
“Thư hùng” – tranh sơn dầu của Tuấn Dương tặng Phanxipăng
… đến di sản văn hoá phi vật chất
Các trận đấu giữa cọp và voi ở Hổ Quyền xưa, ngoài mục đích giải trí cho vua chúa và quan lại cùng dân chúng, có lẽ còn mang ý nghĩa tích cực đối với thời đại bấy giờ là cổ xuý việc tiêu diệt hổ – loài mãnh thú thường gieo rắc tai hoạ xuống bao thôn làng. Tuy nhiên, còn một hệ quả rút ra từ các trận thư hùng ấy song ít người biết: đó là quan sát cách thức công, thủ của “chúa tể rừng xanh”, cha ông ta đã sáng tạo nên hệ thống bài bản, thế miếng chiến đấu chống cầm thú và chống thù trong, giặc ngoài. Một môn phái võ học từng xuất hiện: Hổ Quyền Đạo, gọi nôm na là võ cọp hay võ hùm.
Tôi tình cờ phát hiện điều này qua một người ông. Đó là lão võ sư Trần Ngọc Côn, bà con thường gọi Đội Côn vì trước kia ông từng đảm chức Đội trong lực lượng khố xanh, khố đỏ, khố vàng gì đấy. Nhà ông ở cách di tích Hổ Quyền một quãng ngắn. Trong ngôi nhà ba gian hai chái, ngay gian giữa, phía trước bàn thờ gia tiên, ông kê cặp giá cắm đủ thập bát ban binh khí. Cứ nghĩ ông tinh thông võ ta và võ Tàu – những Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi. Cứ nghĩ ông một thời nuôi chí bình Tây kiểu Đội Cung, Đội Cấn. Lần nọ, tôi ghé thăm ông. Ông Đội Côn ngồi nhắm rượu, khề khà kể tôi nghe hồi thứ 22 trong Thuỷ hử truyện của Thi Nại Am:
Quận Hoành Hải, Sài Tiếp tiếp tân;
Núi Cảnh Dương,Võ Tòng đánh hổ.
Rồi ông dạy:
- Nước mình cũng có lắm cao thủ tay không giết cọp, chả thua kém Võ đô đầu. Vợ chồng danh tướng Trần Quang Khải và Bùi Thị Xuân lừng danh “đả hổ” từ thời Tây Sơn. Đến triều Nguyễn, đại nguyên soái Lê Văn Khôi (5) cũng nổi tiếng đánh cọp. Thời ông mới lớn, con nhà võ đều nhắc tới một nhà sư gốc Bình Định, từng tham gia các phong trào Cần Vương và Đông Du. Không ai rõ danh tính nhà sư đó, chỉ biết rằng nhân vật đó võ nghệ cao cường, đeo tay nải, khoác cà sa, mà quật ngã cọp, nên thiên hạ phong tặng danh hiệu Tăng Bạt Hổ (6). Thực ra, Đả hổ pháp là một phần nhỏ trong muôn vàn bí kíp của Hổ Quyền Đạo.
Ông Đội Côn lấy bút ghi mấy chữ Hán 虎拳道 Hổ Quyền Đạo, đoạn nhắp ngụm rượu, và tiếp:
- Mà cháu biết không, người đấu với cọp tuy khó, nhưng cũng chưa gay go bằng người đấu với… người, nhất là hạng uyên thâm võ nghệ. Với cọp, chỉ cần am tường tập tính của mãnh thú. Nó ngồi 2 chân sau, chống thẳng 2 chân trước, là đang thủ thế. Nó đứng lên, hất đuôi sang trái là sẽ vồ bên phải và ngược lại. Đấu sĩ tuỳ trường hợp mà luồn lách, hụp tránh, tìm cách tung đòn vào yếu huyệt ở phần bụng và phần ngực cọp để hạ gục nó. Với người, cương nhu biến hoá linh hoạt khó lường. Cha ông ta đã bắt chước cọp, tạo nên lối đánh nhanh, mạnh, chớp nhoáng: phóng mình, vồ chụp, siết, đấm, chém, trảo, kết hợp liên hoàn cước, lợi hại vô cùng. Kể ra, trong Linh thú ngũ quyền là Long, Hổ, Hầu, Xà, Hạc, mỗi phái đều có những lợi hại riêng, song Hổ Quyền quá mãnh liệt và độc hiểm nên không thể truyền thừa rộng rãi. Thôi, đợi sau này cháu khôn lớn, ông chỉ bày Hổ Quyền Đạo cho.
Tiếc thay, tôi đã không thụ giáo được với ông lấy nửa miếng! Thuở ấy, nghe thì nghe vậy. Vả, tạng tôi khoái văn chương, nghệ thuật. Rồi tôi đi học xa. Lúc biết tin ông mất, tôi rất buồn nhưng chẳng thể về Huế đưa tang.

Kristin Võ – nữ môn sinh Vovinam Việt Võ Đạo quốc tịch Na Uy – thi triển Long hổ quyền. Ảnh: Danh Hải
Vấn đề tưởng chừng chìm vào quên lãng. Vừa qua, những ngày cận Tết Mậu Dần 1998, trở lại Huế thực hiện phóng sự về di tích Hổ Quyền, tình cờ tôi gặp anh Trọng, họ tên thật Nguyễn Trọng Phước – một võ sư rất tâm huyết với kho tàng võ học nước nhà. Trong câu chuyện “trà dư tửu hậu”, biết tôi là cháu của ông Đội Côn nhưng chưa hề trau luyện Hổ Quyền Đạo, anh Trọng quay quắt than:
- Trời ơi! Anh Phanxipăng bỏ qua cơ hội ngàn vàng, không thừa kế được di sản quá quý báu của tiền nhân thì tiếc quá, tiếc quá! Trong các môn phái của võ dân tộc Việt Nam, Hổ Quyền Đạo thuộc loại bí truyền. Chao ôi! Chẳng biết hiện nay, đồng bào ta có ai còn bảo lưu được các đòn thế Hổ Quyền?
Là người ngoại ngũ tuần, từng nếm trải công phu Thiếu Lâm, võ sư Trọng phân tích:
- Mặc dù sách vở Trung Nguyên luôn cho rằng “võ công thiên hạ xuất Thiếu Lâm”, nhưng nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể tin rằng người Việt từng sáng tạo nên một nền võ học riêng, phù hợp với thể trạng và điều kiện thuỷ thổ của riêng mình. Nhờ vậy, dân tộc ta mới tồn tại và phát triển qua bao phen ngoại xâm ghê gớm chứ. Đồng ý rằng nền quốc võ có tiếp thụ, thái dụng nhiều tinh hoa võ học nước ngoài, nhưng chắc chắn các võ phái Việt Nam có bản sắc độc đáo riêng. Tây Sơn phái ở Bình Định là một minh chứng (7). Võ ta còn lưu truyền Hầu Quyền, Xà Quyền, Hạc Quyền. Tuy nhiên, Hổ Quyền thì…
Anh Trọng phát biểu hợp lý. Theo tôi biết, trong truyền thống võ học Trung Hoa, sau khi Bồ Đề Đạt Ma viên tịch, các cao đồ tra cứu Thập bát la hán quyền của tổ sư, phân thành Thất thập nhị huyền công (72 thức căn bản) rồi triển khai ra 173 thức, đúc kết nên hệ thống Linh thú ngũ quyền. Riêng Hổ Quyền của Thiếu Lâm đã biến hoá nên Hắc hổ quyền, Bạch hổ quyền, Ngũ hổ quyền, v.v. Ấy là quyền thuật. Mỗi bài quyền lại có nhiều ứng dụng qua binh khí. Như Ngũ hổ quyền chuyển soạn thành Ngũ hổ lạc dương với côn thuật, Ngũ hổ truy phong với đao thuật, Ngũ hổ tung hoành với kiếm thuật. Vậy nhưng, tại các quốc gia Đông Nam Á, như Indonesia chẳng hạn, dân tộc Java vẫn sở đắc riêng nền võ học bản địa với Tji Monjet (Hầu Quyền), Tji Oelar (Xà Quyền), Tji Matjan (Hổ Quyền). Chẳng hay Hổ Quyền của Việt Nam “thậm thâm vi diệu” cỡ nào?

Hà Trọng Kha Vy biểu diễn quyền 3 chân hổ. Ảnh: Thu Hiền
Sực nhớ rằng ở gần đấu trường Hổ Quyền có Ngô Chỉnh, một võ sư trẻ tuổi. Nghe đồn anh này từng luyện võ nghệ với nhiều danh thủ, trong đó có ông Đội Côn, nên tôi tìm tới nhà để hỏi. Ngô Chỉnh gật:
- Hồi sinh tiền, ông Đội thu nhận rất ít đệ tử. Nhưng ông chưa dạy Hổ Quyền cho bất cứ ai, kể cả mình. May mắn là thuở mình học phân thế Mai hoa quyền của Thiếu Lâm, thấy ông Đội biểu diễn so sánh sự khác biệt giữa đòn võ Tàu và võ Việt tuy cùng tên gọi. Mà chỉ mấy đòn à. Hổ giáng long thăng nì. Lưỡng hổ tấn sơn nì. Mãnh hổ ly sơn nì. Mình nài nỉ mấy, ông vẫn kiên quyết không bày thêm. Về sau, bỏ công tìm tòi, mình được biết trong võ giới nước ta còn trân tàng một số bài bản đặc sắc như Long hổ quyền, Phục hổ quyền. Làm răng sưu tập đủ đầy, có hệ thống được? Gay quá!
Tuy chỉ thuộc độ tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” song Ngô Chỉnh là tay đấm được dân nhà nòi yêu quý vì tài năng và đức độ cùng công phu rèn luyện. Tiếc rằng cách đây không lâu, vấp một tai nạn bất ngờ, anh bị gãy cột sống và chấn thương sọ não, may mà được cứu chữa kịp thời. Dẫu đang đứng ngồi cực kỳ khó khăn trong giai đoạn điều trị phục hồi chức năng, nhưng khi bàn chuyện võ thuật, anh vẫn tỏ ra say mê lắm. Ngô Chỉnh tiết lộ với tôi một điều quý giá:
- Mình ngờ rằng giai đoạn cuối đới, ông Đội dồn sức ghi chép tỉ mỉ toàn bộ yếu pháp của Hổ Quyền Đạo để truyền cho hậu thế. Dịp Tết con cọp, bạn cố truy tìm thử coi. ♥


Võ Kinh Vạn An biểu diễn Hổ quyền tại di tích Hổ Quyền. Ảnh: Rau Húng
_________________
(5) Lê Văn Khôi có họ tên thật Bế Nguyễn Nghê, là con nuôi của Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt.
(6) Bạn đọc có thể tham khảo bài Tăng Bạt Hổ có họ tên thật là gì? của Phanxipăng đã đăng tạp chí Thế Giới Mới 757 (22-10-2007) rồi truyền 2 kỳ vào weblog này:
https://phanxipang.wordpress.com/2014/04/27/tang-bat-ho-co-ho-ten-that-la-gi-i/
https://phanxipang.wordpress.com/2014/04/28/tang-bat-ho-co-ho-ten-that-la-gi-ii/
(7) Bạn đọc có thể tham khảo phóng sự Đất võ hôm nay của Phanxipăng đã đăng tạp chí Thế Giới Mới 144 (31-7-1995) và in trong sách Cốt cách mùa xuân (NXB Thuận Hoá, 1997) rồi truyền 4 kỳ vào weblog này:
https://phanxipang.wordpress.com/2012/11/03/dat-vo-hom-nay-i/
https://phanxipang.wordpress.com/2012/11/04/dat-vo-hom-nay-ii/
https://phanxipang.wordpress.com/2012/11/06/dat-vo-hom-nay-iii/
https://phanxipang.wordpress.com/2012/11/07/dat-vo-hom-nay-iv/
Đã đăng tạp chí Tài Hoa Trẻ 39 (2-1998)
Rồi in trong sách Huế chừ của Phanxipăng (NXB Thanh Niên, 2000)
Read Full Post »