Tra Cứu Lãi suất


    Tin trong nước


Bảo tàng Văn hoá Dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh
27/04/2012, 17:36:01

(VTV Cần Thơ) - Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer ở Trà Vinh nằm trong quần thể Khu di tích văn hóa cấp quốc gia chùa Âng và thắng cảnh Ao Bà Om. Với hàng trăm hiện vật được lưu giữ, đây không chỉ là niềm tự hào của người Trà Vinh mà còn là nơi gìn giữ và tôn vinh nét văn hóa nhiều thế hệ của hơn 1,5 triệu đồng bào Khmer Nam bộ. Tiết mục sức sống đồng bằng hôm nay của VTV Cần Thơ xin chuyển đến quý khán giả đôi điều thú vị tại một trong hai bảo tàng văn hóa Khmer độc đáo của cả nước.

Khánh thành vào năm 1995, bảo tàng là nơi lưu giữ rất nhiều hiện vật phong phú về đời sống văn hóa tinh thần, văn hóa vật chất của đồng bào Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nơi trưng bày các hiện vật có tất cả bốn phòng. Phòng thứ nhất gọi là phòng văn hóa cổ với rất nhiều tượng cổ, mô hình các ngôi chùa, mô hình phun sóc và hình ảnh 141 ngôi chùa Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.


PV Quốc Minh
"Trong số 4 phòng trưng bày của bảo tàng thì phòng số 2 thể hiện rõ nhất những nét văn hóa về đời sống vật chất của bà con Khmer Nam bộ, bởi nơi đây có rất nhiều hiện vật gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp, cũng như các trang phục đặc trưng của thiếu nữ Khmer. Những nông cụ truyền thống ở đây cho thấy óc thẩm mỹ dân gian rất đậm nét thông qua những màu sắc và đường nét trang trí, chạm khắc tinh xảo trên các loại chất liệu thân thuộc như tre, gỗ, và sừng."

 


Ông Thạch Hội, Chuyên viên bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh


"Vòng gặt lúa, rồi nọc cấy, thì một số đồ dùng nông nghiệp này là cổ xưa. Hiện nay là được nghệ nhân Khmer làm rất là công phu. Những nọc cấy này làm bằng gỗ, cái cán tra vô làm bằng sừng, mà họ uốn éo như là tượng và như là đầu rồng, đuôi rồng. Trong nọc cấy có hoa văn chi chít thể hiện cái tính rất là công phu, bàn tay sáng tạo của ông bà cha mẹ hồi xưa để lại. Nói chung là những công cụ rất là quý hiếm. Đối với tỉnh Trà Vinh đã đi sưu tầm rất nhiều nơi nhiều chỗ, và cũng nhờ nhà sư, nhà chùa tặng cho bảo tàng."

Trong phòng văn hóa tinh thần, tức là phòng thứ ba, có rất nhiều nhạc cụ truyền thống gồm dàn nhạc dân gian và dàn nhạc lễ, các trang phục và vật dụng đặc trưng trong ngày cưới của của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long …



Ông Thạch Hội, Chuyên viên bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh:
"Đây là cái đàn Tà Khê, một loại đàn cổ quý, giờ ít người biết sử dụng. Thì dàn nhạc cưới này gắn liền trong lễ cưới truyền thống của đồng bào dân tộc. Trong lễ đó cô dâu chú rể phải mặc đồ chuyên dùng. Chẳng hạn như là mão cưới cho cô dâu, đồ đạc hồi xưa là như vậy đó, có áo cô dâu, áo chú rễ. Đây là đồ chuyên dùng trong ngày cưới, như là đồ đựng trầu cau, thuốc. Đặc biệt nữa là dao cắt chỉ tay. Theo phong tục thì trong ngày cưới người ta có làm lễ cột tay, thì dao này cắt chỉ tay."

 

Với hơn 500 hiện vật, hình ảnh được trưng bày tại đây, bảo tàng là điểm tham quan hấp dẫn đối với khách tham quan trong và ngoài tỉnh. Để có được những hiện vật quý, trong đó có nhiều vật dụng trên trăm năm tuổi, tuy công tác sưu tầm rất khó khăn, nhưng mục đích gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của người Khmer đã được bà con và các vị sư sãi ủng hộ nồng nhiệt. Ngoài ra, cũng có những người khác đóng góp cho bảo tàng theo cách rất riêng. Chẳng hạn như nghệ nhân Thạch Tư. Xuất thân trong gia đình có truyền thống gắn bó với nghệ thuật Khmer, ông đã có hơn 50 năm kinh nghiệm trong nghề. Giờ tuổi cao, đi lại khó khăn, nhưng ông vẫn là người tư vấn về mặt văn hóa, phong tục tập quán của người Khmer cho bảo tàng, cũng như tham gia trang bị hiện vật.

 


Ông Thạch Tư, Nghệ nhân văn hóa dân gian tỉnh Trà Vinh


"Cái văn hóa phi vật thể của dân tộc nó quý giá cỡ nào để mà mình bổ sung cho tỉnh nhà để con cháu mình sau này chiêm ngưỡng, để thấy cha ông mình có tay nghề như thế nào. Tui đây thì không có tài hoa gì nhưng từ đời cha tui đến đời tui, theo mảng gia truyền rất là lâu năm. Xin cống hiến một số cho bảo tàng hoặc cho tỉnh nhà để sau này được một chút ít đóng góp."


Trong đoàn khách đến thăm bảo tàng hôm nay có ông Trần Văn Thừa và cô con gái nhỏ. Đã hơn 3 lần đến đây, nhưng bảo tàng vẫn là địa điểm hấp dẫn đối với gia đình. Bởi lẽ những giá trị văn hóa của đồng bào Khmer dường như có sức hút vô tận. Lần này cũng vậy, không ngại gió mưa, cả nhà đến bảo tàng ngoài vui chơi ngày lễ ông còn có mục đích khác.

Ông Trần Văn Thừa, Người dân Cầu Ngang – Trà Vinh:


"Có ý nghĩa rất nhiều, tham quan vầy cho mấy đứa nhỏ nó biết. Sau này nó biết với người ta.// Coi đồ cổ của dân tộc, có ý nghĩa rất lớn. Xem cho biết. Rất là có ý nghĩa lớn."

 



Đó cũng là một cách để những giá trị văn hóa to lớn của cộng đồng người dân tộc Khmer đã được gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ./. (Quốc Minh)

 

 


Các tin cùng chuyên mục


Ý Kiến bạn đọc


Họ và Tên :
Email :
Tiêu đề :
Nội dung :
Mã xác nhận: