Ở Việt Nam, chim yến cho tổ ăn được là loài Aerodramus fuciphagus, sinh sống trong nhà phân bố từ Thanh Hóa đến Cà Mau, các tỉnh Tây Nguyên từ Bình Phước đến Đắc Lăk. tổ yến Việt Nam có chất lượng cao, được khách hàng trên thế giới ưa chuộng. 
Thi bày cỗ cầu cơm mới của người dân Tày Khao nhân kỳ lễ hội mùa thu vào ngày Mão tháng 9 âm lịch hàng naem. Đền Đông Cuông, Văn Yên, Yên Bái.

Đình Thổ Tang: Một di sản kiến trúc nghệ thuật đặc sắc và độc đáo

(TN&MT) - Một duyên may hiếm có đã đưa đoàn khách chúng tôi tới thăm ngôi đình Thổ Tang nổi tiếng mà bấy lâu chúng tôi chỉ được biết qua sách vở, phim ảnh.

  • Cổng đình rất uy nghiêm

  • Đình Thổ Tang thuộc huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc

  • Kiến trúc cổ của thời Hậu Lê

  • Với những nét chạm khắc rất tinh tế, tỉ mỉ

  • Ba chữ "Hòa vi quý" được một vị Tổng đốc Sơn Tây ban tặng

 

Sau khi đến tham quan chùa Tùng Vân, nơi có bức tượng Phật Ngọc được xác lập kỷ lục Việt Nam năm 2011, chúng tôi được bà con địa phương giới thiệu sang  thăm ngôi đình Thổ Tang nằm ngay xế với ngôi chùa, cùng đất làng Thổ Tang. Bước qua cổng nghi môn rộng lớn uy nghi rợp mát bóng đa cổ thụ, mái đình Thổ Tang hiện lên rộng lớn và vững chãi, nhưng cũng rất thanh thoát và duyên dáng với màu mái ngói đỏ tươi và những dáng nét đao đình cong vắt in trên nền trời xanh trong trẻo.

Ngược dòng lịch sử, đình Thổ Tang thuộc huyện Vĩnh Tường, được tạo dựng từ thế kỷ XVII, trải qua thời gian, đến nay còn bảo lưu được tương đối nguyên vẹn kiểu thức kiến trúc thời Hậu Lê.

Đình thờ danh tướng Lân Hổ, có công đánh giặc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII. Tương truyền, theo lệnh Vua Trần, Lân Hổ đã dẫn quân lên vùng Gia Ninh (nay thuộc tỉnh Phú Thọ) lập phòng tuyến, bày binh bố trận, chỉ huy quân sĩ chiến đấu anh dũng, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo vệ kinh đô Thăng Long. Hiện nay suốt một dải từ Dục Mỹ - Sơn Vi (Phú Thọ) đến Vĩnh Tường - Yên Lạc (Vĩnh Phúc) có hệ thống di tích thờ Lân Hổ. ở xã Thổ Tang có Miếu Trúc, đình Thổ Tang, đình Phương Viên, trong đó đình Thổ Tang là trung tâm để tổ chức lễ hội cùng những trò diễn, lễ hội tưởng niệm vị tướng tài Lân Hổ và cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước của dân tộc ta thời Trần.
Đình Thổ Tang được xây dựng với quy mô đồ sộ, gồm hai toà kiến trúc bố cục theo hình chữ "đinh". Đại đình 5 gian, 2 dĩ, 6 hàng chân, hậu cung 2 gian. Toàn đình có 60 cột, làm bằng gỗ tốt đại khoa. Cột cái có đường kính 0,80m, cột con đường kính 0,61m. Nền đình dài 25,80m, rộng 14,20m, bó đá xanh xung quanh. Kết cấu kiến trúc kiểu tứ trụ, chồng rường giá chiêng, gia cố bền chắc.

Đình Thổ Tang hiện còn 21 bức chạm khắc gỗ hết sức tinh tế, được thể hiện trên các thành phần kiến trúc: Thân kẻ, thân bẩy, thân rường, nội dung phong phú, khái quát về chu trình: Lao động - làm ăn - hưởng thụ của cư dân nông nghiệp, của nhân dân ta thời Lê Trung hưng. Các bức chạm ở đây được sắp xếp thứ tự theo chu trình đó. Bước vào cửa đình thì thấy ngay bức chạm đầu tiên là "ngày hội xuống đồng" (lễ tịch điền) rồi lần lượt đến các bức "bắn thú dữ" để bảo vệ mùa màng, thôn xóm. Cảnh vui chơi giải trí có: "Đá cầu", "chơi cờ", "uống rượu", "người múa". Cảnh sinh hoạt gia đình có: "trai gái tình tự", "gia đình hạnh phúc". Phê phán những thói hư tật xấu có: "đánh ghen", "vợ chồng lười". Trang trí thờ phụng gồm các bức: "cửu long tranh châu", "bát tiên quá hải" và nhiều hình rồng chầu , phượng múa. Trong đó nổi tiếng nhất là bức chạm đá cầu và múa hội.

Đình Thổ Tang là một trong những ngôi đình đạt đến đỉnh cao về mỹ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian thời Hậu Lê, luôn được nhắc tới trong lịch sử mỹ thuật dân tộc. Đình cũng là di tích được xếp hạng quốc gia sớm nhất ở Vĩnh Phúc. Nhiều năm, đình  luôn thu hút sự quan tâm nghiên cứu của giới khoa học, sự quan tâm bảo vệ tu bổ của Nhà nước các cấp, chính quyền và nhân dân địa phương. Rất may là việc tôn tạo đình qua nhiều lần vẫn giữ được hầu như nguyên dạng các hạng mục cũng như các dấu nét trang trí ban đầu.

 Bức hoành phi treo ở chính giữa đại  đình mang 3 chữ đại tự: “Hòa vi quý”. Tương truyền, dân Thổ Tang vốn làm ăn giỏi nhưng một thời hay có nhiều chuyện tranh giành đấu đá lẫn nhau. Một hôm có vị Tổng đốc Sơn Tây đi qua, dân làng xin chữ thờ ở Đình vì đình đang tu sửa. Quan Tổng đốc đã viết tặng ba chữ này, ngụ ý nhắc nhở văn thân hào lý trong làng gương mẫu giữ lấy mối đoàn kết hòa hiếu trong dân làm rường cột cho con cháu con noi theo. Ba chữ đại tự “Hòa vi quý” là rất đặc biệt, hầu như không thấy ở bất cứ ngôi đình nào vùng đồng bằng trung du Bắc  Bộ

Vũ Tuyết Nhung

Các tin khác