Di tích văn hóa - lịch sử quốc gia Thạch
Động Phạm Nguyễn Du ở thôn Tiên Lạc, xã Nghi Xuân, Nghi Lộc, Nghệ An.
Ngoài nhà thờ và mộ, có 3 di tích khác gắn với cuộc đời của Hoàng giáp
Phạm Nguyễn Du là Thạch Động, Tiên Nhân Thạch (đá Người Tiên) thì nay đã
gần như xóa hết, chỉ còn Hải Thủy Hồ (Hồ nước biển) cũng chỉ là một đầm
sen nhỏ.

Theo nhiều ghi chép của các vị túc nho
và cả trong tác phẩm của Phạm Nguyễn Du mô tả, thì Thạch Động, Tiên Nhân
Thạch, Hải Thủy Hồ là những kỳ quan độc nhất mà tạo hóa ban tặng nơi
đây.
Thủa còn hàn vi, Hoàng giáp Phạm Nguyễn
Du đã đến đây làm nơi học, giảng sách, vui thú với thiên nhiên và làm
thơ đặt tên cho “ngôi biệt thự tự nhiên” này, nào là cầm đài (nơi gảy
đàn), điếu cơ (chỗ ngồi câu), trà song (cửa ngồi uống trà), thi bích
(vách đề thơ), tửu sàng (giường uống rượu), kỳ cuộc (nơi ngồi đánh cờ),
thư giá (giá gác sách), tiên tọa (chỗ tiên ngồi)… Ông tự vịnh và cho
rằng trời dành sẵn cho mình cả “cơ ngơi” tuyệt vời đó. Còn Hải Thủy hồ
xưa thông ra biển và cả sông Lam, Phạm Nguyễn Du thường chống bè ngao du
trên hồ và ông cũng có hẳn bài phú “Thừa sà du hồ” (Cưỡi bè chơi hồ).
Tiến sỹ Dương Thúc Hạp trong tập thơ địa chí “An Tĩnh sơn thủy vịnh” đã
dành 3 bài thơ vịnh về 3 di tích này: Lập Thạch sơn, Tiên Nhân sơn và
Hải Thủy hồ, đồng thời được cụ nghè Dương chú dẫn cặn kẽ sau mỗi bài
thơ.
Chúng tôi về thăm di tích, được ông Phạm
Văn Hà, một hậu duệ của Phạm Nguyễn Du đang trông coi di tích cho hay,
cách nay khoảng mấy chục năm (khoảng những năm 70), cụm di tích Lập
Thạch Sơn, gồm cả Thạch Động và đá Người Tiên này còn khá nguyên vẹn,
vẫn còn những “phòng học” bằng đá tự nhiên thành các dãy bàn học, các
phiến đá khác trong hang như trong bài thơ của cụ hết sức sinh động, ly
kỳ.
Nhưng chỉ trong khoảng vài chục năm trở
lại đây bị người dân vào lấy đá về làm nhà, nay di tích Lập Thạch chỉ
còn lại khoảng 1/10 và không còn hình dung được một nét đẹp của khi xưa.
Ông Hà còn kể rằng, bà con trong dòng họ được người già truyền ngôn cho
biết, nguồn gốc họ Phạm này vốn từ ngoài Hải Dương phiêu tán vào đây,
cụ tổ đã chọn Lập Thạch và Hải Thủy hồ làm nơi sinh kế. Một đêm bà mẹ
của cụ Hoàng giáp ra múc nước trên hồ bỗng thấy một ánh sao từ Thạch
Động chiếu vào, sau đó bà sinh được một bé trai khôi ngô và thông minh
từ rất nhỏ, người cha cũng thấy khác thường bèn đặt tên Khiêm Vỹ và tin
rằng lớn lên sẽ làm rạng danh cho gia tộc.
Từ đó đá Người Tiên còn gọi đá Thần Đồng
như gắn với sự tích này. Chính Phạm Nguyễn Du cũng lấy Thạch Động làm
tên hiệu và tự ví mình như tiên. Theo tài liệu chính sử, ông nổi tiếng
thần đồng, học một biết mười, thi lần đầu đã đậu, năm 1777 ông đậu hội
nguyên Hoàng giáp, làm quan dưới triều Lê-Trịnh trải nhiều chức tước cao
như Đốc đồng Nghệ An, hàn lâm viện, đô sát viện, có thời cầm quân dẹp
loạn xứ Thuận Quảng và đi sứ sang Tàu…Khi quân Tây Sơn ra chiếm Bắc Hà,
ông bỏ vào rừng và bị giết. Ông cũng là một kẻ sỹ “sinh bất phùng thời”,
là anh rể của Bằng Quận công Nguyễn Hữu Chỉnh và đều cùng có một kết
cục bi thảm bởi quân Tây Sơn. Vợ đầu của Hoàng giáp Phạm Nguyễn Du là
chị gái Cống Chỉnh nhưng mất sớm và cả hai người đều làm bài phú để ai
điếu, người thì khóc vợ, người khóc chị nhưng cả hai bài phú này đều
được đương thời xếp vào những bài phú điếu hay nhất.
Phòng VHTT tổng hợp
|