Chùa và hội Bối Khê

Chỉ với một ngôi chùa Bối Khê, các hình thức lễ cầu mưa đã hội tụ thành một hiện tượng văn hóa dân gian đặc sắc.

 Đông tàn! Nhà sư vừa đi vừa bấm đốt tay - ngày hội đã đến gần .Một tiếng chuông trong veo như hòa mênh mông vào cát bụi đem nguồn vui nhắc nhở muôn nhà. Như lệ thường, các lão ông, vãi bà theo tiếng gọi truyền kiếp mà lên chùa, lòng già như trẻ lại, hăng hái tham gia vào các công việc chuẩn bị cho hội. Vừa lao động các cụ vừa ôn lại sự tích và các mặt văn hóa của chùa.

Một góc chùa Bối Khê. Ảnh: Đặng Hạnh

 

Nằm trên địa phận xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, được xây dựng từ thời Trần, đã qua nhiều lần trùng tu. Chùa ở ngay đầu làng Bối Khê. Từ ngoài vào, trước chùa là một bãi rộng. Qua bãi rộng sẽ đến một cổng gạch, là cổng chùa mà đồng thời cũng là cổng làng. Sau cổng là con ngòi nhỏ, dấu tích của dòng sông Đỗ Động thuở xưa, có nhịp cầu nhỏ vắt ngang. Qua cầu sẽ tới tam quan của chùa - một kiến trúc ba gian, hai tầng tám mái; tầng trên là gác chuông.

Chùa làm theo kiểu “nội công ngoại quốc”: phía trước là nơi thờ Phật, phía sau là nơi thờ thánh, hai bên là hai dãy hành lang, mỗi dãy bảy gian, bày tượng tổ truyền đăng; quây quanh bốn phía, bao bọc lấy thượng điện. Tòa này dựng trên nền cao, cột to và thấp, đầu đao góc mái uốn cong thanh thoát; các bộ phận kiến trúc bằng gỗ chạm trổ khá công phu, mang dấu ấn nghệ thuật điêu khắc trang trí thời Trần, nhất là những đầu bẩy ở góc mái bên trái, ngoài hình rồng còn chạm hình chim thần. Trong chùa còn giữ được nhiều di vật và đồ thờ quý. Phía trong cùng của tòa thượng điện đặt một bệ đá thờ Phật có từ thời Trần, thuộc loại lớn.

Bệ chia làm nhiều tầng, trên cùng là đài hoa sen; thân bệ tạc hình rồng, thú, hoa lá; bốn góc bệ tạc hình chim thần. Chùa còn có bốn cây đèn gốm thời Mạc, trang trí hình cánh sen và hình rồng đắp nổi. Đặc biệt có “đôi cây thiêng”, trồng trong chậu đắp núi giả, tất cả đều bằng gỗ, sơn son thếp vàng, rất đẹp. Quá trình xây dựng chùa và sự tích đức thánh Bối thờ ở chùa được ghi lại trên nhiều tấm bia, trong đó cổ nhất là bia “Bối Động thánh tích bi ký” có niên đại giữa thế kỷ XV. Trong khuôn viên chùa có nhiều cây cổ thụ, vườn hoa cây cảnh xen giữa những cụm kiến trúc, làm tôn thêm vẻ thanh nhã, u tịch của chốn thiền lâm.

Hồi ấy, vào khoảng cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV, nhà sư đạo sĩ Nguyễn Bình An, một người có công xây dựng lên ngôi chùa này. Ông thường đi lại giữa Sở (Trăm Gian) và Bối Khê, dùng tâm từ bi mà kết chạ hai làng. Truyền rằng, mẹ ông dẫm vào vết chân người khổng lồ trên đá mà sinh ra ông. Và vết chân ông đã để lại những ao nhỏ trên bước đường đi từ làng nọ tới làng kia. Ông đi guốc trên nóc nhà để trông coi thợ, dùng một niêu cơm và vài quả cà mà thợ ăn mãi không hết.

Thế rồi, khi ông viên tịch, dân làng chịu ơn đã ướp xác ông thành tượng để thờ. Tới khi quân Minh sang, chúng đốt tượng ông bị một trận mưa máu mà tan tác. Rõ ràng là Nguyễn Bình An đã trở thành một nhân vật được xây dựng từ những mảnh vụn huyền thoại để thành vị thánh mang hình bóng của anh hùng văn hóa. Một quan niệm chung, rất xưa, về bước đi của loài người, cho rằng: Khởi thủy con người mang thân hình to lớn, song không được linh lợi, họ như một sản phẩm không hoàn chỉnh của tạo hóa. Như vậy cần phải tạo lập lại một trận đại hồng thủy đã cuốn sạch họ khỏi thế gian. Sau đó, giống người như hiện nay đã dần dần hình thành.

Giống người khổng lồ đó thường để lại dấu tích trên đá, và người đàn bà nào vô tình dẫm vào vết tích này sẽ thu hút lấy cái tinh khí của họ mà sinh ra thánh nhân… Có lẽ truyền thuyết về sự ra đời của đức thánh Bối đã phần nào được mượn từ sự tích Phù Đổng (?), để rồi con đường dài khoảng 20km, với ngài chỉ còn vài bước. Song, cũng như vậy chúng ta gặp vết chân của ngựa Phù Đổng trên đường lên núi sóc, vết chân của Nguyễn Minh Không ở Nam Định và Thái Bình. Thực ra, đó là những ao nước cứu hạn nằm rải rác trên khắp các ruộng mùa (không thấy ở ruộng chiêm), những ao này vô cùng cần thiết với cư dân Việt sử dụng nuớc tại chỗ cho nông nghiệp (nước mưa). Chúng được linh thiêng hóa trong sự bảo trợ của thần linh.

Sự kiện này có gì liên hệ với nhà sư khâu Đà La cho man Nương, hay một vị thần linh ngoài biển cho Chử Đồng Tử chiếc gậy để cắm xuống đất thì nước mới phụt lên cứu dân chống hạn… Một sự kiện đáng lưu tâm về thánh Bối còn như có nét bắt nguồn từ truyện Thạch Sanh trong sự tích niêu cơm. Tất cả đã hội lại thành đức thanh linh thiêng quyền năng vô lượng, có hơi hướng của tối thượng thần Siva, nguồn sinh lực vĩnh cửu, tạo mọi của cải nông nghiệp. Truyền lại, pho tượng của ngài mang màu cánh dán đậm gần gũi với màu tượng Phật Tứ Pháp. Sau này tượng thánh được đúc bằng đồng, song vẫn giữ màu đậm. Màu sắc ấy gắn với Siva thuộc đạo Bà la môn và phần nào gắn với nguồn nước.

Với vị thánh đặc biệt này mới có ngôi chùa đặc biệt. Cũng như chùa Keo (Thái Bình), chùa Thầy…chùa Bối Khê vừa thờ Phật vừa thờ Thánh, với các điện thờ riêng. Đó là mội ngôi chùa gỗ mít mang nhiều dấu vết của kiến trúc vào thế kỷ XIV xưa nhất còn lại ở nước ta. Trên đó, những chiếc cột, chiếc xà, đầu bảy nặng nề bằng gỗ mít đã hằn lên những đường gân thời gian, rồi nhiều mảng chạm rồng phượng hoa lá vô cùng đẹp của đương thời, còn làm rung động tâm hồn người hoài cổ - một điện thánh hai tầng mái, với các “đấu củng” không xa cách ở gác chuông chùa Keo nổi tiếng. Trong hai nơi ấy còn lưu giữ một nhang án đá lớn (dài hơn 3m) đầy nét nghệ thuật (của yếu tố phương nam) có niên đại 1382; một tượng Quan Âm Thiên Phủ lớn điển hình của nghệ thuật thế kỉ XVI, nhiều bia đá thế kỷ XV-XVII, rồi tượng đức Thánh, nhiều đồ thờ gỗ rất quý và những viên gạch hòm sớ trang trí linh vật… Tất cả đã tạo cho ngôi chùa có một giá trị tự thân đích thực đáng tự hào. Và, hơn hết nêu trong ý thức mỗi khách hành hương vẫn là ngày hội cùng các lễ tiết riêng của chùa, điển hình là lễ cầu mưa.

Người Việt là một cư dân nông nghiệp lúa nước, ở châu thổ Bắc Bộ, phần nào được thiên nhiên ưu đãi, nên trong sản xuất họ chưa có nhu cầu phổ cập về mương - phai, (thủy lợi) như một số cư dân khác quanh vùng. Nguồn nước chủ yếu lấy tại chỗ, tức là nước mưa.

Lạy trời mưa xuống

Lấy nước tôi uống

Lấy nước tôi cày

Lấy đầy bát cơm

Lấy rơm đun nước

Ý thức cầu nước từ trên trời luôn thường trực, thông qua các nghi lễ cầu mưa. Hiện tượng này cũng phổ biến trong cư dân Việt ở khắp các vùng. Tại chùa Bối Khê (Thanh Oai). Việc cầu mưa có lẽ là một trong những nơi còn giữ được nhiều tập tục hơn cả.

Nơi đây, ngôi chùa là một trung tâm văn hóa làng xã chứ không phải đình, song chùa lại lấy việc thờ thánh là chính. Các chùa dạng này không có sư mà chỉ có ông Thống lo việc đèn hương. Trong nhiều nghi lễ cầu mưa ở Bối Khê trước đây, vị Thánh và ông Thống có vai trò quan trọng với dân và với hội.

Dân quanh vùng Bối Khê tôn thờ, sùng kính Thánh tuy không mấy người được chiêm ngưỡng tượng Ngài. Pho tượng này luôn được dấu kín ở hậu cung; vào những ngày nhất định trong năm, chỉ một vài người được vào làm lễ “mộc dục” (tắm tượng) hoặc thực hiện những “Hèm” nào đấy.

Rất may mắn, trong một lần đi khảo sát điền dã, chúng tôi được vào hậu cung xem tượng. Đây là một pho tượng lớn, kích thước gần bằng người thật. Tượng có trang phục theo lối phổ biến của những nhà quyền quý thế kỷ XVII-XVIII. Đầu đội khăn Thanh Cát ôm sát đầu gối rủ dài xuống lưng, áo quần và da thịt được tạo màu sẫm. Khuôn mặt có vẻ dữ tợn, như thường thấy ở các loại tượng này, (tượng Minh Không ở chùa Keo, tượng Từ Đạo Hạnh…) mát đau đáu nhìn sâu vào tâm, vào cõi mông lung. Tượng được tạc theo thế “kiết già phụ tọa” như các tượng Phật.

Khi trời đổ nắng mà không mưa, mọi thứ cầu cúng khác đều không linh nghiệm, thì các già làng ăn chay cầu niệm, cùng ông Thống vào lễ thánh. Các cụ vào lễ phải “quang quẻ” (không vướng tang trở, không gặp chuyện gì xấu rủi, gia đình hòa thuận…). Cỗ cúng xong, tượng thánh được rước ra phơi nắng ngoài sân. Hành động có vẻ “phạm thượng” như mâu thuẫn với việc tôn sùng Thánh này, được tư duy dân dã, chân chất của người nông dân lý giải một cách đơn giản đến ngây thơ: Ngồi trong khám kín ở hậu cung, có lẽ Đức Thánh không biết trời đang hạn. Dưới cái nắng thiêu đốt, Ngài sẽ đồng cam cộng khổ thông cảm với khao khát của người nông dân mà làm mưa xuống. Lễ thức ăn còn diễn ra ở tục “tróc rồng”.

Vào một ngày thiên được chọn, ông Thống và dân làng bện rơm thành năm con Rồng lớn(1), đặt ở sân chùa, tượng trưng cho năm phương, mỗi con hướng về một phía, con giữa chầu vào chùa. Miệng mỗi rồng ngậm một ống đu đủ, cắm vào siêu nước trong tiếng trống ầm ĩ, ông Thống cầm kiếm đứng trên thềm múa võ “loạn xạ” theo một bài chỉ mình ông biết. Đồng thời, ông la hét và lẩm nhẩm đọc thần chú, toàn những lời chẳng ai nghe kịp hay không hiểu nổi. Cuối cùng, ông xá dài vào chùa. Toàn dân chờ đợi hương khói nghi ngút cho đến lúc những hạt mưa đầu tiên rơi xuống.

Nhưng cũng có khi trời vẫn không mưa được ông Thống lại đứng lên múa võ, bắt quyết, niệm chú, cuối cùng hét lớn và vung kiếm chặt vào đầu một con rồng để ra oai. Con rồng “ương ngạnh” bị trừng phạt thường là con rồng hướng Bắc, vì dân gian đã nghiệm rằng:” cơn đằng Bắc chưa chắc đã mưa”(?) đồng thời đó là hướng hắc ám.

Từ bao đời, người Việt tin rằng Rồng là chủ nguồn nước. Con vật linh thiêng và huyền thoại này luôn là đề tài chính trong điêu khắc cổ ở chùa-đình…như một biểu tượng cho hạnh phúc nông nghiệp. Vì vậy khi có hạn hán người ta viện đến Rồng. Tư duy dân dã vùng Bối Khê trong giai đoạn muộn mằn đã ít nhiều chịu ảnh hưởng của việc cầu đảo kiểu Trung Hoa khi phân không gian thành năm hướng. Năm con rồng rơm từ Đông-Tây-Nam-Bắc và Trung phương sẽ hút nước từ biển (tượng bằng năm siêu nước) để làm mưa.

Ông Thống lúc đó được coi là hóa thân của thánh. Bản thân Thánh Bối (hay Từ Đạo Hành, Minh Không) xưa kia tu hành theo lối Mật tông, thông phù chú nên cũng thường hành phép ấn-quyết, cầu đảo giúp dân. ở ông Thống còn thấy bóng dáng của ông mo Mường được Việt hóa và phức tạp hóa trong sự hỗn dung giữa tín ngưỡng dân gian Phật giáo và yếu tố Đạo Trung Hoa.

Hai nghi lễ cầu mưa kể trên được tổ chức như những “liệu pháp cấp cứu” tức thời. Để mong mưa thuận gió hòa, dân vùng Bối Khê còn lễ Mẫu và tục đốt pháo đầu xuân

- Lễ Mẫu được tổ chức vào các ngày Sóc-Vọng hàng tháng (lịch Trăng) trong điện Mẫu - một ngôi đền riêng trong khuôn viên chùa Bối Khê. Đây là một điện Mẫu nông dân vì Tam Tòa chỉ có Mẫu Thiên-Mẫu Thoải-Mẫu Địa. Mẫu Thượng Ngàn thờ riêng ở một ban thờ khác. (Nhiều điện Mẫu ở thành phố đặt Mẫu Thượng Ngàn ở vị trí Mẫu Địa, nhằm cầu xin “tiền rừng, bạc biển”, bàn thờ kiểu này đã bị tầng lớp thương nhân chi phối làm biến đổi). Tư duy nông nghiệp mong Mẫu Thiên ban cho sự thuận hòa về thời tiết về khí hậu, xin Mẫu Địa sự phì nhiêu cho đất đai,và cầu ở Mẫu Thoải (Thủy) nguồn nước đầy đủ để trồng cấy. Ở nhiều nơi Mẫu “Thủ Điện” là Mẫu Thoải. Dân làng Bối Khê bày tượng Tam Tòa ngang hàng, nhưng năm nào ít mưa, họ rước Mẫu Thoải nhô hơn về phía trước như để Mẫu nghe rõ hơn những lời cầu cúng.

- Hội Pháo đầu xuân không chỉ có ở Bối Khê, nhưng như ở Đông Kỳ (Bắc Ninh) thì tổ chức ở sân đình và chùa với việc thi pháo lớn. Ở hội pháo Bối Khê, thì tư duy liên tưởng về các hiện tượng tự nhiên đã rõ nét và phong phú hơn qua tục đốt pháo màn than. Tục này đã lâu không làm nên chỉ còn trong ký ức của mọi người.

- Khoảng gần trưa ngày 12 tháng giêng âm lịch hàng năm, các thôn trong làng Bối Khê thi đốt pháo. Người ta đạt trên một ngọn cây tre (cao khoảng 15-17m) một khung giấy tròn (đường kính 40-50cm) quét dày thuốc pháo dễ bắt lửa, xung quanh gắn nhiều pháo con và ở giữa có một quả pháo đại. Cách đốt bằng Nhị Thanh hay Thăng Thiên đặt dưới đất, cắt thuốc vừa đủ, sao cho khi châm lửa nó bay lên vừa tới màn than thì nổ, tạo lửa gây cháy màn, rồi dẫn nổ đến pháo con và pháo đại. Mỗi thôn chọn một số người ra đốt pháo, những người này phải hoàn toàn trong sạch, lý lịch rõ ràng, gia đình không có điều xấu, không tang ma… Lệnh gọi cả thôn vào trước, một người trung niên, mặt thành kính bước lên, hai tay nâng chiếc pháo xá dài vào chùa, miệng lầm rầm những lời cầu nguyện, sau đó bước ra, đặt pháo chiếu lên màn than - Ông chỉnh đi chỉnh lại chiếc pháo trong sự hồi hộp của mọi người, giờ quyết định đã tới, ông thổi lửa bùi nhùi, châm vào đóm, tay run run đưa vào ngòi pháo. Một tiếng xèo (hay tiếng nổ) khô khốc, và, chiếc pháo bay lên… Bao con mắt nhìn theo với một thoáng cầu mong. Nếu ngay từ chiếc pháo đầu mà màn than đã cháy nổ, thì được coi là một báo hiệu tốt lành cho cả vùng, còn nếu không thì thôn thứ hai, thôn thứ ba… thay nhau vào đốt, mọi nghi thức được lặp đi lặp lại cho đến khi một thôn nào đó làm cháy được màn than.

Có khi sự việc đốt pháo được quay tới hai ba “vòng” và cuối cùng mọi việc đều tốt đẹp. Cuộc đốt pháo chỉ có người thắng mà không có ai thua, người thắng được dân thôn reo hò công kênh đến trước cửa Phật tạ ơn và lĩnh thưởng. Người ta tin phúc lớn do Thánh ban sẽ đến với mọi nhà trong thôn người đốt được màn than.

“Đệm đàn” cho pháo màn than là pháo tràng và các thứ pháo khác tạo niềm xúc cảm - Có thể hiểu được ý nghĩa tục đốt pháo này như sau:

Màn than đen sẫm thuốc pháo được nhìn nhận như một bầu trời mây đọng nước. Màn than bắt cháy ngoằn ngoèo theo vệt thuốc là hình ảnh những tia chớp. Rồi râm ran pháo con là tượng của sấm rền. Tiếng nổ lớn cuối cùng là sấm đại. Tất cả làm nên một tiếng vọng của cơn mưa như nhắc nhở trời đất thực hiện nhiệm vụ - hãy theo sự gợi ý của chúng tôi đây, mà nổi sấm lên mà gọi mây mưa về cho mọi miền no ấm. Rồi sau hội người ta như cảm thấy đó đây những chồi non thập thò trên mọi nẻo - gọi ngọn xuân phong và thời gian chuyển động để hạt mưa bay và mùa màng xanh tươi mát mắt người trồng. Ý nghĩa cầu mưa theo cách diễn và nhại lại tự nhiên để rồi “gợi ý” cho Trời Đất thuận theo ước vọng của con người còn được thấy trong nghi lễ đánh trống Thiêng. Thực ra, đây không hẳn là một nghi thức riêng, mà nó thường đi kèm với các nghi lễ trên. Ở chùa Bối Khê trước đây có một chiếc trống đại treo trên giá chạm rồng và đao lớn. Viền quanh mặt trống người ta vẽ hoa văn hình chữ S, hình tượng nghệ thuật hóa của chớp. Giữa mặt trống là hình tròn “Lưỡng Nghi” với hai nửa Âm-Dương trong thế đối đãi, vận hành.

Trong chỉnh thể này, hình Rồng tượng trưng cho bầu trời mây với các tia chớp (đao), tiếng trống đồng nhất với tiếng sấm. Tiếng rung vang của trống (sấm) như tạo cho Âm-Dương giao hòa, sinh sôi, vạn vật nảy sinh, phát triển.

Chỉ với một ngôi chùa Bối Khê, các hình thức lễ cầu mưa đã hội tụ thành một hiện tượng văn hóa dân gian đặc sắc. Chỉ với một nội dung cầu mưa, nguồn hạnh phúc nông nghiệp, của cư dân lúa nước, văn hóa cổ truyền Việt đã thể hiện các nghi lễ phong phú đa dạng. Tâm thức dân gian mang nhiều nét đẹp bất ngờ. Giải mã được các nghi lễ cổ truyền để vừa loại bỏ hủ tục vừa phát huy bản sắc dân tộc là điều mà chúng ta luôn nghĩ tới./.

Theo Lễ hội cổ truyền Hà Tây, nhiều tác giả, Sở VHTT Hà Tây, 1999

 

Đăng lúc: 27/07/2011 10:41

Bản để in Lưu vào bookmarkSức khỏe - khám bệnh, tư vấn trực tuyến