Hiện kết quả từ 1 tới 8 của 8
  1. #1

    Tham gia ngày
    Mar 2011
    Bài gửi
    1.484
    Thanks
    365
    Thanked 1.354 Times in 831 Posts

    Ngao du xứ "Người tình"

    Nói đến Sa Đéc, nhiều người nghĩ ngay đến những làng hoa mà năm nào cũng góp sắc màu cho các chợ hoa tết trên Sài Gòn. Thị xã gần sáu mươi cây số vuông này còn nhiều điều thú vị cho du khách khám phá và là đất để câu chuyện phim Người tình ra đời.



    Làng hoa Sa Đéc là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách.

    Nhà cổ và chuyện người xưa

    Sa Đéc có tên gọi nguyên gốc là Phsar Dek. Các nhà nghiên cứu cho rằng Phsar Dek là tên một vị thuỷ thần Khmer. Khoảng cuối thập niên 1750, chúa Nguyễn thành lập năm đạo ở miền tây Nam bộ để bảo vệ dinh Long Hồ, trong đó có thị xã Sa Đéc và một số huyện lân cận. Nếu tính từ năm 1750, Sa Đéc đã 260 tuổi.

    Di tích xưa còn lưu lại ở Sa Đéc khá nhiều với những đình chùa được xây dựng từ thế kỷ 19. Đình Vĩnh Phước trên đường Trần Hưng Đạo còn gọi là đình Gạo có vào khoảng năm 1852, xây dựng lại năm 1904 theo kiến trúc Nam bộ thời đó. Cũng trên đường Trần Hưng Đạo, còn có chùa Ông Quách và chùa Bà, hợp với đình Vĩnh Phước thành một quần thể kiến trúc tín ngưỡng Việt Hoa đặc sắc chạy dài từ cầu Cái Sơn 2 đến cầu sắt quay. Còn Phước Hưng tự (đường Hùng Vương) của cộng đồng người Hoa Minh Hương xây dựng năm 1838, chánh điện có pho tượng phật bằng đất sét không nung đã hơn một trăm năm.

    Sa Đéc từng là vùng sung túc nhất Nam bộ xưa, đến giờ vẫn là trung tâm thương mại của tỉnh Đồng Tháp. Vì thế, ở đây có những gia đình giàu có và dấu ấn để lại của họ là những ngôi nhà xưa, phố cổ được xây cất vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Xưa nhất là nhà ông hương chủ Dược ở làng Tân Phú Đông, xây từ năm 1860, kiểu ba gian hai chái; gần đó là nhà của thương gia Nguyễn Văn Mau xây từ năm 1910. Ở khu phố cổ đường Trần Hưng Đạo có hàng loạt nhà cổ, kiến trúc của Pháp, giờ vẫn tồn tại.

    Ngôi nhà xưa đã trở thành điểm tham quan khó bỏ qua của du khách, nhất là người Pháp, là nhà ông Huỳnh Thuỷ Lê – người tình của nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras. Tiểu thuyết L’amant (Người tình) là cuốn tự truyện của bà Marguerite Duras về mối tình với ông Huỳnh Thuỷ Lê khi gia đình bà sinh sống tại Sa Đéc. L’amant đã đạt giải Goncourt, một giải thưởng văn học lớn của Pháp. Câu chuyện thật đã được dàn dựng thành phim Người tình. Sau khi phim trình chiếu, ngôi nhà ông Huỳnh Thuỷ Lê được nhiều người đến tham quan. Hướng dẫn viên địa phương hay nói: Sa Đéc là xứ “người tình”.

    Chợ Sa Đéc cũng là một công trình từ thế kỷ 20 còn tồn tại đến giờ, chỉ đáng tiếc là ngôi chợ kiến trúc đẹp lại làm chợ thực phẩm và bị che khuất bởi một trung tâm thương mại.

    Đi cho trọn, về cho thoả

    Chưa đến làng trồng hoa, làng nghề làm bột gạo và đi ăn hủ tíu Sa Đéc là chưa thoả việc thăm thú Sa Đéc. Du khách muốn xem hoa kiểng cứ đến làng hoa Tân Quy Đông và có thể vào bất kỳ một vườn hoa nào; có vườn trồng chuyên một loại hoa, có những vườn thì đủ màu sắc. Khách có thể hỏi han nhà vườn về kỹ thuật trồng và cả mua hoa mang về.

    Từ chợ Sa Đéc, hỏi đường đến rạch Ngã Cạy và rạch Ngã Bát sẽ đến làng bột gạo. Gắn với làng là những cơ sở làm hủ tíu bột lọc, được tín nhiệm nhất là cơ sở của ông Tư Bình ở ấp Phú Thuận, xã Tân Phú Đông. Hủ tíu tươi được đóng thành từng gói năm ký, đảm bảo cứ để trong tủ lạnh dùng dần trong mười ngày vẫn ngon. Ông Tư Bình hiếu khách, nhưng muốn mua hủ tíu của ông phải vào buổi sáng mới có.

    Về Sa Đéc ăn hủ tíu, dân thị xã tự hào: chỉ có ba địa phương gắn với hủ tíu được thấy trên bảng hiệu ở Sài Gòn là hủ tíu Mỹ Tho, hủ tíu Sa Đéc và hủ tíu Nam Vang. Tuy nhiên, hủ tíu Nam Vang cũng dùng sợi hủ tíu bột lọc của Sa Đéc hoặc hủ tíu bột ngang của Mỹ Tho. Bởi vậy, người địa phương không giới thiệu khách đến những quán hủ tíu Nam Vang của người Hoa, mà khuyên đến những quán hủ tíu nấu theo cách người Sa Đéc. Quán Ngọc Yến trên đường Nguyễn Sinh Sắc, cách chợ Sa Đéc chừng 500 mét, thực khách sẽ có ấn tượng ngay về hương vị món ăn ở đây. Hủ tíu khô đựng trong dĩa, có đủ thịt heo, gan, rau xà lách, giá sống, ngon nhờ nước xốt pha chế theo cách riêng của quán. Bên cạnh dĩa hủ tíu là tô nước xúp thơm phức với khúc xương ống… lên khói. Trong khi, các quán khác chỉ 15.000 đồng/tô, Ngọc Yến bán 35.000 đồng/tô mà vẫn đông khách.


    BÀI VÀ ẢNH: CÁC NGỌC

    Threads most viewed same category:


  2. The Following 2 Users Say Thank You to Mr Unu For This Useful Post:


  3. #2

    Tham gia ngày
    Mar 2011
    Bài gửi
    1.484
    Thanks
    365
    Thanked 1.354 Times in 831 Posts
    Kiến trúc thuộc địa ở Sa Đéc


    "Theo dấu chân người tình", tour du lịch ăn theo sự nổi tiếng của tiểu thuyết được dịch ra 43 thứ tiếng và dựng thành phim "L'amant", đưa du khách đến thăm xứ sở người tình của nữ sĩ Maguerite Duras. Người Pháp đổ tới đây không chỉ để thỏa mãn sự tò mò về nguyên mẫu nhân vật trong tiểu thuyết, mà những mong tìm lại dấu vết một thời thuộc địa. Bài viết dưới đây của một du khách Pháp đăng trên trang belleindochine.free.fr

    Nổi tiếng từ bộ phim Người tình, dựng theo tiểu thuyết của Margerite Duras (mẹ của nữ sĩ từng làm hiệu trưởng trường nữ sinh tỉnh), Sadec đặc biệt phong phú về kiến trúc thuộc địa với những ngôi biệt thự tuyệt đẹp còn khá nguyên vẹn, phản ánh sự huy hoàng của thành phố nhỏ Nam Kỳ nằm ​​giữa Vĩnh Long và Long Xuyên. Đây là thành phố yêu thích của tôi ở Đồng bằng sông Cửu Long.

    Trừ những bức có ghi chú khác, các bức ảnh dưới đây được chụp vào cuối năm 2007 và 2010.




    Toàn cảnh thị xã Sa Đéc



    Dọc bờ phải sông



    Chợ Sa Đéc xưa (ta có thể nhận ra chợ Tân Phú Đông trong bức ảnh trước nhờ hai cây cột mặt tiền độc đáo)
    và ngày nay





    Chợ nằm sát ngay bên sông như thấy trong bức toàn cảnh



    Phía bờ phải dòng sông thay đổi rất ít. Không có xa lộ cắt qua nhánh sông Mekong này nên bạn có thể thỏa sức đi bộ dọc bờ sông

    Cạnh khu chợ



    Ngôi nhà nổi tiếng của người tình Huỳnh Thủy Lê, hiện được mở cửa cho công chúng tham quan. Nội thất bên trong rất thú vị (xem bài riêng về Người tình).




    Bị che khuất bởi một ngôi nhà khác...





    ... ngôi nhà xinh đẹp đề năm 1934 này từng thuộc về một gia đình người Hoa, ngày nay đây là một cửa hàng bán nước đóng chai.



    Nghề nha sĩ truyền từ đời cha cho con trai. Các đồ dùng (phía sau cánh cửa) thuộc về một thời đã qua.

  4. The Following 2 Users Say Thank You to Mr Unu For This Useful Post:


  5. #3

    Tham gia ngày
    Mar 2011
    Bài gửi
    1.484
    Thanks
    365
    Thanked 1.354 Times in 831 Posts
    Những ngôi biệt thự








    Không rõ ai là chủ nhân của ngôi biệt thự đặc biệt...







    ... giờ chuyển đổi thành nhà trẻ này?







    Liền đó là một căn nhà khác cũng bị nhà nước trưng dụng








    Xa hơn về phía sông, sau cây cầu, ngôi nhà ngay ngoài khu trung tâm thành phố







    Một ngôi biệt thự cổ biến thành kho vật liệu


    Bờ trái







    Cầu sắt cho người đi bộ. Cách đây mấy năm cây cầu người Pháp xây đã bị sập, làm chết vài người.






    Cầu cũ dưới thời Pháp là một cầu quay








    Bờ sông, trụ sở (của hãng vận tải thủy?)







    Dưới chân cầu, những ngôi nhà cùng thời kì.








    Xa hơn khỏi bờ sông, ngôi nhà này có khuôn viên xung quanh rất rộng. Hãy để ý đến chuồng câu trên mái. Trước đây ngôi nhà là trường dạy nghề và nơi ở của học sinh. Năm 2001 nó bị bỏ hoang.







    Bức ảnh chụp vào những năm 30, với tấm băng rôn "Ân nhân của chúng tôi ông Luong V Mi, kĩ sư trưởng Nha công chính đã nghỉ hưu". Liệu căn nhà là trụ sở của Nha Công Chính?


  6. Mr Unu được cám ơn bởi các thành viên sau:


  7. #4

    Tham gia ngày
    Mar 2011
    Bài gửi
    1.484
    Thanks
    365
    Thanked 1.354 Times in 831 Posts




    Kiến trúc rất "hiện đại", không xa chỗ cây cầu


    Đối diện khu chợ







    Vẫn tuyệt vời như từng thấy trong phim Người tình, ngôi nhà thuộc về một gia đình nhiều thế hệ (dòng hộ Hội, chữ H có thể thấy trên các mi cửa sổ). Một người phụ nữ có vẻ sống một mình trong căn phòng tầng trệt ngôi nhà. Tiếc là tôi không có người phiên dịch đi cùng!







    Những hình trang trí trên tường, trần






    Một biệt thự chuyển thành sở cảnh sát (ảnh chụp năm 2001)






    Một biệt thự khác (ảnh chụp năm 2001)






    Một biệt thự khác (ảnh chụp năm 2001)


    Ngôi nhà gỗ trong thành phố




    Nằm ngay sau đường phố chính, bị che khuất bởi các công trình mới xây, ngôi nhà này ban đầu được dựng giữa một thảm thực vật dày đặc. Được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, ngôi nhà chứa đựng đầy những kỉ vật, đồ nội thất và những bức ảnh.






    Phạm Minh Nhựt sống cùng con gái. Ông sinh năm 1931, là cựu binh. Đời sống gia đình ông khá khó khăn. Người con trai là giáo viên. Ngôi nhà do cha ông, một công chức làm việc cho người Pháp trong ngành bưu điện xây từ năm 1930. Người cha đã từng làm việc tại Campuchia (Kratie), Sài Gòn và sau cùng là Sa Đéc. Ông đã mang từ Campuchia về các loại gỗ quý và kiểu dáng ngôi nhà.





    Ban đầu ngôi nhà có khu vườn rộng bao quanh. Việc bán phần đất bỏ hoang phía ngoài đã làm gia đình ông cãi cọ vì việc này làm hỏng cảnh quan, nhất là khi nhìn từ phía trong ra. Thành viên gia đình ông sống rải rác ở Việt Nam và Pháp, Phạm Minh Nhật quên ông đã từng học tiếng Pháp, trong khi người em gái sống ở Sài Gòn vẫn sử dụng thành thạo ngôn ngữ này.





    Bàn thờ tổ tiên và những kỉ vật của gia đình. Trong nhà mọi thứ đều được làm bằng thứ gỗ tốt, mầu sẫm. Lưu ý sự sắp xếp hai bên bàn thờ tổ tiên. Khung cửa hai bên dẫn vào căn phòng chính (sau bức tường giữa), từ phòng chính có lối sang một phòng khác phía cuối ngôi nhà. Ngôi nhà đã xuống cấp và khá nguy hiểm cho người cư ngụ.




  8. The Following 2 Users Say Thank You to Mr Unu For This Useful Post:


  9. #5

    Tham gia ngày
    Mar 2011
    Bài gửi
    1.484
    Thanks
    365
    Thanked 1.354 Times in 831 Posts
    Thị xã Sa Đéc được nhiều người nước ngoài, đặc biệt là người Pháp, tìm đến bởi ảnh hưởng của cuốn tiểu thuyết Người tình (L’amant) của nữ văn sĩ Marguerite Duras. Đó là một chuyện tình có thật giữa Marguerite Duras và Huỳnh Thủy Lê, một công tử giầu có người Việt gốc Hoa. “Theo dấu chân người tình” - tour du lịch giúp du khách được tận mắt thấy nơi ở của ông Huỳnh Thủy Lê, nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết.







    Marguerite Duras và Huỳnh Thủy Lê






    Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê tại số 225A đường Nguyễn Huệ, phường 2, thị xã Sa Đéc. Nhà được ông Huỳnh Thuận (cha của ông Huỳnh Thủy Lê) xây dựng bằng gỗ năm 1895. Năm 1917 nhà được sửa chữa lại, mang dáng dấp của biệt thự Pháp. Kiến trúc của nhà là sự hòa hợp tinh tế giữa phong cách Pháp bên ngoài và Trung Hoa bên trong



    Trước khi được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, ngôi nhà này là trụ sở của Đội phòng chống ma túy





    Ngôi nhà này được nhắc tới trong tiểu thuyết như biểu tượng về sự giầu có của gia đình người tình. Tuy nhiên, trong phim cảnh người tình quỳ lạy cha xin cưới cô gái da trắng được thực hiện ở một nơi khác - nhà cổ ở Bình Thủy (Cần Thơ).



    Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê có ba gian, bên trong trang trí theo kiểu người Hoa. Các bao lơn, thành vọng sơn son thếp vàng, các cửa gỗ, tủ, giường, bàn thờ đều được chạm khắc rất công phu, tinh xảo. Du khách có thể thuê phòng nghỉ tại đây dưới hình thức homestay!




    Khung bao lơn chạm trổ chim muông hoa lá thể hiện sự sung túc của gia đình.






    Giữa gian nhà chính có thờ Quan Công, tín ngưỡng truyền thống của người Hoa, đồng thời cũng thể hiện sức mạnh và sự phồn thịnh trong cuộc sống.



    Trên tường ngoài các bức ảnh gia đình ông Huỳnh Thủy Lê, mà còn có ảnh Marguerite Duras bên cha mẹ cùng hai người anh trai, cũng như các bức ảnh từ cảnh phim Người Tình.



    Huỳnh Thủy Lê thành hôn với tiểu thư Nguyễn Thị Mỹ, người đẹp xứ Tiền Giang. Ông bà có 5 con, 3 gái và 2 trai. Họ có năm người con. Ông vẫn sống cuộc đời sung túc, danh vọng và còn làm thông gia với Trần Văn Hương, nguyên Thủ tướng chính quyền Sài Gòn cũ.



    Không xa trung tâm thành phố, gần Quốc lộ 80, cạnh khách sạn Bông Hồng là nơi an nghỉ của ông Huỳnh Thủy Lê. Ông mất năm 1972, sau chuyến đi Pháp cuối đời, mãn nguyện vì đã nói lời sau cùng với người tình thời trai trẻ.

    (Tư liệu tour Theo dấu chân người tình, Ảnh trên trang belleindochine.free.fr )
    Bài viết được lấy từ blog của ttnhan.

  10. The Following 2 Users Say Thank You to Mr Unu For This Useful Post:


  11. #6

    Tham gia ngày
    Mar 2011
    Bài gửi
    1.484
    Thanks
    365
    Thanked 1.354 Times in 831 Posts
    Người tình - L'Amant, một tiểu thuyết nổi tiếng thế giới của nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras (M.D) viết vào những năm cuối đời. Tác phẩm cũng chính là mối tình đầu của bà lúc mới 15 tuổi rưỡi với “công tử” Huỳnh Thủy Lê, hơn bà 12 tuổi.


    Bộ truyện bằng tiếng Pháp, gần 30 quyển của nhà văn Duras, do con trai bà tặng cho trường Tiểu học Trưng Vương - Sa Đéc (Ảnh: Chí Nhân)

    Ông Huỳnh Thủy Lê, một người giàu có bậc nhất xứ Sa Đéc ngày xưa. Ngôi nhà nông từng sinh sống nay đã trở thành một điểm du lịch có một không hai. Mỗi ngày nơi đây đón tiếp hàng trăm du khách đến tham quan.

    Mối tình đầu của nhà văn Duras với công tử họ Huỳnh có thể xem là một tình yêu sét đánh. Họ gặp nhau rất tình cờ trên chuyến phà vượt sông Tiền về Sài Gòn. Có lúc tưởng chừng họ đã cùng nắm tay nhau để vượt qua những định kiến xã hội. Nhưng không! Đó lại là một kết thúc buồn của một mối tình đầy cảm động...

    Tình yêu sét đánh

    “Tôi mười lăm tuổi rưỡi.
    Trên chuyến phà qua sông Cửu Long”

    Duras đã viết như vậy trong phần mở đầu L’Amant. Cô gái da trắng, nghèo, đi xe đò về Sài Gòn cùng với nhiều người dân bản địa và cả gà, vịt... Còn chàng là một công tử giàu có ngồi trên chiếc Limousine lớn màu đen. “Vâng, đó chính là chiếc xe tang lớn trong những quyển sách của tôi”, Duras đã viết như thế trong tác phẩm của mình.

    Nàng - lúc đó là một nữ sinh trường dòng ở Sài Gòn. Trên phà, nàng ra khỏi xe, tựa người vào lan can phà, ngắm dòng sông - một thói quen của nàng. Chàng bắt gặp nàng, tiến tới tán tỉnh. Rồi nàng nhận lời để chàng đưa về Sài Gòn. Từ đó, họ gặp nhau mỗi ngày và chuyện gì đến cũng đã đến. Họ yêu nhau đắm đuối, trong những cơn mê thể xác và hơn hết là cả trái tim. Họ đến với nhau trong lo lắng, ngờ vực, sợ hãi... giữa vô cùng những mâu thuẫn xã hội sâu sắc. Trong đó, nổi lên đậm nét nhất là mâu thuẫn dân tộc và giai cấp.

    "Tôi không thể giải thích được rõ rệt tại sao, nơi chốn chào đời ấy, với tuổi nhỏ và tuổi trẻ của tôi ở đó, càng về cuối đời càng trở thành một hiện tại sáng rỡ trong tôi, như đó là bản mệnh tôi, như chính phần đời xa thẳm ấy tạo ra tất cả những phần đời của tôi sau đó. Và điều lạ lùng, cuốn sách này còn như một chiếu sáng, một cắt nghĩa cho tất cả những cuốn sách tôi đã viết ra”.Marguerite Duras đã trả lời tuần báo Pháp Le Nouvel Observateurnhư vậy khi bà được phỏng vấn về cuốn L’Amant.

    Nàng - một thiếu nữ da trắng “mẫu quốc”, kinh tế gia đình khó khăn... cả nhà bốn người (người anh cả là kẻ nghiện ngập) của nàng chủ yếu dựa vào đồng lương của người mẹ làm hiệu trưởng trường nữ sinh Sa Đéc thời bấy giờ. Gia đình nàng nhiều lúc đã phải bán cả bàn ghế trong nhà để trang trải cho cuộc sống... Còn chàng, một công tử rất giàu có, dân thuộc địa. Đặc biệt hơn, chàng còn là người sẽ tiếp quản cơ nghiệp gia đình. Ý thức được tất cả điều đó, họ đã rất lo sợ cho mối quan hệ của mình. Chàng đã bảo nàng phải hoàn toàn giữ bí mật về mối quan hệ đó. Và nàng cũng tự ý thức được việc mình làm. Nàng đã không nói gì dù có lần bị mẹ và anh cả đánh đập tra khảo. Họ yêu và trao nhau tất cả nhưng lại không thể thừa nhận tình yêu đó trước mọi người.

    Có lần gia đình nàng lên Sài Gòn, chàng đã đưa họ đi ăn ở nhà hàng sang trọng nhất. Trong lần đó, hai người anh, mẹ của nàng và cả nàng nữa... xem chàng như không hề có mặt, không tồn tại. “Họ ăn một cách ngấu nghiến như chưa từng được ăn... Họ đã đối xử với người tình của tôi như thế. Không một lời cảm ơn với người đã trả tiền bữa ăn ngon lành đó”, Duras viết.

    Rồi gia đình chàng cũng biết chuyện. Họ không đời nào chấp nhận một người da trắng làm vợ chàng. Cha chàng, 10 năm trước đã hứa hôn cho chàng với một thiếu nữ người Tiền Giang.

    Mối tình mặn nồng, say đắm kéo dài khoảng một năm rưỡi của họ đã kết thúc bằng việc chàng phải cưới vợ theo sự sắp đặt của gia đình. Nàng cùng gia đình mình lên tàu về Pháp. Trước ngày lên đường, nàng đã đến ngôi nhà “độc thân” - nơi hẹn hò của những chàng công tử giàu có thời bấy giờ, nhưng không gặp chàng. Khi ở bến tàu, cố tình nấn ná, kiếm tìm nhưng nàng vẫn không thấy bóng dáng chàng.

    Nàng đã khóc! “Khóc mà không để cho mẹ nàng và người anh kế của nàng nhìn thấy nàng đang buồn, không để cho họ nhìn thấy gì hết, là thói quen giữa họ với nhau”. Thế rồi, “Chiếc xe to lớn của chàng ở đó, dài và đen với người tài xế mặc chế phục trắng đàng trước. Chỗ đó chỉ cách chỗ đậu xe của hãng tàu thủy Messageries Martimes một con đường nhỏ, riêng biệt. Đóá là điều mà nàng đã nhận ra. Đó chính là chàng ở phía sau, chỉ đủ trông thấy hình dáng, bất động, kiệt sức. Nàng tựa người vào lan can tàu, giống như lần đầu tiên, trên phà. Nàng biết chàng đang nhìn nàng, nàng cũng đang nhìn chàng, nàng không thể nhìn thấy chàng nữa nhưng nàng vẫn nhìn về phía cái hình dáng của chiếc xe đen. Rồi sau cùng thì nàng không thể nhìn thấy nó nữa. Bến cảng nhòa đi, rồi đến đất liền”.

    Nhân vật chính - Việt Nam

    “Nhiều năm sau chiến tranh, sau những cuộc hôn nhân, những đứa con, những cuộc ly dị, những sách vở, chàng đến Paris với vợ chàng. Chàng gọi điện thoại cho nàng. Anh đây. Nàng nhận ra chàng ngay lập tức qua giọng nói. Chàng nói, anh chỉ muốn nghe giọng nói của em. Nàng nói, chào anh, em đây. Chàng bị kích động, sợ hãi, như trước kia. Giọng nói chàng chợt run rẩy... Rồi chàng nói với nàng. Nói với nàng rằng cũng giống như trước kia, chàng vẫn yêu thương nàng, chàng không thể ngừng yêu thương nàng được, không bao giờ chàng có thể ngừng yêu thương nàng, chàng yêu thương nàng cho đến chết”.

    Ngót nửa thế kỷ sau khi nàng rời miền Nam Việt Nam, khi nhận được cú điện thoại ấy, bao ký ức ngày xưa chợt ùa về. Nó mạnh mẽ như thác đổ, mới tinh như vừa xảy ra, sâu sắc như những ngày đang yêu... Vậy là L’Amant ra đời.

    Sách do nhà xuất bản Les Éditions de Minuit ấn hành năm 1984. Khi vừa ra đời, L’Amant đã trở thành best-seller, với khoảng 2,4 triệu bản, một hiện tượng của văn học Pháp thời bấy giờ. Theo wikipedia tiểu thuyết này đã được dịch ra 43 thứ tiếng. Ngay trong năm đầu tiên xuất bản, L’Amant đã đoạt giải Goncourt - một giải thưởng danh giá của văn học Pháp.

    Năm 1991, đạo diễn Jean-Jacques Annaud đã khởi quay bộ phim Người tình dựa trên tự truyện của Duras. Một năm sau thì bộ phim hoàn thành. Rồi nó cũng trở nên nổi tiếng khắp thế giới. “Ông già Nam Bộ” Sơn Nam được mời làm cố vấn cho bộ phim. Phim có sự tham gia của ngôi sao Jane March, Lương Gia Huy và Lisa Faulkner. Sơn Nam từng nhận xét: “Phim đó hay nhất ở chỗ người ta phục hồi lại được những chiếc xe cổ, không gian cổ Nam Bộ và bến phà Bắc Hậu Giang rất đúng tinh thần Nam Bộ”.

    (còn tiếp)
    Theo Chí Nhân (Thanh Nien Online)

  12. #7

    Tham gia ngày
    Mar 2011
    Bài gửi
    1.484
    Thanks
    365
    Thanked 1.354 Times in 831 Posts
    Hàng triệu độc giả, khán giả trên khắp thế giới đã biết đến VN qua Người tình. Và khi có dịp đến VN, một trong những điểm tham quan được du khách yêu thích là nhàNgười tình.


    Bên trong nhà Người tình - Ảnh: Chí Nhân

    Ngôi nhà bí ẩn

    Cô Thanh Tuyền, người thuyết minh về ngôi nhà cho biết, nhiều du khách vẫn cho rằng nhà công tử Huỳnh Thủy Lê là “nhà Người tình”, và thường hỏi: “Đâu là căn phòng “tình yêu” trong Người tình?”. Có người hiểu rõ câu chuyện nhưng họ vẫn thích gọi tắt như vậy. Người khác thì gọi đây là căn nhà màu xanh, ngôi nhà bí ẩn...

    Thanh Tuyền giải thích: “Sở dĩ có cách gọi như vậy vì trước đây nhà được sơn màu xanh. Bên cạnh đó, các căn phòng trong nhà được trang trí xen kẽ giữa gỗ và kiếng màu xanh. Khi có ánh sáng chiếu vào, căn phòng có màu xanh thật huyền ảo. Còn điều “bí ẩn” mà người ta nhắc đến là: Gian nhà phía bên phải, theo hướng từ ngoài nhìn vào luôn luôn có gió nên quanh năm mát mẻ. Trong khi đó, hai gian còn lại mà nhất là gian bên trái thì hầu như không có ngọn gió nào trong suốt cả năm”.

    Chính thức được đưa vào khai thác du lịch từ đầu năm 2007, trung bình mỗi tháng, nhà Người tình đón khoảng 3.000 khách, trong đó, 50% là khách Pháp, kế đó là du khách từ các nước trong cộng đồng Pháp ngữ. Hiện nay, qua các phương tiện thông tin đại chúng, lượng khách Việt có tăng lên nhưng cũng chỉ khoảng 10%.

    Ngôi nhà của ông Huỳnh Thủy Lê hiện nay tọa lạc ở số 225A đường Nguyễn Huệ, P.2, thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp). Đây không phải là nơi ông và nữ văn sĩ Duras từng hẹn hò như nhiều người nhầm lẫn. Năm 1895, cha của Huỳnh Thủy Lê là ông Huỳnh Thuận đã xây dựng ngôi nhà này bằng vật liệu chính là gỗ. Ngôi nhà ba gian theo kiểu Nam Bộ, đến năm 1917 ông Huỳnh Thuận cho xây dựng lại ngôi nhà mang dáng dấp của biệt thự Pháp với sự kết hợp hài hòa kiến trúc Đông - Tây. Nền nhà cao ráo, được lát gạch bông. Gạch được nhập từ vùng Ardèche của Pháp. Tường được xây bằng gạch đặc rất dày từ 30 - 40 cm bao lấy kết cấu khung gỗ làm tăng khả năng chịu lực. Mái nhà lợp ngói âm dương, hai bên đầu hồi cong vút thành hình chiếc thuyền tượng trưng cho miền sông nước Tây Nam Bộ.

    Kiến trúc phương Tây thể hiện rõ ở phần mặt tiền nhà, trần nhà, khung cửa sổ, hai balcon trước và sau nhà. Tất cả được trang trí bằng các phù điêu kiểu thời Phục hưng. Vòm cửa cong theo kiến trúc La Mã. Phần kiến trúc phương Đông được thấy qua những đường nét chạm khắc rất sắc sảo và được sơn son thếp vàng như hình chim muông, cây trái và các loại hoa như: trúc, mai, cúc, đào..., thể hiện sự sung túc và giàu có của một đại gia thời bấy giờ.



    Trung bình mỗi tháng có khoảng 3.000 du khách tham quan nhà Người tình - Ảnh: Chí Nhân

    Những vị khách đặc biệt

    Từ giữa năm 2006, ngôi nhà được giao cho Công ty cổ phần du lịch Đồng Tháp quản lý; đến đầu năm 2007 thì đơn vị này chính thức đưa vào khai thác du lịch, và cho khách nghỉ đêm theo kiểu homestay. Nhà Người tình có thể được xem là một điểm du lịch được tổ chức khá tốt và chu đáo, lúc nào cũng có hai thuyết minh viên (một tiếng Pháp, một tiếng Anh) để phục vụ du khách.

    Bà Phạm Thị Đẹt - nguyên Hiệu trưởng trường Tiểu học Trưng Vương (Sa Đéc), ngôi trường mà trước đây mẹ nhà văn Duras từng làm hiệu trưởng, kể: “Trước khi công ty du lịch vào quản lý và khai thác du lịch, ngôi nhà là trụ sở làm việc của công an. Khi còn làm hiệu trưởng và là đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh, tôi đã nhiều lần đề nghị tỉnh nên đưa ngôi nhà này vào khai thác du lịch. Vì lúc bấy giờ có rất nhiều người Tây phương đến Sa Đéc để tìm hiểu những dấu tích còn sót lại của Người tình. Bên cạnh những khách du lịch thông thường còn có người qua đây nghiên cứu, tìm tư liệu để bảo vệ luận án thạc sĩ, tiến sĩ...”.

    Cô Kiều Xuân, một người thuyết minh tại nhà Người tình, thì cho biết: khi Công ty cổ phần du lịch Đồng Tháp mới tiếp nhận ngôi nhà, có lần được đón tiếp một người khách rất đặc biệt - người con gái của ông Huỳnh Thủy Lê về quê và ghé lại thăm ngôi nhà cũ. Cô đã giúp công ty bổ sung nhiều thông tin quý giá về ngôi nhà và cách bài trí sao cho giống ngày xưa nhất. Rồi có một bà cụ người Pháp gốc Việt, đã ngoài 90 tuổi nhưng vẫn thường xuyên về quê, mỗi năm đôi ba lần, mà lần nào cũng ghé thăm nơi đây. Cụ thường đi với người con trai, người đàn ông đó cũng sắp thành một ông lão và chỉ biết chút ít tiếng Việt. Bà cụ kể, cụ là người Sa Đéc. Ngày xưa, nhà họ Huỳnh giàu lắm, kín cổng cao tường, mỗi khi có dịp đi ngang qua, bà chỉ dám len lén nhìn vào. Đến giờ trở về quê hương, cảnh vật xưa đã thay đổi nhiều, người cũ không còn mấy ai, chỉ có đến đây bà mới có cảm giác trở về với quê cũ, thấy đỡ nhớ quê hơn...

    Còn anh Tùng, một hướng dẫn viên du lịch, bảo nhiều du khách tỏ ra rất thích thú khi được đặt chân đến đây. Họ như được sống lại trong không khí xưa của miền Tây Nam Bộ - vốn từng biết qua Người tình.
    Theo Chí Nhân (Thanh Nien Online)



  13. #8

    Tham gia ngày
    Mar 2011
    Bài gửi
    1.484
    Thanks
    365
    Thanked 1.354 Times in 831 Posts
    Chuyện về người đẹp Pháp và người đàn ông gốc Hoa sống trên đất Việt cùng với những bí mật trong gia tộc đã thực sự lôi cuốn.

    Người dân Sa Đéc ngày nay chỉ biết rằng: Họ Huỳnh ngày xưa giàu nhất xứ này. “Huỳnh gia” nắm giữ đến 2/3 căn phố chợ nơi đây. Ông Huỳnh Thuận có 4 người con, một gái ba trai, Huỳnh Thủy Lê là con út.

    Tìm kiếm những gì còn sót lại của một thế kỷ trước quả là điều không đơn giản. Chúng tôi chỉ bắt gặp trên bức ảnh chân dung ông Huỳnh Thủy Lê treo ở nhà cổ có in nổi tên tiệm chụp ảnh Huê Chân. Huê Chân là một tiệm ảnh có tiếng xưa nay ở Sa Đéc.

    Hiện tiệm nằm ở số 16/2 đường Nguyễn Huệ, cách đó không xa. Bà chủ tiệm năm nay đã trạc 50 tuổi, người thừa kế đời thứ ba của tiệm ảnh cho biết: “Bức chân dung đó có thể là do đời ông nội tôi chụp. Tôi cũng chỉ biết về gia đình họ Huỳnh khi có đoàn làm phim Người tình về đây quay và cũng chỉ biết có bấy nhiêu. Trước đó, tôi cũng không nghe cha hay ông tôi nhắc gì về nhà họ Huỳnh cả”.


    Con hẻm này chính là cổng sau của nhà họ Huỳnh ngày trước.

    Theo lời chỉ dẫn của nhiều người, chúng tôi tìm đến chùa ông Quách. Chùa được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia năm 1994. Ông Năm Trọng, người trông coi ngôi chùa là cháu ruột ông Huỳnh Thủy Lê. Ông Năm Trọng năm nay đã 64 tuổi.

    Theo lời ông: Cha ông là Huỳnh Thoại Ngọc, anh kế của ông Lê. “Ông nội tôi ngày xưa rất giàu, có đến cả trăm ngôi nhà phố. Ông là người sống nhân đức, luôn giúp đỡ mọi người. Ngôi chùa này là do ông tôi đứng ra vận động người trong họ xây cất. Ông cũng chính là người bao thầu chi phí xây dựng. Bên cạnh đó, ông tôi cũng ủng hộ chi phí xây dựng nhiều đình chùa khác. Chú Út là người rất yêu thương con cháu. Ngày xưa ông thường đi về giữa Sài Gòn - Sa Đéc, mỗi lần về quê ông thường cho chúng tôi tiền. Ngày ấy tôi còn rất bé, cũng không nhớ rõ nhiều chuyện”.
    Câu chuyện do chính người trong dòng họ Huỳnh kể cũng chỉ có vậy.


    Ông Phan Thoại Trọng, cháu gọi ông Huỳnh Thủy Lê bằng chú, người trông coi chùa ông Quách.
    Chúng tôi tìm đến một con hẻm nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo (song song với đường Nguyễn Huệ). Cái cổng ở đầu hẻm vẫn còn lưu lại nét kiến trúc cổ đã bị thời gian tàn phá và người dân lấn chiếm. Đó chính là cổng sau của nhà họ Huỳnh ngày xưa.

    Hẻm có chừng một chục hộ dân sinh sống. Chúng tôi tìm gặp ông Sáu Bé, người được cho là biết khá rõ về dòng họ Huỳnh. Ông tên thật là Trần Văn Quới, năm nay đã gần 80 tuổi, quản gia nhà họ Huỳnh.

    Ông kể: Nhà họ Huỳnh ngày xưa giàu lắm, giàu nhất xứ Sa Đéc. Nhưng sống nhân đức, thường xuyên làm điều thiện. Ông Huỳnh Thuận đóng góp phần lớn tiền xây chùa ông Quách.

    Tới đời ông Huỳnh Thủy Lê, ông đã cho ban quản tự chùa ông Quách mượn một dãy phố, khoảng 16 căn để cho thuê. Tiền thu được dùng để mua nhang đèn, thờ cúng và tu bổ cho chùa. Về sau, ông cúng hẳn dãy phố cho chùa. Một lần khác, có một sư thầy ghé thăm thì ông phát tâm hiến đất, đóng góp tiền của xây tịnh xá Ngọc Quang. Vị sư thầy đó chính là Đức Tổ sư Minh Đăng Quang của hệ phái Khất sĩ hiện nay.

    Thời đó, họ Huỳnh giàu có nên thế lực cũng rất lớn, nhiều người đã xin đổi sang họ Huỳnh để tiện bề làm ăn. Đối với những trường hợp như thế, ông Huỳnh Thủy Lê cũng vui lòng giúp chấp thuận mà không cần truy xét. Huỳnh gia ngày xưa là chủ chành gạo lớn nhất tỉnh Sa Đéc. Gạo Huỳnh gia không chỉ buôn bán trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

    Một nguồn kinh tế phụ khác là thu tiền cho thuê từ các căn phố. Phố xá ở đây ngày xưa, phần lớn của Huỳnh gia, phần còn lại của người Chà Và (thương nhân Ấn Độ - PV), số ít còn lại của những người khác. “Ngày xưa, tôi thường đi thu tiền từ các căn phố đó”, ông Sáu Bé kể. Ngoài ra, Huỳnh gia còn rất nhiều nhà cửa và tài sản ở khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn...

    Liên quan tới nhà văn Duras, bà là con của nữ giáo chức Marie Donnadieu, Hiệu trưởng trường L’ecole Primaire De Jeunes Filles De Sadec, nay là trường Tiểu học Trưng Vương.

    Đây là ngôi trường cổ nhất Đồng Tháp. Cô Phạm Thị Đẹt, cho biết: Lần đó, nhà văn Sơn Nam về đây làm cố vấn cho bộ phim Người tình, qua tiếp xúc thì mới được biết câu chuyện nó là như thế. Chứ thật ra ở đây, gần như không còn ai biết về nhà họ Huỳnh, bà Hiệu trưởng Marie Donnadieu và câu chuyện đó. Từ đó, tôi bỏ công sưu tầm tất cả những gì có liên quan tới ngôi trường này. Điều may mắn nhất là tôi đã tìm được một văn bản có lưu lại bút tích của bà Donnadieu. Đến năm 2002, tôi cho in cuốn kỷ yếu nhân 100 năm thành lập trường và có gửi qua Pháp tặng họ. Sau này, đại diện chính quyền bên đó có qua thăm trường và tặng chúng tôi 4 ngàn euro. Tiền đó tôi dùng để sửa chữa và quét vôi lại ngôi trường. Tiếp đó, con bà Duras rồi cả người tình cuối cùng của bà nữa cũng có qua thăm trường. Họ rất xúc động và đã tặng chúng tôi rất nhiều ảnh, sách của bà Duras. “Bản thân tôi cũng được tặng cuốn tiểu thuyết L’Amant nguyên bản tiếng Pháp”, cô Đẹt kể.

    Ngày nay, ngôi trường vẫn còn duy trì dạy tiếng Pháp cho học sinh (mỗi khối 1 lớp) theo chương trình hỗ trợ từ Cộng đồng Pháp ngữ. Du khách vẫn tìm đến tham quan nơi này và thích thú khi biết nơi đây vẫn còn có những em nhỏ biết tiếng Pháp. Tuy chỉ có điều là ngôi nhà ngày xưa của bà hiệu trưởng ở thì nay đã không còn và không còn ai xác định được vị trí của nó.

    Những người thuyết minh ở ngôi nhà “Người tình” cho biết: Huỳnh Thủy Lê có vợ là bà Nguyễn Thị Mỹ, người đẹp xứ Tiền Giang. Ông bà sống với nhau có 5 mặt con, 3 gái và 2 trai. Cô con gái thứ tư của ông Lê tên Huỳnh Thủy Anh xinh đẹp có tiếng. Cô cũng chính là con dâu của ông Trần Văn Hương, nguyên Thủ tướng chính quyền Sài Gòn. Năm 1972, ông Lê qua đời ở Sài Gòn, tang lễ của ông được tổ chức tại quê nhà. Đích thân ông Trần Văn Hương đáp máy bay về tận Sa Đéc để dự lễ tang của thông gia. Sau đó, ông Lê được an táng tại khu đất của gia đình. Hiện tại, các con của ông Lê đều sống ở nước ngoài: Huỳnh Thủy Tiên là GS.TS - Giám đốc Bệnh viện Nhi ở bang Califonia (Mỹ), Huỳnh Thủy Hà là giảng viên trường ĐH Sorbonne (Pháp), Huỳnh Thủy Anh, Huỳnh Thủy Tuấn và Huỳnh Thủy Tòng đều ở Mỹ.


    Chí Nhân

 

 

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Members who have read this thread : 0

You do not have permission to view the list of names.

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •  
,
free counter statistics

Search Engine Friendly URLs by vBSEO