Home‎ > ‎Lịch Sử‎ > ‎

Giòng Phái

SƠ LƯỢC VỀ GIÒNG PHÁI VĨNH NGHIÊM

Cả ba ngôi Chùa mang danh hiệu Vĩnh Nghiêm đã vang bóng hoằng truyền Phật Đạo từ miền Bắc Việt Nam tới Sài Gòn Việt Nam và tại Hoa Kỳ: 

Dù Cho Công Đức Vô Biên 
Vĩnh Nghiêm Chưa Tới, Phúc Duyên Chưa Tròn


I. Chùa Vĩnh Nghiêm tại miền Bắc Việt Nam: 

Chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng dưới triều đại nhà Lý. Theo bia tháp ghi lại, năm Thuận Thiên Nguyên Niên (1010), vua Lý Thái Tổ cử hai quan trong triều là Nguyễn Đạo Thành thiết kế đồ án và Phạm Hạt lo việc kiến thiết 8 ngôi chùa: Vạn Tuế, Thiên Vương, Cẩm Ý, Long Hưng, Vĩnh Nghiêm, Thánh Thọ, Thiên Quang, và Thiên Đức. Chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc tại xã Đức La trên một khu đất rộng hơn mười mẫu tây, nằm trên đồi, ven bờ sông Thương. Nay thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Hà Bắc. Chùa Vĩnh Nghiêm hoàn thành năm 1016, vị trụ trì đầu tiên là Thiền Sư Vạn Hạnh và các vị kế tiếp thứ tự gồm có quý Ngài: Đạo An, Minh Tâm, Bảo Tánh, và Huệ Quang (tức Vua Lý Huệ Tông) xuất gia thọ giới tại Chùa Chân Giáo. Tới tháng 10 năm 1224 về trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm.






Sang triều đại nhà Trần, đạo Phật phát triển hưng thịnh hơn, đã có các danh Tăng thiền sư, vua chúa xuất gia tu đạo và dùng chùa Vĩnh Nghiêm làm nơi khai tràng, thuyết pháp tiếp độ đồ chúng, đào tạo trên 10 ngàn tăng ni, trở thành đoàn sứ giả Như Lai, gửi đi trụ trì giảng diễn Phật Pháp khắp các chùa từ thành thị tới thôn quê. Năm Quý Tỵ (1293) vua Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, xuất gia tại Chùa Đông Cứu, núi Yên Tử, thọ giới tại chùa Vĩnh Nghiêm, pháp hiệu là Vân Yên Điều Ngự Giác Hoàng. Ngài đã dùng nơi đây làm đạo tràng hoằng dương Phật đạo, mở trường hạ hằng năm, dịch kinh diễn giảng, chỉnh đốn hàng ngũ Tăng giới, tạo tinh thần hòa hợp thống nhất Phật Giáo Việt Nam. Chùa Vĩnh Nghiêm còn là nơi phát tích giòng thiền Trúc Lâm. Ngài Vân Yên Điều Ngự Giác Hoàng đã kết hợp cả ba thiền phái thời bấy giờ là Tỳ Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường thành giòng thiền Trúc Lâm riêng của Việt Nam. Thiền phái Trúc Lâm đặc biệt nhấn mạnh sự tu tập nội tâm thích hợp với mọi hoàn cảnh trong cuộc sống dù xuất gia hay tại gia. Ngài Vân Yên Điều Ngự Giác Hoàng là đệ nhất Tổ, phái Thiền Trúc Lâm. Hai vị đệ tử kế tiếp là Pháp Loa, đệ nhị Tổ và Huyền Quang là đệ tam Tổ. Cả ba Ngài đều trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm đã đưa sự vẻ vang của ngôi chùa lên hàng đệ nhất Phật Giáo Việt Nam. 

Các Ngài trưóc khi đến mở cảnh tại Quỳnh Lâm cũng đã trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm. Quỳnh Lâm là một nơi địa danh bảo tích ghi dấu một trong tứ đại khí của dân tộc Việt Nam (Tháp Báo Thiên, Chuông Quy Điền, Vạc Phổ Minh và Tượng Quỳnh Lâm). Từ chùa Quỳnh Lâm tới Vĩnh Nghiêm địa bàn không xa lắm độ 18 km. Do vị trí liên hệ đặc biệt ấy nên dân trong vùng đã có câu: 
Ai qua Yên Tử Quỳnh Lâm,
Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành.


Bởi vậy, tín hữu Phật tử và lương dân khắp nơi đã đua nhau kéo về cảnh tự Vĩnh Nghiêm; các vị Vương Thần, Quốc Thích, khách thập phương đã phát tâm dâng cúng tiền của, ruộng đất cho chùa và ký tiến giòng họ thờ hậu tại chùa, đã tạo thành câu nói trong dân gian: 

Dù cho công đức vô biên
Vĩnh Nghiêm chưa tới, phúc duyên chưa tròn.


Tới thời Lê sơ (1428-1488) các danh tăng trụ trì gồm có: niên hiệu Diên Ninh (1454-1459) Ngài Chí Tôn Thượng Sĩ, tiếp theo niên hiệu Quang Hưng (1578-1599) có các Ngài Nguyễn Tư Nhiên và Nguyễn Phúc Mạnh trụ trì. Năm Minh Mạng thứ 11 (1830) được triều đình Huế tặng phong cho vị trụ trì là “Giới Đạo Độ Điệp Lâm Tế Chánh Tông Kim Cang Hoà Thượng”. Đến năm Cảnh Hưng thứ 10 (1849) Sư Bà Vũ Thị Lương trụ trì và trùng tu lần thứ ba. Kế vị là Hòa Thượng Thiền Mẫn. Tới năm 1930 là Hòa Thượng Thích Thanh Hanh, đệ nhất Pháp Chủ Thiền Gia Phật Giáo Bắc Việt. Từ năm 1950, Hòa Thượng Thích Mật Ứng đệ Nhị Pháp Chủ Thiền Gia và kế tiếp là Hòa Thượng Thích Quảng Duyệt, Hòa Thượng Thích Đức Nhuận, Pháp Chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cũng đã dùng nơi đây làm trường hạ cho toàn thể Tăng Ni miền Bắc. Chùa Vĩnh Nghiêm Hà Bắc là một chốn Tổ, Đại Tùng Lâm. Về hình thức, ngôi chùa rộng lớn xây cất trên khu đất mười mẫu Tây theo kiểu chữ Môn. Tòa Chính Điện ở giữa, hai dãy nhà Thiên Hương trai đường và Tăng Xá hai bên. Nơi này Tăng Ni kết hạ tu học trong bốn khóa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Phiá sau, nhà khách, nhà sinh hoạt tu bát quan trai cho tịnh nhân cư sĩ. Về nhân sự chùa Vĩnh Nghiêm là nơi hoằng truyền Phật đạo của các bậc danh Tăng suốt một bề dày lịch sử, đã được ghi trong Thi Ca Văn Hóa Việt: 

Vĩnh Nghiêm ánh đạo nhiệm màu,
Đệ nhất đất Bắc dẫn đầu chư Tôn
Nghiêm trì giới luật thiền môn,
Phát huy Tam Học, bảo tồn Ngũ Minh.
Mở trường tiếp độ tăng sinh,
Dạy truyền chánh pháp tận tình hoằng khai.
Duy trì Phật Bảo Như Lai,
Trúc Lâm Yên Tử cảm hoài xứ ta.
Hương Sơn thắng cảnh bao la
Long Giáng muôn vẻ thực là nghiêm trang.
Nhất Trụ Vua Chúa huy hoàng,
Trấn Quốc ghi dấu vẻ vang Lê-Triều.
Vọng Cung, Quán Sứ cao siêu
Quỳnh Lâm Phật tích có nhiều danh tăng
Lạng Sơn, Phú Thọ cao bằng,
Ninh Bình, Bích Động truyền đăng Phật toà.
Phúc Chỉnh, Non Nước, Cự Đà
Tế Xuyên, Cổ Lễ, Phật tòa xứng ngôi
Còn nhiều chốn Tổ các nơi,
Vang lừng Phật tích rạng ngời địa danh
Tất cả công đức thơm lành,
Cùng trong môn phái trong ngành Phật khoa
Hoằng dương Phật Đạo nước nhà
Vĩnh Nghiêm Đức Tổ Thiền Gia một giòng
Hằng năm quy tụ về đông
Tăng Ni thiện tín một lòng dâng hương.
Tưởng niệm công đức vô lường
Nguyện làm sáng lại Tổ Đường Vĩnh Nghiêm


II. Chùa Vĩnh Nghiêm tại Sài Gòn Miền Nam Việt Nam: 

Để tưởng nhớ lại giòng dõi quê hương Đất Tổ, đoàn người Phật Tử di cư từ miền Bắc vào lập nghiệp tại miền Nam, sau khi chế độ kỳ thị bất bình đẳng Tôn Giáo chấm dứt, năm 1964, nền thống nhất Phật Giáo Việt Nam được thành lập; Tăng tín đồ thuộc khối Phật Tử miền Bắc được công nhận là miền Vĩnh Nghiêm, một trong bảy miền theo Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thành lập năm 1964. Khối Phật Tử miền Vĩnh Nghiêm dưới sự lãnh đạo của Hòa Thượng Thích Tâm Giác, chánh đại diên miền đã xây cất ngôi Chùa Vĩnh Nghiêm trên một khu đất rộng hơn hai mẫu Tây tại số 339 Công Lý Sài Gòn. Thiết kế đồ án ngôi Chùa do Kiến Trúc Sư Nguyễn Bá Lăng đã hiến cúng phí tổn thiết kế. Tổng thể ngôi Chùa gồm có tòa Chính Điện hai tầng diện tích trên 5,000 m2. Tầng trên thờ Phật, tầng dưới Giảng Đường, bên cạnh là nhà Tăng, trường học hai tầng. Nơi đây hiện nay là Trường Cơ Bản và Cao Đẳng Phật Học, đã đào tạo hàng ngàn Tăng Ni tốt nghiệp, và được tuyển chọn đề cử đi du học các Quốc Gia trên thế giới và đã các cung cấp nhân sự cho Phật Giáo Miền Nam. 

Chùa Vĩnh Nghiêm cũng là nơi tiếp đón các phái đoàn Phật Giáo trong và ngoài nước thăm viếng hội họp. Vị trụ trì lúc đầu là Hòa Thượng Thích Tâm Giác, tiến sĩ xã hội học tại Nhật Bản, Giám Đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Kế vị là Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm, tiến sĩ triết học Phật Giáo Nhật Bản đồng môn với vị tiền nhiệm, Hòa Thượng Thích Tâm Giác. Hiện nay, vị quyền trụ trì là Đại Đức Thích Thanh Phong, tốt nghiệp trường Cao Cấp Phật Học Vạn Hạnh và Thạc Sĩ Triết Học tại Đại Học Phật Giáo Đài Loan và đã sang tu nghiệp tại Tổ Đình Vĩnh Nghiêm Hoa Kỳ. 


Vĩnh Nghiêm ánh đạo nhiệm màu
Giòng phái Bắc Việt mở đầu vào Nam
Tăng đồ kết hợp một đoàn,
Lập nên thắng cảnh Già Lam nước nhà.
Thiền Sư Tâm Giác tài ba,
Công nghiệp để lại nguy nga tuyệt vời.
Bảy tầng bảo tháp ngất tròi
Nhạc Thiền vọng tiếng muôn nơi khen mừng.
Chính tòa Bảo Điện hai tầng,
Dưới lầu nhà giảng, trai đường, phòng Tăng.
Tầng trên trần thiết hoa đăng,
Thích Ca Điều Ngự Kim Quang tọa thiền.
Văn Thù, Điạ Tạng, Phổ Hiền,
Chư Tôn Bồ Tát lời nguyền độ sinh.
Cửu Long cửa võng tứ linh,
Long, Ly, Quy, Phụng, tượng hình cao sang.
Câu đối diễn ý đạo vàng,
Hoành phi, tranh họa Niết Bàn Chân-Như.
Trai đường thờ Đức Tổ Sư,
Chư Tôn Thánh Chúng vĩnh cư Liên-Đài.
Y- Viện nhà khách vãng lai,
Từ Hàng phả độ muôn loài sinh linh
Khuôn viên phong cảnh hữu tình
Hồ sen non bộ đẹp xinh cá vàng.
Tam Quan cổng chính mở toang
Đón mời khách viếng đạo tràng Vĩnh Nghiêm
Công trình văn hóa nhất miền,
Sài Gòn chính lộ nối liền trường bay.




















III. Chùa Vĩnh Nghiêm tại Pomona, California, Hoa Kỳ: 

Một vị Tăng Sĩ trong giòng phái Vĩnh Nghiêm, Hòa Thượng Thích Minh Thông đã tạo lập ngôi Chùa này từ năm 1976, Ngài xuất gia từ nhỏ, du học tại Hoa Kỳ chuyên về tâm lý giáo dục, có kiến thức quãng bác về cả hai lĩnh vực Phật học và thế học. Đã là giáo sư các trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, Cần Thơ, Nông Nghiệp, Giáo Dục, Thủ Đức, Phật Học Viện Giác Hoa và Kim Cương. 

Tổng thư ký Cộng Đồng Phật Giáo Á Châu tại Hoa Kỳ. 

Giám Đốc hội thiện nguyện Phật Giáo (Buddhist Resettlement for Refugees) đã bảo lãnh 70 Tăng Ni và hơn 5,000 đồng bào từ các trại tỵ nạn Đông Nam Á và các Quốc Gia đệ tam vào định cư tại Hoa Kỳ. 

Đặc biệt, tài trợ tái thiết các cảnh tự già lam quê nhà bị xuống cấp và cấp học bổng trợ giúp Tăng Ni Sinh các Phật học viện và cho các em nghèo hiếu học tại quê nhà như Trưng Vương, Chu Văn An, Trương Vĩnh Ký, Nông Nghiêp, Công Nghệ và Doanh Thương. 

Đã nuôi dưỡng các trẻ em không có thân nhân định cư tại Mỹ. 

Hiện nay là thành viên của chương trình giáo dục và nuôi dưỡng thiếu nhi tại quận hạt Los Angeles. 

Như Quý vị đã biết, Chùa Vĩnh Nghiêm đã và đang xây cất một Trung Tâm Văn Hóa cho thế hệ con cháu Quý Đồng Bào Phật Tử. Thiết kế đồ án Chùa Vĩnh Nghiêm do kiến trúc sư Lê Văn Giệp và các kỹ sư Ngô Minh Triết, Trần Thanh và Nguyễn Đạt đã hiến cúng tất cả phí tổn và không nhận thù lao. Khuôn viên chùa gồm có: 

- Toà Chính Điện (thờ chư Phật, Bồ Tát và Thánh Chúng).
- Chùa Một Cột dựng trên hồ sen (thờ Bồ Tát Chuẩn Đề)
- Tháp Trúc Lâm (thờ Tam Tổ phái Thiền Trúc Lâm)
- Tháp Liên Hoa (thờ linh vị chư Tôn Đức Giác Linh và chư vị hương linh)
- Vườn Thiền (thờ Bồ Tát Quan Thế Âm mẹ bồng con)
- Điện thờ Quốc Tổ Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Vua Chúa bốn triều đại Đinh, Lê, Lý và Trần.
- Trường Việt Ngữ (dạy các em nói và viết được tiếng Việt thông suốt)
- Nhà an dưỡng cho người già.

Nhờ sự tín tâm và phát tâm công đức hỷ cúng của Quý Vị, Chùa đã xây cất ngôi Bảo Điện, đã làm nền, xây móng dựng cột và đang lợp ngói thì ngân khoản đã hết, xin Quý Vị hoan hỷ tiếp tục phát tâm công đức thêm để ngôi chùa sớm được hoàn thành. 

Công việc kiến thiết trong tình trạng khẩn cấp thiếu hụt tài chánh rất nhiều nếu không có sự trợ duyên tiếp tục của Quý Vị thì công trình xây cất sẽ bị ngừng lại và thành phố Pomona sẽ không triển hạn giấy phép xây cất. 
Tôi thiết tha kêu gọi Quý Đồng Bào, Đồng Hương, Phật Tử phát tâm ủng hộ thêm để công trình sớm hoàn thành viên mãn. Quý Vị có thể khuyến hóa bạn bè bà con thân quyến tiếp tục yểm trợ và xin Quý Vị có thể cho chùa vay mượn từ một ngàn Mỹ Kim trở lên trong thời hạn ba đến năm năm không lời; Chùa sẽ làm giấy tờ rõ ràng và hứa sẻ hoàn trả lại theo đúng kỳ hạn. 

Trân trọng tán dương và tri ân công đức của Quý Vị. 

Kính chúc Quý Vị luôn an vui hạnh phúc, tín tâm kiên cố, đạo niệm vững bền, gia đình thân quyến luôn gặp nhiều thuận duyên trong cuộc sống, tài lộc dồi dào, phước trí trang nghiêm, sở nguyện, sở cầu như ý. 

Mọi sự hỷ cúng của Qúy Vị sẽ ghi trong Phương Danh Công Đức và có biên nhận trừ thuế.Chi phiếu xin gửi về: 

Ban Kiến Thiết Chùa Vĩnh Nghiêm
P.O. Box 456 Pomona, CA 91769
Điện thoại: (909) 620-7041 hoặc (909) 455-7693
 

Ca-Li cảnh tự Vĩnh Nghiêm,
Chập chùng tám mái chồng diêm bốn tòa.
Tiền đường Phật Hội Long-Hoa
Nụ cười Di Lặc như là phước duyên.
Hộ Pháp tả hữu hai miền
Trừ tà hiển chánh cửa thiền vào ra
Thượng Điện thờ Phật Di Đà,
Quan Âm, Thế Chí Sa Bà hiện thân.
Trung Điện văn võ Thánh Quân,
Vua Hùng Quốc Tổ Nữ Thần Trưng Vương.
Hậu Điện Bát Bộ Kim Cương,
Già Lam Thánh Chúng Tổ Đường dựng lên
Nhà Tăng một dãy phía bên,
Tầng dưới nhà trẻ, tầng trên thư phòng.
Trước chùa thiền cảnh thong dong,
Hồ sen Nhất Trụ Thăng Long tuyệt vời
Lịch sử lưu lại xứ người,
Văn hóa nước Việt rạng ngời Thiền Gia.
Comments