Trong số 30 bảo vật Quốc Gia được phong danh hiệu đợt đầu có một bảo vật đến từ biển. Nói đúng hơn thì đến từ vùng cửa sông đổ ra biển, mà nhiều khi còn được dân tình gọi ngắn gọn là cửa biển. Đó là vùng cửa biển Lạch Trường nổi tiếng nằm giáp ranh hai huyện của Thanh Hóa là Hậu Lộc và Hoằng Hóa. Bảo vật có tên gọi là cây đèn đồng, được tìm thấy vào 1935 của thế kỷ 20 trong một ngôi mộ gạch có niên đại vào những thế kỷ đầu Công Nguyên.
Vừa được phát hiện, cây đèn này đã trở nên nổi tiếng và thường được gọi tắt là cây đèn đồng Lạch Trường. Càng được nổi tiếng hơn, khi người khai quật ra nó là một nhà khảo cổ học Thụy Điển, ông O. Janse. Vì tìm thấy nhiều cổ vật tại nơi này nên ông đặt tên cho một nền văn hóa khảo cổ nơi đây là văn hóa Lạch Trường. Đã qua hơn 70 năm, khái niệm văn hóa Lạch Trường cũng còn phải bàn cãi, có khi đã chìm vào quên lãng, nhưng cây đèn đồng thì lại ngày một nhiều người biết đến và nay đã trở thành bảo vật quý của văn hóa Đông Sơn, được tôn vinh cùng với trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Hoàng Hạ ngay trong đợt đầu.
Trước tiên, cây đèn đồng này có cái lạ. Vừa là đèn vừa là tượng. Cái mà ngày nay người ta gọi là nghệ thuật ứng dụng. Nghệ nhân chế tạo ra đèn khéo kết hợp tượng một người đang quỳ, hai tay đang dâng một đĩa đèn. Cũng cần phải nói rằng, cách đây gần 2000 năm thì người ta không dùng đèn có bóng thủy tinh, bấc đèn và chất đốt là dầu hỏa như cách đây vài chục năm bà con nông dân còn sử dụng. Mà họ đổ dầu thực vật, có khi là dầu ép từ quả lạc, cho nên còn có từ là đèn dầu lạc, đổ vào đĩa đèn rồi đốt. Những đèn đốt theo kiểu như vậy còn tồn tại khá lâu. Chỉ có các đĩa đèn thì thay đổi hình dáng và được trang trí theo thời thượng. Cái thời mà người ta tập trung trang trí loại đèn đốt kiểu như vậy là thời Lê Trung Hưng với những chân đèn gốm hoa lam nổi tiếng.
Cây đèn đồng Lạch Trường còn lạ nữa là hình dáng người đàn ông lại không giống với người Việt xưa nay, mà giống với người Trung Á hay Ấn Độ với đặc điểm: râu quai nón, tóc quăn tít, sống mũi nổi cao. Vì thế mà có khá nhiều kiến giải về chiếc đèn đồng này. Người khai quật được đèn, ông O. Janse thì cho rằng cây đèn này ảnh hưởng văn hóa Hy Lạp và La Mã. Một số học giả cho là sản phẩm của văn hóa Hán trôi dạt xuống vùng cửa biển Lạch Trường. Một số nhà khoa học Việt Nam thì lại cho rằng, chiếc đèn đồng Lạch Trường không có số phận đơn độc. Cùng niên đại với chiếc đèn này còn có 3 chiếc đèn đồng hình người khác nữa. Có thể là sản phẩm đúc đồng của người Việt cổ sau giai đoạn văn hóa Đông Sơn. Người Việt đúc được cả trống đồng, nữa là cây đèn đồng.
Dẫu còn nhiều giả thuyết, nhưng rõ ràng tượng không lấy mẫu từ người Việt. Có thể là người ở vùng xa nào đó, đến Việt Nam. Thân phận của người như vậy cũng khá rõ, chắc là thuộc loại người hầu hạ, không thể nào là quý tộc. Phải chăng đúc một hình tượng người “ngoại tộc” làm người hầu là một nét “tự tôn” một cách thái quá của người xưa? Cũng có thể đoán là vào cách đây gần 2000 năm đã có sự giao lưu văn hóa Đông Tây theo đường biển khá mạnh. Thế giới Ấn Độ cũng giao lưu với nước ta bằng những đồ trang sức thủy tinh, mã não. Sản phẩm Châu Âu và Trung Đông cũng có mặt nhiều ở các vùng miền trung và nam bộ nước ta trong văn hóa Chăm sớm và Óc Eo, thể hiện là đồ trang sức vàng, tiền bạc…Vì thế mà hình tượng người có chủng tộc khác ta mà có mặt ở ta cũng là chuyện bình thường. Có thể con cháu những người đúc trống Đông Sơn đã đúc cây đèn đồng này hay bản thân cây đèn này được mang đến từ một vùng xa xôi nào khác. Cũng khó mà biết được.
Về mặt nghệ thuật, cây đèn mô tả một người đàn ông quỳ, ngực nở, có thắt lưng. Đặc biệt ở hai bên bắp tay và sau gáy lại có những bức tượng người nhỏ khác đang đỡ những đoạn đồng được uốn cong. Nhiều tượng nhỏ được ghép vào các đoạn đồng này, cũng như ở vị trí đầu gối và háng của tượng. Cái phong cách trang trí các tượng nhỏ vào các bộ phận như quai hay đĩa của cây đèn đồng tương tự trở thành cái “mốt” của một thời như thế.
Cũng còn cần nói đến mảnh đất đã tìm được cây đèn đồng bảo vật này, ở vùng cửa biển Lạch Trường hay còn gọi là cửa Y Bích, Linh Trường của con sông có tên xưa là Ngu Giang. Xưa, sông Ngu Giang là sông lớn, đoạn cuối của dòng sông Mã hùng vĩ, đổ ra biển Đông. Nhưng vật đổi sao dời, Chỉ mấy trăm năm nay, dòng sông Mã đổi dòng, cửa sông chính lại lùi xuống phía nam, mà ngày nay gọi là cửa Lạch Trào, mạn bãi biển Sầm Sơn. Lạch Trường chỉ còn ghi lại dấu ấn của mình trong lịch sử là một vùng cửa biển lớn, sầm uất, trung tâm kinh tế chính trị của một vùng Xứ Thanh. Vì thế mới là nơi có nhiều mộ gạch của quý tộc được chôn ở đó, vì thế mà có mặt cây đèn đồng quý này.
Cửa biển Lạch Trường khá đẹp. Cái đẹp ngày nay chỉ còn phảng phất với núi Linh Trường một bên và biển một bên, còn thì cửa sông đã bị hẹp nhiều, mà phù sa bồi cũng lắm. Nhưng cửa biển ngày xưa khác hẳn. Chẳng thế mà Vua Lê Thánh Tông đã cảm hứng du ngoạn vào năm Bính Thân, niên hiệu Hồng Đức thứ bảy (1476) và làm bài thơ Linh Trường Hải Khẩu và bài tự (theo Đại Việt Sử Ký toàn thư), có đoạn: bên bờ biển toàn là dãy núi xanh cao vút, những ngọn núi dựng đứng ở cửa biển, hình dáng lại càng lạ hơn. Cái hang dưới chân núi, ăn sâu mãi vào trong, thăm thẳm khôn lường. Tương truyền đó là miệng một con Rồng. Bên ngoài miệng rồng lại có tảng đá, có hình thể rất lạ, tương truyền đó là mũi rồng. Dưới mũi rồng lại có tảng đá tròn, tương truyền là hạt châu. Đá lớn nhô ra lõm vào tương truyền là bộ râu rồng.
Cửa biển Lạch Trường xưa khá rộng, chứng kiến nhiều cuộc chiến ở vùng cửa biển này. Hồ Quý Ly xưa đã từng sai đóng cọc nơi đây để chống trả quân Chiêm Thành từ ngoài biển ngược sông đi vào (năm 1380).
Với bảo vật Quốc gia là cây đèn đồng hình người quỳ, một vùng cửa biển xưa của Thanh Hóa được chứng minh là một vùng ven biển cửa sông vang bóng một thời, là tuyến đường biển huyết mạch ra bắc vào nam, đồng thời cũng là cửa ngõ của một dòng sông Mã, một trong 3 con sông làm nên văn minh Đông Sơn và hậu Đông Sơn.
Hình minh họa: cây đèn đồng Lạch Trường, bảo vật Quốc gia (nhìn thẳng và nhìn nghiêng):
PGS.TS Trịnh Sinh