Thứ Tư, 08/10/2014, 00:28 (GMT+7)
 
 

Di tích kêu cứu: Bài 1: Hoang tàn lăng mộ bà chúa Tằm Tang

Thứ Hai, 14 Tháng mười một 2011, 15:11 GMT+7

Di tích lăng mộ bà chúa Tằm Tang chỉ còn lại những mảng tường gạch hoang tàn đổ nát.
Ảnh: V.Y

Lăng mộ Hiếu Chiêu hoàng hậu Đoàn Thị Ngọc (tức Đoàn Quý Phi, sinh năm Tân Sửu 1601 và mất năm 1661) tọa lạc tại gò Cốc Hùng, thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) được công nhận di tích cấp tỉnh năm 2005. Được xem là lăng mộ cổ xưa nhất của thời các chúa Nguyễn còn lại trên đất Quảng, nhưng khu lăng mộ này đang có nguy cơ bị xóa sổ.
Giai thoại một thời
Theo sách Đại Nam liệt truyện tiền biên ghi lại: “Bà Đoàn Quý Phi tên thật là Đoàn Thị Ngọc sinh năm Tân Sửu - 1601. Bà là con thứ ba của ông Đoàn Công Nhạn - một hào trưởng ở làng Chiêm Sơn (sau được chúa Nguyễn Phước Lan phong tước Thạch Quận công); gia đình chuyên nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Năm 15 tuổi bà hái dâu bên bãi, trông trăng mà hát, bấy giờ, Huy Tông Hoàng đế (tức Chúa sãi Nguyễn Phước Nguyên) đi chơi Quảng Nam, có công tử Nguyễn Phước Lan đi theo hộ giá. Đêm đáp thuyền chơi trăng, Phước Lan nghe tiếng hát lấy làm lạ, sai người đến hỏi, biết là con gái họ Đoàn, cho tiến cung hầu chúa ở tiềm để, được yêu chiều lắm”. Công tử Nguyễn Phước Lan (1601-1648) và cô thôn nữ họ Đoàn đã bén duyên nhau từ đó. Sau khi trở thành phu nhân của Phó tướng Nhân Lộc hầu Nguyễn Phước Lan, bà Đoàn Quý Phi đã hết lòng ủng hộ, khuyến khích nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa ở các phủ Điện Bàn, Thăng Hoa… Nhờ đó, nghề Tằm Tang ở Đàng Trong được mở mang vào đầu thế kỷ 17 và đã sản xuất được nhiều mặt hàng tơ lụa nổi tiếng. Bà Đoàn Quý Phi được dân gian ca ngợi công đức là bà chúa Tằm Tang xứ Đàng Trong. Dân ven sông Thu Bồn đến nay vẫn còn truyền tai nhau câu ca về bà: “Tai nghe chúa ngự thuyền rồng/ Thiếp thương phận thiếp má hồng nắng mưa/ Thuyền rồng chúa ngự nơi đâu/ Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình”. Cứ vào dịp tháng 3 âm lịch hàng năm, chính quyền địa phương đều tổ chức Lễ hội bà chúa Tằm Tang hết sức rầm rộ, thu hút du khách thập phương.
Di tích hay chỗ nhốt gia súc?
Tìm đến khu lăng mộ của bà Đoàn Quý Phi một ngày đông mưa rả rích, khung cảnh rừng núi âm u, chúng tôi càng cảm nhận hết sự hoang tàn, đổ nát và hiu quạnh của di tích cấp tỉnh này. Khu lăng mộ của bà chúa Tằm Tang chẳng khác nào một đống hỗn độn. Cách tường thành khu lăng mộ hơn 5m, được xây bao bọc bởi bức tường rào bê tông rất hiện đại, tuy nhiên cánh cửa sắt lối cổng vào đã bị gãy bản lề, xô lệch, ngả nghiêng. Một số người dân địa phương thiếu ý thức bảo vệ di tích đã biến khu lăng mộ thành nơi… nhốt trâu bò. Phân súc vật rải khắp mặt đất trong vùng lăng tẩm tôn nghiêm. Muốn vào bên trong khu lăng mộ phải nhọc nhằn trèo qua tường rào, nếu không phải lội qua đám ruộng sình lầy đầy cỏ dại.
Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng thôn Chiêm Sơn, lý giải: “Do khu lăng mộ nằm xa khu dân cư nên việc quản lý, giám sát hầu như bỏ ngỏ”. Ông Thành còn cho biết thêm, sau giải phóng 1975, nhiều người dân vào đập phá lấy gạch đá về xây dựng sân phơi, nhà cửa. Còn bọn trộm cắp ngỡ đây là khu “mã hời” có chôn vàng nên dùng thuốc nổ đánh phá thành một hố ở trung tâm lăng để đào bới tìm kiếm. Vì thế khu lăng mộ này bị sụp đổ gần hết. Bên cạnh đó, ngoài việc xây bức tường rào bằng bê tông và đặt tấm biển công nhận di tích cấp tỉnh thì từ trước đến nay chưa có sự trùng tu, tôn tạo nào. Ông Thành xót xa: “Di tích có giá trị là vậy nhưng nếu không được quan tâm trùng tu kịp thời thì chỉ cần một thời gian ngắn nữa thôi, khu lăng mộ có giá trị lịch sử này e rằng chỉ còn là dấu tích mà thôi. Và thế hệ trẻ sau này lớn lên có lẽ chẳng đứa nào hiểu, biết về gốc tích”.
Lãnh đạo ngành văn hóa huyện Duy Xuyên than thở: “Chúng tôi chỉ bảo vệ trong khả năng có thể và báo sự việc lên cấp trên. Kinh phí để trùng tu nguyên mẫu khu lăng mộ này ước tính hơn 1 tỷ đồng. Đây là số tiền quá lớn so với ngân sách của địa phương. Bên cạnh đó, các khu lăng mộ của bà Mạc Thị Giai, khu lăng mộ công chúa Ngọc Dung (cũng nằm trên địa bàn thôn Chiêm Sơn, Duy Trinh và được công nhận di tích cấp tỉnh) cũng đang bị xâm hại và xuống cấp hết sức nghiêm trọng”.
Điều đáng nói, trong khi lăng mộ bị bỏ hoang chẳng khác nào phế tích thì vào tháng 8-2001, một cuộc hội thảo khoa học về “Thân thế và sự nghiệp bà Đoàn Quý Phi” được tổ chức hết sức quy mô, hoành tráng. Kết thúc hội thảo, người ta còn cho xuất bản cả một cuốn sách Bà chúa Tằm Tang xứ Quảng. Không những thế, trong những năm 2006-2007, huyện Duy Xuyên còn có tờ trình đề nghị quý cấp có thẩm quyền lập hồ sơ khoa học trình Cục Di sản xếp hạng di tích quốc gia cho di tích lịch sử này. Mọi nỗ lực rất đáng ghi nhận, có điều trong khi mải chạy theo tấm bảng gắn mấy chữ “Di tích cấp quốc gia” thì người ta quên mất rằng, nếu không tiến hành tu bổ kịp thời thì chắc chắn một điều, khu lăng mộ này sẽ chẳng còn đợi được đến ngày vinh dự gắn biển cấp quốc gia!
Vĩnh Yên - Anh Dương
Đối nghịch với những lễ hội rầm rộ tưởng nhớ công ơn bà chúa Tằm Tang thì khu lăng mộ của bà chúa này đang bị bỏ quên, từng ngày từng giờ trở nên hoang tàn, đổ nát…
 
Bài 2: Tìm dấu tích Phật viện Đồng Dương
Xem bài theo ngày:  
TỜ BÁO LUÔN ĐỒNG HÀNH VỚI VIỆC HỌC TẬP CỦA GIA ĐÌNH BẠN