Đình Lỗ Hạnh thuộc thôn Lỗ Hạnh, xã Đông Lỗ, Hiệp Hòa, Bắc Giang. Đây là một trong những ngôi đình lâu đời nhất Việt Nam, với kiến trúc độc đáo, hiện vẫn còn lưu giữ được các di vật từ thế kỷ XVII - XVIII. Từ khi xây dựng đình Lỗ Hạnh đã được khắc ghi Đệ nhất Kinh Bắc.
Đình Lỗ Hạnh được xây dựng từ thời Lê - Mạc, năm Sùng Khang thứ 11 (1576) với diện tích 3.660m2, là một trong hai ngôi đình được xây dựng sớm nhất trên toàn quốc, sau đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội). Đây là nơi thờ thần Cao Sơn Đại Vương - người có công giúp vua Hùng đánh giặc, và Phương Dung Tiên Chúa - người đã dạy dân địa phương trồng bầu. Đình Lỗ Hạnh là nơi thờ chung của 5 làng: Chằm, Chúng, Khoát, Chùa và Hạnh, nên còn có tên gọi là Đình Cả. Đình xây dựng phía sau khu dân cư, theo truyền thuyết là nằm trên thế lưng Rùa, quay về hướng Tây, trông ra các thế đất cờ, loa, nghiên, bút.
Bức chạm tiên gảy đàn Đáy ở đình Lỗ Hạnh |
Lúc đầu, đình Lỗ Hạnh chỉ là một tòa đại đình hình chữ Nhất. Năm 1850, đình được sửa chữa thêm hậu cung thành kiểu chữ Công và hai dãy tả, hữu về phía trước. Nhìn chung, kiến trúc đình Lỗ Hạnh trông đồ sộ mà không nặng nề nhờ các bờ cong của 4 mái tương phản với mặt sân rộng trọng điểm trung tâm của làng xã. Theo quan niệm kiến trúc, đình là một kiến trúc công cộng, rộng mở để chào đón bất cứ người con nào của đất Việt. Với ý nghĩa như thế, đình làng là nơi không phân biệt giàu sang, nghèo hèn, là nơi thể hiện rõ nhất văn hóa hiện thực của đời sống nhân dân.
Nghệ thuật chạm khắc trong đình tinh xảo và độc đáo, có giá trị cao về văn hóa, lịch sử, với các đề tài rồng, phượng, hươu, hoa lá, các hoạt cảnh của con người. Trong lần bổ sung đồ thờ vào thời Nguyễn, đình có thêm 2 bức tranh sơn quang 2,23m x 1m vẽ 4 cô thôn nữ đẹp như tiên. Đình Lỗ Hạnh hiện còn giữ được nhiều di vật như bộ tranh gỗ phủ sơn thế kỷ XVIII - XIX, vẽ cảnh Bát Tiên dài 2,23m, cao 1m; đôi nghè gỗ thế kỷ XVII sơn son thếp vàng, tượng bà chúa Tiên Dung cùng bài vị Cao Sơn Đại Vương..., đặc biệt là bức chạm tiên gảy đàn đáy, minh chứng cho sự ra đời và phát triển sớm của ca trù ở nước ta.
Đình Lỗ Hạnh |
Đình Lỗ Hạnh từ khi xây dựng đã qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1694, 1850 và năm 1910 xây thêm hậu cung bằng cách cắt mái giữa, tạo nên mặt bằng hình chữ đinh và hai dãy tả vu, hữu vu. Lần gần đây nhất, năm 1994, Bộ Văn hóa - Thông tin đã rót 100 triệu đồng, cộng với các khoản trích từ ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp tổng cộng 192 triệu đồng, để trùng tu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia này. Tuy nhiên, chỉ sau hơn chục năm, tất cả cột gỗ “chắc như lim, bền như xoan” ấy, cùng với xà mộng, tường, sân... đều bị xuống cấp.
Năm 2010, tỉnh Bắc Giang đã đầu tư gần 13 tỷ đồng trùng tu các hạng mục: Đại đình, Nghi Môn, Tả vu, Hữu vu, tu bổ giếng nước cổ... Đầu năm 2011, lễ khánh thành đình Lỗ Hạnh được tổ chức. Đại trùng tu đình Lỗ Hạnh không chỉ bảo tồn giá trị thẩm mỹ, lịch sử của ngôi đình cổ kính, mà qua đó còn giúp giáo dục thế hệ trẻ ngày càng nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ các di sản văn hóa, lịch sử của quê hương, đất nước.