Thái Nguyên lồng lộng thủ đô gió ngàn
Hang Phượng Hoàng, Suối Mỏ Gà
Từ chân núi lên tới cửa hang Phượng Hoàng phải leo qua một chặng đường dài toàn là đá tai mèo, mất khoảng hơn nửa giờ. Từ dưới nhìn lên, núi có hình hai con chim phượng hoàng nằm ấp nhau. Sở dĩ núi mang tên Phượng Hoàng vì theo huyền thoại ngày xưa trên núi có một đôi chim phượng hoàng sống rất hạnh phúc và chúng đã sinh được hai quả trứng. Ngày ngày, chim bố đi kiếm mồi cho chim mẹ nằm ấp trứng. Một ngày kia mải theo đàn chim mái mới, chim bố đã quên nhiệm vụ và không trở về. Rồi một hôm chợt nhận ra, nó quay trở về nhưng chim vợ đã hoá đá. Quá ân hận, chim bố nằm ở ngọn núi đối diện ngóng sang để mong người vợ trở lại trạng thái bình thường, nhưng đợi mãi nó cũng hoá đá, Từ đó núi mang tên Phượng Hoàng.
Lên tới cửa hang, từ đây du khách có thể phóng tầm mắt bao quát được phong cảnh ở vùng này. Hang gồm có 3 tầng: tầng thượng là hang Dơi, tầng giữa gọi là hang Sáng, tầng cuối gọi là hang Tối. Hang Sáng rộng và thoáng, ánh sáng ở cả 3 cửa hang chính chiếu vào những nhũ đá trong hang lung linh, huyền ảo. Đứng trước những nhũ đá muôn hình vạn trạng, du khách thoả sức tưởng tượng: nào là hình người mẹ cõng con lên nương, nào là từng bầy người nguyên thuỷ đang săn đuổi thú, nào là hình đèn lồng ngàn tấn… Tất cả đều rất hấp dẫn đối với du khách.
Dưới chân núi có hang Suối Mỏ Gà. Cửa hang rộng chừng 10m, có khe nước chảy từ trong hang ra. Phía trước hang có nhiều thác nước nhỏ nhiều bến tắm, nhiều mô đá hình ghế ngồi, đảo đá, nước mát trong, phong cảnh hữu tình. Sau khi du khách vãn cảnh trên núi Phượng Hoàng, suối nước và bến tắm hang Mỏ Gà là nơi dừng chân nghỉ ngơi, rửa chân tay, tắm mát nhất là những ngày hè, thời tiết nóng bức.
Thắng cảnh hồ Núi Cốc
Ði theo tỉnh lộ Ðán – Núi Cốc trải nhựa phẳng phiu, uốn lượn qua những cánh rừng bạt ngàn, tít tắp là tới khu du lịch Núi Cốc. Hồ nằm giữa một khung cảnh thiên nhiên kì thú sơn thuỷ hữu tình.
Nơi đây đã nổi tiếng bởi nét đẹp thiên tạo tự bao năm. Núi Cốc tên gọi một vùng đất, vùng hồ nên thơ, lung linh sắc màu huyền thoại của câu chuyện tình thuỷ chung trong truyền thuyết Nàng Công – Chàng Cốc.
Hồ Núi Cốc là hồ nhân tạo, chắn ngang dòng sông Công, nằm trên địa phận huyện Ðại Từ, ở trên cao lưng chừng núi. Hồ được khởi công xây dựng năm 1993, hoàn thành cơ bản năm 1994. Hồ gồm một đập chính dài 480m và 6 đập phụ. Diện tích mặt hồ khoảng 25km2. Trên mặt hồ rộng mênh mông có tới hơn 89 hòn đảo, có đảo là rừng cây xanh, có đảo là nơi trú ngụ của đàn cò, có đảo là quê hương của loài dê, có đảo có đền Bà chúa Thượng Ngàn, lòng hồ sâu trung bình 35m, dung tích nước hồ khoảng 175 triệu m3. Hồ có khả năng khai thác từ 600 – 800 tấn cá/năm.
Hồ Núi Cốc là danh thắng và là nơi nghỉ mát đẹp. Hiện nay hệ thống nhà nghỉ và bến tắm đã được quy hoạch và xây dựng tương đối tốt, phục vụ khách du lịch đến thăm quan nghỉ ngơi, vui chơi giải trí.
Đền Đuổm
Di tích này gồm đền Thượng, đền Trung và đền Hạ đến nay đã được sửa chữa nhiều lần. Các công trình trong cụm di tích đền Đuổm được xây dựng trên một vùng thiên nhiên đẹp. Đây là nơi thác của phò mã Dương Tự Minh khi về già. Ba chỏm núi ở giữa cánh đồng trông như những cánh nhạn bay. Phía trước đền là cánh đồng rộng, có sông Phú Lương chảy qua và xa xa là những dãy núi trùng điệp.
Đền Đuổm vừa là di tích lịch sử, vừa thắng cảnh của Thái Nguyên
ATK – an toàn khu kháng chiến
Ðiểm di tích lịch sử ATK này đã được Nhà nước xếp hạng quốc gia năm 1981.
Hiện nay, ATK còn nhiều di tích về nơi ở và làm việc của Bác như nền nhà, hầm làm việc, cây râm bụt Bác trồng, phiến đá Bác thường nằm nghỉ trưa… ATK là nơi ghi lại nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Ngày 6/12/1953, tại đồi Tỉn Keo, Bộ Chính trị BCH TW đã họp thông qua kế hoạch tác chiến – tấn công chiến lược Ðông Xuân 1953- 1954 để làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ lẫy lừng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc. Nhiều sắc lệnh quan trọng của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được ký ban hành tại đây, trong đó có luật về nghĩa vụ quân sự, sắc lệnh tổng động viên… về giảm tô và cải cách ruộng đất… Thủ đô ATK cũng là nơi diễn ra các hoạt động ngoại giao của nước ta thời ấy.
“Vui sao một sáng tháng năm
Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ
Suối dài xanh mướt nương ngô
Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn”
(Tố Hữu)
Năm 1990 tại đồi Tỉn Keo, tỉnh Thái Nguyên đã xây bia tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, phòng trưng bày di tích lịch sử, nhà khách… Tại trung tâm xã Phú Ðình cũng đã xây dựng nhà truyền thống, giới thiệu trưng bày nhiều hiện vật quý.
Ðến với ATK, du khách có thể trở về với một vùng chiến khu xưa, để có thể hiểu biết thêm về hoạt động của những người con đất Việt đã hiến dâng cho sự nghiệp bảo vệ đất mẹ yêu quý.
Bảo tàng Văn hoá các Dân tộc Việt Nam
Bảo tàng có tổng diện tích khoảng 39.000m2 với hơn 3.000m2 sử dụng cho khu trưng bày, kho bảo quản hiện vật và các hoạt động khác.
Hiện nay, Bảo tàng lưu giữ hơn 20.000 đơn vị tài liệu hiện vật gốc quý hiếm thuộc di sản văn hoá của 54 dân tộc Việt Nam.
Bảo tàng đã thu hút nhiều du khách trong nước, ngoài nước và kiều bào đến thăm quan, tìm hiểu bản sắc văn hoá các dân tộc Việt Nam.
Hội Lồng Tồng
Lồng Tồng (Hội xuống đồng) đã từng là lễ hội lớn nhất, vui nhất của người Tày, người dân tộc thiểu số đông nhất ở tỉnh Thái Nguyên. Những người cao niên kể lại rằng, trước đây người Tày năm nào cũng tổ chức lễ hội ở những đám ruộng to nhất, đẹp nhất do dân bản chọn. Ngày tổ chức do từng nơi ấn định cho phù hợp.
Các địa phương ở gần nhau thì thoả thuận chọn các ngày khác nhau để có điều kiện giao lưu. Trước ngày hội, các gia đình đều quét dọn nhà cửa, xóm bản sạch sẽ, chuẩn bị lương thực để đón khách. Khách đến quê nhà dù quen dù lạ đều được đồng bào mời về nhà ăn nghỉ qua đêm chờ dự hội. Trong ngày diễn ra lễ hội, phần lễ và phần hội đều diễn ra trang trọng, vui tươi. Phần lễ là hoạt động tín ngưỡng cầu trời cho mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no. Ðể chuẩn bị lễ ở ngoài đồng, mỗi gia đình chuẩn bị một mâm cỗ theo khả năng, có nhiều nhà làm từ vài chục đến một trăm món.
Việc làm cỗ còn mang hàm ý phô bày một cách kín đáo sự khéo léo của người phụ nữ trong việc nội trợ, nấu nướng các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh dày, chè lam, bánh bỏng… Có những gia đình dâng mâm cao đến 5 tầng lễ vật, ngoài các loại bánh kẹo còn có các món ăn được chế biến công phu, trên mỗi mâm đều có một chiếc bánh hình bông hoa nhiều mầu sắc. Mỗi mâm cỗ còn có thêm hai đôi quả còn được làm bằng vải mầu, trong nhồi cát, bông, có tua rua nhiều mầu sắc sặc sỡ. Khi cỗ được bày xong, người đựơc dân làng tín nhiệm tiến cử thực hiện nghi lễ cầu cúng cầu mong đất trời, thần linh phù hộ cho bản làng. Phần cúng lễ cũng chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, còn dành thời gian cho phần hội.
Mở đầu là hội tung còn. Ðây là hoạt đông vui nhất, thu hút nhiều người tham gia nhất. Ðể chuẩn bị cho hội tung còn, ở giữa đám ruộng lớn đựơc chọn làm địa điểm lễ hội, người ta dựng một cây mai cao từ 20-30cm làm cột. Trên đỉnh cột có uốn vòng tròn đường kính 50 – 60 cm dán giấy hai bên, đề chữ Nhật- Nguyệt tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời. Tung còn đòi hỏi cả sức khoẻ và sự khéo léo. Nếu ở lễ hội nào không có ai tung còn trúng vòng tròn thì dân bản không vui, vì theo quan niệm của họ, phải có người tung còn trúng vòng tròn làm rách giấy thì năm đó làm ăn mới thuận lợi, mưa thuận gió hoà. Trong trò chơi này, nam nữ thanh niên còn thi tung còn cho nhau.
Ngoài ra còn có các hoạt động múa sư tử, múa võ, kéo co… Ðặc biệt, đêm về, nam nữ thanh niên thi hát lượn đối đáp suốt canh dài…
Cho đến bây giờ chưa có tài liệu nào nghiên cứu, khẳng định lễ hội Lồng Tồng có từ bao giờ. Nhưng chắc chắn rằng, khởi nguồn của lễ hội phải được sinh ra từ xã hội của người Tày khi đã sống thành làng bản quần cư trong cộng đồng.
Biên tập bởi HiVietnam.net – Hoàng Vy
(Theo Vietnamtourism)
Bài viết liên quan
Bình luận
Do đó, chúng tôi mong muốn sự chia sẻ, đóng góp ý kiến – tin bài – hình ảnh hoặc những đoạn video của Quý vị, nhằm giúp xây dựng một Cổng thông tin với chất lượng tốt, tin bài phong phú và phục vụ tốt nhu cầu của khách du lịch trong nước và nước ngoài. Chân thành cảm ơn sự cộng tác của Quý vị!