Chiều 30-12, mấy bạn họp lại để bàn về chuyến đi. Nghe quân số đăng ký ít
quá, nữ lại có phần nhiều hơn nam nên mấy bạn nữ bàn lùi "hay là
thôi", " các ông đi có vẻ miễn cưỡng, chẳng qua do đã hứa với chị em
rồi nên phải đi thôi"... Trưởng ban liên lạc kiên quyết: "Thôi là
thôi thế nào ! Phải đi chứ ! Ít người cũng đi! ".
Vậy là lên đường. Hẹn nhau phải đi sớm. Mình dọa Tuyến dậy muộn là tao không chờ đâu, thằng này chuyên lề mề, nó lại bảo: "Rồi ông xem, đố các ông đi trước bẩy rưỡi". Thế mà hóa thật. Lùng tùng mãi rồi tới gần 8 giờ xe mới rời Hải Dương. Con Toyota 16 chỗ như lời chú Nhật "bốc như xe đua" rộng thênh, bởi chỉ có 10 người: Hải Hà, Hằng Hà, Thúy Hiền, Phương, Thúy, Hoa, Dũng, Sơn, Bình, Tuyến. Bạn Hoa lần nào cũng nhiệt tình, lần này từ Nam Định về Hải Dương từ hôm trước, mặc dù đang ốm cũng lên đường. Trời mưa lất phất, xe chạy chậm. Chuyện nổ như pháo rang. Qua trạm soát vé cầu Phù Đổng đón thêm bạn Thu Hiền được chồng chở từ Hà Nội sang. Đi chậm, rồi nghỉ chân dọc đường, phải đến hơn 11 rưỡi mới đến TP Lạng Sơn. Tay Sơn Mán vẫn giữ được dáng khùynh khoàng đặc trưng. Ra đón các bạn, mặt nó cứ lạnh te, đi xe máy một tay, một tay đút túi quần, cái đầu thì nghênh nghênh... Nhà Sơn đây rồi. Ngôi nhà 3 tầng nằm trong một khu đô thị mới. Gia chủ mới dọn về ở nên đồ đạc còn ngổn ngang, tủ bếp chưa lắp. Đất không rộng nhưng khéo bố trí nên các phòng cũng khá hợp lý. Giữa nhà có giếng trời thông suốt các tầng, vừa lấy gió và ánh sáng cho các phòng trong và cầu thang, vừa tạo một khoảng sân nhỏ để chị em rửa rau, làm bếp. Thấy các bạn khen, Sơn Mán phổng mũi khoe tự mình thiết kế. Không biết được bao nhiêu phần trăm sự thật bởi mình biết nó hay nói phét. Riêng về nói phét ở lớp này Sơn Mán chỉ thua Tuyến, có lẽ vì thế hai thằng này rất thân nhau. Chán nhất là mấy mẹ cứ luôn mồm:" Mình phục mình quá cơ", cười tít mắt đến khi lên xe mới nhớ chưa đưa túi bánh gai, bánh đậu xanh đặc sản quê nhà cho các cháu (bánh gai do anh Hoàn chồng bạn Hà đang là Chi cục trưởng Chi cục Thuế Ninh Giang ủng hộ, đúng bánh Ninh Giang xịn nhé). May lúc mới tới mình đã chuyển ngay bức tranh anh em mừng nhà mới xuống xe, chứ không khéo cũng quên rồi. Được cái mấy mẹ mua được bức tranh đá rất đẹp để tặng Sơn. Đi đường chỉ sợ xóc rơi rụng đá ra, may quá không việc gì. Bức tranh vừa như in chỗ Sơn Mán bố trí để treo tranh. Khéo chọn nhỉ!
Điểm đến tiếp theo là động Nhị Thanh. Động này nằm trên con đường cùng tên ở phường Tam Thanh ( TP Lạng Sơn). Nhà cũ của Sơn Mán cách đây vài trăm mét, còn nhà bố mẹ vợ hắn thì ngay cạnh cửa động. Trong chuyến tiền trạm cách đây 2 năm mình chỉ đứng ngoài ngó động Nhị Thanh mà chưa vào vì lúc ấy chỉ còn ít phút là hết giờ tham quan. Lần này quyết phải xem cho thật kỹ. Các bạn nữ lại bày biện đồ lễ. Ở đền Mẫu thì quên bánh chưng, ở Nhị Thanh lại quên trầu cau, thế mà cứ luôn mồm "mình phục mình quá". Chùa nằm ở bên phải động chính. Gọi là chùa chứ thực ra là một cái hang, ở dưới nền hang, chỗ rộng nhất đặt ban thờ chính, trèo lên cao có nhiều ngóc ngách, trên đó cũng có nhiều ban thờ nhỏ. Hỏi những người phục vụ ở đây mới biết đây là chùa Tam Giáo, thờ cả Khổng Tử, Lão Tử và Phật Thích Ca. Thế mà vừa nãy vái lia lịa mình cứ nghĩ là chùa này chỉ thờ Phật, về xem lại ảnh mới thấy trên ban thờ có 3 ông. Có lẽ cái động nhỏ này cao, thế đất tốt hơn nên người xưa đặt chùa ở đây.
Ra khỏi chùa, tiếp tục bước xuống các bậc tam cấp và rẽ qua bên phải là bắt đầu bước vào động Nhị Thanh. Đọc hướng dẫn ở đây hóa ra động được phát hiện các đây đã hơn 230 năm, do công của Ngô Thì Sỹ, một vị quan triều Lê được cử lên Lạng Sơn làm quan Đốc trấn. Ông này đã có công phát hiện ra 8 cảnh đẹp Xứ Lạng trong đó có động Nhị Thanh. Muốn vào động phải đi ngang một cái hồ luôn đầy nước do dòng suối từ trong động chảy ra. Ngay cửa hang là bàn thờ Ngô Thì Sỹ. Nghe nói thời chiến tranh biên giới, quân Tàu đã đặt mìn phá cửa hang. Càng đi sâu vào trong càng thấy âm u và lạnh. Động rất dài ngoằn ngoèo với nhiều ngõ ngách, với những nhủ đá tự nhiên rủ xuống thật đẹp. Nhiều chỗ được chiếu ánh sáng màu thật huyền ảo. Dọc theo động là con suối và con đường nhỏ uốn lượn. Đi sâu nữa, bất chợt gặp khoảng rất rộng và cao, nhìn lên thấy thông thiên, có ánh sáng từ ngoài rọi vào. Mình không dám đi sâu hơn, vì nghe Sơn Mán nói động dài tới 500 m, đi ra đầu kia là động Nhất Thanh, đi hết có mà tới đêm, bây giờ đã hơn 4 giờ chiều rồi.
Định đi tiếp sang động Tam Thanh ở gần đó, mấy bạn gàn, bảo thôi, đi nữa thì tối mất. Hình như ở miền núi trời mau tối, mới bốn rưỡi mà đã nhọ mặt người. Chú Nhật giục đi lên ngay Mẫu Sơn vì sợ đường núi đi muộn sương mù nguy hiểm. Ừ thì lên. Động Tam Thanh mình cũng vào năm 2007 rồi nên chả thiết. Lúc trong động Nhị Thanh ra mình thấy một cuộc gọi nhỡ của Cường thầy cúng, ông bạn ở cùng phòng thời sinh viên. Cường người Lạng Sơn hơn mình 3 tuổi nhưng học cùng nên mày tao tuốt. Bây giờ nó đang làm ở Trung tâm Nước sạch nông thôn Lạng Sơn. Chẳng biết nó đi đâu mà gọi điện từ sáng cứ tò tí te suốt. Sơn Mán bảo có khi nó vào bản thi công công trình nên mất sóng. Bây giờ gọi lại cho nó thì nó bảo tiên sư thằng Sơn Mán, mày lên mà nó không điện cho tao sớm, nếu biết sớm hôm qua tao không đi huyện nữa. Trưa nay mới biết tin (qua bà chị là chủ quán mình ăn trưa), nó đang vượt 70 km để về thành phố. Vừa đi 20 km đường rừng, bây giờ ra đường cái mới có sóng di động. Nó bảo dứt khoát ông phải chờ tôi về cùng đi lên Mẫu Sơn. Thế là mình và Sơn ở lại chờ nó và Quân, còn các bạn lên đường đi Mẫu Sơn. Hai thằng chui vào quán cà phê. Trời mưa, rét, đường phố Lạng Sơn vắng ngắt. Năm rưỡi thì Quân từ Hà Nội tới. Ba thằng ngồi chán kéo nhau vào chợ đêm Kỳ Lừa xem có món phở chua hay bánh cuốn trứng không, chẳng có, lại kéo nhau ra phố làm bát cháo, vừa ăn vừa ngóng sợ Cường tới quán cà phê tìm lại không thấy thì gay. Gọi thì điện thoại của nó hết pin. Mãi hơn sáu rưỡi mới thấy Cường mò đến, vai khoác túi, giày bê bết bùn đất. Vợ nó lái xe ô tô đến đón. Định lấy xe của Cường rồi ông Sơn lái tất cả lên núi, nhưng vợ Cường lại cho người khác sáng hôm sau mượn rồi ( cũng có thể do không biết trình độ lái xe của Sơn nên không dám đưa xe để mấy thằng đi). Lúc này mấy Dũng, Hà, rồi Tuyến...từ trên núi gọi về, đứa nào cũng nói đường nguy hiểm lắm, sương mù lái xe không nhìn rõ đường, mấy đứa phải nhảy xuống đi trước để dẫn đường cho xe. Phải đi bộ mấy cây số mới đến nơi. Đứa nào cũng bảo nguy hiểm, phải đi thật cẩn thận, nghe cũng phát hãi. Bọn trên núi cứ hỏi mình đi đến đâu rồi. Nào đã đi đến đâu, vẫn ở Lạng Sơn, thế nhưng để chúng nó khỏi chờ đợi, mình cứ bảo đang đi rồi, sau này mới thấy nói thế làm các bạn càng lo thêm. Có lúc mình nói bừa đang ở giữa núi, sương mù không đi được, Dũng bảo hay để nhờ người trên núi xuống đưa lên. Về nhà thay quần áo xong, Cường còn bắt 3 thằng sang quán Thảo Viên của vợ để nó chào mấy bạn gái học cùng phổ thông, có bạn tận trong Sài Gòn ra, 30 năm nay mới gặp. Lại phải làm mấy chén rồi cả bọn mới lên taxi. Sốt hết cả ruột. Nghe mấy thằng trên núi điện về lúc trước mình cứ sợ không có taxi nào dám lên Mẫu Sơn. Càng lên núi, sương càng dày, xe lại không có đèn sương mù, phải bật đèn xi nhan, bám theo ánh phản quang của tường hộ lan mà đi. Đường dốc ngoằn nghoèo, từ chân núi lên tới đỉnh độc có 15 km, chiếc Getz có 1.1l lại chở 5 người, máy gõ lóc cóc. Cách đỉnh Mẫu Sơn khoảng 5 km thì sương mù dày đặc. Thế là tất cả hạ kính xuống, bên trái Bình, bên phải Cường, Sơn thò cổ ra để canh đường cho tài xế. Có đoạn cua gấp, lái xe không nhìn thấy gì, phải dừng hẳn xe để Sơn nhảy xuống xem đường. Thế nhưng mình thấy cũng chẳng có gì là nguy hiểm như bọn đi trước nói, bởi xe chạy chậm, một bên là vách núi, một bên là tường hộ lan, làm sao mà rơi xuống vực được. Các đoạn cua đều được mở rộng Về sau mới biết bọn trên núi lo sốt vó bởi có một lúc lâu điện cho cả 4 thằng ngồi trên xe đều không được, chúng lại không biết mình 7 giờ mới đi từ Lạng Sơn nên càng lo, sao mãi chưa tới nơi, hay là tai nạn. Nghe kể lại chúng ngồi phân tích: Cả 4 máy đều tò tí te thì không sợ, các máy đổ chuông mà không ai nghe mới sợ (nếu thế thì hãi nhỉ). Lúc gần đến nơi, nghe điện của Hà, mình nói phét 4 thằng đang đi bộ, còn 3 km nữa, chúng mừng lắm, tin sái cổ. Các bạn cơm không ăn, ngồi lo lắng, trong khi mấy thằng thì "cháo no, rượu say", ung dung ngồi xe ô tô tới tận nơi. Đến nhà nghỉ đã tám rưỡi. Lúc này cả bọn mới kéo đi ăn cơm.
Bữa tối trên núi có mấy món thật đặc sắc. Đặc sản xứ Lạng có thịt lợn quay lá mác mật, gà sáu cựa và ếch hương. Thịt lợn quay Sơn Mán mua ở chợ trước lúc lên núi, còn 2 món kia thì chỉ trên Mẫu Sơn mới có. Gà bình thường chỉ có 4 ngón (cựa), nhưng giống gà này có tới sáu cựa. Cường bảo giống gà này do người Dao nuôi thả hoang dã. Phải chăng câu thách cưới: "Gà chín cựa, ngựa chín hồng mao" trong truyền thuyết Sơn Tinh-Thủy Tinh là có cơ sở và xuất phát từ loài gà ở miền biên ải này, do sự biến đổi của trời đất trong hàng mấy thiên niên kỷ nên gà chín cựa đã thoái hoá, biến đổi, bây giờ chỉ còn lại sáu cựa? Gắp một miếng, mình thấy thịt gà rất chắc và đậm, con gà này dễ tới vài cân nhưng thịt không dai. Xơi kha khá thịt gà, lợn quay, giò (giò lộc chùa, kể không có món này để ăn được nhiều món xứ Lạng thì tốt hơn), nhà bếp mang món ếch rán ra. Món này rất ngon. Trông bên ngoài ếch hương Mẫu Sơn không khác lắm so với ếch đồng, riêng cặp đùi thì mập hơn hẳn, thịt trắng và rất thơm ngon, đặc biệt không hề có mùi vị tanh kể cả khi đã nguội. Nghe Cường nói ếch này rất hiếm, có bao nhiêu bọn Tàu sang vét sạch, ngay các nhà hàng ở TP Lạng Sơn cũng chẳng có để bán. Giờ mới thấy tiếc vì đã trót ăn bát cháo to tướng ở dưới Lạng Sơn nên trông đĩa ếch, đĩa gà hấp dẫn quá mà bụng đã cứng ra, không xơi tiếp được. Đúng là chẳng dại nào giống dại nào. Bữa tối ngồi làm hai bàn, nam riêng, nữ riêng, có bạn như Hải Hà lại không quen ăn nhiều trong bữa tối, nên cũng kém phần khí thế. Kể có thằng Hói ở đây thì hay nhỉ, cứ trông nó ăn cũng phát thèm.
Nhấp ngụm rượu Mẫu Sơn vị êm êm nhè nhẹ cất từ men lá, nhấm nháp miếng đùi ếch hương thơm lựng trong cái giá lạnh và hơi sương ướt át lùa qua khe cửa, thật bõ công đi từ Hải Dương lên đây. Cường bảo lớp mày vừa hay vừa lạ. Hay là vì ít thấy lớp phổ thông nào tụ tập được đông bạn bè đi chơi như thế này. Lạ vì mọi người ở dưới xuôi lên đây chỉ nhăm nhăm đi Tân Thanh mua hàng, chúng mày lại kéo nhau lên Mẫu Sơn. Ừ, lớp mình vẫn như vậy, thế mới hay chứ !
Cơm nước xong hơn 10 giờ. Mấy thằng đã tót về phòng đánh bài. Đi Mẫu Sơn để đánh bài kể cũng phí nhỉ. Cường rủ đi dạo. Đêm về khuya, gió càng mạnh, sương càng xuống nhiều. Mình đã mặc 2 áo len, thêm chiếc măng tô khoác ngoài mà vẫn thấy rét. Bước xuống bậc tam cấp, Cường bắt soi đèn pin giới thiệu bờ lan can đá còn sót lại từ thời Pháp. Cứ ừ ào cho xong chứ mình biết rồi, lần trước lên cũng ngủ ở nhà này mà. Đây trước vốn là nhà nghỉ của UBND tỉnh Lạng Sơn, là nhà nghỉ có diện tích lớn nhất, có kiến trúc và vị trí đẹp nhất khu du lịch này. Chủ nhà nghỉ là ông Sính, một ông già người Hoa nhỏ bé vừa nãy gặp ở phòng ăn, người quen của Cường và Sơn Mán. Nghe chúng nó bảo ông này trước là chủ thầu xây dựng, tỉnh nợ nhiều nên gán nợ bằng khu này. Ông Sính phục dựng lại ngôi nhà trên nền móng nhà cũ do Pháp thiết kế, sử dụng đá trang trí các cầu thang, lan can, cột rào. Căn nhà có hiên chạy vòng quanh, xây trên vị trí thoáng đãng, có khuôn viên rộng, lắp đặt cả cột đèn trang trí, có đài phun nước, bể bơi... dáng vẻ đồ sộ. Tuy vậy, nội thất chưa tương xứng với vẻ bên ngoài của tòa nhà. So với hồi 2007 mình lên thì ở đây chưa có gì thay đổi.
Đi dạo trong sương mù trên đỉnh Mẫu Sơn đêm mùng một. Rét và ẩm ướt. Lúc này là 10 giờ 30, nhiệt độ khoảng 6-7 độ C
Nhà nghỉ được xây dựng trên nền móng khu nhà từ thời Pháp
Cái gì cũng ẩm ướt
Cứ tưởng chỉ có bọn mình chập mạch mới chui lên Mẫu Sơn lúc rét mướt thế này, hóa ra không phải. Đi xuống một đoạn, trước sân nhà ngôi nhà nghỉ phía dưới có một đám bạn trẻ đang túm tụm bên một đống lửa đã gần tàn. Đến đứng nhờ một tý trong lúc chờ Phương, hai bạn Hà và Thu Hiền. Hóa ra mấy vị này không biết, cứ đi vòng xuống theo lối ô tô vào, ngôi nhà mình ở có đến 3 cổng cơ mà. Mình đã dặn thằng Sơn Mán mua đống củi đốt rồi ngồi quanh uống rượu thế mà nó không làm, bây giờ lại chúi vào bài bạc. Ngó nghiêng một lúc rồi lại kéo nhau đi lên trạm phát sóng của Đài PTTH Lạng Sơn rồi vòng xuống. Đây là đỉnh núi rồi, không còn đường lên nữa. Sương mù mịt mình cứ tưởng đi tận đẩu đâu, hóa ra là đi vòng quanh cái ngôi nhà mình đang ở. Trời đã tối lại dày sương, thế mà Cường cứ bắt soi đèn chỉ khu rừng nguyên sinh, nhìn thấy thế quái nào được. Bấm mấy kiểu ảnh trong đêm sương, lần đầu tiên mình chụp trong thời tiết thế này, sau này trong cả chuyến đi mình thích nhất bức ảnh này. Về đến phòng đầu tóc ướt đẫm. Nhà nghỉ có 8 phòng, cả bọn làm 3 phòng. Các bạn gái ở riêng một phòng rộng 4 giường. Mấy thằng đánh bài chui vào một phòng. Ngồi tán dóc, ăn bưởi chán mình chuồn sang xem mấy thằng đánh bài, mặc kệ ông Cường thầy cúng và Sơn, Quân ngồi nói chuyện với các bạn nữ. Cường dạo này ngày càng cà kê "con tằm ăn lá dâu", hồi sinh viên ông này cũng rủ rì là con rù rì, nhiều chuyện lắm. Một lát cũng thấy Cường, Sơn kéo sang xem đánh bài. Sáng hôm sau nghe các bạn nữ kể tới một rưỡi sáng mới đi ngủ, có gì mà chúng nó lắm chuyện thế nhỉ, cứ như hàng mấy chục năm mới gặp nhau. Mình ngồi cạnh xem Tuyến chơi phỏm. Thằng này mới lấy vợ mà đỏ quá. Chú Nhật thì cứ cháy liên tục. Xem mãi cũng chán, mình với Sơn Mán kéo sang phòng bên cạnh ngủ cho khỏe. Thế là lần này lên đây chưa được tắm lá thuốc của người Dao, chưa biết "hòn đá kỳ biết nói" là thế nào. Ăn tối muộn, lại rượu đẫy, tắm vào nhỡ cảm thì khốn, thôi đành nhịn vậy. Bên ngoài gió hú ào ào. Thỉnh thoảng cái cánh cửa sổ không móc chặt lại đập vào tường đánh rầm một cái làm giật cả mình. Nền nhà ướt sũng, chăn đệm sờ đâu cũng ẩm. Cái máy ảnh, cái điện thoại vừa để trên bàn một lúc đã mờ hơi nước. Đệm êm nhưng không quen, ngủ chẳng ngon giấc. Đêm Mẫu Sơn đầy mộng mị. Phòng bên kia đèn vẫn sáng, không có đêm...
(HẾT PHẦN 1)