>> Huyền bí đền Đô
>> Đền Trúc - Ngữ Động Thi Sơn: danh thắng đất Hà Nam
Hoàng tử Linh Lang là con vua Lý Thái Tông. Theo tư liệu giới thiệu lịch sử di tích đã được tổng hợp từ những văn bia trong đền của ban quản lý di tích, ngày 13 tháng Chạp năm 1030, thứ phi của vua Lý Thái Tông sinh được một hoàng tử khôi ngô tuấn tú tại phường Thụy Chương, ven hồ Dâm Đàm (nay là phường Thụy Khuê, hồ Dâm Đàm là tên cũ của hồ Tây). Hoàng tử được đặt tên là Linh Lang, hay còn có tên gọi là Hoàng Chân.
|
Cổng đền Voi phục Thụy Khuê với đôi voi bằng đá đứng chầu. |
Năm 1077, trong cuộc kháng chiến chống Tống, hoàng tử Linh Lang chỉ huy một đạo thủy quân đánh mạnh vào cụm phòng thủ của tướng Quách Quỳ nhà Tống trên sông Như Nguyệt, tiêu diệt nhiều quân địch buộc chúng phải rút lui. Nhưng đáng tiếc là cũng trong trận chiến cuối này, hoàng tử Linh Lang đã hy sinh. Tiếc thương hoàng thúc, vua Lý Thánh Tông đã sắc phong cho Linh Lang là Linh Lang đại vương thượng đẳng thần (sắc phong cao nhất của nhà Lý). Đồng thời nhà vua truyền cho các làng xóm nơi Linh Lang đã ở, đã đóng quân hoặc đi qua đều phải lập đền thờ ngài, cả thảy có 269 làng.
Phường Thụy Chương, nơi hoàng tử Linh Lang đã cất tiếng khóc chào đời là một trong những nơi xây đền thờ ngài đầu tiên. Khi đó đền nằm cạnh sông Tô Lịch, ở phía Tây Nam thành Thăng Long. Đến cuối thời Trần, đền được xây dựng lại, mặt quay ra hướng Hồ Tây và ở vị trí như hiện nay.
Ở Hà Nội có hai ngôi đền cùng mang tên Voi phục. Ngôi đền ở Thủ Lệ nhiều người biết hơn vì nằm giữa công viên và là trấn phía Tây trong Thăng Long tứ trấn. Tuy vậy, đền lại là nơi xây dựng sau bởi vì theo cách lý giải của ban quản lý di tích đền Voi phục Thụy Khuê , xưa, theo quy định của triều đình Lý, hễ cùng thờ một vị thần thì ngôi đền nào xây sau sẽ phải làm với quy mô nhỏ hơn ngôi đền xây trước.
|
Một trong những cây muỗm cổ thụ gần nghìn năm tuổi trong khuôn viên đền. |
Trong đền Voi phục ở Thụy Khuê hiện còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật cổ. Đó là bộ nghi trượng thờ trong hậu cung. Nhìn còn mới nguyên nhưng trên thân đã được dán ký hiệu đánh dấu niên đại từ thời nhà Lê (do hội di sản văn hóa dân gian Hà Nội thẩm định). Ngoài hiên chỗ bậc tam cấp còn hai đôi rồng đá được chế tác với những nét hoa văn cách điệu. Không chi tiết tinh xảo như hình ảnh rồng đá thời Nguyễn sau này. Những rồng đá ở đây được làm theo phong cách rồng thời Lý với dáng uốn khúc của rồng, còn hoa văn là hình sóng nước, hoa lá.
Nét đặc biệt nữa, đền Voi phục Thụy Khuê có lẽ là một trong số ít ngôi đền được giới khoa học biết đến nhiều bởi lẽ ở đây có những cây muỗm cổ thụ gần ngàn năm tuổi. Ông Tùng, trưởng ban quản lý di tích, kể, cách đây mấy năm có một đoàn các nhà khoa học nước ngoài thuộc dự án khảo sát cây xanh của Liên Hiệp Quốc đến khảo sát các cây muỗm ở đây đã kết luận cây ít tuổi nhất ở đây cũng trên 700 năm rồi… Tất cả gồm 9 cây muỗm được trồng quanh đền với quan niệm văn hóa phương đông, con số 9 là số trường cửu.
Đền Voi phục Thụy Khuê với việc thờ vị thần là một vị tướng phò vua giúp nước, hy sinh nơi trận tiền là một biểu tượng nhắc nhở về tinh thần dũng cảm hy sinh vì nền độc lập dân tộc của nhân dân ta đáng được trân trọng và biết đến.