VĂN HÓA - XÃ HỘI
 
Rước kiệu Hùng Lô - Nghi lễ tri ân công đức tổ tiên

PhuthoPortal - Vào dịp Giỗ Tổ  hàng năm, các làng thờ Vua Hùng ở vùng ven Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đều rước kiệu về Đền Hùng, tạo nên sự tôn kính, linh thiêng của lễ hội. Đây là một trong những nghi lễ truyền thống được duy trì và bảo tồn từ hàng nghìn năm nay, có ý nghĩa giao lưu văn hóa, gắn kết cộng đồng, được nhân dân các địa phương nhiệt tình hưởng ứng, truyền đời gìn giữ. Trong lễ hội, có nhiều đoàn rước kiệu của các xã vùng ven về Đền Hùng nhưng đặc biệt hơn cả là đoàn rước kiệu xã Hùng Lô (Việt Trì).

 

Kiệu văn được lưu giữ từ năm 1697 và sẽ được dùng trong lễ rước kiệu về Đền Hùng năm nay

 

Hùng Lô xưa là vùng đất trù phú, có lịch sử phát triển lâu đời. Lúc đầu có tên là Khả Lãm Trang, sau đổi thành An Lão Thôn, sau đó là Kẻ Xốm và Hùng Lô ngày nay. Đình Hùng Lô là quần thể di tích có giá trị văn hóa, lịch sử nổi bật trên vùng Đất Tổ được xây theo kiểu chữ Đinh gồm 5 gian có nhà Tiền tế, tiếp đến là Phương Đình 2 bên là lầu chuông, lầu trống, trong cùng là tòa Đại Đình. Đây là công trình trọng yếu với kiến trúc hoành tráng gồm 3 gian, 2 trái, 4 mái rộng cao, 4 góc đao cong vút như 4 cánh hoa sen, hàng gạch hộp rỗng hoa chanh chạy theo bờ mái và những con kìm, con số gắn trên đầu nóc. Những khúc quanh trên nóc mái được gắn những tác phẩm đồ gốm quý được giữ gìn nguyên vẹn từ ngày khởi tạo. Trên nóc đình đắp Lưỡng long chầu nguyệt. Ngoài những giá trị về kiến trúc, đình Hùng Lô còn như một bảo tàng thu nhỏ lưu giữ được nhiều cổ vật quý như đỉnh, đèn, lư hương, hạc đồng và một số bình sứ cổ, cùng những hương án, sập thờ, đồ chấp kích và nổi bật là 4 cỗ kiệu văn, 1 bộ kiệu bát cống sơn son thiếp vàng và được đánh giá rất cao về nghệ thuật điêu khắc cổ thời hậu Lê thế kỷ thứ XVII.  

 

Đình Hùng Lô là quần thể di tích có giá trị văn hóa, lịch sử nổi bật trên vùng Đất Tổ

 

Lễ hội của Hùng Lô đã có truyền thống lâu đời, mỗi năm có 2 lần tổ chức là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch và lễ tiệc Thánh hóa vào ngày 12/9 âm lịch. Nhưng lớn nhất vẫn là lễ rước kiệu dâng lễ vật về Đền Hùng vào ngày Giỗ Tổ, trở thành tục lệ của làng cũng như người dân xã Hùng Lô. Vào dịp lễ hội Đền Hùng hằng năm, đến đình Hùng Lô, du khách sẽ được hòa mình trong lễ rước kiệu đi đến đâu náo động cả một vùng đến đó. Cuộc rước sẽ đi từ đình làng đến Đền Hùng; trở về từ Đền Hùng, các lễ tế tại đình làng mới được tiến hành, sau cùng là thụ lễ tại nhà Yến lão.

 

Anh Cao Đức Mạnh - Khu 8, xã Hùng Lô cho biết: Anh rất vinh dự và phấn khởi khi được tham gia rước kiệu về Đền Hùng. Những trung nam trong đội rước đều được lựa chọn kỹ càng, khỏe mạnh, tầm vóc ngang nhau và gia đình phải không có tang chế, ý thức được trách nhiệm của mình vì được giao trọng trách rất đáng tự hào đó là tái hiện một đội quân lính thời cổ xưa, phải mặc nghiêm trang và mỗi người lính mang theo một vũ khí cổ được phóng tác to bằng gỗ như: Đại đao, lưỡi tầm sét, chùy đồng, phủ việt, bát, biểu, cờ, lọng, chiêng, trống, đội sư tử, đội nhạc lễ bát âm, sinh tiền… trên kiệu có các lễ vật gồm bánh chưng, bánh giầy, hoa quả và những vật phẩm của dân làng sản xuất dâng lên cúng tế các Vua Hùng.

 

Gặp ông Nguyễn Văn Hòa - Khu 5, xã Hùng Lô, chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui phấn khởi trong mắt của ông, ông tâm sự: Năm nay ông đã gần 70 tuổi và cũng đã hơn 3 năm làm chủ tế chính trong ngày lễ rước kiệu về Đền Hùng. Mặc dù, tuổi đã cao nhưng gần đến ngày tế lễ ông vẫn luyện tập để làm thật tốt công việc mà mình được giao. Ông cảm thấy rất tự hào, luôn nhắc nhở các con cháu phải làm thật tốt công tác rước kiệu và phải có ý thức giữ gìn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của quê hương.

 

Ông Nguyễn Tiến Đức - Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Lô hồ hởi chia sẻ với chúng tôi: Xã Hùng Lô còn lưu giữ được những chiếc kiệu văn, kiệu bát cống có tuổi đời hơn 300 năm (1697). Không những thế, đoàn rước kiệu xã Hùng Lô còn có cả tấm biển thưởng sơn son thiếp vàng chạm khắc 7 chữ nổi “Hùng Vương kỷ niệm đệ nhất hội” giành được trong cuộc thi rước kiệu cách đây hơn 90 năm (năm Mậu Ngọ 1918). Kiệu rước các nơi hầu hết đều đã bị hư hỏng phải làm mới thì kiệu của xã Hùng Lô vẫn giữ được khá nguyên vẹn. Những năm trước Hùng Lô nổi trội hơn các đoàn rước khác vì sử dụng số người rước nhiều, gần 200 trung nam, ngoài ra còn có ban sư tử, thằng nô… ăn mặc chỉnh tề. Nhưng năm nay công tác tổ chức rước kiệu về Đền Hùng đã được xã hội hóa, tức là các địa phương có nguyện vọng rước kiệu đăng ký với Ban tổ chức để được tạo điều kiện về an ninh trật tự và hỗ trợ một phần kinh phí. Cho nên, xã Hùng Lô sẽ rước về Đền Hùng một kiệu với số lượng khoảng 50 trung nam. Mặc dù ít hơn những năm trước nhưng đoàn rước kiệu vẫn được tổ chức rất trang nghiêm tỏ tấm lòng thành kính, tri ân công đức với tổ tiên.

 

Kiệu bát cống được lưu giữ từ thời vua Lê Trung Hưng, niên hiệu Chính Hòa, năm Đinh Sửu - 1697

 

Như vậy, Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp để tất cả người dân Việt Nam cùng hướng về nguồn cội, thể hiện nghĩa đồng bào khởi cùng một mẹ Âu Cơ. Trong đó, nghi lễ rước kiệu của xã Hùng Lô cùng với sự lưu giữ các đồ thờ cúng tại đình làng thể hiện sự trân trọng đối với lịch sử. Tục rước kiệu thể hiện đạo lí uống nước nhớ nguồn, được bền bỉ trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên sự gắn kết cộng đồng, qua đó góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí của cả dân tộc. Đây chính là giá trị văn hóa độc đáo của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

 

Nguyễn Liên


 In bài viết   Gửi phản hồi  Quay lại 
Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email  
Tiêu đề  
Nội dung  
File đính kèm
     

 

CÁC VĂN BẢN CÁC VĂN BẢN

13:21 15/12/2014

Ngày 11/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới.