(SGGP-12G).- Khu di tích Quận Vân (xã Vân Tảo, Thường Tín, Hà Nội) được giới khảo cổ đánh giá là một trong hai lăng mộ bằng đá đồ sộ nhất Việt Nam. Tuy nhiên, hơn 20 năm sau ngày khai lộ và 7 năm xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, di tích này chưa một lần được trùng tu, tôn tạo khiến nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng.
Tan hoang di tích
Dù đã tường tận xã Vân Tảo nhưng chúng tôi vẫn mất không ít thời gian để tìm đường tới khu lăng mộ đá Quận Vân vì với nhiều người dân địa phương, di tích lịch sử này đã đi vào…quá khứ. Ông Nguyễn Văn Quang, thôn Nỏ Bạn, xã Vân Tảo nhớ lại: “Khi khu di tích này mới khai quật, mỗi ngày có hàng trăm khách đến chiêm ngưỡng. Nhưng khoảng chục năm trở lại đây, ngoài một số nhà khoa học, khu lăng mộ luôn hoang vắng”.
|
Khu lăng mộ đá Quận Vân nằm tiêu điều, xác xơ giữa cánh đồng |
Ông Trương Văn Tuân, người giữ gìn, tôn tạo khu di tích này than: “Tôi đã trông nom khu di tích này gần 20 năm. Nhìn những vật thiêng bị nứt nẻ theo thời gian mà xót xa. Cứ kiểu này, chẳng mấy chốc khu di tích này sẽ biến mất”.
Thực ra khu lăng mộ này (xây dựng từ năm 1734) đã “biến mất” vào năm 1914 khi một trận mưa lũ lớn nhấm chìm cả xã Vân Tảo trong biển nước. Khi nước rút, cả cánh đồng Nỏ Bạn bị san phẳng bởi lớp phù sa dày hàng mét. Lúc đó, người dân tưởng rằng khu lăng mộ bị dòng nước cuốn.
Nhưng đến năm 1986, trong một lần hợp tác xã Vân Tảo cho máy ủi lấy bớt đất phù sa để trồng bắp bỗng phát hiện những cổ vật quý giá vẫn nằm y nguyên dưới lòng đất. “Dân làng tôi vỡ òa bởi không ngờ trên cánh đồng này lại có một di tích văn hóa đẹp lạ lùng như vậy. Tượng các con voi đá, ngựa đá, tượng lính canh mang long đao… được gọt đẽo hết sức tinh xảo”, ông Tuân nhớ lại.
Ngay sau khi có thông tin xã Vân Tảo phát lộ di tích, các nhà khảo cổ đã tận nơi để “mục sở thị” và đã khẳng định, di tích lịch sử này cùng với một lăng mộ khác ở tỉnh Thừa Thiên-Huế là hai công trình lăng mộ bằng đá độc đáo ở Việt Nam. Vì thế, năm 1989, UBND tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) ra quyết định công nhận Khu lăng mộ đá Quận Vân là di tích văn hóa cấp tỉnh. Tiếp đến năm 2002, Bộ Văn hóa - Thông tin cũng công nhận và xếp hạng di tích lịch sử văn hóa.
Các cấp làm ngơ
Ông Tuân bảo, do khu di tích nằm dưới vùng trũng, lại thấp hơn hẳn so các thửa ruộng nên hễ mưa xuống, khu di tích săm sắp nước. Mỗi lần ngập như vậy là một lần di tích bị hư hại nặng. “Có lẽ trận lũ lụt hồi tháng 10 năm trước khiến khu di tích bị tàn phá nặng nề nhất. Cả khu di tích rộng hàng héc ta bị chìm sâu trong nước. “Chỉ mình tôi vật lộn cứu giữ những vật thiêng”, ông Tuân kể lại.
Do bị ngập nước thường xuyên cùng với việc bị người dân thiếu ý thức tàn phá nên một số chi tiết chạm trổ như hình lân, phượng, rồng và các văn tự ghi lại trong nhà bia đã bị hư hỏng. Một số bộ phận của các tượng con vật như đuôi voi bị cụt, mặt ngựa bị sứt sẹo, mặt 2 chiến binh cũng bị nứt nẻ.
Ông Nguyễn Văn Lựu, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Tảo, cho hay: Chính quyền địa phương đã báo lên phòng văn hóa huyện về việc xuống cấp của di tích nhưng chưa có phản hồi. “Thực ra 3, 4 năm trước chúng tôi đã bàn đến kế hoạch trùng tu, cải tạo nhưng do ngân sách eo hẹp, phải đầu tư vào các công trình phúc lợi khác như nhà trường, trạm y tế nên chưa có dịp cải tạo”, ông Lựu giãi bày.
Theo các nhà khảo cổ học, để có được những bức tượng voi đá, ngựa đá, nhà bia, lăng mộ khổng lồ ước tính nặng 7-10 tấn cần phải được đẽo từ khối đá to gấp 3 lần nó, nặng vài chục tấn. Đó là chưa kể đến những phiến đá to khổng lồ được đẽo bằng làm móng đỡ bên dưới. Nhà bia cũng hoàn toàn bằng những khối đá lắp ghép tinh vi... Riêng việc di chuyển những khối đá bằng những phương tiện thô sơ lúc bấy giờ từ tỉnh Hòa Bình xuống cũng là một điều kỳ diệu. |
Hà An |