17/09/2012

Vịnh thơ Đường luật tranh Đánh ghen

Dưới đây là những bài thơ Đường luật vịnh tranh Đánh ghen - một trong những bức tranh phổ biến trong dòng tranh dân gian Đông Hồ.
đọc tiếp...

06/07/2012

Sinh viên FSB tìm hiểu nghệ thuật tranh Đông Hồ

(Maudantoc.com): Chương trình tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa truyền thống tại làng tranh Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh của sinh viên Viện Quản trị Kinh doanh FPT (FSB) sẽ diễn ra vào ngày 7/7, trang tin nội bộ tập đoàn FPT cho biết.


Các sinh viên FSB sẽ có chuyến trải nghiệm thú vị tại làng tranh Đông Hồ vào ngày 7/7 tới đây. 
Tại chương trình, các sinh viên sẽ có cơ hội trải nghiệm “Tập làm nghệ nhân” tranh Đông Hồ và tham gia các trò chơi bổ ích trong chương trình teambuilding.

Trước chuyến thăm làng tranh Đông Hồ, FSB cũng đã tổ chức rất thành công chương trình trải nghiệm văn hóa tại làng gốm Bát Tràng, Hà Nội.

Theo Chungta
đọc tiếp...

Từ câu danh ngôn của A.Lincoln và bức tranh Đông Hồ Gà đàn nghĩ về đoàn kết dân tộc

(Maudantoc.com): Đọc sử nước họ (Mỹ), ngẫm lại lịch sử nước mình thấy nhiều điều đáng suy nghĩ. Và nếu phải làm một vật lưu niệm cho bảo tàng nước mình, có lẽ là ta vẽ lại cái tranh Đông Hồ với câu chú của dân gian: “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Đó cũng là một bài học lịch sử sâu sắc.

Trên đây là ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc khi bàn về vấn đề đoàn kết nội bộ dân tộc thông qua câu nói của cố tổng thống Mỹ Abraham Lincoln: "“A house divided against itself cannot stand”. Từ điển Wikepedia dịch là “Một nhà tự chia rẽ thì ngôi nhà không thể đứng vững được".

Dưới đây, Maudantoc.com xin dẫn lại nguyên văn bài viết của ông đăng trên Báo Lao động trực tuyến, ngày 6/7/2012:

“Một nhà tự chia rẽ...”

 Đó là câu dịch ra tiếng Việt, mở đầu và được định danh như tiêu đề cho một bài phát biểu của vị tổng thống thứ 16 của nước Mỹ đọc cách đây 154 năm (1858).

Tác giả bên cạnh tượng Tổng thống Mỹ A. Lincoln tại di tích Gettysburg.
Thực ra, đó là câu lấy trong Kinh thánh, bản tiếng Anh đầy đủ như sau: “A house divided against itself cannot stand”. Từ điển Wikepedia dịch là “Một nhà tự chia rẽ thì ngôi nhà không thể đứng vững được”, nhưng ý nghĩa của nó có thể sâu xa hơn nhiều nếu gắn câu nói ấy vào thời đại lịch sử của nó.

Tôi đọc được dòng chữ ấy trên một chiếc đĩa sứ trên đó in hình một chiếc mũ rất đặc trưng và chữ ký của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln (1809-1865). Chiếc đĩa ấy được bày bán làm quà lưu niệm trong Khu di tích lịch sử về trận chiến Gettysburg (National Military Park). Đây là trận đánh lớn nhất và có một giá trị quan trọng hàng đầu trong lịch sử nước Mỹ.

Tôi đến thăm di tích này vào ngày 3.7, đúng vào ngày kết thúc trận chiến này cách đây 149 năm (từ 1 đến 3.7.1863), cũng là 1 ngày trước Quốc khánh Hoa Kỳ lần thứ 236. Những ngày này, Washington nắng nóng vừa do thời tiết bất thường, vừa do cơn lốc tối hôm 26.6 làm một số vùng mất điện. Vào những ngày nghỉ lễ này, dân chúng kéo đi shopping (mua sắm) hay camping (nghỉ dưỡng) ở những nơi mát mẻ... Những bảo tàng và các di tích lịch sử cũng là nơi thu hút đông đảo dân chúng...

Gettysburg thuộc tiểu bang Pennsylvania chỉ cách Washington DC chừng một tiếng rưỡi chạy xe ôtô. Đó là nơi diễn ra một trận chiến khốc liệt kéo dài trong ba ngày với con số thương vong được coi là đẫm máu trong lịch sử chiến tranh trên lãnh thổ nước Mỹ: 51.000 người (gần bằng số lượng quân nhân Mỹ bị chết trong toàn bộ cuộc Chiến tranh Việt Nam).

Nhưng điều đáng nói, đó lại là một cuộc nội chiến (civil war). Một quốc gia bắt đầu từ những cộng đồng cư dân tứ xứ, trước hết là từ châu Âu, và sau đó là các châu lục khác trong đó Châu Phi là nguồn cung cấp nhân lực rất to lớn cho sự khai phá miền đất vốn chủ nhân là những người da đỏ bản địa. Để rồi trải qua một cuộc phấn đấu gian khổ nó đã giành được độc lập khỏi ách thống trị của Đế quốc Anh từng rất hùng mạnh, một Hợp chủng quốc đã hình thành trên một lãnh thổ rộng lớn và giàu tiềm năng ở phía Bắc của tân lục địa.

Quốc gia với chế độ liên bang này từng gắn kết với nhau trong cuộc Cách mạng Giải phóng khỏi ách đô hộ của nước Anh nay dựa vào sức mạnh cộng đồng và tài nguyên của mình để phát triển lại phải đối mặt với một thách đố trước một giá trị mới mẻ, để rồi sau đó trở thành một giá trị tiêu biểu của thời đại, đồng thời cũng là đặc trưng của quốc gia trẻ nhất trong lịch sử nhân loại. Giá trị đó là sự tự do, và nền tảng của nó là dân chủ.

Ngày mà Abraham Lincoln, một đảng viên Cộng hoà của bang Illinois, xuất thân từ một luật sư nhỏ ở nông thôn nhưng có một thái độ rất kiên định trong cuộc tranh cử là chống lại sự mở rộng, và đấu tranh triệt tiêu chế độ nô lệ (chủ yếu là người da đen gốc châu Phi) đắc cử Tổng thống, cũng là thời điểm mà khối Liên bang bị rạn nứt, trước hết vì lợi ích cục bộ của một số tiểu bang trồng bông sử dụng rất nhiều nô lệ da đen ở phương Nam.

Buổi đầu là 7 sau đó là 11 bang ở phía Nam thành lập một Liên minh (Confederacy) tuyên bố ly khai khỏi Liên bang phía Bắc (Union) và bầu ra một tổng thống riêng là Davis Jefferson, một ngẫu nhiên trùng họ với vị Tổng thống thứ 3 đã từng là người dự thảo bản “Tuyên ngôn Độc lập” bất hủ của nước Mỹ (Thomas Jefferrson). Sau một hiểu lầm hay cũng có thể một sự cố tình tạo cớ, liên quan đến một tiền đồn của chính phủ Liên bang bị quân đội Liên minh tấn công, cuộc nội chiến đã bùng nổ vào ngày 12.4.1861.

Cuộc nội chiến kéo dài chỉ thiếu 3 ngày là đầy 5 năm thì kết thúc vào ngày 9.4.1865, thời điểm Đại tướng Tư lệnh quân đội Liên minh phía Nam Robert E.Lee đầu hàng. Nó trở thành cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử và trên lãnh thổ nước Mỹ khiến cho 750.000 binh sĩ tử thương và một số lưọng không xác định các thương vong dân sự. Có sử gia thống kê có đến 10% trai tráng ở các bang miền Bắc và 30% trai tráng da trắng ở miền Nam đã chết trong cuộc chiến này.

Liên bang được duy trì, nền cộng hoà được củng cố, chế độ nô lệ bị thủ tiêu không chỉ là chiến thắng của miền Bắc trước miền Nam mà là chiến thắng của Thống nhất đối với Ly khai. Tư tưởng cộng hoà đã được Abraham Lincoln phát triển không phải từ Hiến pháp đã lỗi thời vì từng chấp nhận chế độ nô lệ mà từ những tư tưởng bất hủ của “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nền độc lập của nước Mỹ. Quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc là của chung nhân loại chứ không phân biệt cho màu da và địa lý. Vì thế ý niệm về tự do đã trở thành một giá trị phổ biến và khát vọng không chỉ riêng cho dân tộc nào.

Abraham Lincoln đã chiến thắng trong cuộc nội chiến không chỉ bằng tài thao lược của người đứng đầu đất nước trong sự lựa chọn những vị tướng của mình (sau trở thành Tổng thống như tướng Ulisses S. Grant); không chỉ bằng việc chấm dứt chế độ nộ lệ đã huy động trong một thời gian rất ngắn 20 trung đoàn các binh sĩ da đen là những nô lệ mới được giải phóng làm thay đổi cán cân lực lượng; bằng một tinh thần kiên quyết thẳng tay trấn áp tư tưởng ly khai và một tinh thần khoan dung hoà giải ngay từ khi cuộc nội chiến chưa chấm dứt với tuyên bố không trả thù, sẵn sàng tha thứ cho những ai từ bỏ ly khai chấp nhận Liên bang và bằng chính sách Tái thiết đặt lợi ích Liên bang lên trên mọi vùng miền và đẳng cấp xã hội...

Đĩa lưu niệm ở di tích Gettysburg.
Trận thắng Gettysburg là tỉ lệ thuận giữa tổn thất to lớn với giá trị mà nó biểu dương tinh thần ái quốc của binh sĩ cả hai bên đã dùng máu để lại cho hậu thế bài học về cái giá của chiến tranh, của sự ly khai. Điều đó được thể hiện trong một bài diễn văn mà độ ngắn, sự cô đọng của nó tỉ lệ nghịch với tác động lịch sử mà Abraham Lincoln diễn đạt với đồng bào của mình.

Trận thắng của quân đội Liên bang tại Gettysburg chưa dẫn đến sự kết thúc của nội chiến nhưng là dấu hiệu báo trước sự sụp đổ tất yếu của các thế lực ly khai. Bốn tháng sau chiến thắng này, một nghĩa trang rộng 17ha do một nhà hảo tâm hiến tặng dành để chôn cất tất cả những binh sĩ của cả hai bên đã ngã xuống tại đây được khánh thành và ngày nay trở thành một trong những địa điểm nổi bật của di tích lịch sử này. Tổng thống Abraham Lincohn đã đến dự với một phát biểu ngắn sau một bài diễn văn rất dài của một người vốn nổi tiếng hùng biện đương thời là một cựu Bộ trưởng ngoại giao đang là một thượng nghị sĩ, thống đốc và Hiệu trưởng Đại học Havard danh tiếng.

Nhưng chính bài diễn văn ngắn chỉ gồm 10 câu với 272 từ này đã trở thành một áng văn lịch sử được đánh giá là văn kiện hay nhất trong lịch sử Anh ngữ, được sử dụng nhiều nhất và chứa đựng một thông điệp sâu xa nhất. Abraham Lincoln mở đầu bài phát biểu của mình bằng câu: “Tám mươi bảy năm trước, ông cha ta đã tạo dựng trên lục địa này một quốc gia được thai nghén trong Tự Do, được cung hiến cho niềm xác tín rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng”.

Trong câu tiếp theo, người đứng đầu Nhà nước Liên bang lại khẳng định rằng “Ngày nay chúng ta đang tiến hành một cuộc nội chiến vĩ đại nhằm thử thách quốc gia này” xem có đủ quyết tâm để theo đuổi và cống hiến cho những giá trị mà tiền nhân đã tạo dựng. Ông còn cho rằng, không riêng nước Mỹ, mà với các quốc gia khác, nội chiến cũng là những thử thách đáng giá như vậy.

Sau những lời tôn vinh đối với những binh sĩ đã ngã xuống, bài phát biểu của Tổng thống Abraham Lincoln kết thúc: “Quyết không để cái chết của họ là vô ích... (sự hy sinh của họ) sẽ sản sinh một nền tự do mới và chính quyền của dân, do dân và vì dân sẽ không lụi tàn khỏi mặt đất”.

Cho đến nay nguyên lý về “một chính quyền của dân, do dân và vì dân” vẫn được xem là hạt nhân của học thuyết chính trị về nhà nước hiện đại mà Abraham Lincoln được coi là người khởi công kiến tạo từ vị thế của một người đứng đầu nhà nước Hoa Kỳ. Tuy nhiên cũng cần nói thêm rằng, tư tưởng này lần đầu được trình bày trong một thuyết trình về chế độ nô lệ của Mục sư Theodore Parker ngày 29.5.1850 và những nhà nghiên cứu văn bản học truy nguyên cho rằng nó lại được phát triển từ trong lời nói đầu bản dịch lần thứ nhất Kinh Thánh ra Anh ngữ của John Wydiffe khi dẫn những nội dung ấy để minh chứng cho ý niệm về Dân chủ (a democracy).

Dẫu sao thì, mọi tư tưởng đều có thể là sự thừa kế nhưng vấn đề là nó phải được thể hiện thành một hệ thống lý thuyết có khả năng thể hiện trong đời sống và mang lại những tiến bộ cho con người thông qua thể chế chính trị của các quốc gia. Abraham Lincoln đã làm được điều đó.

Trở lại câu trích được in trên sản phẩm lưu niệm của di tích về trận đánh Gettysburg, nó có thể nằm trong Kinh Thánh, nhưng khi Abraham Lincoln đưa ra trong bài diễn thuyết tranh cử vào Thượng viện năm 1858 ông muốn nói đến sự xung đột trong nội bộ nhân dân sẽ phương hại đến dự tồn vong của quốc gia như thế nào. Cuộc nội chiến diễn ra sau đó khiến lời của ông như một tiên đoán và với cương vị người đứng đầu nhà nước Abraham Lincohn đã làm tất cả để giữ vững ngôi nhà quốc gia của nước Mỹ. Trong lịch sử đã ghi nhận ông là một người góp phần hoà giải dân tộc như thế nào. Lịch sử nhắc đến việc ông nghiêm khắc với những kẻ có tư tưởng ly khai bao nhiêu thì lại khoan dung với những người lính bấy nhiêu.

Sử Mỹ chép, sau khi thua trận, viên đại tướng của Liên minh phía Nam Robert Lee hỏi người thắng trận sẽ đối xử thế nào với những kẻ thua trận. A.Lincoln trả lời: “Cứ để họ thoải mái” và lời khuyên của ông là hãy trở về với đồng áng và những công việc họ đang làm trước chiến tranh. Ngay tổng thống thống phe ly khai Davis Jefferson bị tạm giữ ba năm vì nghi án vào vụ ám sát Abraham Lincoln sau đó cũng được tha, chỉ riêng tướng R.Lee thì được tự do nhưng mất quyền công dân trong hoạt động chính trị. Những gì để lại trên những nghĩa trang, những di tích và những trang sách viết về lịch sử cuộc nội chiến hầu như đều giữ thái độ tôn trọng những người đã chết dù thuộc bất cứ phe nào. Và điều sâu sắc nhất của lịch sử cuộc nội chiến chính là điều mà Abraham Lincohn đã phát biểu tại Nghĩa trang Gettysburg, “đó là thử thách vĩ đại” đối với nước Mỹ để xác tín những lý tưởng mà tiền nhân đã tạo dựng.

Người đọc sử Mỹ đều biết đến cái chết do một kẻ quá khích của tư tưởng ly khai còn lại sau chiến tranh đã nã phát đạn sát hại Abraham Lincoln, đã tôn vinh ông là một anh hùng dân tộc vì sự hoà giải và là một trong ba vị tổng thống vĩ đại nhất của quốc gia này ở ba thế kỷ: Georges Washington (thế kỷ XVIII), Abraham Lincoln (XIX) và Franklin Roosevelt (XX).

Đến thăm gian trưng bày về Chiến tranh Việt Nam trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Mỹ người xem cũng thấy cái thông điệp lớn nhất không phải là chiến thắng hay chiến bại trên trận chiến mà là sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ về cuộc chiến này là bài học sâu sắc nhất mà nước Mỹ đã trải nghiệm và muốn thể hiện trong pho sử quốc gia của mình.

Bức tranh Gà đàn trong dòng tranh Đông Hồ
Đọc sử nước họ, ngẫm lại lịch sử nước mình thấy nhiều điều đáng suy nghĩ. Và nếu phải làm một vật lưu niệm cho bảo tàng nước mình, có lẽ là ta vẽ lại cái tranh Đông Hồ với câu chú của dân gian: “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Đó cũng là một bài học lịch sử sâu sắc.

Dương Trung Quốc
đọc tiếp...

29/06/2012

Đến làng Đông Hồ thử Một ngày làm người Việt Nam

(Maudantoc.com): Chương trình truyền hình thực tế do kênh VTC10 thực hiện tại làng tranh Đông Hồ.

đọc tiếp...

22/06/2012

Tranh Đông Hồ bằng gạo rang

(Maudantoc.com): Đây là bức Đám cưới chuột - bức tranh được biết đến nhiều nhất trong dòng tranh dân gian Đông Hồ được ghép bằng những hạt gạo rang.

Tranh Đám cưới chuột bằng gạo
Tranh do cơ sở tranh gạo Ngọc Thảo (TP.HCM) sản xuất.

Binh Boong
đọc tiếp...

10/06/2012

Đề nghị đưa tranh Đông Hồ vào Danh mục DSVH phi vật thể Quốc gia

(Maudantoc.com): Theo Văn bản số 1586/BVHTTDL-DSVH của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh) nằm trong danh sách 12 di sản được Bộ yêu cầu lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Du khách tham quan phòng trưng bày tranh của gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế.
Cùng với Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ còn có 11 di sản khác gồm: Nghệ thuật truyền khẩu sử thi Tây Nguyên; Múa rối nước đồng bằng Bắc Bộ; Nghệ thuật Hát giao duyên Ví, Giặm; Nghệ thuật làm Gốm truyền thống của người Chăm; Nghệ thuật Xòe Thái; Tri thức và kỹ thuật Thổ canh hốc đá của các dân tộc thiểu số ở cao nguyên đá Hà Giang; Nghệ thuật Dù kê của người Khơ me Nam Bộ; Nghi lễ Quá tang (lễ Cấp sắc) của người Dao; Nghi lễ Chầu Văn của nguời Việt; Nghi lễ Then của nguời Tày; Tục chơi Bài Chòi mùa xuân của người Việt vùng Nam Trung Bộ. Trên cơ sở đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có kế hoạch lập hồ sơ đệ trình UNESCO xem xét trong những năm tới, theo đúng quy trình của UNESCO. Các tỉnh, thành phố có di sản tiến hành kiểm kê, lập hồ sơ khoa học và gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 31-7-2012.

Theo Báo Bắc Ninh
đọc tiếp...

21/05/2012

Tranh Đông Hồ trước cơ hội thành di sản văn hóa thế giới

(Maudantoc.com): Việc đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh sách di sản lập hồ sơ như luồng gió mới để du khách bốn phương biết đến và tìm về với những giá trị văn hoá thuần chất hồn Việt.

Đầu năm 2012, Bộ VH-TT&DL có Quyết định số 498 về việc đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh sách di sản lập hồ sơ trình UNESCO để xin xét tặng danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể trong giai đoạn 2012- 2016. Đã có một thời kỳ tranh dân gian Đông Hồ bị lãng quên, không ít hộ bỏ làm tranh chuyển sang làm đồ vàng mã. Việc đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh sách di sản lập hồ sơ như luồng gió mới để du khách bốn phương biết đến và tìm về với những giá trị văn hoá thuần chất hồn Việt.

Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Hoàng Cầm ngợi khen tranh Đông Hồ, xã Song Hồ (Thuận Thành) đầy niềm tự hào và kiêu hãnh trong bài thơ “Bên kia sông Đuống” như một món quà nghệ thuật của vùng quê Kinh Bắc. Trải qua những đổi thay của thời gian, dòng sông Đuống ấy vẫn ngày đêm đỏ nặng phù sa, bồi đắp. Ở đó “màu dân tộc” mãi sáng bừng trên giấy điệp.

Đầu năm 2012, Bộ VH-TT&DL có Quyết định số 498/BVHTTDL-DSVH về việc đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh sách di sản lập hồ sơ trình UNESCO để xin xét tặng danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể trong giai đoạn 2012- 2016. Đã có một thời kỳ tranh dân gian Đông Hồ bị lãng quên, không ít hộ bỏ làm tranh chuyển sang làm đồ vàng mã. Việc đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh sách di sản lập hồ sơ như luồng gió mới để du khách bốn phương biết đến và tìm về với những giá trị văn hoá thuần chất hồn Việt.

Du khách thăm quan gian trưng bày tranh Đông Hồ của gia đình ông Nguyễn Đăng Chế.
Ông Nguyễn Đăng Chế, người có công đóng góp khôi phục và phát triển dòng tranh dân gian Đông Hồ phấn khởi: “Hành trình ứng cử Di sản văn hóa phi vật thể đang ở phía trước, nhưng tôi luôn tin rằng những giá trị “hồn cốt” dân tộc mà tranh Đông Hồ gìn giữ sẽ mãi tỏa sáng lung linh”.

Tranh Đông Hồ nổi tiếng khắp trong và ngoài nước không chỉ bởi chất liệu đặc biệt, phương pháp in độc đáo mà còn bởi nội dung thể hiện đa dạng, phong phú mang tính nhân văn sâu sắc. Mỗi bức tranh đều mang một giá trị riêng biệt, giản dị mà độc đáo, những đường nét mộc mạc mà tinh tế cuốn hút du khách khắp nơi. Hiện gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế còn lưu giữ hàng trăm bản khắc cổ có giá trị lịch sử, văn hóa. Cái làm nên nét đặc sắc độc đáo của tranh Đông Hồ được chế biến thủ công từ các nguyên liệu: Giấy làm từ cây dó, màu đỏ từ gạch non, màu vàng từ hoa điệp vàng, màu đen từ lá tre đốt, màu trắng được nghiền từ vỏ sò, ốc…Trước khi in, giấy được bồi điệp làm nền, chất điệp óng ánh lấy từ vỏ con sò, con hến đã tạo nên chất liệu riêng biệt của tranh dân gian Đông Hồ.

Một trong những đặc điểm nổi bật dễ nhận thấy ở tranh Đông Hồ là luôn bám sát thời cuộc. Từ tranh châm biếm: Đám cưới chuột, Đánh ghen, Hứng dừa cách nay vài trăm năm đến những tranh Trai tứ khoái, gái bảy nghề vẽ về thói sinh hoạt đàng điếm của đám trai gái thành thị thời thực dân Pháp đến các tranh thể hiện cuộc sống thuần chất người nông dân Việt Nam cần cù chịu khó… Đó là cách cảm, cách nghĩ tinh tế của những nghệ nhân làng Mái xưa đã khéo léo vận dụng sáng tạo của mình để đấu tranh, phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội, đồng thời cũng thể hiện khát vọng và tình yêu quê hương đất nước qua đường nét, màu sắc trên từng bức tranh.

Sau nhiều năm có nguy cơ mai một, làng tranh dân gian Đông Hồ đang hồi sinh trở lại, trở thành một điểm tham quan hấp dẫn du khách bốn phương. Hi vọng tranh dân gian Đông Hồ sẽ ngày càng phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Bài, ảnh: Đào Khoa/Theo báo Bắc Ninh
đọc tiếp...
 
Blog Màu dân tộc | Mua tranh Đông Hồ | Thỏa thuận sử dụng nội dung | Sơ đồ trang | Góc báo chí | Liên hệ

Bản quyền 2009 - 2011 Boong bảo lưu mọi quyền.