17.01.2012 16:16:54
Chùa Xiêm Cán (Bạc Liêu)
Chùa Xiêm Cán thuộc xã Hiệp Thành, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Chùa Xiêm Cán là một ngôi chùa của người Khmer, có kiến trúc giống những ngôi chùa Khmer khác ở Trà Vinh và Sóc Trăng.
Mặc dù chưa phải là ngôi chùa cổ nhất, nhưng có thể nói, chùa Xiêm Cán là một trong những ngôi chùa Khmer được liệt vào hàng lớn nhất, đẹp nhất và lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Nam Bộ. Vì lẽ đó, luôn tạo ấn tượng khó quên trong lòng du khách mỗi khi đến tham quan, chiêm bái
Cách thị xã Bạc Liêu 7km về hướng đông nam, chùa Xiêm Cán là ngôi chùa lớn nhất và đẹp nhất trong vùng. Chùa được xây dựng hồi thế kỉ XIX với kiến trúc độc đáo.
Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt du khách khi đến viếng chùa là cổng chùa. Cổng chùa cách khuôn viên chùa cả 100m, nằm về hướng Đông, với những đường nét, kiến trúc, trang trí hết sức đa dạng. Bên trên được xây hình ba ngọn tháp, mô phỏng theo kiểu kiến trúc Angkor Phía trên có tượng hình rắn nhiều đầu, có nhiều nét chạm trổ, điêu khắc rất công phu.
Du khách sẽ ngỡ ngàng trước một khuôn viên chùa bao la rộng lớn, với nhiều hạng mục, như: chính điện, sa la, mộ tháp,… Khoảng cách giữa các hạng mục này cách nhau cả trăm mét. Một không gian yên tĩnh, bầu trời trong xanh, nắng vàng soi qua kẽ lá, tiếng chim hót văng vẳng từ xa, không khí lại trong lành, không hề nhuốm chút bụi trần… làm cho tâm hồn du khách cảm thấy thư thái lạ thường.
Mỗi hạng mục trong khuôn viên chùa là một công trúc đặc sắc, tiêu biểu cho lối kiến trúc đặc trưng của người Khmer, Nam bộ. Trong đó, nổi lên vẻ đẹp lộng lẫy của gian chính điện, trang nghiêm khoe sắc với trời xanh, nằm ngay trung tâm của khuôn viên, trên nền cao 1,5m, nhiều bậc cấp và có hành lang bao quanh. Bên trong chính điện là hai hàng cột cao to nâng đỡ mái chùa. Mái chùa được cấu trúc thành nhiều tầng lớp chồng lên nhau, tạo ra khoảng không gian cao vút, hòa với đỉnh nhọn như một chóp tháp. Gian chính điện là gian trang trọng nhất và cũng là thiêng liêng nhất, được đặt một tượng Phật rất to ngự trên cao. Gian chính điện này được trang trí nhiều hoa văn, họa tiết, những nét điêu khắc, các phù điêu và nhiều bức bích họa hết sức sinh động, làm cho ngôi chùa vốn dĩ trang nghiêm lại càng trang nghiêm hơn.
Quan sát trên những hàng cột là phù điêu các tiên nữ và những quái vật. Theo triết lý của người Khmer đó là những thử thách đối với Phật tử trên bước đường tu thành chánh quả. Trên mái vòm và cầu thang chùa đều chạm trổ họa tiết có hình rắn vì họ quan niệm rằng tấm lòng từ bi hỷ xả của Đức Phật đã thuần hóa được loài vật nguy hiểm này. Chùa Xiêm Cán mang kiến trúc Angkor của người Campuchia, thể hiện ở những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang. Đối với chùa Khơ-me, chánh điện thường quay về hướng Đông vì họ cho rằng con đường tu hành của Phật đi từ tây sang đông.
Người Khmer tu theo thuyết của Phật Thích Ca nhưng theo hướng của Phật giáo Tiểu Thừa nên trong Chánh điện thờ Phật Thích Ca là chính. Một điều đặc biệt nữa là xung quanh 4 bức tường của chánh điện bày trí rất nhiều hình vẽ giải thích quá trình tu hành khổ luyện của Đức Phật từ lúc sinh ra, đến lúc làm Thái tử cho đến khi vào cõi Niết bàn. Đối diện chánh điện là cột trụ biểu, là hình tượng của con rắn 5 đầu, dùng để thắp nến vào những ngày lễ ngụ ý rằng giáo lý Phật pháp sẽ soi sáng cho nhân loại, giúp mọi người sống hướng thiện như chính loài rắn đã thiện.
Dù cuộc sống còn không ít những lo toan nhưng dân tộc Khmer rất mộ đạo. Không chỉ gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc, họ còn cố gắng xây dựng cho những ngôi chùa ngày càng to lớn và đẹp đẽ hơn.
Không chỉ choáng ngợp bởi vẻ bề thế và lộng lẫy của chùa Xiêm Cán, người Khmer ở đây còn rất mến khách. Họ thật thà, chân chất, hiền lành và luôn cần cù, sáng tạo. Qua bao đời người, họ đã lao động, vun đắp tạo cảm giác thư thái cho những người ghé thăm chùa. Vào những dịp lễ hội lớn như lễ Ok Om bok, lễ Chol Chnam Thmay, lễ Đôn Ta, không khí chùa thật rộn ràng. Ngày nay, người ta cảm nhận một sắc thái văn hóa đang phồn thịnh và rất đặc trưng của người Khơ-me đang từng ngày được gìn giữ, phát huy nhằm làm đẹp hơn, phong phú và đa dạng hơn cho văn hóa Việt Nam.
Nguồn thuyngakhanhhoa
- Chùa Tà Cú (Hàm Thuận, Bình Thuận) (17.01)
- Chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) (17.01)
- Chùa Nghĩa Phương (Tp.Nha Trang) (17.01)
- Chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Tây) (17.01)
- Chùa Tuyên Linh (Mỏ Cày, Bến Tre) (17.01)
- Chùa Bà Đanh (Kim Bảng, Hà Nam) (17.01)
- Chùa Kh'Leang (Sóc Trăng) (17.01)
- Chùa Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) (17.01)
- Chùa Hang (Tuy Phong, Bình Thuận) (17.01)
- Chùa Xà Tón (Tri Tôn, An Giang) (17.01)
Xem bình luận