Nằm uốn mình bên dòng sông Đồng Giang, một chi lưu của sông Hồng, làng nghề Đồng Xâm như một cái nôi của nghề chạm khắc bạc lớn nhất Việt Nam
Làng nghề bên dòng Đồng Giang
Nhiều năm trở lại Đồng Xâm (Kiến Xương, Thái Bình) vẫn không thấy sự thay đổi gì nhiều so với nguồn thu của một làng quê được tính tới con số triệu USD do sự tinh xảo của những nghệ nhân chạm khắc bạc nơi đây mang về. Làng này cũng thật kỳ lạ, nơi nào cũng thấy nghệ nhân, cho dù đó là ông cụ râu tóc bạc phơ hay cô nông dân xinh xắn trên con đường làng, bởi nơi này có 146 tổ hợp hợp tác xã và 637 hộ cá thể làm nghề chạm khắc bạc. Cái cách người ta họp chợ phiên bên dòng Đồng Giang hiền hòa cũng không mấy khác xưa so với 600 năm trước, khi làng được hình thành. Những ghi chép mà chúng tôi đọc được ở ngôi miếu tổ làng nghề cho thấy Đồng Xâm được hình thành vào cuối thời Trần-Hồ, cách nay hơn 600 năm. Nhưng để người đời biết đến nghệ thuật chạm khắc bạc tinh xảo nơi này thì chỉ còn lưu giữ một văn bia đá cổ ở trong ngôi chùa Đường nằm ở thôn Thuận Gia. Tấm bia đá đã mòn theo năm tháng, nhưng vẫn còn đọc được những dòng chữ :”Hoàng triều Chính Hòa thập niên, Tổ phụ Nguyễn Kim Lâu (…) Bảo Long tụ lạc học nghệ, đáo Đồng Xâm xứ kiến lập thập nhị phường kim hoàn truyền nghệ.” Tạm dịch: Năm thứ mười dưới triều vua Chính Hòa (1689), vị tổ sư Nguyễn Kim Lâu vốn làm nghề vàng bạc ở Châu Bảo Long, tới xứ Đồng Xâm lập ra mười hai phường để truyền nghề.
Đền thờ tổ nghề chạm khắc bạc Đồng Xâm, nơi lưu giữ báu vật làng
Nằm uốn mình bên dòng sông Đồng Giang, một chi lưu của sông Hồng, làng nghề Đồng Xâm như một cái nôi của nghề chạm khắc bạc lớn nhất Việt Nam. Nơi đây sản sinh ra những nghệ nhân kiệt xuất nhất trong nghề chế tác bạc, nơi cung cấp thợ bạc tài hoa cho hầu hết các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Đà Nẵng… Đình Đồng Xâm được xem như một tập đại thành không chỉ với bạc, mà ở đó mang đậm kiến trúc chạm khắc trên gỗ, trên đá và các kim loại khác. Suốt mấy trăm năm qua, người Đồng Xâm luôn giữ bí mật nghề chạm bạc. Với lệ làng quy ước rất chặt chẽ không truyền nghề cho con gái, con rể, nhưng lại được phép truyền nghề cho con dâu, vì người xưa sợ những thủ pháp kỹ thuật bí mật và nghệ thuật tinh xảo bí truyền sẽ bị mất đi vào gia tộc khác. Hương ước của làng ngày xưa còn ghi rằng: người nào đem bí quyết làng nghề truyền dạy cho làng khác, hay làm đồ giả để lừa người khác, gây sự bất tín thì phải chịu phạt thật nặng: hoặc đem đánh đòn trước nhà thờ Tổ, hoặc phải xóa tên ra khỏi phường nghề. Hàng chạm bạc Đồng Xâm luôn nổi trội so với hàng bạc của các làng nghề khác không chỉ về kiểu dáng mới lạ mà còn là những kiệt tác tinh vi mà cân đối, lộng lẫy mà rực rỡ, với thủ pháp xử lý sáng – tối nhờ tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc. Sản phẩm Đồng Xâm thể hiện sự điêu luyện của nghệ nhân đến mức hoàn hảo. Có thể nói rằng tài năng và tính cẩn trọng của nghệ nhân bạc Đồng Xâm đã và đang đáp ứng được mọi yêu cầu sử dụng đồ chạm bạc của những khách hàng khó tính và am tường nghệ thuật nhất.
Báu vật làng
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Dụ, một trong những người tay nghề cao nhất làng kể rằng: Để tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân khai sáng nên làng nghề độc nhất vô nhị này, vào đầu thế kỷ 20, các bô lão làng cũng như phường nghề, hiệp thợ bàn với nhau làm một bộ đồ thờ tinh xảo nhất, trưng bày trong đền thờ tổ. Hiệp thợ Nhan Tàm – hiệp thợ giỏi nhất làng Đồng Xâm lúc bấy giờ, được chọn thực hiện bộ đồ cúng tế. Cả làng cùng góp công, góp sức để thực hiện bộ báu vật này, ai có bạc góp bạc, nhà nghèo thì góp bằng sức đinh cày cấy. Miệt mài sau gần nửa năm trời, mùa đông năm 1925, cả làng gióng trống mở cờ dâng bộ báu vật vào đền Đồng Xâm.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Dụ – người được giao việc bảo quản bộ báu vật Đồng Xâm.
Những năm tháng bao cấp, ngành nghề phải vào guồng máy hợp tác xã, đền thờ cũng được quy hoạch nằm trong đó. Những tay nghề điêu luyện phải làm rập khuôn theo dây chuyền, các hiệp thợ lụn bại dần, dẫn đến tan rã, vỡ nợ. Lúc ấy người ta dự định bán theo kiểu “thanh lý” cả đồ thờ tự trong đền thờ để thanh toán nợ nần. Những người thợ Đồng Xâm đau lòng lắm, vì đó được xem như báu vật mà tiền nhân tạo ra cho con cháu mai sau biết đến tay nghề tuyệt mỹ của cha ông. Các hiệp thợ ngồi lại với nhau bàn chuyện xin mua, xin chuộc lại chính báu vật của làng. Sau nhiều năm thương lượng, bộ báu vật cũng đã trở về với chính chủ nhân của nó: những nghệ nhân nông dân. Ông Nguyễn Hữu Dụ giờ được các hiệp thợ giao cho việc bảo quản bộ báu vật này. Những ngày giỗ tổ nghề, những báu vật này mới được mang ra trưng bày nơi đền thờ tổ để những nghệ nhân trẻ chiêm ngưỡng và học hỏi về một kiệt tác mà cha ông họ đã làm nên từ gần 100 năm qua.
Bàn tay tài hoa của nghệ nhân chạm khắc bạc Đồng Xâm
Những năm gần đây, làn sóng “công nghiệp hóa” lan đến ngõ ngách làng quê. Làng nghề Đồng Xâm có phần mai một, nhiều gia đình vốn làm nghề chạm khắc truyền thống đã chuyển sang làm đồ bạc, đồng theo lối công nghiệp, dập khuôn. Nhiều nghệ nhân tâm huyết với làng nói rằng họ rất đau lòng khi ai đó khen ngợi Đồng Xâm đang tiến tới “cơ giới hóa” với máy móc, khuôn dập để cung cấp cho thị trường những sản phẩm hàng loạt. Nhưng đi khắp làng Đồng Xâm hôm nay vẫn vui mừng khi nghe đâu đó tiếng lách cách chạm khắc từ những bàn tay người thợ tài hoa, sự tỉ mẩn với từng nét điêu khắc hoa văn họa tiết chính là linh hồn tạo nên danh tiếng hàng trăm năm của Đồng Xâm mà không phương tiện hiện đại nào có thể thay thế được. Đồng Xâm vẫn là cái nôi của nghề chạm khắc bạc thủ công. Đó mới chính là báu vật của Đồng Xâm…
Theo Duyên Dáng Việt Nam – Bài & Ảnh: Binh Nguyên