Những bến sông làm giặc phương Bắc khiếp vía (2)

Thứ Năm, 09/08/2012 08:33

Kỳ 2: Tìm về bến Đông Bộ Đầu

(TT&VH) - Giữ vị trí quân sự trọng yếu của kinh thành Thăng Long, bến Đông Bộ Đầu là nơi diễn ra nhiều cuộc giằng co ác liệt giữa quân đội Đại Việt và những đạo quân xâm lược hung hãn phương Bắc. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất, vua tôi nhà Trần đã tổ chức cuộc phản công đường thủy tại bến Đông Bộ Đầu, quét sạch 3 vạn quân Nguyên Mông- bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền quốc gia.

Bến Đông Bộ Đầu mãi trường tồn cùng lịch sử như minh chứng cho sức mạnh của dân tộc Việt. Song giờ đây, bến sông nức tiếng thủa xưa đã bị những lớp lang cuộc sống hiện đại "phủ bụi mờ" khiến Đông Bộ Đầu chỉ còn là một địa danh trong sử sách.



Bia đá ghi dấu chiến công ở bến Đông Bộ Đầu

* Tìm lại chứng tích bến Đông Bộ Đầu

Trong sách Đại Việt sử kí toàn thư, phần ghi về triều Trần, tên Đông Bộ Đầu được nhắc đến 10 lần, trong đó 9 lần đề đích danh Đông Bộ Đầu, một lần đề là bến Triều Đông. Còn lần đầu tiên Đông Bộ Đầu được nhắc tới trong sử sách vào năm 1209 đời Lý Cao Tông. Những tư liệu để lại trên đã cho thấy tầm quan trọng của bến Đông Bộ Đầu trải dài các triều đại Lý, Trần, Lê.

Tới trước năm 1965, nhiều nhà sử học vẫn cho rằng Đông Bộ Đầu là địa danh thuộc Hà Tây (cũ), đó là xã Bộ Đầu thuộc tổng Phúc Thượng, huyện Thượng Phúc (nay là huyện Thường Tín, Hà Nội).

Song năm 1965, trong công trình nghiên cứu có tên: "Xác định địa điểm Đông Bộ Đầu", nhà sử học Vũ Tuấn Sán và cố Giáo sư Trần Quốc Vượng đã khẳng định: "Đông Bộ Đầu ở đầu dốc Hàng Than và dốc Hòe Nhai".

Kết luận này được viện dẫn bằng nhiều lý lẽ cụ thể, xác đáng. Và một trong những dẫn chứng thuyết phục nhất là tấm bia tại chùa Hòe Nhai đề này 21 tháng Chạp năm 24 hiệu Chính Hòa triều Lê (1703- đời Lê Hy Tông và chúa Trịnh Căn) do tiến sỹ Hà Tông Mục soạn nói về chiến công Đông Bộ Đầu oanh liệt.



Trên đỉnh cổng vào Sơn Hải Linh Từ bức tượng Trần Hưng Đạo dũng mãnh chỉ tay hướng ra sông Hồng

Tư liệu xưa đưa chân chúng tôi tới chùa Hòe Nhai (số 19 phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội). Bước chân vào chùa, mùi hoa thoảng quyện khói nhang dặt dìu đưa lòng người vào cõi thiên thai. Vang vang tiếng mõ của các vị chư tăng, tiếng loẹt quẹt chổi che của chú tiểu sau bậc tam cấp …

Những thanh âm nhịp nhàng như rũ bỏ bụi trần ai của những vị khách lạ, để hồn người trầm lắng trong những lớp trầm tích văn hóa, lịch sử của trong ngôi cổ tự có bề dày ngàn năm tuổi.

Bên trong chùa còn lưu giữ nhiều tượng phật, chuông đồng, khánh… có giá trị lịch sử văn hóa. Song đặc biệt hơn cả là kho tư liệu Hán Nôm quý giá với 28 tấm bia đá "trơ gan cùng tuế nguyệt" ghi lại những bước thăng trầm của đất kinh kỳ ngàn năm.

Đồng hành với Thạc sỹ Hán Nôm Minh Đức (Viện Hán Nôm), chúng tôi tìm đến tấm bia năm Chính Hòa thứ 24 (1734). Trong bia có đoạn: "Phường Hòe Nhai ở bến Đông Bộ Đầu của thành Thăng Long nước Đại Việt ta, có ngôi chùa tên là Hồng Phúc. Chùa lấy sông Lô Giang làm đai, Tô Lịch làm vạt, chắn ngang non Tản mà chầu về. Phong cảnh hữu tình, tinh khí ngưng tụ".

Đến nay, những tấm bia cổ vẫn còn với những nét khắc còn khá rõ nét đủ để xác thực cho một địa danh Đông Bộ Đầu trở đi trở lại trong sử cũ nằm quanh khu vực dốc hàng Than nay.

Những câu chuyên về bến Đinh Bộ Đầu còn kể, những chàng trai đất Việt, nhất là dân vạn chài theo thủy quân thời Trần trên bến Đông Bộ Đầu hay xăm trên tay chữ "Sát Thát" (giết giặc). Lần tìm trong tư liệu những tấm văn bia, chúng tôi không tìm được đoàn quân vạn chài cụ thể ấy, song lại tìm được địa danh đền Sơn Hải Linh Từ, ngôi đền được người dân vạn chài dựng lên để thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và mãnh tướng Phạm Ngũ Lão cùng nhiều tướng sỹ nhà Trần ở bến Đông Bộ Đầu.

* Nơi "công bố hịch tướng sỹ"

Ngoắt ngoéo trong con ngõ sâu hun hút với chiều rộng chưa đầy 1 mét ở trong ngõ 53 đường Bạch Đằng, chúng tôi tới đền Sơn Hải Linh Từ. Uy nghiêm trên đỉnh cổng đền bức tượng Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương đang chỉ tay dũng mãnh hướng ra sông Hồng trước mặt.

Nhìn bức tượng Trần Quốc Tuấn uy dũng, lòng người cảm thấy thêm vững dạ và trào dâng niềm tự hào về quá khứ vàng son của lịch sử dân tộc.

Theo tấm bia ghi ở đền, nguồn gốc đền là do dân chài bên sông lập đền thờ vào thế kỷ thứ XVIII (cụ thể năm 1785). Ngôi đền này xây dựng trên mảnh đất ven sông Hồng địa danh lúc ấy giờ là làng Vạn An, thôn Đông Bộ- Đầu Tổng- Tiên Túc, huyện Thọ Xương (nay thuộc Chương Dương- Hoàn Kiếm). Bến Đông Bộ Đầu nằm từ dốc Hàng Than tới dốc Vạn Kiếp ngày nay. Điều hoàn toàn logic với tấm bia tại chùa Hòe Nhai.

Đặc biệt, cũng trong tấm bia trên có đoạn viết "Tháng 8/1284 Hưng Đạo Vương đã tổ chức tập trận tại bến Đông Bộ Đầu, người công bố Hịch tướng sỹ để khích lệ lòng yêu nước của toàn dân và toàn quân". 



Chùa Hòe Nhai ghi dấu địa điểm diễn ra trận Đông Bộ Đầu

Tuy chưa thể xác thực hoàn toàn, song tấm bia trên cũng là tư liệu gợi ta nhớ tới hào khí Đông A ngùn ngụt ngày nào trong bài "Hịch tướng sỹ" bất hủ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn: "Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm”.

Ông Minh Văn, một cao niên cả đời gắn bó với địa danh này kể: "Làng chài xưa giờ đã lên phố, chuyện bến Đông Bộ Đầu xưa dường như không mấy ai nhớ. Song hồi nhỏ, lũ trẻ chúng tôi vẫn thường được nghe các bô lão trong làng kể về nó, đời trước kể đời sau. Khi giặc Nguyên Mông mới chỉ nhăm nhe bờ cõi, trai tráng đã đều xăm chữ "Sát thát" ở cánh tay, nhất tề theo đội thủy chiến của ngài Yết Kiêu. Khi chiến tranh nổ ra, tất cả đều một lòng bảo vệ rồi đánh chiếm lại bến Đông Bộ Đầu này để giải phóng Thăng Long. Cũng nhiều người trai vạn chài đầu rơi, máu chảy nơi đây."

Nghe giọng kể rắn rỏi của ông lão làng chài xưa, chúng tôi như hình dung tới trận chiến ác liệt năm nào. Tháng 1 năm 1258, quân Nguyên Mông xâm lược Đại Việt. Muốn trấn giữ vị trí trọng yếu của Thăng Long, tướng giặc Ngột Lương Hợp Thai chiếm bến Đông Bộ Đầu. Thấy thế địch đang hăng, vua tôi nhà Trần xuôi về bãi sông Thiên Mạc (Hưng Yên) thực hiện rút lui chiến lược. Nắm bắt được đặc tính, đi đến đâu cướp lương tới đấy của quân Nguyên Mông, nhà Trần chỉ đạo nhân dân thực hiện "vườn không nhà trống" khiến kẻ thù phương Bắc thất điên bát đảo trong kinh thành trống rỗng.

Chờ quân địch rã rời, rạng sáng 29/1/1258, quân dân Đại Việt chia làm hai cánh thủy bộ tổng phản công. Tướng tiên phong Trần Khánh Dư dẫn kỵ binh chủ động tấn công kỵ binh địch. Vua Trần Thái Tông trực tiếp chỉ huy cánh quân thủy tiến đánh trực diện đại bản doanh của địch ở Đông Bộ Đầu. Cuộc tiến công táo bạo bằng đường thủy này của Trần Thái Tông khiến kẻ thù phương Bắc hoàn toàn bất ngờ. Cùng với sự thiện chiến và am hiểu từng luồng lạch của đội thủy binh vạn chài đã khiến quân đội của Ngột Hợp Thai nhanh chóng vỡ trận lũ lượt lê về Đại Lý (Vân Nam, Trung Quốc)

Tiếp đó, trong cuộc xâm lược lần 2 (1285), được chuẩn bị cẩn thận và hùng hậu hơn, quân Nguyên vẫn lại thất bại ở Đông Bộ Đầu. Nhiều trận thua liên tiếp khác đã khiến vó ngựa Nguyên Mông lại phải cúp đuôi về Trung Quốc. Nhục nhã hơn, hoàng tử nhà Nguyên, con thứ tư của Hốt Tất Liệt và cũng là tướng phương Bắc là Thoát Hoan phải chui vào ống đồng, “nín thở cầu thoát thân” sau những thất bại ê chề. Vó ngựa Nguyên Mông ngạo mạn khua khắp thế giới đã phải quỵ ngã trước sức mạnh của hào khí Đông A - Đại Việt tại bến Đông Bộ Đầu...

Bãi bể hóa nương dâu, cuộc sống vẫn diễn ra với bao bộn bề hối hả. Bến Đông Bộ Đầu mênh mang ngày nào giờ đã thành ngõ phố hai xe máy đi đối diện không thể tránh nhau. Nhiều lớp sống đã phủ lên trên bãi chiến địa buổi trùng hưng. Phố xá tấp nập đã bao trùm lên địa danh oanh liệt xưa, để  bến sông xưa nay thành phố thị đông đúc.

Nhưng Sông Hồng thì vẫn thế, bao đêm như đêm nay, sóng sông Hồng vẫn thao thiết ngàn năm chở nặng phù sa của bao nỗi đời, bồi đắp cho dân tộc những vết dấu oai hùng của dặm dài lịch sử.

Kỳ 3: Dấu vết bến Chương Dương

Phạm Mỹ - Mạnh Cường