chúng.
Bến Ghềnh ngày xưa nhìn ra sông Hồng. |
Chuyện kể rằng, Lê Ngọc Hân (con gái thứ 9 của vua Lê Hiển Tông) năm 16 tuổi, được gả cho Quang Trung Nguyễn Huệ. Theo chồng, Ngọc Hân đưa con về xứ Thuận Hóa. Tuy nhiên, anh hùng đoản mệnh, vua Quang Trung chết sớm sau khi lên ngôi vua, triều đại nhà Tây Sơn tồn tại không được bao lâu.
Cuộc tình giữa Ngọc Hân và Nguyễn Huệ chỉ kéo dài 6 năm, sự ra đi đột ngột của chồng khiến người đẹp thành Thăng Long viết nên tác phẩm "Ai tư vãn" bất hủ. Vài năm sau, Ngọc Hân bệnh mất, rồi các con cũng lần lượt chết trẻ (có sử liệu viết mẹ con bà bị nhà Nguyễn giết để trả thù).
Nhà Nguyễn lên ngôi đã tìm cách tận diệt những người có liên quan đến triều đại Tây Sơn. Bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền (mẹ của Ngọc Hân), xót phận con gái sau khi mất, vẫn phải gửi thân xác ở Phú Xuân - Huế nên đã tìm cách "bí mật" đưa được hài cốt về an táng tại quê nhà (làng Nành, Gia Lâm).
Không ngờ, đến đời vua Minh Mạng, có kẻ đã đem việc "ngụy hậu" Tây Sơn vẫn đang được "mồ yên mả đẹp" ở quê mẹ, thoát việc "trả thù 9 đời" do vua Gia Long khởi xướng và thực thi. Triều đình Huế ra lệnh lập tức đào mồ quật mả Ngọc Hân lên, san đất thành bình địa cho cỏ gai mọc đầy, còn xương cốt thì đem vứt xuống sông.
Hài cốt mẹ con Ngọc Hân bị đổ xuống sông Hồng thuộc địa phận làng Ái Mộ, quận Long Biên. Thương xót Hoàng hậu tài hoa bạc mệnh, nhân dân Ái Mộ lập miếu thờ bà chính nơi bờ sông vớt được hài cốt. Dòng sông bên lở, bên bồi, qua thời gian gió mưa bão lũ không lâu sau, ngôi miếu nhỏ cũng bị lũ cuốn trôi…
Sau bao thăng trầm, đền Ghềnh ngày nay ngày một khang trang hơn. |
Dòng họ 5 đời trông coi
Cho đến năm 1858, cụ Ðặng Thị Bản, một người dân làng Ái Mộ đã đứng ra bỏ công sức, tiền của để tôn tạo đền thờ Ngọc Hân ngay trên nền miếu cũ ở bến Ghềnh (phường Bồ Đề, quận Long Biên ngày nay). Năm 1872, một lần nữa, đền lại bị phá sạch không còn vết tích, lần này là dưới bàn tay thực dân Pháp. Chúng đốt sạch ngôi đền trong cơn binh lửa đánh thành Hà Nội. Dốc lòng với việc tín nghĩa, bà Đặng Thị Bản lại đứng lên kêu gọi người dân quyên góp xây lại đền.
Trong đền thờ có lưu đôi câu đối ca ngợi Lê Ngọc Hân: Sơn nhạc chung linh, Lê thị chí kim lưu tự điển/Phong vân trường lộ, Nhĩ Hà dĩ bắc ngật sùng từ (Dịch nghĩa: Núi Nhạc linh thiêng, gương bà họ Lê truyền ghi sử sách/Sóng gió lặng yên, đền dựng to cao đẹp bến sông Hồng). |
Một ngày mùa thu lịch sử, tròn 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, tôi tìm đến đền Ghềnh, nơi bao đời nay vẫn là chỗ thờ tự người con gái tài hoa nhưng bạc phận. Đền Ghềnh bây giờ khang trang, trầm mặc dưới những tán cây rợp bóng.
Cụ thủ nhang Đặng Đình Khuê đã bước sang tuổi 79, vẫn minh mẫn, kể chuyện quá khứ, cụ ôn tồn: "Dưới thời triều Nguyễn, số phận ngôi đền éo le như chính cuộc đời công chúa Ngọc Hân vậy, quan quân lùng sục, bất cứ một dấu tích nào của triều đại Tây Sơn đều bị phá bỏ. Dân làng phải giấu bàn thờ vào hậu cung, còn phía ngoài thờ các chư vị khác "ngụy trang" để tránh sự phát hiện trả thù".
Theo lời cụ Khuê, gọi là đền Ghềnh vì trước cửa đền có một ghềnh nước lớn. Theo năm tháng, dòng chảy biến động, con ghềnh mất đi và chỉ còn lại dấu tích nơi tên đền.
Chủ nhang Đặng Đình Khuê là đời thứ năm của một dòng họ xây dựng và trông coi đền Ghềnh. |
Dòng họ Đặng Đình từ cụ Đặng Thị Bản đến nay đã có 5 đời nối nhau trông coi hương khói cho công chúa Ngọc Hân. Cụ thủ nhang Đặng Đình Khuê là cháu đời thứ 5 của cụ Đặng Thị Bản. "Ngày đầu, cụ tổ Đặng Thị Bản và nhân dân bỏ công sức xây dựng đền chỉ bằng tranh tre, bức vách. Thương xót cho số phận bi thương nàng công chúa Ngọc Hân, cụ Đặng Thị Bản đã tự tay mình đắp nên bức tượng toàn thân rất có hồn. Trải qua 152 năm, bức tượng người công chúa vẫn vẹn nguyên những đường nét và vẫn được đặt trang nghiêm trong hậu cung…".
Sau khi cụ Đặng Thị Bản mất đi, con dâu cụ là đời thứ 2 sống tại ngôi đền này thay cụ coi sóc hương khói cho công chúa. Đời thứ 3 là cụ Đặng Đình Chả (ông nội cụ Khuê), rồi đời thứ 4 là hai bà cô của cụ Khuê, không lấy chồng mà cùng nhau sống tại ngôi đền này. Đến đời cụ Khuê, lớn lên tham gia kháng chiến, khi chiến trường lắng mùi khói súng, ông trở về tiếp nhận trông coi đền từ hai người cô mình.
"Đến đời của tôi, lúc đó mới có điều kiện để trùng tu, xây dựng lại ngôi đền. Khách thập phương đến thắp hương lễ lạt cho công chúa ngày một nhiều, được đồng nào, tu sửa đồng ấy. Cho đến bây giờ, toàn bộ kiến trúc ngôi đền đều được xây dựng bằng gỗ lim, kiên cố, uy nghi vững chãi. Thời thế xã hội bây giờ đã khác, chúng ta đã có cái nhìn đúng hơn, công bằng hơn về lịch sử, về nàng Ngọc Hân", cụ Khuê nói.
Nói về hoạt động của đền Ghềnh hiện nay, cụ Đặng Đình Khuê không khỏi phấn khởi khi cho biết, Hội đền Ghềnh nhiều năm nay thu hút đông đảo du khách thập phương. Cứ sáng mồng 6/8, vào chính hội, cả làng tươi vui trong đám rước kiệu bát cống của trai tân và kiệu võng của các cô gái đồng trinh.
Một trong những hoạt động không thể thiếu được là các nghi thức đưa rước thuyền ra giữa dòng Hồng, làm lễ thắp hương cho mẹ con nàng Ngọc Hân. Bao nhiêu năm qua, tro xương của mẹ con nàng vẫn còn nằm lại dưới dòng sông Hồng cuồn cuộn chảy không ngừng.
Cụ Khuê dẫn tôi ra phía đầu cổng đền, nơi bến Ghềnh ngày xưa, nơi đây nhìn thẳng ra dòng sông. Cụ không nén được xúc động khi rải một nắm tro giấy vàng xuống sông cho người xưa. Tôi không khỏi bâng khuâng xúc động. Tự đáy lòng mình, cầu xin dòng nước chở nặng phù sa này đưa linh hồn bà hoàng hậu bạc mệnh và con trẻ chết yểu vì thời cuộc về nơi siêu thoát.
Quang Thành