Lăng Quan Thái Bảo Giáp Trinh Tường: Vẹn nguyên một giá trị lịch sử - văn hóa
(LV) - “Lấy hiếu để cai trị quân, lấy lòng khoan dung để sai khiến dân. Lòng từ bi độ lượng của ông khiến mọi người trong thiên hạ đều nghe thấy, nhìn thấy…” – những dòng chữ này sau 300 năm vẫn còn đọc rõ trên bia đá ghi lại công lao của quan Thái Bảo Giáp Trinh Tường. Lăng mộ của ông giờ đây không chỉ là niềm tự hào của dòng họ Giáp mà còn là niềm tự hào của người dân địa phương.
|
Lễ hội Bảo Lộc Sơn được tổ chức hàng năm vào ngày 16,17 tháng Giêng (Âm lịch). Ảnh: Châu Giang |
Công lao tỏa sáng
Căn cứ vào những tài liệu văn bia còn lưu giữ ở đình Ngò, chùa Phán Thú thuộc xã Việt Lập; Căn cứ vào cuốn Giáp Thị Gia Phả (1847) cùng những tư liệu quý báu do các cụ cao niên am hiểu lịch sử-văn hoá ở địa phương cung cấp, có thể xác định lăng Quan Thái Bảo Giáp Trinh Tường được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XVIII. Trải qua ba thế kỷ, vượt lên sức tàn phá của chiến tranh, sự hà khắc của thiên tai địch họa, lăng Quan Thái Bảo Giáp Trinh Tường vẫn nằm nguyên trên vị trí cũ như trường tồn cùng thời gian. Năm 2012, di tích đã được UBND tỉnh Bắc Giang công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.
Theo một số tài liệu nghiên cứu, Quan Thái Bảo Giáp Trinh Tường (Thuỵ Trinh Tường) còn được gọi là Nguyễn Giáp Thái, Nguyễn Giáp Sùng. Ông đỗ tiến sỹ thời vua Lê Uy Mục, từng giữ các chức quan: Lê triều phụ tá, Đặc tiến phụ quốc, Thượng tướng quân, Bắc đô đốc phủ, Tả đô đốc trấn thủ Cai Kỳ, Tổng quan Thái giám, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Thần vũ kiêm Thị nội thư, Tả chi hộ phiên, Thái bảo chí sĩ tước Sung thọ hầu (là hàng quan nhất chánh phẩm triều đình).
Sau khi đã đóng góp nhiều công lao cho đất nước, ông trở về quê hương là làng Um Ngò, xã Việt Lập, huyện Tân Yên an nhàn tuổi già. Mặc dù từng giữ những chức quan lớn trong triều đình nhưng khi về với quê hương ông luôn hòa đồng cùng nhân dân, hết lòng vì công việc chung của làng xã chứ không hề kiêu ngạo, sống xa xỉ xa rời nhân dân...
Tấm lòng đức độ, từ bi và những công lao với dân, với nước của quan Thái bảo Giáp Trinh Tường đã được khắc ghi lại trong tấm bia đặt tại đình Ngò có niên hiệu Hoàng triều Cảnh Hưng thứ 35 (1775): “... Bản xã có Tổng Thái giám, Cai kỳ quan, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Thần vũ tứ vệ quân vụ sự, Tham đốc Bắc quân, Thái bảo chí sĩ, Thái thọ hầu Nguyễn Giáp Thái, vợ là chánh phu nhân Trịnh Thị Thịnh. Ông đã được theo hầu ở trong các dinh phủ lớn từ lâu, là bề tôi được tin dùng. Phụng sự các quan trên hết lòng cung kính, tỏ lòng trung thành với bề trên, với thần tiên, với những người thân của mình. Lấy hiếu để cai trị quân, lấy lòng khoan dung để sai khiến dân. Lòng từ bi độ lượng của ông khiến mọi người trong thiên hạ đều nghe thấy, nhìn thấy và được lưu truyền ở bia đá mãi mãi về sau không bị mất đi…”.
Sau khi mất, ông được con cháu trong gia tộc và nhân dân địa phương an táng tại quê hương, xây dựng lên khu lăng mộ làm nơi thờ phụng, đời đời ghi nhớ công ơn, đồng thời, dân làng Um Ngò tiếp thờ quan Thái Bảo Giáp Trinh Tường tại đình Ngò, gọi là Hậu quan. Hai công trình tín ngưỡng của địa phương do ông công đức xây dựng là đình Ngò và chùa Phán Thú đã được xếp hạng Di tích Lịch sử-Văn hoá cấp tỉnh năm 2003.
|
Lăng Quan Thái Bảo Giáp Trinh Tường tọa lạc tại xã Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, cách thành phố Bắc Giang khoảng 12km về phía Bắc. Ảnh: Châu Giang |
Lễ hội vinh danh tiền nhân
Thôn Um Ngò bao đời nay vẫn được mệnh danh là đất của quan võ, nơi đây đã sinh ra nhiều nhân tài, hào kiệt làm quan tước dưới triều đình phong kiến. Cư dân trong thôn đa phần là người thuộc dòng họ Giáp. Tiêu biểu cho những con người tài năng, đức độ mang họ Giáp ở làng Um Ngò có quan Thái Bảo Giáp Trinh Tường.
Theo lời kể của các cụ cao niên am hiểu văn hóa - lịch sử ở địa phương và thông qua một số tài liệu nghiên cứu được biết: Cụ Giáp Trung Hòa, tự Phúc Chính (bố đẻ quan Thái Bảo Giáp Trinh Tường) được coi là Tổ phát tích của họ Giáp ở vùng đất Bảo Lộc Sơn xưa, nay chính là làng Um Ngò. Người anh em của Giáp Trinh Tường là Giáp Văn Trung chính là người sinh ra họ Giáp ở làng Um, Giáp Trinh Phúc là người sinh ra họ Giáp ở làng Ngò. Họ đều là những người có nhiều công lao với dân với nước và được thờ tại từ đường tộc Giáp nằm trong khu lăng Quan Thái Bảo Giáp Trinh Tường. Đặc biệt, quan Thái Bảo sau khi rời chốn quan trường về sinh sống tại làng Um Ngò đã công đức bỏ nhiều tiền của cho nhân dân xây dựng đình Ngò và chùa Phán Thú làm trung tâm sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân địa phương.
Sau khi ông qua đời, nhân dân đã tiếp thờ ông tại đình Ngò, gọi là Hậu quan. Hai di tích này đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh năm 2003. Vì vậy, đình Ngò, chùa Phán Thú và lăng Quan Thái Bảo Giáp Trinh Tường là những di tích có mối quan hệ gắn bó, liên quan mật thiết với nhau. Những sự lễ, hội đình, hội chùa từ xưa tới nay không chỉ là công việc riêng của địa phương, không chỉ diễn ra ở chốn đình chùa làng, mà còn gắn liền với một gia tộc, diễn ra trong một gia tộc có phạm vi ảnh hưởng trong vùng,
Trong lịch sử, thôn Um Ngò là trung tâm xã Bảo Lộc Sơn, vì vậy lễ hội ở địa phương vẫn được nhân dân quen gọi là lễ hội Bảo Lộc Sơn. Lễ hội được nhân dân duy trì tổ chức hằng năm vào ngày 16,17 tháng Giêng (âm lịch). Lễ hội bao đời nay đã trở thành sự kiện rất thiêng liêng được người dân địa phương rất quan tâm, coi trọng, dù ai đi học hành, công tác xa quê hương đến ngày hội làng cũng cố gắng trở về tham dự.
Lăng Quan Thái Bảo Giáp Trinh Tường được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng (cuối TK XVIII). Trải qua hơn ba thế kỷ với sự tàn phá của chiến tranh, di tích không còn nguyên vẹn như ngày đầu khởi dựng. Năm 2004, nhân dân địa phương cùng con cháu trong gia tộc họ Giáp đã tiến hành trùng tu khu vực lăng với quy mô lớn góp phần làm cho di tích thêm phần khang trang, tố hảo.
Hiện nay, trong khu nội tự của di tích có 3 phần: Khu thờ lộ thiên, phần mộ và từ đường. Trong di tích còn bảo lưu được nhiều tài liệu, hiện vật cổ quý có giá trị về lịch sử di tích và một thời kỳ lịch sử của dân tộc như: Thạch linh cẩu, bát hương đá, 4 pho tượng vệ sĩ bằng đá được tạo tác từ thế kỷ XVIII...
|
Linh Khánh