Điểm Du lịch
Lăng Đàm Viết Kính và những di vật quý
Nhà thờ và khu lăng Đàm Viết Kính nằm trên một khu đất rộng, bằng phẳng ở giữa làng Kim Bảng, mặt quay hướng đông nam. Toàn bộ khu lăng được xây dựng theo một trục chính và chia thành ba lớp. Trên cùng là nhà thờ, ở giữa là khu mộ, tiếp đến là khu “sinh từ” (khu vực đặt những tượng đá ở trước phần mộ). Song giá trị nổi bật của nhà thờ và khu lăng chính là hệ thống cổ vật được lưu giữ tại đây. Đó là hệ thống tượng đá được đặt đăng đối tại khu sinh từ: trên cùng nằm ngay sát phần một là 2 tượng vũ sỹ cao 85cm được tạc theo lối tả thực, hai tay cầm “gậy” để trước bụng trong tư thế đứng nghiêm trang; tiếp là 2 voi đá cao 73cm, dài 87cm quỳ phủ phục; sau cùng là 4 chó đá trong tư thế ngồi, hai chân chống phía trước, cổ đeo vòng có quả chuông nhỏ. Những hiện vật này đều là tác phẩm điêu khắc nghệ thuật đặc sắc của thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 18) còn bảo lưu được đến nay.
Ngoài những di vật trên, tại nhà thờ và khu lăng còn bảo lưu được nhiều cổ vật khác như: bàn thờ đá, bài vị bằng đá, cây hương đá thời Lê cao 1,6m, bát hương đá thời Nguyễn, 2 đạo sắc năm Bảo Thái 2 (1721) và Cảnh Hưng 4 (1745), bảng gỗ có niên đại năm Thành Thái 17 (1905) ghi lại những ngày tiết lệ trong năm… Đặc biệt là bia đá hai mặt có tên “Linh Huệ từ”, niên đại Cảnh Hưng thứ 4 (1743) do Tiến sỹ Nguyễn Thực người Vân Điềm soạn. Nội dung bia như một bản gia phả của dòng họ Đàm và ghi lại việc xây dựng khu lăng cũng như các ngày tiết lệ trong năm. Nội dung tấm bia đá có thể tóm tắt như sau: Đàm Viết Kính người thôn Kim Bảng, xã Mai Động, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn (nay là xã Hương Mạc huyện Từ Sơn), tự là Như Liêu, tước Tại thọ hầu, Tham đốc phủ tham đốc; Thị nội giám tư lễ; Trấn Tiền đội, đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, làm quan dưới triều Vua Lê chúa Trịnh. Vợ là Quách Thị Thảo, hiệu là Từ Thuận được tấn phong Chánh phu nhân. Ông bà không những là người có nhiều công lao với triều đình mà còn là người nhân hậu phúc đức, lấy nhân nghĩa để đối đãi với xóm làng; chính vì vậy đã được nhân dân hai xã (Thiết úng và Hương Mạc) tôn bầu làm hậu thần để “Tuế thời các tiết phụng thờ”. Việc tôn thờ này đã được sự ghi nhận của triều đình bằng việc ban tặng sắc phong vào năm 1721 và 1743.
Từ khi khởi dựng cho đến nay khu lăng vẫn được nhân dân và con cháu dòng họ Đàm Đình trông nom gìn giữ, hàng ngày đều có người đèn hương chu đáo. Những ngày tiết lệ trong năm con cháu trong dòng họ lại tề tựu đông đủ để tưởng nhớ đến các bậc tiên tổ, ôn lại truyền thống tốt đẹp của cha ông, góp phần giáo dục truyền thống hiếu học, khoa bảng, truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ noi gương. Năm 2006, Nhà thờ và khu lăng của dòng họ Đàm được UBND công nhận là di sản lịch sử văn hoá.
(Nguồn: bacninh.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch