16-06-2014

Kiến trúc lăng mộ và nghệ thuật điêu khắc đá Thanh Hóa


1/ Lăng mộ Quận Mãn Lê Trung Nghĩa: (?- 1786 ). Quận Mãn không rõ năm sinh, ông người làng Tu, thôn Nhuệ thuộc xã An Hoạch, tổng Quảng Chiếu, huyện Đông Sơn, nay thuộc phường Đông Hưng TP Thanh Hóa. 
Dãy tượng bên trái nhang án đá
Ông làm quan dưới thời Lê trung hưng, được thăng đến chức Đô đốc Tổng trấn tước Quận Công nên người ta gọi ông là Quận Mãn. Trong thời kỳ quân Tây Sơn tiến ra bắc, Lê Trung Nghĩa lãnh đạo nhân dân Thanh Hóa chống lại quân Tây Sơn.
  Có bốn tấm bia đá ở Lăng mộ Lê Trung Nghĩa (quận Mãn)             phường An Hoạch TP TH. 
    Bia cao 2,50m tính cả bệ. Bia trang trí và  khắc chữ cả 2 mặt. Các nét chạm khắc còn rất rõ nét tuy đã lùi xa gần 300 năm.

                              Tượng đá xếp hai hàng tả hữu trước ngai đá
      Cách lăng mộ quận Mãn chừng 1km, có núi Anh Hoạch, trên lưng chừng núi có chùa Quán Thánh trong hang Khế. Vách đá của hang còn nhiều phù điêu

Phù điêu võ tướng Lê Trung Nghĩa

Quan Vũ và các môn đệ.

Chữ "Thần" do chúa Trịnh Sâm sai khắc, nét sổ dọc thẳng đứng đẹp như một thanh kiếm cắm xuống. Phía trước treo lơ lửng một quả chuông cổ bằng đồng trên mái đá. Không hiểu bằng cách nào người xưa đã treo được quả chuông ở thế núi này...


Trên vách núi còn khắc 4 chữ " Thiên cổ vĩ nhân" 
cùng với rất nhiều bài thơ khác bằng chữ Nho.
2/ Lăng mộ tướng công Nguyễn Văn Nghi (1525- 1595) .
      Ông thọ 69 tuổi. khi mất ông được truy tặng Thượng thư Bộ công gia Thái bảo thụy Phúc Khê tướng công. Ông đỗ nhất giáp chế khoa năm Giáp Dần 1554. Thời Lê Trang Tông năm 29 tuổi đậu. Tiến sĩ.Ông là thầy giáo của 2 vua Lê Anh Tông và Lê Thế Tông.

   Diện tích khu lăng mộ là 6572m2 . Từ ngoài vào có hai dãy tượng đá: Chó đá to- Sấu đá- Voi- Ngựa- Quan hầu.(Con giống sắp xếp theo cặp đực- cái). Bên ngoài có 2 con chó đá lớn (còn gọi là Ngao đá), đẽo gọt đơn giản.
Bên trong có 2 Ngao đá ngồi nhẫn nại, chạm trổ đẹp. 
Ngao đá đực đeo chuông lục lạc.
Chó đá cái đeo dải yếm và có dây yếm buộc nơ sau cổ.
Chạm trổ hoa văn ở lưng, đuôi cách điệu hình lá đề.
                       Ngựa chiến bằng đá cũng to hơn ngựa thật rất nhiều. Ngựa mập mạp khỏe khoắn, đầu ngẩng cao so với toàn thân, đóng yên cương và nhiễu phủ trùm gần hết chiều cao. Chân sau khuỵu xuống nhún nhảy như đang đi nước kiệu.
Cặp Voi chiến bằng đá thế quỳ này được coi là lớn nhất Đông Nam Á. Voi đá quỳ có chiều cao 2,1m
Tượng quan hầu được tạc thành khối đóng, cao 1,9m .
 Đầu đội mũ vải, tay ôm chùy.
Bên trái cổng "Tướng công môn" có một giếng đá cổ.
        PGS- Tiến sĩ  Hỏa Diệu Thúy và Phương Mai bên chiếc giếng cổ tại đền thờ Nguyễn Văn Nghi.
Cổng vòm cuốn trên có khắc 3 chữ "Tướng công môn" 
bằng đá trắng. 

Trên đỉnh cổng có triện rồng đá hình chữ nhật cỡ 90cm và 70cm)

...rồi mình cũng bò được lên đỉnh của cổng cuốn cao 4,2m.
 

               Triện rồng đá nhìn phía trước: 
                Mặt rồng chữ điền, mắt lồi, mũi sư tử, miệng rộng.
Triện rồng đá nhìn phía sau. Râu như đao mác tua tủa về tứ phía xem kẽ với những viên ngọc tròn điểm xuyết. Bờm rồng tạc như cụm mây xoắn tròn, đỉnh đầu rồng nổi gồ lên ngọc chẩm.
              Hỏa Diệu Thúy trước đền thờ Nguyễn Văn Nghi
3/ Lăng mộ thái phi Nguyễn Thị Ngọc Diệm (1721- 1784).
      Bà là Thái phi của Ân Vương Trịnh Doanh, thân mẫu của Tĩnh đô vương Trịnh Sâm, Thái tôn Quốc Thánh Mẫu của Đoan Vương Trịnh Tông). Thái phi chuyên tâm xây dựng Ngũ Quy để điều hành đất nước. Ngũ Quy đó là:
   1. Quy nông tắc ổn (chăm lo việc nhà nông thì đất nước ổn định).
   2.  Quy công tắc phú (chăm lo công nghệ thì đất nước giàu có).
   3. Quy thương tắc hoạt (chăm lo việc thương mại thì làm cho đất nước sầm uất, xã hội linh hoạt giao thương).
   4. Quy trí tắc hưng (đào tạo và chăm lo cho tầng lớp trí thức thì sẽ làm cho đất nước hưng thịnh).
    5. Quy pháp tắc bình (chăm lo cho luật pháp nghiêm minh thì đất nước sẽ bình yên).
Nơi thờ tự thờ còn lại của thái phi Ngọc Diệm
     Nhà Trịnh dựng tượng 10 võ sĩ và hai tượng phỗng đá đứng 2 bên con đường thần đạo canh gác cho sự yên nghỉ của thái phi, bảo vệ cho khu lăng mộ. 
Dãy tượng bên trái miếu thờ.
(phía xa là cỗ áo quan màu son, đựng thi hài Thái phi bị bọn đào trộm cổ vật moi lên và đã lấy đi một bàn tay.
      Các tượng võ quan này cao 1,8m không kể đế, tạc từ đá nguyên khối, cả tượng võ sĩ và phỗng này đều tạc thành khối đóng kín. Với lối tạc này, tượng không bị vỡ gãy sứt mẻ. Toàn thân tượng toát lên vẻ nghiêm trang, kính cẩn xếp thành hai hàng, mỗi hàng có sáu pho tượng đứng trầm tư. 
Dãy tượng bên phải của miếu thờ 

        Khuôn mặt tượng phương phi: Mày rậm, mũi túi mật treo, miệng rộng, râu dài, có ria mép chạm nổi và cặp lông mày rậm mang vẻ mặt của những võ quan đứng tuổi, tay trái cầm kiếm dựng dọc theo thân mình, tay phải đặt lên ngực trái nơi tim như thề nguyện về phụng sự trung thành. 
      Đầu đội mũ ô sa, giữa đỉnh gồ lên chóp cao khoảng 5 cm. Trang phục áo giáp trụ dài nhiều lớp, nếp áo buông rủ. Quần giáp hai lớp, có lá toạ che phía trước. Hai phía đùi của quần giáp chạm nổi hai hình long phù lớn với vẻ oai vệ, hàm há rộng, chân mang hia cao đường bệ dựng trên một khối đá vuông có chiều rộng 70 cm.
        Tượng phỗng đá quỳ, hai tay cầm thẻ lệnh bài...
Cây đại cổ thụ cạnh miếu thờ
Phương Mai bên gốc cây hoa đại mấy trăm tuổi ở lăng Thái phi
4/ Lăng mộ Lê Thì Hiến (1609- 1674): làng Phú Hào, xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa.
Ông là tướng võ tài giỏi dưới triều vua Lê Thần Tông thời Lê Trung Hưng, trấn giữ sông Gianh, giao tranh với nhà Nguyễn và được tăng đến chức Thiếu Bảo rồi Thái Phó...

Toàn cảnh lăng mộ

Tấm bia ngay lối vào Lăng. Bia có chiều cao 1,85m rộng 1,2 m và dày 0,95m. Bia khắc chữ và trang trí hoa văn 2 mặt là hoa cúc dây và hình thủy ba sóng nước.
Đây là một tấm bia có cấu trúc lạ mắt, không có mái. Tự thân bia tạo nên mái vòm che cho văn bia tránh được mưa nắng.

Trong Lăng mộ còn đôi tuấn mã và voi đá.

               Đôi phỗng cụt đầu, hai tay thế chầu vòng trước ngực.
      Dân địa phương cho biết, trước kia ở Lăng mộ này có 18 tượng (trong đó 16 tượng  quận công đứng chầu, 2 tượng phỗng còn nguyên vẹn). Nhưng cho đến bây giờ, tượng 16 quận công đã mất, chỉ còn lại 2 tượng phỗng đá đã bị chặt đầu. Hai phỗng đá này mặc váy lá tọa, vai khoác yếm hoa , bụng trần hở rốn, vòng tay đứng chầu. Phong cách tượng mang dấu ấn Chăm pa. Hậu duệ họ Lê cho chuyển hai tượng phỗng này vào nhà trông coi gần đó vì sợ mất. Được biết dòng họ đã tìm người phục chế lại hai đầu tượng này nhưng vì kinh phí đắt quá nên chưa làm được.

Tấm bia được coi là một trong những bia đẹp nhất miền Bắc ghi chép công trạng các danh tướng Hậu Lê, giờ trở thành bức tường rào của nhà dân xâm lấn di tích.  
Trích đoạn một dải hoa văn trên bia- những nét chạm khắc đá 
mềm mại tài hoa của nghệ nhân xưa.
       Chủ nhân xưa của các lăng mộ này là những ông hoàng bà chúa, là công hầu khanh tướng hay là người có công đức với đất nước này...dù là triều đại nào, hưng hay vong đã có lịch sử phán xét nhưng tất cả Lăng mộ, phù điêu này đều là những kiệt tác của những bàn tay và khối óc tài hoa, là những tác phẩm nghệ thuật trên một chất liệu cổ truyền và làng nghề truyền thống của Thanh Hóa. 
      Các tác phẩm nghệ thuật dân gian hiếm có này đang bị thiên nhiên hủy hoại, đang hàng ngày hàng giờ phơi giữa nắng gió mưa bão và sự hủy hoại khắc nghiệt của nắng lửa gió lào Thanh Hóa, sự ngoảnh mặt, ghẻ lạnh của lòng người trước những sáng tạo vô giá của cha ông ...chỉ còn lại sự xót xa của người yêu nghệ thuật, biết giá trị của lao động nghệ thuật đẽo gọt trên đá nhọc nhằn thế nào và sự tín ngưỡng tâm linh của một số ít người có tâm nhưng không thể quyết được gì .

11 nhận xét:

  1. Thăm Phương Mai được biết thêm những di tích lịch sử thời Lê-Trịnh ở TP Thanh Hóa .
    Chúc nhiều sức khỏe và thành công !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. PM cảm ơn Quỳnh Lý Đức đã ghé thăm.. Chúc Blog QLĐ luôn có nhiều hay nhé

      Xóa
  2. Ghé thăm, chiều vui nhé!

    http://i689.photobucket.com/albums/vv253/anhtuannguyenminh/niaoer_com_090417viel-2.gif

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ôi.Cà phê sữa thơm ngon quá.PM cảm ơn Phú Đoan nhé

      Xóa
  3. Phương Mai đi nhiều thích ghê. đến thăm em. chúc khỏe...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng. Em khoe quê em một tý, em khoe em được đi nhiều nơi nhưng chả lọt ra được tỉnh ngoài . Chúc anh vui khỏe, viết đều tay nhé

      Xóa
  4. ký công tuyệt diệu của người xưa,
    nhờ công Phương Mai post lên nầy. cám ơn bạn nhé, chúc an vui mãi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng là do sở thích, anh Mẫn ạ. Người ta nhìn về giá trị tương lai. PM nhìn về giá trị quá khứ . PM cảm ơn anh đã ghé thăm và còn có lời khen động viên PM nữa.

      Xóa
  5. Chị sang thăm em, được biết thêm nhiều di tích lịch sử; cám ơn em đã chia sẻ.
    Chúc em luôn vui nhé.
    http://1.bp.blogspot.com/-umSVEtdPYso/U6pYiv6Pi9I/AAAAAAAABuo/5LnZ3bz5LfI/s1600/sen+gif.gif

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ôi chao . Hoa đẹp quá. Chị Thu Yến Vũ ơi. Chị giỏi CNTT quá, PM rất ngưỡng mộ

      Xóa

Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc Video clips trực tiếp bằng cách sao chép URL hình ảnh ( chuột phải vào ảnh gốc lấy URL) rồi dán vào cửa sổ comment. Xin cám ơn.