Quách Đàm
Quách Đàm (phồn thể: 郭琰 bính âm Hán ngữ: Guō Yǎn; 1863-1927) là một thương gia giàu có, và là người có công xây dựng nên chợ Bình Tây; nay thuộc quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Mục lục
Cuộc đời[sửa | sửa mã nguồn]
Quách Đàm là ở làng Triều An, Long Khanh, Triều Châu, Trung Quốc. Ông sang Việt Nam, rồi khởi nghiệp từ nghề mua bán ve chai, sau đó kèm thêm việc mua bán da trâu, vi cá và bong bóng cá. Khi đã có một số vốn, Quách Đàm bước vào nghề mua bán lúa gạo và trở nên giàu có. Ông luôn luôn làm việc bằng sức lao động chân chính, và ông đã tạo nên Thông Hiệp, một cơ sở kinh doanh danh tiếng ở khu vực Chợ Lớn ngày ấy.
Mở hiệu buôn Thông Hiệp[sửa | sửa mã nguồn]
Tương truyền khi sắp mở tiệm, Quách Đàm vẫn chưa biết đặt tên là gì, vì vậy đã đến xin chữ ở một thầy Tàu cho chữ hiệu. Sau khi hỏi nghề nghiệp của Đàm, ông thầy viết cho hai chữ "Thông Hiệp", kèm theo hai câu liễn:
- Thông thương sơn hải[1]
- Hiệp quán càn khôn
Đàm mừng lắm, lập tức khắc bảng sơn son thếp vàng. Do đó Quách Đàm còn được gọi là ông Thông Hiệp.
Trụ sở của hiệu buôn "Thông Hiệp" đặt tại Quai de Gaudot (nay là đường Hải Thượng Lãn Ông), thời ấy hãy còn là một con kinh chưa lấp.
Xây chợ Bình Tây[sửa | sửa mã nguồn]
Sau khi thành lập cửa hiệu, việc làm ăn của Đàm ngày một phấn chấn, thịnh vượng. Quách Đàm xuất tiền xây chợ Bình Tây, còn gọi là chợ Quách Đàm hay "Chợ Lớn Mới", sau khi Chợ Cũ (ở vị trí nay là Bưu điện quận 5) bị thiêu tàn trong một vụ cháy. Chợ Bình Tây được khởi công từ năm 1928 và hoàn thành năm 1930.
Nguyên thủy, đây là một vùng đất ruộng, được Quách Đàm mua lại, chuyển đất ruộng thành đất thổ trạch, rồi tự mình xuất tiền để xây dựng một khu chợ đồ sộ, được người dân quen gọi là chợ Quách Đàm.
Chợ được xây cất bằng xi măng cốt thép theo kỹ thuật phương Tây, nhưng lại mang đậm nét kiến trúc Trung Quốc. Tháp giữa vươn cao có 4 mặt đồng hồ, có "lưỡng long chầu châu", 4 góc có 4 chòi nhỏ, toàn bộ mái chợ lợp bằng ngói âm dương theo kiểu chồng lớp để tạo sự thông thoáng. Riêng mái ở các góc có nét uốn lượn theo kiểu chùa chiền phương Đông. Chính giữa chợ có khoảng sân trời rộng rãi, thoáng mát.
Bên cạnh khu chợ, ông Quách Đàm cũng cho xây dựng khu phố nhà lầu theo kiểu phố buôn bán và vận động các quan chức cao cấp của Nam Kỳ, kể cả Thống đốc Cognacq để dời Chợ Lớn về đây. Bên trong chợ, ông cũng cho đặt tượng đồng của mình nơi cửa chính. Tượng Đàm mặc triều phục Mãn Thanh, nón nhỏ, áo ngắn phủ trên một chiếc áo thụng, đầu để bím, tay cầm một bản đồ (ảnh đầu tiên)[2], dưới bệ đá trắng có mấy con giao long bằng đồng phun vòi nước bạc.
Tuy nhiên, thời kỳ đầu khi chợ mới được xây dựng, dù đồ sộ, nhưng xung quanh dân cư còn thưa thớt, hơn nữa, các thương gia người Hoa buôn bán tại Chợ Lớn Cũ vốn đã yên nơi yên chỗ cũng không muốn dời phố mới xa xôi thêm hao tốn, vì vậy Chợ Quách Đàm chưa sầm uất như bây giờ.
Cả khu phố lầu chỗ Đàm buôn bán, Đàm nài mua nhiều lần do tin vào thuật phong thủy, nhưng chủ không bán, đành phải mướn mỗi tháng đến ba trăm đồng bạc, một số tiền rất lớn thời bấy giờ.
Cuối đời[sửa | sửa mã nguồn]
Chỉ khi đến cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới thập niên 1920, hiệu buôn mới gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, Quách Đàm vẫn là một trong những người giàu nhất Đông Dương thời bấy giờ.
Quách Đàm chết, đám ma lớn không đám nào bằng. Bàn đưa không thể đếm. Đủ thứ nhạc Tây, Tàu, Ta, Miên... Khách đi đường có việc, miễn nối gót theo đám ma vài bước là có người lễ phép đến dâng một ly nước dừa hay la ve và riêng tặng một quạt giấy có kèm một tấm giấy "ngẫu" (năm đồng bạc) đền ơn có lòng đưa đón.
Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]
- ^ Sơn Hải còn nhằm ý chỉ nghề nghiệp của Đàm là bán da trâu (sơn) và bong bóng cá (hải)
- ^ Sau năm 1975, pho tượng Quách Đàm bị tháo gỡ đưa vào trưng bày trong Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều năm sau đó, người dân mới làm lại một pho tượng bán thân của ông, đặt vào chỗ cũ để thờ (ảnh thứ 3).