Hotline: 04 3511 2850 | Liên hệ

Di sản:

 

Hà Giang: Khó khăn bảo tồn, phát huy giá trị Bảo vật quốc gia Chuông cổ chùa Bình Lâm (Bài 2)

Bài, Ảnh: Lê Hoàn | Thứ Bảy, 26/08/2017 11:54 GMT +7

Với những giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật, Chuông chùa Bình Lâm được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia tại Quyết định số 2599/QĐ-TTg ngày 30.12.2013. Tuy nhiên với những tiềm năng hiện có, nơi đây vẫn chưa thực sự phát huy hết được giá trị của mình một cách xứng tầm. Những câu hỏi, những giải pháp vẫn liên tục được đưa ra trong nhiều năm nay song tình hình chưa cải thiện đáng kể. Nguyên do bởi bài toán quá khó hay bởi một lí do nào khác?

IMG_8352

Chuông đồng lịch sử 722 năm tại chùa Bình Lâm, xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên (Hà Giang)

Tôi theo anh chuyên viên của phòng Văn hóa Thông tin huyện Vị Xuyên, chúng tôi tới thăm điểm di tích Chuông chùa Bình Lâm thuộc xã Phú Linh (Vị Xuyên). Quãng đường từ thị trấn vào điểm di tích ước chừng khoảng 15km. Di chuyển đến Km 15 quốc lộ 2, thuộc xã Đạo Đức, thấy xuất hiện một tấm biển nhỏ, khiêm tốn nằm nép mình bên vệ đường chỉ dẫn đường vào nơi có bảo vật quốc gia “Khu di tich Chuông chùa Bình Lâm”.

Vượt qua chiếc cầu treo lâu đời, men theo con đường liên xã đã xuống cấp, khoảng 30 phút, chúng tôi đến được với xã Phú Linh. Xã này đang được huyện Vị Xuyên “đốc thúc” cho kịp về nông thôn mới vào cuối năm nên những ngày này không khí khá nhộn nhịp. Đâu đâu cũng thấy xây dựng, làm đường, lắp cống, dọn dẹp, khẩu hiệu…rất phấn khởi.

Di tích Chuông chùa Bình Lâm nằm ở giữa thôn Mường Nam của xã Phú Linh. Ngoài quả chuông đồng có lịch 722 năm đã được công nhận là bảo vật quốc gia thì hầu như mọi thứ trong chùa đều đã được thay mới. Chùa Bình Lâm được xây dựng lại năm 2007 nhưng không trên nền ngôi chùa cũ. Người ta thống nhất xây dựng trên nền đất của hợp tác xã bỏ hoang ở trung tâm thôn để bà con tiện thăm viếng. Tượng phật, hoành phi... đều mới được người dân, phật tử hảo tâm công đức. Hiện, chùa Bình Lâm không có sư trụ trì, trông coi là một người dân trong thôn.

IMG_8348

Chuông Chùa Bình Lâm được công nhận di tích quốc gia 

“Trước đây chùa đã từng có sư trụ trì nhưng vì nhiều lí do lại không ở được nên phải đi. Ngày thường chùa rất ít người, ngày rằm mùng một thì có một số người dân lên chùa thắp hương. Khách của chùa thì hiếm hoi lắm mới thấy, đa phần là những người nghiên cứu lịch sử, đôi khi có đoàn bên di sản văn hóa của tỉnh xuống chút rồi về luôn, nói chung là vắng lắm…”, ông Bình người trông coi di tích cho biết.

“Bà con cũng mong có sư trụ trì nhưng khi đệ trình ý kiến lên xã, huyện rồi tỉnh mà vẫn chưa thấy hồi âm, tôi cũng không biết vì lí do gì nữa?”, ông Bình cho biết thêm.

Nhìn tổng thể khu di tích được trông coi cẩn thận, sạch sẽ nhưng có vẻ như để bảo quản một bảo vật quốc gia là rất sơ sài. Quả chuông đồng có lịch sử 722 năm được bố trí khiêm tốn trong một góc nhỏ, ngoài mấy sợi giây thép để cột quai chuông vào giá thì không có thêm một hình thức an ninh nào bảo vệ thêm.

Trao đổi với lãnh đạo chính quyền xã Phú Linh về thực trạng di tích được biết, trước đây con đường từ thành phố Hà Giang xuống xã còn tốt thì chùa có nhiều khách đến thăm viếng nhưng hiện tại con đường đã xuống cấp, mặt đường rất xấu nên cũng ít khách đi thăm chùa. Phật tử trong xã cũng không đông nên chùa thường rất vắng. Chi phí cho công tác quản lý cũng hạn hẹp, việc xã phải thuê một người trông coi chùa với 500 nghìn đồng/tháng cũng là rất vất vả.

“Chúng tôi cũng rất lo về việc quản lý, bảo vệ 2 bảo vật quốc gia trên địa bàn huyện Vị Xuyên, là Bia chùa Sùng Khánh và Chuông chùa Bình Lâm nhưng thực sự rất khó khăn vì nhiều lí do”, ông Âu Văn Hợp, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Giang giãi bày.

“Vì giá trị di tích, cũng như ý nghĩa về lịch sử của bảo vật. Tôi đã nhiều lần kiến nghị với tỉnh để tăng cường công tác bảo vệ bảo vật như sẽ lắp camera quan sát chống trộm, ghép vãn gỗ bảo vệ bia và chuông nhưng khi trình lên thì lại không được chấp thuận vì lí do kinh phí không cho phép”. Ông Hợp tâm sự.

Như vậy, có thể nói trong suốt thời gian qua, những nguyên nhân, giải pháp luôn được đưa ra trả lời cho câu hỏi về sự bảo tồn và phát huy chưa tương xứng tiềm năng của di tích Chuông chùa Bình Lâm. Tuy nhiên vấn đề là sau những lần vạch ra, thực tế vẫn gần như dẫm chân tại chỗ?

IMG_8375

Chùa Bình Lâm nơi lưu giữa bảo vật quốc gia chuông Bình Lâm 722 tuổi 

Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Việt – Trưởng phòng Văn Hóa – Thông tin bàn về giải pháp phát huy giá trị di lịch lịch sử Chuông chùa Bình Lâm nói riêng và các di tích trên địa bản huyện Vị Xuyên nói chung, ông Việt thẳng thắn thừa nhận là thực tế dù đã cố gắng nhiều nhưng việc phát huy giá trị di tích trên địa bản huyện còn gặp nhiều khó khăn. Huyện Vị Xuyên có thuận lợi là nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nhưng cũng gặp khó khăn về điều kiện kinh tế cũng như địa hình bị chia cắt. Đây là nguyên nhân gây khó trong việc quản lý, bảo tổn di tích.

“Trước mắt, phòng đã tham mưu, đệ trình cho UBND huyện về kế hoạch khai thác và phát huy lợi thế về tài nguyên du lịch hoặc đặc trưng của huyện Vị Xuyên để phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch đặc thù theo hướng du lịch Văn hóa di sản, tâm linh, nghỉ dưỡng, du du lịch sinh thái dự và cộng đồng gắn với phát huy giá trị văn hóa bản địa và bảo vệ môi trương sinh thái. Huyện sẽ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trong thời gian tới”, ông Việt cho biết.

Về di tích Chuông chùa Bình Lâm, trong kế hoạch thì di tích này sẽ là trọng tâm để xây dựng phát triển gắn kế các sản phẩm văn hóa tâm linh cùng với Nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên, chùa Nậm Dầu, Chùa Sùng Khánh, mốc 468 Thanh Thủy… nhằm đáp ứng xu hướng của du khách du lịch đang hướng tới trải nghiệm sự thanh tịnh.

Chuông chùa Bình Lâm có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa cũng như lời khẳng định về chủ quyền của dân tộc. Bản thân nó đã có sức hấp dẫn với du khách cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để địa danh này thực sự xứng tầm với ý nghĩa đó, để nó thực sự hấp dẫn như hình dung của du khách, để người từng đến sẽ muốn quay trở lại cũng như giới thiệu rộng rãi với bạn bè thì nhất thiết phải có sự đầu tư kĩ lưỡng và khắc phục những hạn chế hiện nay - một sự khắc phục, đầu tư có trách nhiệm và đến nơi đến chốn.

Bình luận ({{total}})

{{item.Body}}

{{item.Title}} - {{item.CreatedDate}} | Trả lời

{{sitem.Title}} - {{sitem.CreatedDate}}

Viết bình luận

Bạn đọc vui lòng gõ chữ có dấu, góp ý có tính văn hóa, xây dựng và chịu trách nhiệm về ý kiến của mình. Nội dung góp ý của bạn đọc được đăng tải là do Ban Biên tập tôn trọng dư luận xã hội, nhưng đó không phải là quan điểm của Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam.

Nội dung

Họ tên

Email

Điện thoại

 

{{item.Title}}
  • Bình luận mới
  • Bài đọc nhiều
{{item.Title}}