LĂNG TRIỀU NGUYỄN Ở NAM BỘ
Lương Chánh Tòng*
Đối với nghiên cứu lịch sử, mộ táng có một vị trí rất quan trọng, đặc biệt là lăng mộ gắn với hoàng gia và hệ thống quan lại các triều đại phong kiến. Vì lăng mộ thuộc sở hữu có tính chất “đặc quyền” của tầng lớp trên trong xã hội đương thời, do đó đây là loại hình di tích hội tụ và kết tinh nhiều giá trị lịch sử văn hóa của thời đại. Nghiên cứu hệ thống lăng mộ thời Nguyễn ở Nam bộ góp phần cung cấp tư liệu về chính trị, lịch sử, văn hoá, kinh tế, tín ngưỡng, phong tục tập quán, những quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan, về kỹ thuật, nghệ thuật, mỹ thuật… của giai đoạn lịch sử từ thời chúa Nguyễn đến thời Nguyễn ở Nam bộ. Hơn nữa, việc nghiên cứu sự phân bố cũng như những đặc trưng về kiến trúc và di vật tìm thấy trong các lăng mộ thời Nguyễn ở Nam bộ giúp chúng ta có thể phần nào xác nhận được bước đi lịch sử của dân tộc đối với công cuộc khai phá, mở rộng và xác lập chủ quyền biên cương của Tổ quốc.
Tại vùng đất Nam bộ cho đến nay, chúng ta chưa tìm được những công trình kiến trúc lăng mộ trước thế kỷ 17. Có nhiều cách diễn giải khác nhau về sự thiếu vắng này. Tư liệu dân tộc học, khảo cổ học cho chúng ta biết rằng, phong tục tập quán của những nhóm cư dân bản địa trước khi người Việt tới khai khẩn vùng đất Nam bộ vốn gắn nhiều với tục hoả táng, thuỷ táng, hoặc chỉ là các dạng mộ đất mà không có hình thức xây dựng lăng mộ. Như vậy, tục lệ xây cất lăng mộ của hoàng gia và các quan đại thần thời Nguyễn ở Nam bộ chỉ có thể tìm hiểu nguồn gốc từ Đại Việt – Đàng Ngoài, rồi đến Đàng Trong thời chúa Nguyễn và sau đó lan toả khắp vùng Nam bộ, đánh dấu bước chân mở cõi ở phương Nam của người Việt.
Ở Nam bộ, lăng mộ thời chúa Nguyễn mới chỉ được ghi nhận ở một số địa điểm sau:
– Quần thể lăng mộ họ Mạc ở núi Bình San, thuộc phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Đây là khu di tích với hàng chục lăng mộ của dòng họ Mạc, được xây dựng từ năm 1735 và tiếp tục mở rộng vào các giai đoạn sau. Kiến trúc lăng mộ được xây bằng hợp chất, kết hợp với đá dùng để kè hệ thống thềm và một số bộ phận khác. Kết cấu kiến trúc lăng mộ Mạc Cửu có dạng hình bán nguyệt khoét sâu vào núi, với hệ thống tường thành uốn lượn, nấm mộ có hình dáng ngưu miên.
– Lăng mộ Trần Thượng Xuyên được xây dựng vào năm 1725, hiện tọa lạc tại Ấp 2, xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Kiến trúc chính của lăng mộ Trần Thượng Xuyên được làm bằng hợp chất với cấu trúc gồm: bình phong tiền, trụ biểu và tường thành, sân tế, cửa và nấm mộ, kết thúc là bình phong hậu. Lăng mộ có kích thước chính dài 3,1m; rộng ngang 2,7m. Do bị huỷ hoại nhiều nên không còn nhận diện được các đặc điểm từng bộ phận kiến trúc mộ. Năm 2004, khu lăng mộ đã được trùng tu và tôn tạo lại[1].
– Lăng mộ Đỗ Thành Nhân (?) nằm ven đường Phạm Ngũ Lão, Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Theo một số tư liệu lưu trữ tại Ban quản lý di tích tỉnh Bình Dương thì lăng mộ Đỗ Thành Nhân được xây dựng từ năm 1781(?), đã được khai quật và di dời về vị trí mới vào năm 2003, cách vị trí cũ khoảng 8m để phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng mở rộng làm đường Phạm Ngũ Lão. Hiện nay, mộ đã được xây lại, trên đó còn lưu lại một số dấu tích cũ.
Ngoài ra, dấu tích lăng mộ hợp chất của giai đoạn này còn tìm thấy ở một số nơi như xứ Mô Xoài – Bà Rịa với một số ngôi mộ đã khai quật ở Long Hương, Thành phố Bà Rịa[2], ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai…
Lịch sử nghiên cứu lăng mộ thời Nguyễn ở Nam bộ được khởi đầu bằng những cuộc “khai quật” lăng mộ một số quan đại thần thời Nguyễn nằm trong khu vực giải toả mặt bằng phục vụ cho các công trình xây dựng dưới thời Pháp thuộc và dưới chế độ Việt Nam Cộng hoà. Năm 1939 người Pháp đã khai quật lăng mộ Khâm sai chưởng cơ Trần Văn Học ở quận Phú Nhuận (không rõ vị trí hiện nay), kết quả nghiên cứu được công bố trong “Tạp chí Hội nghiên cứu Đông Dương” năm 1939[3]. Sau năm 1954, chế độ Việt Nam Cộng hoà cũng đã giải toả một số lăng mộ nằm trong các khu quy hoạch xây dựng của chế độ cũ, trong đó nổi bật là cuộc khai quật di dời lăng mộ Thống chế Thần sách Lê Văn Phong (Phó tổng trấn Bắc Thành, em trai Tả quân Lê Văn Duyệt) nằm trong khu vực Bộ chỉ huy chính quyền Sài Gòn – Quận Phú Nhuận vào năm 1961[4]. Năm 1962, để mở rộng sân bay Biên Hoà, Nha căn cứ hàng không Việt Nam Cộng hoà và tỉnh Biên Hoà đã khai quật di dời 2 lăng mộ “Thiên vương Thống chế” và “Thống chế Tiền chi” nằm trong địa phận phường Tân Phong, Thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai ngày nay, được Nguyễn Bá Lăng công bố trong Nội san Viện khảo cổ năm 1965[5].
Sau năm 1975, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành khảo sát, khai quật một số lăng mộ các quan đại thần triều Nguyễn, trong đó nổi bật là cuộc khai quật lăng mộ Huỳnh Công Lý – Phó tổng trấn Thành Gia Định ở Vườn Chuối (Quận 3 – TP. Hồ Chí Minh) vào năm 1977[6]; Năm 1998, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP. Hồ Chí Minh tiến hành khảo sát khu lăng mộ của Tả tham tri bộ Lại Phạm Quang Triệt thời Gia Long và con trai là Phạm Duy Trinh – Tả tham tri bộ Hình, bộ Binh, Tuần phủ Bắc Ninh ở Gò Quéo – Quận 2 – TP. Hồ Chí Minh, kết quả nghiên cứu đã được công bố trên một số ấn phẩm khoa học[7]…Mặc dù chưa có công trình nghiên cứu có tính chất hệ thống, nhưng cũng đã có một số nghiên cứu lẻ tẻ đề cập đến một vài di tích thuộc loại hình lăng mộ thời Nguyễn ở Nam bộ được công bố như: Khai quật mộ Vườn Chuối (Thành phố Hồ Chí Minh)[8]; Khai quật mộ hợp chất ở Phú Thọ – Quận 10 – TP.Hồ Chí Minh; Khai quật mộ Pasteur – Quận 3 – TP.Hồ Chí ; Đền thờ và mộ táng “Danh sĩ xứ Dừa” thời Cận đại[9], hay nghiên cứu một phần như: Từ bia mộ chữ Hán ở Thành phố Hồ Chí Minh thử xác định niên đại Quốc hiệu Việt Cố, Hoàng Việt và Đại Nam in trong Tạp chí Khảo cổ học[10]; Mộ hợp chất ở Gia Định và Nam bộ xưa; Lăng mộ Hoàng gia – Dấu ấn của triều Nguyễn trên đất Nam bộ[11]… in trong một số tập sách Nam bộ – Đất và Người; Bản sắc văn hoá lăng mộ ở Tiền Giang[12], Vật liệu và kỹ thuật xây dựng mộ cổ ở Thành phố Hồ Chí Minh… in trong Một số vấn đề khảo cổ học ở miền Nam Việt Nam. Một số đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến hệ thống lăng mộ thời Nguyễn ở Nam bộ cũng đã được triển khai thực hiện, kết quả cung cấp nhiều tư liệu nghiên cứu quan trọng. Tiêu biểu là đề tài khoa học cấp Thành phố (Thành phố Hồ Chí Minh): Khảo sát mộ cổ ở Thành phố Hồ Chí Minh do PGS. TS Phạm Đức Mạnh làm chủ nhiệm[13]; Đề tài khoa học cấp trường – Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh: Mộ cổ ở Thành phố Hồ Chí Minh của Nguyễn Thị Hà và cộng sự[14]…
Từ các kết quả điều tra khảo sát thực địa, kết hợp với nhiều nguồn tư liệu nghiên cứu đã công bố, qua hệ thống các lăng mộ của các quan đại thần thời Nguyễn hiện tồn, đã đến lúc chúng ta có thể phác thảo được một bản đồ về sự phân bố các lăng mộ thời Nguyễn ở Nam bộ. Do khuôn khổ bài viết, chúng tôi trình bày khái lược một số lăng mộ của giai đoạn này nhằm tìm ra một số đặc điểm chung nhất, góp phần xác nhận sự thống nhất có tính truyền thống của dân tộc trên bước đường khai khẩn và xác lập biên cương của tổ quốc ở khu vực phía Nam qua hệ thống lăng mộ thời Nguyễn.
1. Kiến trúc lăng triều Nguyễn ở Nam bộ
1.1. Lăng Lê Văn Duyệt
– Tiểu sử Lê Văn Duyệt
Lê Văn Duyệt (1763 – 1832), tổ tiên người huyện Chương Nghĩa – Quảng Ngãi, cha là Toại dời đến Định Tường. Năm 1780 Nguyễn Ánh lên ngôi Chúa ở Gia Định, Lê Văn Duyệt được tuyển làm Thái giám. Sau hàng loạt sự kiện lịch sử thăng trầm, gắn bó với Nguyễn Ánh – Gia Long trong công cuộc chiến tranh chống chọi với Tây Sơn, Lê Văn Duyệt dần trở thành một bậc đại công thần và ông được triều đình phong là Khâm sai chưởng Tả Dinh Bình Tây tướng quân năm, tước Quận công (1802), giữ chức Tổng trấn Thành Gia Định trong các năm 1812-1815; 1820 -1832. Năm 1832 Lê Văn Duyệt mất, được triều đình ban thưởng, tổ chức lễ tang long trọng, an táng tại vị trí lăng mộ hiện nay. Năm 1833, con nuôi của Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi làm phản, triều đình Minh Mệnh đánh dẹp, Lê Văn Duyệt bị triều đình phạt án, san bằng mộ. Năm 1848, Tự Đức xoá án và minh oan cho ông, ban nhiều vật phẩm, trùng tu lại lăng, cho con cháu còn sót lại được hưởng bổng lộc và làm quan[15].
– Kiến trúc lăng
Lăng mộ Lê Văn Duyệt tọa lạc tại số 126 đường Đinh Tiên Hoàng, Phường 1, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
Khu lăng mộ nằm trong khu vực giới hạn bởi bốn con đường: Đinh Tiên Hoàng, Phan Đăng Lưu, Trịnh Hoài Đức, Vũ Tùng, trên một gò đất cao hơn so với khu vực xung quanh.
Khuôn viên lăng mộ hiện còn lại khoảng 18.500m2, được bao bọc bởi bức tường thành rộng ngang 15m; dài 20m; cao 1,2m, trổ bốn cổng ra vào theo bốn hướng.
Lăng mộ và miếu thờ Tả quân được xây dựng trên một trục chính từ tam quan vào gồm: nhà bia, cửa lăng, cổng lăng, bình phong tiền, nhang án/bệ thờ, nấm mộ, linh miếu.
Phần mộ của Lăng mộ có dạng song táng: mộ Tả quân Lê Văn Duyệt và chính thất phu nhân Đỗ Thị Phận theo lối tả Nam hữu Nữ. Hai ngôi mộ đặt song song với nhau với kiến tạo về kiến trúc giống nhau dạng bán noãn (hình nửa quả trứng úp xuống) trên liếp hình chữ nhật giật cấp, đổ bằng hợp chất. Kích thước phần liếp trên dài 4,5m x 6,2m x 0,4m; phần liếp dưới tách làm đôi, cách nhau 0,5 m, kích thước 4mx2mx0,3m; phần bán noãn mỗi mộ có kích thước 2,4m x 1,5m x 0,6m. Bao quanh mui luyện là hệ thống bảo thành, trụ biểu được làm bằng đá ong tô hợp chất, có dạng hình chữ nhật thông ra sân trước tiền điện, kích thước 14,5m x 12m x 1,5m, dày 0,8m. Toàn bộ kiến trúc lăng mộ hiện tồn đều được xây dựng và trung tu vào năm 1849 (có sách viết là 1848) dưới thời vua Tự Đức sau khi ông minh oan cho gia đình Lê Văn Duyệt. Trên bình phong hậu và bình phong tiền còn lưu lại những dấu vết của đắp nổi hình thiên nhiên, hổ, khỉ, chim vẹt (bình phong tiền), giao long – rồng cách điệu ở phần đai và chính diện bình phong hậu.
1.2. Lăng Võ Di Nguy
– Tiểu sử Võ Di Nguy
Võ Di Nguy còn có tên gọi là Khâu (? – 1801), quê huyện Phú Vang – Thừa Thiên Huế. Năm 1785, Ông theo Nguyễn Ánh sang Vọng Các. Năm 1796, Nguyễn Ánh thành lập 5 đạo thuỷ binh, Võ Di Nguy được phong là Khâm sai thuộc Nội cai cơ, trao quyền chỉ huy Trung hải quân. Mùa Xuân năm 1801, Võ Di Nguy tử tận trong trận tiến đánh Quy Nhơn với Tây Sơn và được Nguyễn Ánh truy tặng Tá mện công thần, Đặc tiến Thượng trụ quốc Thiếu bảo, Quận công, tên thuỵ là Trung Túc, đưa về an táng tại Gia Định. Năm 1807 Gia Long truy tặng Võ Di Nguy hàm Nhất phẩm. Năm 1813, Võ Di Nguy được phong Tá vận công thần, Đặc tiến Tráng vũ Tướng quân, Thuỷ quân Đô đốc phủ chưởng phủ sự, Thái Bảo, phong thuỵ là Bình Giang quận công[16].
– Kiến trúc lăng
Lăng mộ Võ Di Nguy nằm ở số 19 đường Cô Giang, Phường 2, Quận Phú Nhuận. Lăng mộ nhìn về hướng Bắc lệch Tây 590, được xây dựng bằng hợp chất, với bình đồ hình chữ nhật kích thước dài 21m, rộng nhất 13m. Lăng mộ thuộc loại hình song táng với phần mộ của Võ Di Nguy và phu nhân. Từ ngoài vào trong kết cấu kiến trúc gồm: cửa lăng, được kết cấu bằng hai trụ sen hai bên. Sau cửa lăng là phong tiền với diềm đắp nổi hình hoa lá hóa long chầu nhật ở cả mặt trước và mặt sau mặt trước khắc chữ Hán; mặt sau đắp nổi đề tài tùng lộc; hai bên hông của bình phong đắp nổi hai con lân trong tư thế đứng ôm lấy bình phong. Sau bình phong tiền là sân tế, ở khu vực này, tường thành hai bên tạo thêm hai bình phong tả – hữu. Khu vực sân tế khép lại bằng hệ thống tường thành ngang kết hợp với các trụ biểu tạo thành cửa mộ. Nấm mộ có dạng liếp hình chữ nhật giật hai cấp, kích thước dài 4,6m, rộng 4,3m, cao 0,65m đường viền các cấp vát nhẹ, thành mộ đắp nổi đồ án hoa văn kỷ hà kết hợp với hoa lá hóa long. Trước nấm mộ có một nhang án dạng sập chân quỳ. Ở khu vực mộ, hai bên tường thành tạo mỗi bên 5 ô hộc, trong các ô hộc đắp nổi đồ án hoa lá, chim phượng, thú, đan xen là ô hộc khắc chìm chữ Hán. Kết thúc khu lăng là bình phong hậu với nhiều đồ án hoa văn đắp nổi trên các đường diềm và các ô hộc như: long mã, hoa lá hóa long, long ẩn, cúc dây…khu vực trung tâm bình phong hậu tạo 2 bia mộ. Tổng thể kiến trúc được bao ngoài là vòng thành hình chữ nhật cắt góc phần trước. Trên khu vực tường thành có nhiều đồ án hoa văn đắp nổi mang nhiều giá trị nghệ thuật như tượng rồng, hổ, xi vẫn, hoa lá cách điệu và nhiều biểu tượng khác… Ngoài kiến trúc lăng, trong khuôn viên còn có am thờ thổ thần.
1.3. Lăng Võ Tánh
– Tiểu sử Võ Tánh
Tổ tiên người Phúc Yên, tỉnh Biên Hoà, sau dời đến Bình Dương. Gia đình từng có truyền thống làm binh trong phong trào Đông Sơn của Đỗ Thành Nhân. Sau khi gia nhập quân đội Nguyễn Ánh trong phong trào chống lại Tây Sơn, năm Giáp Dần (1794) Võ Tánh được phong là Khâm sai Chưởng hậu quân, Binh Tây Tham thặng Đại tướng quân, Quận công. Ngày 07 tháng 5 năm Tân Dậu (1801), Võ Tánh bị Tây Sơn vây hãm thành Bình Định, tự thiêu để giữ khí tiết, không chịu đầu hàng Tây Sơn. Tướng Tây Sơn lúc đó là Trần Quang Diệu tiến vào thành đã rất cảm động trước khí tiết của Võ Tánh, thu lượm tinh cốt mai táng, không giết hại một ai, tha bổng toàn bộ. Năm Gia Long thứ nhất (1802), Võ Tánh được tặng là Dực Vận Công thần, Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Thượng trụ quốc, Thái Uý, Quốc công, tên thuỵ là Trung Liệt. Gia Long sai Cai bạ là Đinh Công Khiêm, Cai đội là Tôn Thất Bính mang áo mũ gấm lụa đến quân thứ ở Thị Nại thu liệm hài cốt còn lại, đưa về chôn ở Gia Định. Năm Gia Long thứ 3 (1804) được thờ ở đền Hiển Trung ở Gia Định, cấp cho tự điền, mộ phu[17].
– Kiến trúc lăng
Lăng mộ Võ Tánh tọa lạc tại số 19 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, hiện nằm trong khu vực quân sự.
Mặt bằng kiến trúc hình chữ nhật, kích thước dài 9,7m, rộng 8,5m bao gồm tổng thể các cấu kiện kiến trúc gồm: Bình phong tiền, cửa lăng, sân tế, cửa mộ, nhang án, nấm mộ và bình phong hậu. Kiến trúc lăng mộ được bao quanh bởi hệ thống tường thành (kích thước dày trung bình 0,8m và cao trung bình 1,1m) kết hợp với các trụ biểu ở các điểm cửa/cổng và các điểm bắt góc các tường ngang dọc. Bình phong tiền án ngữ trước cửa lăng có kích thước cao 1,7m, rộng 3m dày 0,60m; Hình dáng bình phong đặt trên dạng mô phỏng hình sập chân quỳ, kích thước rộng 3,5m, dày 1,1m. Mặt trước bình phong tiền được tô vẽ hình con hổ kết hợp với hoa lá cỏ cây, mây nước… Mặt sau bình phong tiền đắp và sơn tô hình Long mã hà đồ. Sau bình phong tiền là cửa/cổng lăng được mở rộng 2,3m với hai bên là hai trụ biểu hình hộp vuông cao 2,5m (trên trụ biểu có hình búp sen). Phần nấm mộ: phần nấm mộ có dáng hình chữ nhật, giật 2 cấp chiều dài toàn bộ là 4m, rộng 3m, cao khoảng 0,4m. Trước nấm mộ là một nhang án. Kết thúc kiến trúc lăng là tấm bình phong hậu nối liền với các đoạn tường bao khép lại khu lăng. Bình phong hậu này cũng có hình dáng tương tự như bình phong tiền, những điểm khác là có hệ thống đai hai bên kết hợp với tường thành. Kích thước cao 2,2m, rộng ngang 3,5m, dày 0,7m.
1.4. Lăng Trương Tấn Bửu
– Tiểu sử Trương Tấn Bửu
Trương Tấn Bửu sinh năm Nhâm Thân (1752), người huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long. Đầu thời trung hưng theo Nguyễn Ánh đi đánh nhà Tây Sơn và lập được nhiều công. Năm 1812 làm Phó tổng trấn thành Gia Định. Năm 1815 thụ lý Tổng trấn ấn vụ Gia Định, rồi triệu về kinh thụ lý Trung Quân ấn vụ. Năm 1822 Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt về kinh, ông làm quyền lĩnh Tổng trấn ấn vụ và trông coi việc đào kênh Vĩnh Tế. Năm 1825 vì tuổi già ông dâng biểu xin về hưu, năm 1827 ông mất, thọ 76 tuổi[18].
– Kiến trúc lăng
Lăng mộ Trương Tấn Bửu tọa lạc số 41 đường Nguyễn Thị Huỳnh, phường 8, Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh.
Kiến trúc lăng mộ được xây bằng hợp chất kết hợp với gạch, với bình đồ hình chữ nhật dài 22m, rộng 13m. Kết cấu kiến trúc từ ngoài vào trong như sau: Bình phong tiền hình chữ nhật có dạng vát góc ở phần trên, kích thước dài 2,9m, cao 1,88m, dày 0,88m. Cũng như các phần kiến trúc khác trong quần thể lăng, bình phong được xây bằng gạch thức với kích thước 40 x 14 x 7cm. Ở một đầu của các viên gạch này có in chìm một dấu hình chữ nhật, bên trong khắc nổi hai chữ Hán: 丙五(Bính ngũ) hay những ký hiệu in chìm dạng hoa/sao. Sau bình phong tiền là cửa lăng kích thước rộng 2,7m được cấu tạo bởi hai trụ cổng hình vuông cao 2m, trên đỉnh đắp nổi hình búp sen; thân trụ mỗi cạnh rộng 0,7m. Hai trụ cổng được gắn liền với tường thành ngoài có chiều cao là 1,2m; dày tường 0,52m. Qua cửa lăng là sân tế, khu vực tường thành sân tế về phía trái và phía phải là hai bình phong tả, hữu đối xứng nhau, có dạng hình chữ nhật vát góc ở trên, kích thước cao 1,88m; rộng 2,31m. Sau sân tế là cửa/cổng mộ dạng nhà hai mái, giả lợp ngói ống – âm dương, cấu tạo kiểu vòm, kích thước cao 2m, rộng 1,7m; tổng thể kiến trúc cửa mộ cao 4,06m, rộng 3,65m. Phần chân của hai trụ cổng, phía ngoài có hai phù điêu đắp nổi hình hổ ở tư thế ngồi giữ cửa, phía trong có hai phù điêu đắp nổi hình chim hạc đứng chầu.. Phần trên vòm cổng trang trí nhiều ô hộc, bên trong đắp nổi phù điêu nhưng do đã bị bong tróc nên chỉ còn lại một số chi tiết. Tiếp theo là khu vực mộ với tổng thể kích thước dài 13m, rộng 8,6m, được đặt theo trục dọc các bộ phận như sau: Nhang án/bệ thờ kích thước dài 1,08m, rộng 0,54m, cao 0,82m. Tiếp đến là “Long sàng” có hình dạng sập chân quỳ, kích thước dài 2,03m, rộng 1,56m, cao 0,63m (sau long sàng là bia mộ được làm về sau, trên đó khắc chữ Quốc ngữ). Sau bia mộ là nấm mộ mô một tẩm điện có dạng nhà hai chạy dọc, kích thước dài 3,33m, rộng 2,10m, cao 2,20m. Sau nấm mộ là bình phong hậu, kết cấu mô phỏng dạng nhà hai mái, lợp ngói ống, âm dương, kích thước cao 3,5m, dài 3,55m. Bình phong hậu kết hợp với tường thành cuối mộ và các trụ biểu kết thúc kiến trúc lăng mộ. Phần trung tâm của bình phong hậu tạo thành các ô hộc, chính giữa đắp nổi phù điêu tùng hạc, đã bị bong tróc rất nhiều. Hai bên ô hộc trung tâm của bình phong chạm khắc hai câu đối chữ Hán mà các nhà nghiên cứu đọc là: “Danh lưu yên các viễn. Tích nhận thạch môn cao” (Tạm dịch: Danh thơm mãi còn nơi gác mây xa xa. Dấu tích vẫn in nơi cửa đá cao cao)[19].
1.5. Lăng Phan Tấn Huỳnh
– Tiểu sử Phan Tấn Huỳnh
Phan Tấn Huỳnh từng theo phò Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn. Năm 1796 ông làm Phó tướng Tiền quân tạm quản các việc quân dân ở dinh Bình Thuận. Năm 1812, ông làm Đô thống chế quân Thần sách trấn thủ Quảng Ngãi, sau đó làm Trấn thủ Phiên An, kiêm phó quản cơ các quân đến năm 1823 thì bị bãi miễn[20]. Sử sách không ghi chép về năm mất của ông. Tuy nhiên, căn cứ vào những gì còn lại, đặc biệt là bia mộ ở khu lăng mộ thì chúng ta có thể nhận định ông mất vào năm 1824 tại Gia Định.
– Kiến trúc lăng
Lăng mộ Phan Tấn Quỳnh (Huỳnh) ở số 120A Huỳnh Văn Bánh phường 12, Phú Nhuận. Khu lăng mộ nằm giữa khu dân cư có nền đất cao so với khu vực xung quanh, lăng mộ nhìn về hướng Nam lệch đông 250. Lăng mộ được xây dựng bằng vật liệu hợp chất kết hợp với gạch. Bình đồ hình chữ nhật, với hệ thống tường thành bao quanh dài 12,25m; rộng ngang 6,5m. Kết cấu kiến trúc từ ngoài vào trong gồm: bình phong tiền, cổng/cửa lăng mô phỏng dạng nhà hai mái, giả lợp ngói ống, nấm mộ có dạng liếp hình chữ nhật giật 2 cấp. Bia mộ đúc bằng hợp chất, trên bia khắc chìm chữ Hán với nội dung: Hoàng Việt; Huỳnh Quang Hầu, nguyên Phiên An tổng trấn, Phan công chi mộ. Niên hiệu đề năm Minh Mạng thứ 5 (1824). Kết thúc kiến trúc là bình phong hậu. Mặt trước khu lăng mộ hoàn toàn bị người dân sử dụng, lấn chiếm, rất khó có thể hình dung được quang cảnh và vị thế của khu vực lăng mộ. Hiện tại, vẫn còn ít người biết đến khu lăng mộ này. Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích và Danh thắng Thành phố Hồ Chí Minh đang tiến hành lập hồ sơ để xếp hạng khu lăng mộ Phan Tấn Huỳnh.
1.6. Lăng Phạm Quang Triệt
– Tiểu sử Phạm Quang Triệt
Qua nghiên cứu hai bia mộ ở Gò Quéo, và các sử liệu thời Nguyễn, các nhà nghiên cứu đã xác định được chủ nhân của lăng mộ này là Phạm Quang Triệt (?-1818). Ông từng giữ chức Tả tham tri bộ lại từ năm 1813 (Thượng thư bộ Lại lúc đó là Trịnh Hoài Đức), tước Hầu, hàm Tòng nhị phẩm[21].
– Kiến trúc lăng
Lăng mộ Phạm Quang Triệt và Phạm Duy Trinh toạ lạc trên một gò đất cao so với xung quanh mà nhân dân quanh vùng gọi là Gò Quéo, phường Bình Trưng Tây, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh. Quần thể lăng mộ nhìn về hướng Bắc lệch đông 400, hiện đang bị lún sụt gãy vỡ nhiều chỗ, đặc biệt là sạt lở mạnh ở tường bao bên trái (phía Tây). Lăng mộ Phạm Quang Triệt làm bằng hợp chất, bình đồ hình chữ nhật dài nhất 8,5m (từ bình phong tiền đến bình phong hậu), rộng nhất 5,5m (tại đoạn tường bao nhô ra từ hai trụ sen trước. Các đoạn tường bao dày trung bình 0,56m.
Bố cục kiến trúc từ ngoài vào trong như sau: bình phong tiền (mặt trước của bình phong tiền có ô học trang trí hình chữ nhật bên trong còn hình trang trí kỳ lân (Long Mã), cửa lăng và sân tế, cửa mộ, nhang án, bia mộ, nấm mộ dạng hình chữ nhật giật 2 cấp. Kết thúc là bình phong hậu (Bình phong hậu mặt trước của bệ đắp nổi hình chân quỳ bề mặt còn phủ màu đỏ tía. Tấm bình phong chính rộng 2,1m, hai bên có khối hợp chất hình cuốn thư cao 1,2m và trên bề mặt vẫn còn màu tô nguyên thủy. Viền bao quanh bình phong hậu trang trí hình cúc dây).
Năm 1998, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP. Hồ Chí Minh đã đến khảo sát khu lăng mộ, nhận thấy bia mộ có nhiều khả năng bị mất trộm nên đã làm các thủ tục cần thiết để đưa bia mộ Phạm Quang Triệt và Phạm Duy Trinh về bảo quản tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam – TP. Hồ Chí Minh, sau đó chuyển giao cho Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh tấm bia của ông Phạm Duy Trinh. Bia Phạm Quang Triệt có dạng hình chữ nhật vát góc, phần chân bia có 2 đai (tai) chờm ra ngoài, kích thước bia cao 91cm, rộng ngang 50cm. Trán bia chạm nổi hình hai chim phượng chầu mặt trời/nguyệt/châu. Diềm bia chạm nổi hoa lá uốn lượn hình sin. Nội dung bia hàng ngang trên cùng là hai chữ Hoàng Việt, hàng dọc chính giữ: Hiển khảo đồng đức công thần Phụng trực đại phu chính trị khanh Lại bộ Tả tham tri dục tế Hầu thụy Đôn Mẫn Phạm quý công chi mộ. Hàng dọc bên trái bia ghi niên hiệu: Gia Long Kỷ Mão niên (1819) sơ nhật nguyệt cốc đán. Hàng dọc bên phải bia đề tự: Tự tử Quang Chiêm lập bi.
1.7. Lăng Phạm Duy Trinh
– Tiểu sử Phạm Duy Trinh
Cũng theo nghiên cứu tư liệu bia mộ và sử liệu thời Nguyễn, các nhà nghiên cứu đã xác nhận đựơc chủ nhân lăng mộ là Phạm Duy Trinh, con trai của Tả tham tri bộ Lại Phạm Quang Triệt đã trình bày ở trên. Sự nghiệp của Phạm Duy Trinh được ghi chép như sau: năm 1833 ông giữ chức thự Án sát Biên Hoà, năm 1834 tham gia đánh đuổi giặc Xiêm về nước. Sau khi đàn áp phong trào nổi dậy của người thiểu số ở Bình Thuận năm 1835, ông được giữ chức Bố chính Biên Hoà. Năm 1838, ông tổ chức binh lính và tù nhân khai khẩn ở Phước An, Biên Hoà… Năm 1843 làm Tả tham tri bộ Hình, năm 1847 giữ chức Tả tham tri Bộ Binh, Tuần Phủ Bắc Ninh…; năm 1848 bị cách chức và mất sau đó 3 năm (1851)[22].
– Kiến trúc lăng
Lăng mộ Phạm Duy Trinh cùng hướng và cách Lăng mộ Phạm Quang Triệt khoảng 4,5m về bên trái. Đặc điểm khác với Lăng của ông Phạm Quang Triệt là sử dụng vật liệu đá ong kết hợp với hợp chất. Bố cục mặt bằng từ ngoài vào trong, kiến trúc lăng mộ có kết cấu như sau: cửa lăng, bình phong tiền, sân tế, cửa mộ, nhang án, nấm mộ, kết thúc là bình phong hậu. Kiến trúc lăng được bao quanh bởi hệ thống tường thành, trụ biểu có kích thước dài nhất 8,5m; rộng nhất 7,2m.
Bia mộ lăng Phạm Duy Trinh hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh. Bia mộ hình chữ nhật vát góc phần trán bia. Kích thước cao 92cm, rộng ngang 64cm. Trán bia chạm nổi chính giữa hình vòng tròn với biểu tượng âm dương, ngang hai bên là dạng vân mây. Diềm bia chạm nổi hình hoa cúc dây uốn lượn hình sin. Nội dung bia hàng ngang trên cùng ghi hai chữ Đại Nam; hàng dọc chính giữa ghi: Hiển khảo nguyên thụ trung phụng đại phu Binh bộ Tả tham tri Bắc Ninh Tuần phủ hộ lý Ninh Thái Tổng đốc quan phòng Phạm Khắc Đông thụy Trang Khởi phủ quân chi mộ. Hàng dọc bên trái bia đề niên đại: Tuế thứ Tân Hợi mạnh hạ nguyệt cát nhật (1851). Hàng dọc bên trái bia đề người lập bia: Tự tử Quang Phổ (Đoàn?) lập bi[23].
1.8. Lăng Trịnh Hoài Đức
– Tiểu sử Trịnh Hoài Đức (?1825)
Lăng Trịnh Hoài Đức hay còn gọi là Lăng Ông, toạ lạc tại số 28 đường Trịnh Hoài Đức, Phường Trung Dũng, Thành phố Biên Hoà, có toạ độ địa lý 10057’13” vĩ độ Bắc; 106049’18” kinh độ Đông, trong quần thể mộ của gia tộc Trịnh Hoài Đức.
Trịnh Hoài Đức còn có tên nữa là An, tên tự là Chí Sơn, tên hiệu là Cấn Trai. Tổ tiên là người tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), đời đời là họ làm quan, đời ông nội của Trịnh Hoài Đức gặp lúc nhà Thanh mới nổi lên, lánh sang nước Nam ngụ ở Trấn Biên. Năm Mậu Thân (1792) Gia Long lấy lại được Gia Định, Trịnh Hoài Đức cùng với Lê Quang Định, thi đỗ được bổ chức Hàn lâm viện chế cáo. Trải qua nhiều chức vụ dưới thời vua Gia Long và Minh Mệnh, Trịnh Hoài Đức lần lượt giữ các chức vụ quan trọng của triều đình: Thượng thư bộ Lại, bộ Hộ, bộ Lễ, Phó Tổng trấn thành Gia Định… Mùa xuân năm Minh Mệnh thứ 6 (1825), Trịnh Hoài Đức mất, hưởng thọ 61 tuổi, được tặng Thiếu phó Cần chính điện Đại học sĩ, cho tên thuỵ là Văn Khúc; cho một tế đàn”.
Ngoài khuôn khổ hoạt động chính trị, quân sự, kinh tế – xã hội, Trịnh Hoài Đức còn là một nhà thơ, nhà văn, một sử gia có tài, là tác giả tiêu biểu cuối thế kỷ 18 – đầu thế kỷ 19 ở Việt Nam. Những tác phẩm của ông để lại đến nay vẫn còn khẳng định giá trị lớn về mặt văn học, địa lý, sử học. Trong đó tiêu biểu là các tác phẩm Gia Định thành thông chí.
Nhận xét về công lao, sự nghiệp và những đóng góp của Trịnh Hoài Đức đối với vương triều Nguyễn và lịch sử dân tộc, Đại Nam liệt truyện chép: Đức là người cẩn thận, phong độ, trầm tĩnh, nghiêm chỉnh, học vấn rộng rãi, nghị luận thường giữ đại thể. Đức nghiệp văn chương, đời phải tôn trọng sách của Đức làm có Gia Định thành thông chí, Ấn trai thi tập, Bắc sứ thi tập, và Gia Định tam gia thi tập lưu hành ở đời[24].
– Kiến trúc lăng
Toàn bộ khu mộ họ tộc của Trịnh Hoài Đức nằm trên khu đất rộng khoảng 3 ha, các ngôi mộ nằm xen lẫn với nhà dân, vườn cây ăn trái, các mộ được xây dựng bằng đá ong tô hợp chất…, kiến trúc lăng mộ quay mặt về hướng Nam, lệch Tây 370, bố cục mặt bằng chính hình chữ nhật, nấm mộ có kết cấu hình voi phục, đa số đều còn bia mộ. Trong khu mộ tộc họ Trịnh, quần thể lăng mộ Trịnh Hoài Đức lớn nhất cả về mặt bằng, kết cấu, vật liệu và trang trí kiến trúc.
Khu lăng mộ Trịnh Hoài Đức nằm trên khu đất rộng 140m2, có vị thế xây cao hơn so với xung quanh khu vực khoảng 1m. Tổ hợp công trình kiến trúc lăng mộ được bằng đá ong tô hợp chất, thuộc loại hình song táng gồm: mộ ông Trịnh Hoài Đức và mộ bà chính thất phu nhân họ Lê. Bình đồ kiến trúc lăng mộ có dạng hình chữ nhật dài 13m; rộng nhất 10m. Mộ được bao bọc xung quanh bởi vòng thành có kích thước cao 1,45m, dày 0,7m và hệ thống các cấu kiện kiến trúc: bình phong tiền, cửa lăng, sân tế lễ, trụ biểu cửa mộ, nhang án, bia mộ, nấm mộ và kết thúc ở phía sau là bức bình phong hậu.
Bình phong tiền: án ngữ trước khu lăng mộ là bức bình phong tiền cao 2m; rộng 3,2m, dày 0,75m. Trên bức bình phong, tiền mặt trước không nhận diện rõ có dấu vết hoa văn hay minh văn do đã bị sơn tô nhiều lần và hiện tại được tấm biển giới thiệu tiểu sử, thân thế và sự nghiệp của Trịnh Hoài Đức ốp vào. Mặt sau của bức bình phong tiền đắp nổi đồ án hoa văn Long Mã trong nền cảnh vân mây và sóng nước. Theo nhiều nguồn thông tin, xưa kia mặt trước bức bình phong tiền có gắn một bảng kẽm lớn của Viện Bảo tàng Quốc gia (trước năm 1975) thừa nhận là di tích (theo Nghị định số 1189 ngày 24 tháng 2 năm 1938), nhưng nay tấm bảng này đã bị thất lạc.
Cửa lăng: có cấu tạo với hai bên bức bình phong là 2 cột vuông (cao 1,45m, các cạnh 0,75m) nối liền với vòng thành tạo thành một khoảng sân nhỏ trước mộ.
Phần mộ: Mộ ông Trịnh Hoài Đức có diện tích 4m x 1,6m x 1,35m. Mặt chính quay theo hướng Nam, lệch tây 370. Nấm mộ xây theo lối kiến trúc tạo hình voi phục, xung quanh cây gờ hình móng ngựa, đầu voi hướng về phía bia. Nền mộ là một khối chữ nhật cao 0,35m. Phía trước mộ ông Trịnh Hoài Đức là bệ thờ cao 0,55m, dài 1,4m, rộng 0,5m, phần dưới được đắp nổi hình chân quỳ. Nối liền với bệ thờ là phần gắn bia cao 1,2m, dài 1,7m, rộng 0,75m được trang trí bởi các đường hồi văn. Bia bằng đá tuf – Fezit cao 1m, rộng 0,55m đặt giữa, trên có khắc chữa Hán, xung quanh được trang trí biểu tượng âm dương và hồi văn. Nội dung trên bia như sau:
– Hàng ngang trên cùng ghi quốc hiệu năm dựng bia: Hoàng Việt;
– Hàng dọc chính giữa ghi: Hiệp biện Đại học sĩ, tặng đặc tiến vinh lộc đại phu hữu trụ quốc Thiếu bảo Cần Chánh điện Đại học sĩ Trịnh công chi mộ;
– Hàng bên trái của bia ghi: Ất Dậu trọng Đông cát nhật;
– Hàng bên phải của bia ghi: Hiếu tử Hàn lâm viện biện tu Tình Xuyên tử, Trịnh Thiên Nhiên lập thạch.
Mộ Bà có chiều dài 4m, rộng 1,5m, cao 1,35m. Mặt quay theo hướng Tây Nam. Bệ thờ cao 0,50m, dài 1,25m, phần gắn bia cao 1,1m, dài 1,65m, rộng 0,70m.
Bia bằng đá Diorit, cao 1m, rộng 0,5m, giữa khắc chữ Hán, xung quanh trang trí hồi văn. Nội dung trên bia:
– Hàng ngang trên cùng ghi Quốc hiệu: Hoàng Việt;
– Hàng dọc chính giữa bia ghi: Hiệp biện Đại học sĩ Trịnh công chánh thất Lê phu nhân chi mộ;
– Hàng bên dọc bên phải ghi: Hiếu tử Trịnh Thiên Nhiên, Trịnh Thiên Lễ, Trịnh Thiên Bảo hợp phụng tự.
Bình phong hậu: cao 2,4m; rộng 3,6m; dày 0,65m, nối liền với vòng thành tạo nên hình lượn sóng. Trên bức tường có dấu vết của các dòng chữ Hán khắc chìm nhưng nay đã bị mờ không đọc được…và hai bên tường được trang trí hai hình đầu rồng cách điệu.
Ngoài 2 ngôi mộ chính này ra thì còn có các ngôi mộ khác ở xung quanh khu vực. Căn cứ trên bia mộ và lời truyền lại thì đây là quần thể mộ có quan hệ huyết tộc và thân quyến của gia đình Trịnh Hoài Đức.
1.9. Lăng Nguyễn Huỳnh Đức
– Tiểu sử Nguyễn Huỳnh Đức (? – 1819)
Người Kiến Hưng, tỉnh Định Tường, nguyên trước là họ Hoàng, được ban cho quốc tính, cho nên gọi là họ Nguyễn Hoàng (Huỳnh). Lúc đầu ông tham gia quân đội của Đỗ Thành Nhân thuộc nhóm Đông Sơn, sau đó tham gia quân đội và hộ giá cho Nguyễn Ánh. Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, ông được trọng dụng và lần lượt giữ các chức vụ quan trọng của triều đình Nguyễn: Tổng trấn Bắc Thành, Tổng bộ sứ, Khâm sai chưởng Tiền quân, Tổng trấn thành Gia Định…Năm thứ 18 (1819) về mùa Thu, Nguyễn Huỳnh Đức chết, được tặng Suý Trung Dực vận Công thần, Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Thượng trụ quốc thái phó Quận công, cho tên Thuỵ là Trung Nghị, ban cho nhiều gấm đoạn và tiền, sai quan trấn Định Tường dự tế. Năm Minh Mạng thứ nhất (1820), được thờ ở miếu Trung hưng công thần, cấp phu coi mộ. Năm thứ 12 (1831) Nguyễn Huỳnh Đức được truy tặng Tá vận Công thần, Đặc tiến Tráng vũ Tướng quân, Tiền quân Đô thống phủ chưởng phủ sự, Thái phó; đổi tên thuỵ là Chiêu Nghị; phong Kiến Xương Quận công[25].
– Kiến trúc lăng
Lăng mộ toạ lạc tại xã Khánh Hậu, Thị xã Tân An, tỉnh Long An. Lăng mộ nằm ngoảnh mặt chính hướng Nam, được xây dựng bằng vật liệu đá ong kết hợp với hợp chất. Tổng thể lăng mộ có dạng hình chữ nhật với tường bao quanh khu lăng mộ có kích thước dài 35m, rộng 19m, cao 1,2m, dày 0,4m, xây bằng đá ong. Vòng thành ở phía Bắc có mở một cổng rộng 3,9m với kết cấu bình phong (3m x 4m28m x 0,45m) và hai trụ biểu bằng đá ong hình vuông (0,45m x 0,45m x 2,7m). Trục thần đạo dài 17m từ cổng đến khu vực mộ. Khu vực mộ có kết cấu khép kín hình chữ nhật với một số dạng trụ sen, có một bình phong ở giữa, kế đến là bia đá cao 1,55m, rộng 0,9m, dày 0,16m (Trán bia chạm nổi hình mặt trời, hoa lá hóa rồng ở hai bên; diềm bia trang trí chạm nổi hình hoa cúc dây, hoa mai). Nội dung bia: Việt Cố (hàng ngang trên cùng), Khâm sai Gia Định thành Tổng trấn, Chưởng tiền quân, tặng thời Trung Dực vận công thần, phụ quốc thượng tướng quân, thượng trụ quốc, Thái phó Nguyễn Huỳnh Quận công chi mộ (hàng dọc chính giữa); Kỷ Mão niên trọng đông cốc nhật (1819). Bia được đặt trên một bệ dạng sập chân quỳ.
Sau bia là nấm mộ có dạng liếp hình chữ nhật, giật cấp và hơi vát nhẹ lên trên. Kích thước: 3,4m x 2,7m x 0,3m… Sau nấm mộ là Bình phong hậu khép lại kiến trúc lăng mộ.
1.10. Lăng Nguyễn Khắc Tuấn
– Tiểu sử Nguyễn Khắc Tuấn (1767-1823)
Nguyễn Khắc Tuấn còn có tên gọi là Nguyễn Phúc Xuân hay Nguyễn Hầu Xuân. Năm 1791 đầu quân theo Nguyễn Ánh và được phong là Cai Đội. Sau khi Gia Long thống nhất Nam Bắc, Nguyễn Khắc Tuấn được cử trông coi việc quân ở Bắc Thành, đến thời Minh Mệnh được phong chức Khâm sai, Chưởng cơ thống quản Trung quân trấn định thập cơ, tước Hầu. Năm 1822 trông coi đắp thành Hưng Hóa. Trong khoảng thời gian này, ông đã được triều đình cử làm tổng chỉ huy quân đội cùng với Trấn thủ Tuyên Quang dẹp giặc ở Lư Khê và đã được triều đình khen thưởng. Năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) Nguyễn Khắc Tuấn mất, được truy tặng Thống chế, phong là Nghiêm oai Tướng quân, Thượng hộ quân Thống chế, thụy là Tráng Nghị[26].
– Kiến trúc lăng
Lăng mộ toạ lạc tại xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Tổng thể khu lăng mộ có diện tích 897m2, gồm: cổng lăng, nhà võ ca, khu lăng mộ và nhiều phụ trợ kiến trúc khác như nhà bia, bình phong tiền và hậu, các trụ biểu – trụ sen, hệ thống tường bao. Khu vực lăng mộ có dạng hình chữ nhật, kích thước tường bao dài 35m, rộng 19m, cao1,4m. Nấm mộ có dạng liếp hình chữ nhật. Kích thước: 2,5m x 1,45m x 0,28m xây bằng hợp chất (một số bộ phận phụ trợ có sự kết hợp giữa đá ong, hợp chất…). Trước mộ đặt bia đá: cao 1,35m, rộng 0,66m. Trán bia có hình mặt trời, hoa lá hoá long, diềm bia hoa lá uốn lượn hình sin. Nội dung bia: Hoàng Việt, Khâm sai Chưởng cơ thống quản Trung quân Chấn định thập cơ tước Nghiêm oai tướng quân Thượng hộ Thống chế thuỵ Tráng Nghị Nguyễn Hầu chi mộ. Giáp Thân niên…. (lập năm 1824).
1.11. Lăng mộ Phạm Đăng Hưng và Hoàng gia
Khu lăng mộ Phạm Đăng Hưng và Hoàng gia toạ lạc tại ấp Lăng mộ Hoàng gia, xã Long Hưng, Thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Được xây dựng từ năm 1926, khu lăng mộ Hoàng gia nằm trên một khu đất rộng hàng ngàn mét vuông. Đây là khu lăng mộ và đền thờ Phạm Đăng Hưng – ông ngoại của vua Tự Đức, thân sinh của Từ Dũ (Dụ) – vợ của vua Thiệu Trị. Khu lăng mộ gồm 19 ngôi mộ cổ thuộc dòng họ Phạm Đăng. Trong đó kiến trúc nổi bật là lăng mộ của Phạm Đăng Hưng. Lăng mộ có kiến trúc dạng đỉnh trụ hình nón lá buông, xung quanh trang trí 8 đoá sen. Trước mộ có 4 trụ cao, phần trên cách điệu giữa búp sen và chiếc nón. Bình phong ở giữa tường bao quanh mộ được chạm nổi bởi 5 con sư tử. Lăng mộ có bia mộ ghi rõ: Hoàng Việt tư thiện đại phu chính trị thượng khanh Lễ bộ Thượng thư…và nhiều tư liệu chữ Hán khác nói về thân thế và sự nghiệp của Phạm Đăng Hưng cùng với Hoàng gia ở đất Gò Công.[27]
1.12. Khu lăng mộ song thân Tả quân Lê Văn Duyệt
Theo nhiều sử liệu của triều Nguyễn năm 1780, trong một đêm mưa to gió lớn, trên đường trốn chạy sự truy đuổi của quân Tây Sơn, thuyền của Nguyễn Phúc Ánh bị chìm gần vàm Trà Lọt. Gia đình ông Lê Văn Toại phát hiện chèo xuồng ra cứu thoát và đưa về nhà tá túc. Thưởng công cứu giá, Nguyễn Phúc Ánh nhận con trai trưởng của ông Toại và bà Nguyễn Thị Lập là Lê Văn Duyệt (17 tuổi) vào quân ngũ, sau phong chức Cai cơ coi sóc nội binh.
Lê Văn Duyệt và em là Lê Văn Phong đã theo phò Nguyễn Phúc Ánh nam chinh bắc chiến, lập nhiều công lao. Sau ngày chúa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, anh em Lê Văn Duyệt – Lê Văn Phong được phong tước hàm và giữ những vị trí quan trọng trong triều đình Nguyễn. Lê Văn Duyệt là Tổng trấn Gia Định thành, Lê Văn Phong là Hiệp trấn Bắc thành.
Năm 1804, năm Gia Long thứ 3, Lê Văn Duyệt được phong tước hàm, ông Lê Văn Toại có ra kinh thành Huế chầu vua Gia Long, được vua phong hàm “Vũ Huân tướng quân chưởng cơ hầu” và ban khăn áo.
Năm Minh Mạng nguyên niên (1820), ông Lê Văn Toại qua đời, vua Minh Mạng ban tặng chức Thống chế hàm Chánh nhị phẩm, tên thụy là Cung Tỉnh. Năm 1821 lăng mộ ông xây dựng xong và dựng bia.
Vợ ông Lê Văn Toại là bà Nguyễn Thị Lập qua đời năm 1813. Tả quân Lê Văn Duyệt cho xây dựng lăng mộ bà, khánh thành và dựng bia vào năm 1814. Năm Minh Mạng 8 (1827), ông Lê Văn Toại được truy tặng Tráng võ tướng quân Trụ quốc Đô thống. Bà Nguyễn Thị Lập được gia tặng Tráng võ Tướng quân Trụ quốc Đô Thống Lê công Chánh thất, Nhứt phẩm phu nhơn, thụy là Trinh Thuận.
Kiến trúc lăng mộ
Khu di tích gồm 2 khu lăng mộ của song thân Tả quân Lê Văn Duyệt, toạ lạc tại Ấp Thạnh Hoà, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
+ Lăng mộ Lê Văn Toại:
Quần thể kiến trúc xây bằng vật liệu hợp chất kết hợp với gạch, bình đồ hình chữ nhật, xây dựng bao quanh bởi 2 vòng thành. Vòng thành ngoài có kích thước dài 21,1m; rộng ngang 17,8m; cao còn hiện tại khoảng từ 0,1m đến 0,2m; dày tường khoảng 0,5m. Vòng thành trong có kích thước dài 14,5m; rộng ngang 11m; cao khoảng 1m.
Từ ngoài vào trong cấu trúc khu lăng mộ như sau: cửa/cổng lăng rộng 3m, với 2 trụ biểu hình vuông ở hai bên có kích thước 0,5mx 0,5m; cao khoảng 1,5m.
Sau cửa lăng khoảng 2m là bình phong tiền hình chữ nhật ngang, kích thước rộng ngang 3m, cao 2m, dày khoảng 0,45m; Bình phong vát góc phần đỉnh, dựng trên một dạng phỏng mô hình sập chân quỳ, trên cả hai mặt trước và sau đều có những dấu vết của việc đắp nổi các đồ án hoa văn phong cảnh thiên nhiên, hoa lá, chim muông, linh thú…, một số câu đối chữ Hán đã bị mờ.
Sau bình phong tiền là một khoảng sân tế, rồi đến bia mộ. Bia mộ có kích thước cao 145cm, rộng ngang 77cm, dày khoảng 18cm, chất liệu đá xanh có vân trắng. Trán bia có dạng hình chữ kim với đường viền uốn lượn, trán bia chạm nổi hình hoa lá hoá rồng tranh châu (lưỡng long chầu nhật/nguyệt?), diềm bia chạm nổi hình hoa lá dây uốn lượn hình sin cách điệu. Bia được đặt trên một dạng sập chân quỳ rộng ngang 110cm; sâu 70cm; cap khoảng 40cm. Nội dung bia: hàng ngang trên cùng đọc từ phải sang trái là hai chữ: Việt Cố; hàng dọc chính giữa một số chữ đã bị đục phá, còn lại một số chữ như sau: Hiển khảo… chi mộ. Tuy nhiên, do các nét đục phá không sâu và không hết nên vẫn còn đọc được nội dung toàn bộ như sau: Hiển khảo Vũ Huân tướng quân Khâm sai Chưởng cơ tặng Thống chế Lê Hầu chi mộ – Tạm dịch nội dung là: Mộ của cha họ Lê là Vũ Huân tướng quân, chức Khâm sai Chưởng cơ, tặng Thống chế, tước Hầu). Hàng dọc bên trái ghi ngày tháng lập bia với nội dung: Tuế tại Tân Tỵ trọng Xuân cát nhật – Bia lập ngày tốt tháng 2 năm Tân Tỵ – 1821); hàng dọc bên phải mặc dù một số chữ cũng đã bị đục nhưng vẫn còn đọc được nội dung: Tự tử Khâm sai Gia Định thành Tổng trấn Chưởng tả quân….Bình Tây đại tướng quân Quận công Lê Văn Duyệt bái giám – Tạm dịch: người con nối dõi là Lê Văn Duyệt giữ chức Khâm sai Gia Định thành Tổng trấn, Bình Tây đại tướng quân, tước Quận công xin được cúng lạy chứng giám).
Sau bia mộ là nấm mộ có kết cấu giống với tẩm điện, dạng ngôi nhà 2 mái phẳng chạy dọc về phía sau. Kích thước rộng ngang 2,65m; dọc sâu 3,6m, cao 2,15m. Kiến trúc không có dấu hiệu của vẽ hay đắp nổi hoa văn trang trí. Dạng cấu tạo kiến trúc này giống với phần nấm mộ của lăng Trương Tấn Bửu (Quận Phú Nhuận – TP. Hồ Chí Minh).
Cách nấm mộ khoảng 2m là bình phong hậu kết hợp với hệ thống tường thành trong kết thúc lại kiến trúc lăng mộ. Kích thước rộng ngang 3,5m; cao 2,5m, dày khoảng 0,6m, có cấu tạo và trang trí tương tự như bình phong tiền.
+ Lăng mộ bà Nguyễn Thị Lập
Tổng thể kiến trúc có cấu tạo và đặc điểm tương tự với lăng mộ của chồng bà là ông Lê Văn Toại. Tuy nhiên kích thước có phần khác với lăng mộ Ông: vòng thành ngoài rộng ngang 12,7m; dài 18m, dày 0,45m. Vòng thành trong rộng ngang 7,7m; dài 13m; dày 0,4m. Nấm mộ rộng ngang 2,7m; dài 3,6m; cao 2,35m.
Bia mộ cũng có kích thước nhỏ hơn: cao 130cm; rộng 75cm, dày khoảng 15cm. Hàng ngang trên cùng cũng là 2 chữ Việt Cố. Hàng dọc chính giữa tương tự như bia mộ ông một số chữ đã bị đục phá nhưng vẫn đọc được với nội dung như sau: Hiển tỷ Khâm sai Chưởng cơ Lê Hầu Chính thất phu nhân chi mộ – Tạm dịch: Mộ của mẹ là vợ chính của người họ Lê giữ chức Khâm sai Chưởng cơ, tước Hầu). Hàng dọc bên trái: Tuế tại Giáp Tuất trọng Hạ nguyệt cát nhật – Bia lập vào ngày tốt tháng 5 năm Giáp Tuất – 1814). Hàng dọc bên phải cũng đã bị đục mấy chữ nhưng vẫn đọc được nội dung: Hiếu tử Khâm sai Gia Định thành Tổng trấn Chưởng tả Bình Tây tướng quân Quận công Lê Văn Duyệt lập – Tạm dịch: Con là Lê Văn Duyệt giữ chức Khâm sai Tổng trấn thành Gia Định, Bình Tây tướng quân, tước Quận công lập bia mộ).
1.13. Lăng Nguyễn Văn Tồn
– Tiểu sử Nguyễn Văn Tồn
Nguyễn Văn Tồn được Đại Nam liệt truyện ghi chép như sau: Người phủ Trà Vinh nước Chân Lạp, nguyên làm nô trong cung cấm. Mùa xuân năm Giáp Thìn (1786), theo vua sang Vọng Các làm Cai Đội…Tồn khi trước tên là Duyên, không có họ, vì theo đuổi có công bèn cho họ và tên. Năm Gia Long thứ 1 (1802), thăng Cai Cơ. Sai Nguyễn Văn Tồn kiêm quản cả 2 phủ: Trà Vinh, Mân Thiết lệ thuộc vào Vĩnh Trấn… Năm thứ 9, đổi đồn Xiêm binh làm đồn Uy Viễn, cho Tồn làm thống đồn, trông coi như cũ. Năm thứ 10, lại triệu vào kinh, thăng chức Thống chế, vẫn coi đồn Uy Viễn. Khi trở về cho 10 lạng vàng, 30 lạng bạc, 200 quan tiền, 1 bộ mũ áo đại triều, rồi sai đem 1.000 lính đồn đi đóng ở thành Nam Vang. Năm thứ 18, Nguyễn Văn Tồn đốc lính khơi sông Vĩnh Tế. Minh Mạng năm đầu (1820) thì chết, sai người tới dụ tế, cho cây gấm Trung Quốc, 20 tấm vải, 100 quan tiền, cấp cho 7 tên phu coi mộ. Năm thứ 8, con là Vỵ xin truy cấp cho sắc tặng, bèn được truy tặng làm Thống chế[28].
– Kiến trúc mộ
Lăng mộ Nguyễn Văn Tồn, còn gọi là Lăng mộ Ông hay Lăng mộ Tiền Quân Thống Chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn, toạ độ địa lý: 90.58’.38” Vĩ độ Bắc; 1050.56’.23” Kinh độ Đông. Nằm trên địa phận Ấp Mỹ Hòa, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, cách trung tâm TP Vĩnh Long khoảng 40 km về hướng Đông Nam.
Khu lăng mộ của Nguyễn Văn Tồn nằm trên một khu đất có diện tích 8000m2, gồm nhiều công trình kiến trúc: hồ nước, nhà võ ca, nhà tiền tế, đền thờ và khu lăng. Lăng mộ xây bằng hợp chất có bình đồ hình chữ nhật, kích thước dài 12,5m, rộng nhất 8,2m, được bao bọc bởi hệ thống tường thành cao dần từ ngoài vào trong (trung bình từ 0,6m đến 1m). Từ ngoài vào trong bắt đầu với cửa trước với 2 trụ biểu hình vuông (dạng đấu vuông thót đáy) trên có gắn tượng sư tử, kích thước 0,53m x 0,53m, cao 1,2m chạy mở theo tường thành, vát góc ở hai đầu gấp khúc của tường, cửa trước mộ rộng 2,75m. Án ngữ cửa trước khu lăng mộ là một bình phong tiền ở giữa thụt sâu vào trong so với cửa mộ khoảng 0,5m, chừa lối đi mở sang hai bên vào sân tế, kích thước dài 2,43m; rộng 47cm, cao 1,65m. Sau bình phong tiền là khoảng sân tế, diện tích sâu 3,3m; rộng 6m. Tường thành ở khoảng giữa sân tế này có 2 trụ biểu nối với hai trụ biểu phía sau của phần tường trước mộ tạo thành một dạng bình phong thấp – dạng sập thờ tả hữu ở hai bên. Sau khoảng sân tế này là phần cửa mộ với hệ thống tường và 4 trụ biểu dàn ngang. Hai trụ biểu ở giữa mở ra cửa mộ rộng 2,3m; kích thước các trụ biểu này 0,5mx0,5m, cao 1,92m. Giữa các trụ biểu ở cửa mộ theo hàng ngang, trên tường thành có đắp hình mô hình dạng khám thờ cách điệu, trên nóc mô hình này có gắn tượng nghê men xanh, gốm Sài Gòn. Sau cửa mộ 1,2m là nấm mộ (mui luyện) dạng song táng trên mộ tấm đan kích thước dài 3,6mx3,75m, dạng hình chữ nhật giật cấp, mộ Nguyễn Văn Tồn bên trái (tả nam hữu nữ) cao hơn mộ phu nhân khoảng 0,1m. Cả hai nấm mộ đều có đúc sập thờ ở phía trước. Riêng nấm mộ của Nguyễn Văn Tồn, sau sập thờ đúc hộp bia mộ có dạng mô hình tam sơn, trong đó ở chính giữa đúc ô hộc hình chữ nhật tạo thành bia. Trên bia có khắc chìm chữ Hán với nội dung: “Dung Ngọc Hầu Tiền Quân Thống Chế Điều bát Tướng Quân Nguyễn Văn Tồn tướng quân chi mộ. Sanh ư thất lục tam niên (1763) tại Trà Vinh. Chung ư Canh Thìn niên chánh nguyệt sơ tứ nhật (ngày 4 tháng 1 năm 1820). Hai bên có dạng cách điệu của cuốn thư, trên đó đắp nổi hình hoa văn lá hoá rồng cách điệu và chữ Hán ở hai bên nội dung: “Hách hiển linh uy; Hương phi vô thần”. Sau nấm mộ 0,9m là tường hậu của khu lăng mộ cũng là một bình phong hậu được làm mô phỏng theo kiểu một tẩm điện với mái giả lợp ngói âm dương với các đao mái uốn cong cách điệu một số hình xi vĩ, đầu kìm, đặt trên dạng một sập thờ chân quỳ…mặt trước bình phong hậu có chia thành các ô hộc chìm, trên đó không còn dấu hiệu của chữ Hán hay đắp nổi trang trí như nhiều khu lăng mộ khác. Ngoài ra, ở một số đầu trụ biểu và các điểm tiếp xúc giữa trụ biểu với tường thành có đắp nổi một số hình dạng con cù, cá sấu cách điệu (?) (gần giống với kỳ đà)…Phía trong tường thành khu nấm mộ hai bên đều có 5 ô hộc đối xứng, trong đó đắp nổi hình hoa lá, giỏ trái cây, lư đỉnh, bình bông, đề tài khỉ…một số đã bị bong tróc không còn nhận diện được hình dáng nguyên thủy. Ở các trụ biểu của khu lăng, trên một số mặt có các ô hộc trang trí hoa lá và câu đối…
Từ bố cục mặt bằng tổng thể, vật liệu kiến trúc hợp chất, các hình thức trang trí kiến trúc, thông tin trên bi ký cho thấy đây là một khu lăng mộ mang đặc trưng của các lăng mộ các quan đại thần triều Nguyễn ở Nam bộ, chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật, có thể so sánh với một số lăng mộ các quan đại thần triều Nguyễn khác như: Lăng mộ Võ Di Nguy, Trương Tấn Bửu, Phạm Quang Triệt, …(TP.Hồ Chí Minh); lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức, Nguyễn Khắc Tuấn (Long An); lăng mộ Trịnh Hoài Đức (Biên Hòa); Lăng mộ Thoại Ngọc Hầu (Châu Đốc – An Giang)…
Đặc biệt, khu lăng mộ gắn liền với danh nhân Nguyễn Văn Tồn – một người Khmer ở Nam bộ được triều đình Nguyễn trọng dụng và đã có công lao lớn trong việc khai phá vùng đất Nam bộ, tham gia cùng với Thoại Ngọc Hầu chỉ đạo đào kênh Vĩnh Tế nổi tiếng đã được khắc ghi trên Cửu Đỉnh ở Huế. Khi mất ông được xây dựng lăng mộ theo kiểu thức của triều đình Nguyễn mà không theo các hình thức táng tục của người Khmer bản địa. Điều này cho thấy một hình thức mới là triều đình Nguyễn đánh dấu thêm phần xác lập chủ quyền của Việt Nam trên một phương diện mới – mộ táng ở Nam bộ Việt Nam.
Hàng năm, vào những ngày đầu năm, cộng đồng cư dân Việt, Hoa, Khmer tập trung về Lăng mộ Nguyễn Văn Tồn tổ chức cúng giỗ, tổ chức lễ hội với nhiều hình thức mang nhiều giá trị văn hóa nhằm ghi nhớ công lao, tôn thờ Ông như một nhân vật lịch sử, một vị thần bảo hộ cho dân sinh trong vùng.
1.14. Khu lăng mộ thân quyến của Thoại Ngọc Hầu và phu nhân bà Châu Thị Tế ở Cù Lao Dài – Cù Lao Thanh Bình – Vĩnh Long
Năm 1828, Thoại Ngọc Hầu – Khâm sai Thống chế Án thủ Châu Đốc, kiêm quản Hà Tiên trấn, Bảo hộ Cao Miên… – đã về quê hương Cù Lao Dài xây dựng phần lăng mộ cho mẹ mình là bà Nguyễn Thị Tuyết và lăng mộ cho cha mẹ chánh thất phu nhân của ông (bà Châu Thị Tế) là vợ chồng ông/bà Châu Vĩnh Huy – Đỗ Thị Toán. Hiện tại 2 khu lăng mộ nằm tại Ấp Thái Bình, xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Khu lăng mộ đã được Nguyễn Văn Hầu nghiên cứu vào năm 1972[29]. Tuy nhiên, do điều kiện và phương pháp nghiên cứu lúc bấy giờ, công trình nghiên cứu của ông không cho chúng ta thấy được các đặc điểm về quy mô, kết cấu kiến trúc của 2 khu lăng mộ này.
+ Khu lăng mộ của bà Nguyễn Thị Tuyết – thân mẫu Thoại Ngọc Hầu:
Đây là khu lăng mộ được làm bằng hợp chất kết hợp với gạch, có cấu tạo về kiểu dáng kiến trúc tương tự với khu lăng mộ Thoại Ngọc Hầu ở Châu Đốc – An Giang. Hiện tại, do không có người chăm sóc nên khu lăng mộ xuống cấp trầm trọng, nằm trong khu vực trồng vườn của người dân. Lăng mộ nhìn về hướng Bắc, chếch Đông khoảng 380 Khuôn viên lăng được bao quanh bởi bức tường thành rộng ngang 16,5m; dài 33m, dày trung bình khoảng 0,7m; cao từ 0,3 đến 1,3m. Kết cấu từ ngoài vào trong như sau: ngoài cùng là hai trụ biểu kết hợp với hệ 2 bên tường dọc ở phía trước dạng hai cánh tay vươn ra phía trước nối vào tường thành, kết thúc dải tường trụ phía trước này là đến cổng lăng với hai trụ biểu hai bên và hệ thống tường ngang, trụ biểu nối với hai dải tường thành hai bên. Sau cổng lăng là bình phong tiền, sân tế, rồi đến bệ thờ/nhang án đặt trước nấm mộ, chính giữa là lăng mộ bà Nguyễn Thị Tuyết, mô phỏng hình tẩm điện – có dạng mô phỏng nhà lợp mái bằng ngói âm dương, ngói ống. Bên trái mộ của bà Nguyễn Thị Tuyết là bà Nguyễn Thị Định – em ruột Thoại Ngọc Hầu được xây dựng vào năm 1854. Bên phải mộ bà Nguyễn Thị Tuyết khu vực phía trước gần tiếp với khu tường ngang của cổng lăng là mộ của một vị quan nhiều lần từng theo Thoại Ngọc Hầu và Nguyễn Ánh sang Vọng Các (Thái Lan). Sau phần mộ của bà Nguyễn Thị Tuyết là bình phong hậu kết hợp với tường thành khép lại khu lăng. Góc phải ở phần hậu lăng có một miếu thờ Hậu thổ đổ bằng hợp chất. Toàn bộ đặc điểm kiến trúc của khu lăng có đặc điểm giống với quần thể kiến trúc lăng Thoại Ngọc Hầu ở Châu Đốc – An Giang. Đáng chú ý là trên một số điểm kết nối giữa trụ biểu và tường thành đều có trang trí đắp nổi các đồ án rồng, hoa lá, phụng cách điệu và hệ thống bình phong với việc khảm gốm sứ tạo thành những bài minh chữ Hán. Về thông tin bia mộ, Nguyễn Văn Hầu đã khảo sát và công bố tương đối kỹ trong công trình Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang xuất bản năm 1972, nên chúng tôi không trình bày về phần này.
+ Khu lăng mộ song thân của bà Châu Thị Tế
Khu lăng mộ nằm cách khu lăng mộ bà Nguyễn Thị Tuyết khoảng 500m về phía Đông. Tổng thể và đặc điểm kiến trúc tương tự như khu lăng mộ bà Nguyễn Thị Tuyết. Bình đồ tổng thể kiến trúc có kích thước gần vuông 16m x 16,5m. Trong quần thể khu lăng mộ này gồm có mộ 2 ông bà Châu Vĩnh Huy – Đỗ Thị Toán và hai ngôi mộ khác hiện chưa rõ lai lịch chủ nhân.
1.15. Lăng Thoại Ngọc Hầu
– Tiểu sử Thoại Ngọc Hầu
Danh tướng Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Ngọc Thoại[30] trước đây, nhiều tư liệu gọi là Nguyễn Văn Thoại (1761 – 1829), quê quán tại huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, ông đầu quân theo Nguyễn Ánh năm 1777.giữ chức Quan Khâm sai Thống chế Án thủ Châu Đốc, kiêm quản Hà Tiên trấn, bảo hộ Cao Miên…dưới triều Nguyễn, là người đã đi vào sử sách của dân tộc với công lao khai phá vùng đất Nam bộ Việt Nam. Các công trình nghiên cứu về Thoại Ngọc Hầu, đặc biệt là của Nguyễn Văn Hầu, đã cho chúng ta biết về ông như sau:
Về sự nghiệp, nổi bật nhất của ông là 3 lần lãnh chức Bảo hộ Cao Miên, đào kênh VĩnhTế, Thoại Hà. Về phẩm hàm, ông được thăng chức cao nhất là“Thống chế, Bảo hộ Cao Miên, kiêm quản việc quân Hà Tiên và Châu Đốc”,vào năm Minh Mạng thứ 2(1821) và đây cũng là lần lãnh chức Bảo hộ Cao Miên lần hai. Sinh thời, Ông cùng gia quyến đã đóng góp rất nhiều công lao cho triều Nguyễn và được triều đình phong tới tước Hầu – danh tước đứng thứ hai trong hệ thống quan lại cao cấp thời Nguyễn (Công, Hầu, Bá, Tử, Nam). Đặc biệt là sự nghiệp khai phá đất đai, đào kênh, mở rộng hoạt động bang giao, khuyến khích và thúc đẩy sản xuất trong nhân dân… Thoại Ngọc Hầu đã được triều đình Nguyễn và nhân dân nể trọng, ghi nhớ công lao tới muôn đời. Sau khi ông qua đời, triều đình và nhân dân đã an táng ông tại một vị trí quan trọng nhất trong vùng cả về vị thế địa lý cũng như những sinh hoạt tâm linh – Núi Sam (Châu Đốc – An Giang) để tưởng nhớ ông như một vị thần bảo hộ cho sinh dân trong vùng.
– Kiến trúc lăng
Quần thể lăng mộ Thoại Ngọc Hầu nằm trên sườn Núi Sam, thuộc khu di tích Lăng mộ miếu Núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang; Tổng thể kiên trúc trong một khuôn viên vòng thành có kích thước rộng ngang 60m; dài 80m. Kết cấu nguyên thủy từ ngoài vào trong gồm: hệ thống thềm bậc đá ong, trụ biểu và 2 dải tường thành như thế hai cánh tay vươn ra phía trước, cổng/cửa lăng (với 2 cổng), bình phong tiền, sân tế, nhang án/bệ thờ, chính giữa là khu vực mộ dạng song táng của Thoại Ngọc Hầu (bên trái) và chính thất phu nhân Châu Thị Tế (bên phải). Nằm bên trái, tiến lên phía trước một chút là so với mộ Thoại Ngọc Hầu là nấm mộ của bà thứ Trương Thị Miệt. Kết thúc khu lăng mộ chính giữa là 2 bình phong hậu ở phía cuối của mộ ông Thoại Ngọc Hầu và bà Châu Thị Tế.
Đây là một quần thể lăng mộ có thể nói là lớn nhất trong hệ thống các lăng mộ thời Nguyễn ở Nam bộ với những kết cấu kiến trúc còn khởi nguyên. Quần thể lăng mộ được xây dựng bằng hợp chất kết hợp đá ong. Toàn bộ nấm mộ có dạng mô phỏng tẩm điện với cấu trúc nhà hình chữ nhật với mái lợp giả ngói ống.
Tương truyền, khu lăng mộ được chính Thoại Ngọc Hầu chọn vị thế, chỉ đạo thiết kế và trang trí kiến trúc. Điều này là phù hợp khi so sánh khu lăng mộ của Thoại Ngọc Hầu với các đặc điểm có tính tương đồng ở quần thể lăng mộ ở Cù Lao Dài (Cù Lao – Thanh Bình) ở Vũng Liêm – Vĩnh Long được Thoại Ngọc Hầu chỉ huy xây dựng vào năm 1827 cho thân quyến của ông và bà Châu Vĩnh Tế mà chúng tôi đã trình bày ở trên. Đặc biệt tại khu vực bên trái của mộ Thoại Ngọc Hầu và bên phải của mộ bà Châu Thị Tế, trong quá trình tôn tạo sân nền đã phát hiện một khối lượng lớn di vật tuỳ táng.
2. Bước đầu hệ thống tư liệu di vật tìm thấy trong các lăng mộ thời Nguyễn ở Nam bộ
Với quan niệm “dương sao, âm vậy” từ xa xưa, việc chôn đồ tuỳ táng (sinh táng và minh khí) nhằm “phân chia tài sản” hay để cho người quá cố có đầy đủ những vật dụng sinh hoạt để về thế giới bên kia sử dụng như lúc còn ở trần gian, tùy theo điều kiện hoàn cảnh cụ thể của người quá cố lúc còn sống mà nhiều hay ít, giá trị hay thường thường…đã được ghi nhận, mặc cho người đó thuộc già trẻ, gái trai, địa vị sang hèn, tất cả đều có dù ít, dù nhiều. Đó cũng là những căn cứ khoa học để nhiều ngành khoa học khôi phục được phần nào diện mạo của quá khứ qua mỗi thời kỳ lịch sử.
Nhóm di vật đầu tiên được phát hiện trong lăng mộ thời Nguyễn ở Nam bộ là bộ phẩm phục: mão áo, đai, hia và một số vật dụng khác gắn với một vị quan đại thần, đó là lăng mộ của Khâm sai Chưởng cơ Trần Văn Học. Lăng mộ Trần Văn Học được người Pháp khai quật năm 1939 ở Phú Nhuận (không rõ vị trí hiện nay), được Mauger công bố trên Tạp chí của Hội nghiên cứu Đông Dương cùng năm. Hiện nhóm di vật này đã bị thất lạc. Nhưng theo thông báo của Mauger thì trong quá trình di dời mộ, đoàn khai quật đã phát hiện 2 tấm gỗ hình chữ nhật và trái tim có nạm vàng; một chiếc mão vàng thuộc loại hình võ quan Đại triều hàm Nhị phẩm; một đai lưng có bản – biển nạm vàng và nhiều vật dụng khác: khuy, cúc, khoen bằng vàng[31]. Nhóm di vật này phản ánh đúng theo sự ghi chép của Đại Nam Liệt Truyện về cuộc đời và sự nghiệp của Trần Văn Học và quy thức kiểu mũ mão quan lại trong Đại Nam hội điển sử lệ và những công bố về mũ áo của các quan văn võ thời Nguyễn.
Nhóm di vật thứ hai cũng là những phẩm phục của một vị quan đại thần thời Nguyễn chôn trong lăng mộ của Lê Văn Phong – Tả dinh đô thống chế, Phó tổng trấn Bắc Thành, em trai Tả quân Lê Văn Duyệt. Lăng mộ nằm trong Bộ chỉ huy Nguỵ quyền cũ, do chính quyền Nguỵ khai quật di dời năm 1961, đưa về bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử ngày 3-11-1961. Di vật gồm một mão Đại triều quan văn với phốc tròn bằng vàng, một mắt kính, một đai nạm vàng, một móc đai, nẹp tóc…Đây là những hiện vật có giá trị về mặt lịch sử, nghiên cứu chúng giúp tìm hiểu một giai đoạn lịch sử với một vị quan tên là Lê Văn Phong (sinh năm Kỷ Sửu 1769 tại làng Hòa Khánh, tỉnh Định Tường – nay là tỉnh Bến Tre). Lê Văn Phong theo anh ruột (Tả quân Lê Văn Duyệt) phò chúa Nguyễn, đánh quân Tây Sơn, được phong đến chức Đô Thống chế. Qua đó biết được những phẩm phục gắn với một chức quan trong triều đình[32].
Nhóm di vật thứ 3 là những chi tiết trang trí trên một chiếc mão của một vị đại thần thời Nguyễn mang tên trong hồ sơ của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP.Hồ Chí Minh là Mão thiên vương Thống Chế. Hiện vật là những bộ phận, chi tiết của chiếc mão chôn làm đồ tuỳ táng, được tìm thấy trong quá trình khai quật lăng một vị quan triều Nguyễn ở xã Tân Phong, Thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai, phát hiện vào tháng 9 năm 1962. Hồ sơ mang ký hiệu BTLS1574.
Theo hồ sơ lưu trữ, ngày 26/9/1962, một lăng mộ nằm tại xã Tân Phong, quận Châu Thành, tỉnh Biên Hoà thuộc diện phải di rời để giải phóng mặt bằng nhằm mở rộng sân bay Biên Hoà. Tỉnh Biên Hoà đã kết hợp với Nha Căn cứ Hàng không – Việt Nam Cộng hoà, tiến hành khai quật cải táng lăng mộ này. Trong quá trình khai quật, phát hiện một nhóm di vật tuỳ táng là những bộ phận, chi tiết của một chiếc mão làm bằng vàng, một bộ đai, một cây hốt gỗ (thẻ bài),… Toàn bộ các bộ phận, chi tiết của chiếc mão được đưa về Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn (nay là Bảo tàng Lịch sử – TP. Hồ Chí Minh). Nhóm di vật gồm 18 (mười tám) chi tiết bằng vàng của chiếc mão gắn trên 1 sơ đồ gồm:
– Mặt trước: 01 kim bác sơn (dài 21cm, cao 5cm, dày khoảng 0,2cm), 01 hoa lớn (5cm x 3cm x 0,2cm), 01 hình sừng (3cm x 3cm), 02 kim khoá nhãn (dài 10,5cm; rộng 1,5cm, dày 0,2cm), 01 kim nhiễu tuyến (dài khoảng 20cm), 2 hình giao long vòng ở hai cánh chuồn (5cm x 1,2cm).
– Mặt sau: 01 bông hoa lớn (5cm x 3cm x 0,2cm), 01 hoa lớn có hình 2 giao long (7cm x 3cm x 0,2cm), 2 nẹp viền khung cánh chuồn (dài khoảng 20cm), 4 miếng hoa văn bịt ở đầu 2 cánh chuồn (4cm x 2cm), 2 hình giao long vòng ở hai cánh chuồn (5cm x 1,2cm).
Một số di vật khác như đai, hốt, ngọc trai… được cải táng theo chủ nhân ở một ngôi mộ mới hiện nằm ở Đình Tân Phong – phường Tân Phong, TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.
Năm 1965, qua nghiên cứu cấu trúc lăng, căn cứ trên tấm bia còn ghi lại: “Nam Việt, Thiên vương Thống chế thần minh chính trực”, căn cứ vào các chi tiết trang trí của chiếc mão, so sánh với các ghi chép điển lệ về mũ mão qua một số nguồn tư liệu về triều Nguyễn, nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Lăng mộ và Bửu Cầm cho rằng chủ nhân của lăng mộ có thể là một vị quan Thống chế thời Minh Mệnh hoặc giả định danh từ Thống chế do triều Minh Mệnh truy phong, mang hàm Chánh nhị phẩm võ ban. Còn “Thiên vương” thì là do người dân thấy Ngài linh thiêng nên tôn thờ gọi là “Thiên Vương Thống chế”[33].
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, hạn chế về tư liệu, Nguyễn Bá Lăng mộ đã không truy tìm ra lai lịch chủ nhân của lăng, mà chỉ gọi tên là “Mộ Thiên vương thống chế”, không rõ tên họ, chức tước, phẩm hàm…
Năm 1972, Lương Văn Lựu đã xuất bản bộ sách “Biên Hoà sử lược toàn biên”. Phần viết về các nhân vật lịch sử gắn với vùng đất Biên Hoà có đề cập tới một nhân vật là Tiền quân Lê Văn Lễ (có đoạn ghi là Lãnh binh) vào năm đầu thời Tự Đức (1848) được cử vào dẹp loạn ở vùng đất Tân Phong – Biên Hoà. Theo tài liệu này, trước khi ra trận, Lê Văn Lễ đã tiếp cận với một bà bói, sau khi nghe bà nói: trận này tướng quân sẽ thắng, nhưng khi trở về chớ nên đi đường cái, mà phải đi đường nhỏ, nếu không sẽ có hệ luỵ. Ông cho rằng hoang đường nên sai quân chém đầu. Sau khi thắng trận, trên đường trở về, ông đi đường cái quan và đã bị tàn quân mai phục bất ngờ, nghiệm thấy lời bà bói nói đúng, hối hận trong lúc lâm nguy dẫn tới tự sát. Ghi nhớ công lao, nhân dân đã an táng, lập miếu tôn thờ ông. Ở thời điểm đó (năm 1972), tại Biên Hoà còn có một con đường lớn mang tên đường Lê Văn Lễ.[34]
Nhìn chung, nguồn tư liệu có cung cấp cho chúng ta một số sự kiện lịch sử đã được nhân dân trong vùng ghi nhận. Song, do thiếu sự nhất quán trong việc xác định chức vụ, phẩm hàm của nhân vật; ngày, tháng, năm diễn ra sự kiện không cụ thể; hơn nữa cách trình bày thiếu trích dẫn rõ ràng, nên ít có cơ sở khoa học.
Sau năm 1975, tỉnh Biên Hoà đổi thành tỉnh Đồng Nai. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập xã Tân Phong – TP.Biên Hoà, chính quyền địa phương đã xuất bản cuốn sách “Sơ thảo lịch sử truyền thống Tân Phong 40 năm chiến đấu và xây dựng”. Trong phần lịch sử vùng đất, các tác giả đã cho biết về 2 lăng mộ là lăng mộ Ông trên ở xóm giữa (Tân Phong 1) và lăng mộ Ông dưới ở xóm Dưới (Tân Phong 2), kèm theo đó dẫn lời các bô lão địa phương kể lại: Thủa ấy đất Tân Phong đã được khai phá, giặc giã thường nổi lên quấy nhiễu dân lành. Triều đình sai Thống chế Lê Huỳnh cầm quân vào dẹp loạn, tới nơi chưa kịp ra quân, chẳng may ông mắc bạo bệnh qua đời vào tháng giêng Âm lịch, nơi an táng là lăng mộ Ông ở xóm trên. Em trai là Tiền chi Lê Trác xin triều đình cho nối tiếp công việc của anh. Lê Trác xin triều đình cho nối tiếp công việc của anh. Lê Trác là tướng giỏi, ra quân liên tiếp thắng trận. Một lần xuất quân, ông được bà bóng (bà bói) nói: tướng quân đánh trận này thắng, nhưng khi trở về phải đi đường nhỏ, đi đường lớn sẽ gặp nạn. Tiền chi Lê Trác cho rằng xui xẻo, sai quân chém đầu. Trận ấy quả nhiên ông thắng, nhưng khi trở về theo đường cũ thì bị một đám tàn quân nấp trong rừng, thừa cơ lúc sơ hở bắn chết, lúc đó vào tháng 10 Âm lịch và được an táng tại lăng mộ Ông dưới.
Trong “Đồng Nai – Di tích lịch sử văn hoá” có bài viết về “Hai lăng mộ cổ ở đình Tân Phong – Biên Hoà”. Nghiên cứu dựa trên 2 nguồn tư liệu đã đề cập ở trên, do đó, tác giả cho rằng chủ nhân lăng mộ và chiếc mão “Thiên vương Thống chế” chính là Thống chế Lê Huỳnh – một vị quan đại thần tuân mệnh triều đình từ Huế vào dẹp loạn ở vùng đất Biên Hoà năm 1838 (không rõ căn cứ vào tư liệu nào để xác định niên đại?), do bệnh nặng mà ông qua đời cùng năm, sau đó người em trai cũng là một vị quan đại thần là Tiền chi (?) tên là Lê Trác vào thay rồi cũng bị tử trận, nên cả hai anh em được xây lăng mộ ở Tân Phong – Biên Hoà mà nhân dân gọi là Lăng mộ Ông Anh và Lăng mộ Ông Em[35].
Về nhân vật Lê Trác, không có nguồn sử liệu nào nói về ông. Tuy nhiên, trong “Quốc triều chính biên toát yếu”, có một đoạn ghi chép về một nhân vật mang tên Lê Văn Trác là Án sát Biên Hoà, cùng với thự Tuần phủ Võ Quýnh và Lãnh binh Hồ Kim Truyền để mất Biên Hoà vào tháng 6 năm 1833[36]. Nhưng lại trùng sự kiện, chức vụ với Lê Văn Lễ đã được Đại Nam Thực Lục và Đại Nam liệt truyện ghi chép.
Để làm rõ lai lịch chủ nhân của những di vật tìm thấy trong mộ “Thiên vương Thống chế”, chúng tôi đã tiến hành phúc tra, khảo sát, sưu tầm tư liệu về hai lăng mộ hiện cải táng ở đình Tân Phong. Tuy nhiên, hiện trạng ngôi mộ đã được làm mới, tấm bia mộ của “Thiên vương Thống chế” cũng đã được làm gắn bên ngoài một phiến đá hoa cương trắng gần đây (2005), không còn dấu tích ban đầu của tấm bia. Một chi tiết được chúng tôi chú ý là ngày cũng giỗ của “Thiên Vương thống chế” được nhân dân Tân Phong nhiều đời truyền giữ, đó là vào ngày rằm tháng 11 Âm lịch hàng năm.
Từ tổng hợp các nguồn tư liệu, qua nghiên cứu, chúng tôi không thấy sử liệu nào của thời Nguyễn ghi chép về cái tên Lê Huỳnh, Lê Trác như lời truyền lại của bao thế hệ người dân vùng đất Tân Phong và một số nhà nghiên cứu đã đề cập. Loại bỏ những thông tin có tính huyền thoại, chúng tôi tập trung vào nhân vật Lê Văn Lễ đã được Lương Văn Lựu đề cập trong tài liệu đã trình bày ở trên. Nhưng khác thông tin mà Lương Văn Lựu đã công bố, tra cứu trong các nguồn sử liệu thời Nguyễn, không có ghi chép nào liên quan đến nhân vật Lê Văn Lễ thời Tự Đức hay cả thời Thiệu Trị gắn với lịch sử vùng đất Nam bộ nói chung và Biên Hoà nói riêng như sách “Biên Hoà sử lược toàn biên” đã đề cập[37].
Ngược dòng thời gian, tra cứu đến thời Minh Mệnh, có một nhân vật lịch sử mang tên Lê Văn Lễ với nhiều thăng trầm trong chốn quan trường, được ghi chép khá rõ ràng và tóm gọn như sau:
Lê Văn Lễ, người xã Bác Vọng, huyện Quảng Điền[38]. Năm 1821 đỗ thi Hương Ân khoa tại Huế, làm quan, rồi qua nhiều luân chuyển và làm đến chức cao nhất là Án sát tỉnh Biên Hoà, bị tội và cách chức, tiếp tục được hoạt động để chuộc tội. Do bạo bệnh mất ở Biên Hoà vào tháng 11 năm 1833, khi còn trong quân thứ. Được triều đình truy phục chức vụ[39].
Như vậy, từ sử liệu triều Nguyễn, qua tra cứu toàn bộ các nhân vật lịch sử gắn với vùng đất Biên Hoà, bằng phương pháp loại trừ khi có đủ các cơ sở đối với các nhân vật lịch sử đó, kết hợp với sử dụng một số thông tin từ các nhà nghiên cứu địa phương, cũng như tổng hợp lại các tư liệu hồi cố và truyền thuyết của nhân dân đã từng ghi nhận công lao đối với sinh dân trong vùng đất Tân Phong nói riêng và Biên Hoà – Đồng Nai nói chung, thậm chí đặt tên một con đường lớn ở trung tâm Thành phố Biên Hoà (trước năm 1975) mang tên Lê Văn Lễ. Chúng tôi cho rằng, Lê Văn Lễ – quan Án sát tỉnh Biên Hoà thời Minh Mệnh, không rõ năm sinh, mất vào mùa Đông năm 1833, là nhân vật lịch sử có nhiều căn cứ hơn cả trong việc xác định là chủ nhân chiếc mão “Thiên vương thống chế” hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử[40].
Nghiên cứu chế độ quan chức triều Nguyễn, Trần Thanh Tâm cho rằng chức Án sát có hàm tương đương với Chánh Tam phẩm võ ban[41]. Tuy nhiên, trong Đại Nam hội điển sử lệ ở Quyển 7, phần Chế độ thăng bậc thì chức Án sát sứ ở các tỉnh mang hàm Chánh Tứ phẩm[42]. Căn cứ theo Đại Nam Hội điển sử lệ cũng như nhiều nghiên cứu khác về mũ áo trang phục quan lại triều Nguyễn thì chiếc mão được tìm thấy trong lăng mộ “Thiên vương Thống Chế” ở Tân Phong – Biên Hoà – Đồng Nai năm 1962, thuộc loại hình mão “phốc vuông”[43].
Nhóm di vật thứ 4 là những phát hiện lớn nhât từ trước đến nay trong các lăng mộ ở Việt Nam. Đó là những di vật phát hiện trong quần thể lăng mộ Thoại Ngọc Hầu (Châu Đốc – An Giang) được các nhà khoa học nghiên cứu, giám định[44].
Trong quá trình thi công san bạt mặt bằng phần sân khu xung quanh lăng mộ ông Nguyễn Văn Thoại và mộ bà Châu Thi Tế để lát đá tôn tạo cảnh quan khu di tích, ở độ sâu khoảng 0,3m so với bề mặt nền gạch đá ong cũ, Ban quản trị Lăng mộ miếu Núi Sam đã phát hiện 2 dấu tích huyệt có dạng hình chữ nhật được đổ bằng hợp chất. Ở cả hai huyệt này phần tấm đan đậy bên trên một phần đã bị xụt xuống, nhận thấy bên trong có cấu tạo rỗng như một huyệt táng nên dừng thi công lại và báo cho các cơ quan chức năng của tỉnh An Giang kiểm tra nghiên cứu, khai quật khẩn cấp.
Tiến hành 02 hố khai quật khẩn cấp:
Hố khai quật 1 nằm bên trái phần mộ Thoại Ngọc Hầu. Hố khai quật 2 nằm bên phải phần mộ bà Châu Thị Tế.
Ở cả hai hố khai quật, sau khi làm xuất lộ phần phằn lui, phát lộ một kim tỉnh dạng hình hộp chữ nhật, kích thước 2 x 1,2m, kết cấu đúc bằng hợp chất, dày khoảng 0,2m. Trong kim tỉnh, xuất lộ một tập hợp hiện vật tuỳ táng của Thoại Ngọc Hầu và Phu nhân bà Châu Thị Tế, hiện vật sắp xếp thành nhiều nhóm đồ đồng, đồ gốm, đồ vàng bạc… chồng xếp lên nhau, một số dấu tích xót lại như bo góc, lép, dấu vết vải bọc, các mảnh chạm… cho thấy các sưu tập di vật quý như mão, vàng, tiền… được đặt trong các rương hộp nhỏ.
Số hiện vật, đơn vị hiện vật, bộ phận, chi tiết, tàn tích hiện vật các loại xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Châu Âu (Pháp, Tây Ban Nha…) niên đại từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19, thu được tại hố 1 – tìm thấy bên phần mộ Thoại Ngọc Hầu là 219 hiện vật.
Số hiện vật, đơn vị hiện vật, bộ phận, chi tiết, tàn tích hiện vật các loại xuất xứ từ Việt Nam (thuộc thời Tây Sơn, thời Nguyễn Gia Long, Minh Mạng), Trung Quốc, Khmer, Thái Lan, Châu Âu (Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…) niên đại từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19 thu được tại hố 2 – tìm thấy bên phần mộ bà Châu Thị Tế là 304 hiện vật.
3. Một số vấn đề về lịch sử – văn hóa qua nghiên cứu hệ thống lăng mộ thời Nguyễn ở Nam bộ
Hệ thống lăng mộ thời chúa Nguyễn đến thời Nguyễn ở Nam bộ được hình thành trên cơ nền truyền thống lăng mộ ở Việt Nam theo một diễn trình từ thời Lý – Trần – Lê sơ – Lê Trung Hưng – chúa Nguyễn – Nguyễn, trải dài trên dải đất hình chữ S của Việt Nam. Trong không gian văn hoá mở, sự phát triển lăng mộ trong suốt thời kỳ chúa Nguyễn và thời triều Nguyễn luôn có sự giao lưu tiếp biến văn hoá với người Hoa, để làm phong phú thêm các đặc điểm lăng mộ của mình, tạo ra một hệ thống lăng mộ “giống xưa mà cũng khác xưa” trên hành trình Nam tiến, xác lập biên cương và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Sự phân bố của các lăng mộ thời Nguyễn ở Nam bộ cho thấy sự tập trung ở khu vực vốn là trung tâm quyền lực chính trị dưới thời Nguyễn ở Nam bộ – Thành Gia Định. Ngoài ra, một số địa điểm thường là nơi mà các quan lại đại thần thời Nguyễn từng gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp của mình hoặc là quê hương nơi mình sinh ra và trưởng thành. Từ hệ thống lăng mộ thời Nguyễn, chúng ta đã có thể xác lập chủ quyền vùng đất Nam bộ với sự hiện diện của lăng mộ người Việt ở những vùng biên cương xa xôi như trường hợp Lăng Thoại Ngọc Hầu và những lăng mộ của các quan lại đại thần người Việt gốc Khmer (Nguyễn Văn Tồn); người Việt gốc Hoa (Trịnh Hoài Đức) đã phản ánh sự thống nhất trong quy chuẩn của triều đình Nguyễn với truyền thống lăng mộ Việt Nam.
Kiến trúc lăng mộ thời Nguyễn ở Nam bộ cho thấy đều có sự quy chuẩn của thời đại với bố cục tổng thể kiến trúc hình chữ nhật, kết cấu kiến trúc theo một trục dọc từ ngoài vào trong: cửa lăng, bình phong tiền, sân tế, cửa mộ, nhang án, nấm mộ, bình phong hậu và hệ thống các tường thành bao bọc khép kín. Trong đó, phần nấm mộ có nhiều kiểu loại khác nhau: dạng liếp hình chữ nhật giật cấp, hình nhà (mô phỏng dạng tẩm điện), hình voi phục. Nhiều đồ án trang trí với các dạng phù điêu đắp nổi, hình rồng, giao long, lân, long mã, hổ, khỉ, tùng lộc, dái cá, cá sấu (kỳ nhông), hoa lá…kết hợp với khắc chìm, đắp nổi các loại hình câu đối, văn thơ chữ Hán được sử dụng để tô điểm, trang trí tạo sự uy nghiêm và thể hiện vị thế xã hội của chủ nhân lăng mộ. Một đặc trưng quan trọng của lăng mộ các quan lại đại thần thời kỳ này là sự thiếu vắng các hình thức tiếu tượng dạng “bá văn quan võ” đứng canh giữ cho các phần lăng mộ – một loại hình mà đã rất phổ biến của trong thời kỳ trước đó ở miền Bắc Việt Nam, khi mà các quan lại đại thần đua nhau xây dựng cho mình những lăng mộ với hàng loạt các loại hình: lính chầu, tượng voi, ngựa, nhang án, bia đá to lớn ngang tầm với lăn mộ của vua – chúa đương thời, vượt cả sự kiểm soát của triều đình, trong hoàn cảnh Đất nước đang bị những cuộc nội chiến kéo dài. Điều này cho thấy những quy định gắt gao của triều đình Nguyễn trong điển chế, chỉ có lăng mộ hoàng gia tại Huế mới có các hình thức xây dựng các loại hình tượng chầu canh giữ…lăng mộ các quan lại đại thần không được phép vượt sự kiểm soát của triều đình Nguyễn. Trong giai đoạn đầu thời Nguyễn, khi Nam bộ vẫn còn là chủ quyền của Việt Nam, lăng mộ thời Nguyễn không sử dụng vật liệu đá nguyên khối để xây dựng như thời vua Lê – chúa Trịnh ở miền Bắc. Mặc dù bố cục, hình thức kiến trúc… thể hiện nhiều sự tiếp nối truyền thống của thời kỳ trước, nhưng vật liệu sử dụng cho xây dựng lăng mộ thời Nguyễn phổ biến lại là vật liệu hợp chất: vôi, mật, than, san hô, vỏ sò, hàu, ô dước (bời lời), đá vụn, sỏi…; ngoài ra còn có sự kết hợp nhiều loại hình khác: hợp chất – đá ong, hợp chất gạch… Đây là các loại hình vật liệu vốn đã được sử dụng trong một số lăng mộ thời Lê sơ và giai đoạn sau ở miền Bắc, nhưng kết quả nghiên cứu khai quật cho thấy, không một lăng mộ hợp chất nào ở miền Bắc lại có các kiến trúc bề nổi như các lăng mộ thời Nguyễn ở Nam bộ.
Những đặc điểm về bố cục kiến trúc, trang trí kiến trúc và sự phong phú của hệ thống di vật tuỳ táng tìm thấy trong một số lăng mộ phản ánh sự đa sắc màu của đời sống sinh hoạt của các quan lại đại thần, những quy chuẩn về quan chế, phẩm phục theo điển lệ và những giá trị lịch sử văn hoá nghệ thuật của dân tộc Việt Nam. Do khuôn khổ bài viết, chúng tôi sẽ trình bày phần di vật tìm thấy trong một số lăng mộ vào một nghiên cứu khác.
Các kết quả nghiên cứu khai quật một số lăng mộ thời Nguyễn ở Nam bộ cho thấy mức độ đồ sộ về số lượng, loại hình, chất liệu của các di vật tuỳ táng. Di vật tuỳ táng được tìm thấy là những vật dụng gắn với địa vị xã hội do triều đình phong tặng và cả những vật dụng gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày của các quan lại đại thần có tính chất cao cấp của xã hội đương thời. Đa số những di vật đó đều gắn với những lăng mộ của các vị quan đại thần của triều đình, ngoại trừ trường hợp lăng mộ của Huỳnh Công Lý – Phó tổng trấn thành Gia Định – thân sinh ra Ái phi của vua Minh Mạng, được khai quật năm 1977, nhưng không phát hiện được di vật gì quý giá chôn theo. Tuy nhiên, đã có sự lý giải tương đối khoa học khi cho rằng vì Huỳnh Công Lý mang trọng tội, đã bị Tả quân Lê Văn Duyệt xử trảm, gia sản bị tịch biên, nên cũng dễ hiểu vì sao di vật chôn theo lăng mộ khai quật được lại rất đạm bạc, không tương xứng với kiến trúc lăng mộ bề nổi mà có thể khi còn đương chức, chính ông đã chỉ huy xây dựng nhằm chuẩn bị sinh phần cho mình[45].
Một vấn đề còn đang tiếp tục cần thảo luận là việc nghiên cứu bia mộ để định ra niên đại và tên gọi Quốc hiệu trong lịch sử Đàng Trong thời chúa Nguyễn đến thời Nguyễn sau này. Nguyễn Thị Hà đã thử xác định niên đại tên gọi cho một số Quốc hiệu như Việt Cố, Hoàng Việt và Đại Nam qua việc nghiên cứu bia mộ chữ Hán ở Thành phố Hồ Chí Minh và cho rằng: tên gọi Quốc hiệu Việt Cố chỉ tồn tại trong thời chúa Nguyễn – trước 1802; tên gọi Quốc hiệu Hoàng Việt từ khoảng năm 1802(1806) đến trước năm 1838 và niên đại của Quốc hiệu Đại Nam từ 1838 đến sau này[46]. Tuy nhiên, qua nghiên cứu hệ thống lăng mộ thời Nguyễn ở cả Nam bộ, chúng tôi cho rằng quan điểm trên chưa thật chính xác. Bởi lẽ trên một số bia mộ của các quan đại thần thời Nguyễn được sử sách ghi chép rõ, trên bia mộ đề Quốc hiệu là Việt Cố nhưng niên đại cụ thể thì là của thời Nguyễn như trường hợp bia mộ của Nguyễn Huỳnh Đức, ông mất năm Kỷ Mão – 1819 thời Gia Long và bia mộ được lập cùng năm. Hay trường hợp các bia mộ của song thân Lê Văn Duyệt là bà Nguyễn Thị Lập (bia mộ lập năm Giáp Tuất -1814) và ông Lê Văn Toại (bia mộ lập vào năm 1821) nhưng Quốc hiệu trên bia mộ đều ghi là Việt Cố. Trường hợp nữa có thể dẫn ra đây là bia mộ của bà Nguyễn Thị Định – em ruột Thoại Ngọc Hầu trong quần thể khu lăng mộ ở Cù Lao Dài: năm mất của bà và năm lập bia ghi là năm 1854, nhưng Quốc hiệu được sử dụng là Hoàng Việt chứ không phải là Đại Nam. Tất cả những dẫn chứng trên đòi hỏi cần phải có những công trình nghiên cứu sâu về lăng mộ, kết hợp với một số tư liệu liên ngành về thời chúa Nguyễn và cả thời Nguyễn ở Việt Nam mới có thể cho chúng ta những kết luận khoa học.
Trên đây, chúng tôi đã trình bày khái lược hệ thống lăng mộ thời Nguyễn ở Nam bộ. Nhưng kết quả nghiên cứu đã phần nào cung cấp thêm nguồn tư liệu về lịch sử vùng đất Nam bộ thế kỷ 18-19 vốn chỉ được ghi chép qua sử sách mà chưa có những chứng cứ khoa học cụ thể để có thể phần nào khôi phục lại diện mạo của một thời kỳ lịch sử quan trọng của đất nước – thời kỳ mở rộng bờ cõi, bảo vệ và xác lập chủ quyền của Việt Nam ở vùng đất phía Nam của Đất nước.
*Chú thích
[1] Ban Quản lý di tích tỉnh Bình Dương (2005), Lý lịch di tích mộ cổ Trần Thượng Xuyên, tư liệu Ban quản lý di tích tỉnh Bình Dương.
[2] Lương Chánh Tòng (2012), “Góp phần bổ sung tư liệu về một số ngôi mộ hợp chất đã khai quật ở Thành phố Bà Rịa – Bà Rịa – Vũng Tàu”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Từ Xứ Mô Xoài xưa đến Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay”, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tr.421- 429.
[3] Mauger (1939), “Exhumantion des restes du Marechal Nguyen – Van – Hoc”, Bulletin de la Societe des Etudes Indochinoises, Tome XIV, N.1 -2, tr.119-128.
[4] Hồ sơ lưu trữ về sưu tập hiện vật Thống chế Lê Văn Phong, Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP.Hồ Chí Minh.
[5] Nguyễn Bá Lăng (1965), “Việc cải táng mộ Thiên vương Thống chế và Ông Tiền chi tại xã Tân Phong, Quận Châu Thành, tỉnh Biên Hoà”, Nội san Viện khảo cổ, số 4. Sài Gòn, Tư liệu Bảo tàng Lịch sử – TP. Hồ Chí Minh, tr.42-45.
[6] Lê Xuân Diệm, Đỗ Đình Truật (1977), “Khai quật mộ Vườn Chuối (Thành phố Hồ Chí Minh)”, Tạp chí Khảo cổ học. Số 4, Viện Khảo cổ học, Hà Nội, tr.84-89.
[7] Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP.Hồ Chí Minh, Báo cáo kết quả khảo sát 2 lăng mộ ở quận 2 – TP.Hồ Chí Minh năm 1999, Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP.Hồ Chí Minh.; Lê Trung, Phạm Hữu Công (1998), “Về hai tấm bia mộ thời Nguyễn tại Quận 2”, Góp phần tìm hiểu lịch sử văn hoá 300 năm Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, NXB. Trẻ, TP.Hồ Chí Minh, tr.284-304.
[8] Lê Xuân Diệm, Đỗ Đình Truật, Sđd, tr.84-89.
[9] Phạm Đức Mạnh (2007), “Đền thờ mộ táng ²Danh sĩ xứ Dừa thời cận đại” ”, Tạp chí Khảo cổ học, số 2, Viện khảo cổ học, Hà Nội.
[10] Phạm Đức Mạnh, Lê Xuân Diệm (1996), “Khai quật mộ hợp chất Phú Thọ (thành phố Hồ Chí Minh)”, Tạp chí Khảo cổ học, số 1.Viện Khảo cổ, Hà Nội, tr.59-73; Phạm Đức Mạnh (2002), “Mộ hợp chất ở Gia Định & Nam Bộ xưa”, Nam Bộ – Đất và Người, Tập 1, Nxb. Trẻ, TP. HỒ CHÍ MINH, tr.158-188; Phạm Đức Mạnh (2006), “Mộ hợp chất trong khuôn viên Viện Pasteur (TP. Hồ Chí Minh)”, Tạp chí Khảo cổ học, số 5, Viện khảo cổ, Hà Nội. tr.56-5; Nguyễn Thị Hà (2009), “Từ bia mộ chữ Hán thời Nguyễn ở Thành phố Hồ Chí Minh thử xác định niên đại Quốc hiệu: Việt Cố, Hoàng Việt và Đại Nam”, Tạp chí Khảo cổ học, số 6, Viện Khảo cổ học, Hà Nội, tr.46-54.
[11] Trần Hồng Liên (2004), “Lăng mộ Hoàng gia – Dấu ấn của triều Nguyễn trên đất Nam Bộ”, Nam Bộ – Đất & Người, Tập 2, Nxb.Trẻ. TP. Hồ Chí Minh, tr.226-231.
[12] Lê Ái Siêm (1997), “Bản sắc văn hoá lăng mộ ở Tiền Giang”, Một số vấn đề khảo cổ học ở miền Nam Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[13] Phạm Đức Mạnh, Nguyễn Công Chuyên (2007), Báo cáo sơ bộ về mộ cổ ở thành phố Hồ Chí Minh, Tư liệu Bảo tàng Lịch sủ văn hoá – Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tư liệu PGS. TS. Phạm Đức Mạnh.
[14] Nguyễn Thị Hà và cộng sự (2009), Mộ cổ ở Thành phố Hồ Chí Minh, Báo cáo kết quả Đề tài khoa học cấp trường – Đại học KHXH&NV – Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh.
[15] Tổng hợp các ghi chép trong Quốc Sử quán triều Nguyễn (2005), Đại Nam liệt truyện Tập 2, Bản dịch Viện sử học, Nxb. Thuận Hoá. Huế, tr.420-467.
[16] Quốc sử quán triều Nguyễn (2005), Đại Nam liệt truyện, Tập 2, Bản dịch Viện sử học, Nxb. Thuận Hoá, Huế, tr.124-126.
[17] Quốc sử quán triều Nguyễn (2005), Sđd, tr.101 – 114.
[18] Quốc sử quán triều Nguyễn (2005), Sđd, tr.313 -315.
[19] Hải Đường (2001), “Lăng Trương Tấn Bửu”, Di tích lịch sử văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh – Một số cơ sở tín ngưỡng dân gian, Ban quản lý Di tích và Danh thắng thành phố Hồ Chí Minh., tr.158 – 168.
[20] Quốc Sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục Bản dịch Viện sử học, Tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.929.
Quốc Sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục Bản dịch Viện sử học, Tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.320.
[21] Lê Trung, Phạm Hữu Công (1998), “Về hai tấm bia mộ thời Nguyễn tại Quận 2”, Góp phần tìm hiểu lịch sử văn hoá 300 năm Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, tr.284-304.
[22] Lê Trung, Phạm Hữu Công (1998), “Về hai tấm bia mộ thời Nguyễn tại Quận 2”, Góp phần tìm hiểu lịch sử văn hoá 300 năm Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Trẻ, TP.HỒ CHÍ MINH, tr.284-304.
[23] Xin xem thêm Lê Trung, Phạm Hữu Công (1998), Sđd, tr.284-304.
[24] Tổng hợp các ghi chép trong Quốc Sử quán triều Nguyễn (2005), Sđd, tr.207 – 215.
[25] Quốc Sử quán triều Nguyễn (2005), Sđd, tr.136-142.
[26] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Sđd, tr.266.
[27]Trần Hồng Liên (2004), “Lăng mộ Hoàng gia – Dấu ấn của triều Nguyễn trên đất Nam Bộ”, Nam Bộ Đất và Người, Tập 2, Nxb. Trẻ TP. Hồ Chí Minh, tr 226-231; Tỉnh Uỷ – UBND tỉnh Tiền Giang (2005), Địa chí Tiền Giang, Tập 1, tr.941 – 942.
[28] Quốc Sử quán triều Nguyễn (2005), Sđd, tr.472-474.
[29] Nguyễn Văn Hầu (1972), Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang, Nxb. Hương Sen, Sài Gòn.
[30] Mới đây, qua khảo sát quần thể lăng mộ bà Nguyễn Thị Tuyết – thân mẫu của Thoại Ngọc Hầu, chúng tôi phát hiện ra tấm bia mộ bằng đá sa thạch dựng ngay khi bà Nguyễn Thị Tuyết mất, khi mà Thoại Ngọc Hầu còn chưa thành danh. Tấm bia được dựng sau tấm bia được Thoại Ngọc Hầu dựng vào năm 1828 khi ông về xây dựng lại phần lăng mộ mẹ của mình. Đặc biệt chú ý là trên tấm bia cũ có khắc người lập bia với nội dung: “Hiếu tử Nguyễn Ngọc Thoại lập bia”. Vì thế tên thật của Thoại Ngọc Hầu phải là Nguyễn Ngọc Thoại chứ không phải là Nguyễn Văn Thoại như lâu nay người ta vẫn gọi lầm.
[31] Mauger (1939), “Exhumantion des restes du Marechal Nguyen – Van – Hoc”, Bulletin de la Societe des Etudes Indochinoises Tome XIV, N.1 -2, tr.119-128.
[32] Hồ sơ nhóm di vật khai quật lăng mộ Lê Văn Phong, Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP.Hồ Chí Minh.
[33] Nguyễn Bá Lăng (1965), Sđd, tr.42 – 45.
[34] Lương Văn Lựu (1972), Biên Hoà sử lược toàn biên. Quyển 2, tr.165-169.
[35] Nguyễn Thị Nguyệt (2004), “Hai lăng mộ ở đình Tân Phong – Biên Hoà”. Đồng Nai – Di tích Lịch sử văn hoá, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai, tr.257 – 262.
[36] Cao Xuân Dục (1972), Quốc triều chính biên toát yếu, Nhóm nghiên cứu sử địa Việt Nam dịch và xuất bản, Sài Gòn, tr.83.
[37] Lương Văn Lựu (1972) Biên Hoà sử lược toàn biên, Tập 2, tác giả xuất bản, Biên Hoà, tr.165 – 169.
[38] Cao Xuân Dục (2011), Quốc triều Hương khoa lục, Nguyễn Thuý Ngà, Nguyễn Thị Lâm dịch, Cao Tự Thanh hiệu đính và giới thiệu, Nxb. Lao động, Trung tâm Văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, tr.114 – 115.
[39] Quốc Sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam thực lục Tập 2, Bản dịch Viện sử học, Nxb. Giáo dục, tr.142; 650 -651. Quốc Sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 3, Bản dịch Viện sử học, Nxb. Giáo dục, tr.43; 116; 402; 578; 599; 601; 622; 642; 647; 885.
[40] Lương Chánh Tòng, Trần Thị Thúy Phượng (2012), “Về chủ nhân của chiếc mão “Thiên vương Thống chế” tìm thấy ở Biên Hòa – Đồng Nai”, Thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2012 tổ chức tại Hà Nội tháng 9 năm 2012, Tư liệu Viện khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP. Hồ Chí Minh.
[41] Trần Thanh Tâm (1996), Tìm hiểu quan chức nhà Nguyễn, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.52.
[42] Nội các triều Nguyễn (2005), Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ, Tập 2, Bản dịch Viện sử học, Nxb. Thuận Hoá, Huế, tr.20.
[43] Nội Các triều Nguyễn 2005. Khâm định Đại Nam Hội điển sử lệ. Quyển 78 – Tập IV. Bản dịch Viện sử học. Nxb. Thuận Hoá. Huế. Tr.134 -140.
[44] Phạm Hữu Công, Ngô Quang Láng, Phan Văn Trắm, Dương Ái Dân, Nguyễn Minh Sang (2012), “Di vật của Thoại Ngọc Hầu và phu nhân tại Lăng mộ Thoại Ngọc Hầu – Núi Sam (Châu Đốc – An Giang)”. Thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2011, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.448-449.
[45] Lê Xuân Diệm, Đỗ Đình Truật (1977), “Khai quật mộ Vườn Chuối (TP. Hồ Chí Minh)”, Tạp chí Khảo cổ học, Số 4,Viện khảo cổ học, Hà Nội, tr.88.
[46] Nguyễn Thị Hà (2009), “Từ bia mộ chữ Hán thời Nguyễn ở Thành phố Hồ Chí Minh thử xác định niên đại Quốc hiệu: Việt Cố, Hoàng Việt và Đại Nam”. Tạp chí Khảo cổ học, số 6, Viện Khảo cổ học, Hà Nội, tr.46-54.
* Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: PGS.TS. Võ Văn Sen (Chủ biên) (2008), Nam bộ đất và người, tập IX, NXB Đại học Quốc gia Tp.HCM, Tp.HCM.
Recent Comments