Gia Miêu ngoại trang

Gia Miêu ngoại trang

Thứ Sáu, 28/05/2010 09:06 (GMT+7)

Doanh nhân Sài Gòn

Gia Miêu ngoại trang, nơi phát tích của vương triều Nguyễn ở thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Có lẽ người miền Nam, ngày cả hậu duệ dòng họ Nguyễn Phúc, cũng không nhiều người đã đến thăm Gia Miêu ngoại trang, quê hương của chúa Nguyễn Hoàng, thắp nén nhang lên mộ tổ Nguyễn Kim, bày tỏ niềm tri ân đối với những người mở cõi để mình được là con dân của một nước Việt Nam hình chữ S như bây giờ... Cho nên chuyến đi thăm Gia Miêu ngoại trang của các nhà văn ở Huế có ý nghĩa như tìm về cội nguồn.

Vua Gia Long, từ hơn 200 năm trước đã phong cho Gia Miêu là đất quý hương. Theo quốc lộ 1A từ Bắc vào, đi qua Bỉm Sơn có rất nhiều ngã ba. Xe chúng tôi phải dừng lại hỏi mấy lần, nhưng người dân đều chỉ về phía Nam, bảo còn vài cây số nữa mới đến Gia Miêu. Khi xe đi qua một ngã ba, tôi thóang thấy một tấm bảng xanh chữ đen bị lấp trong bụi cây có hai chữ Gia Miêu. Thế là xe phải quay lại. Anh kéo xe ba gác bên đường bảo phải đi bốn cây số nữa.

Đình Gia Miêu
Cái ngành du lịch Thanh Hóa đến lạ. Gia Miêu ngoại trang là khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, thế mà chẳng có cái biển chỉ dẫn cho rõ ràng để bà con trong đi ra ngoài đi vào thấy mà đến thăm. Ngay cả Thành nhà Hồ từ phía Gia Miêu Hà Trung lên Vĩnh Lộc để vào cửa Đông, cũng không hề có một bảng chỉ dẫn nào.

Đường lên Gia Miêu, đi mấy phút chúng tôi lại dừng xe hỏi. Đến Gia Miêu rồi cũng không thấy bảng chỉ dẫn. Chợt thấy cái bảng gỗ nhỏ xíu đề chữ đỏ “Nhà thờ họ Nguyễn Hữu”. Sao lại là Nguyễn Hữu? Chúng tôi dừng lại hỏi, thì gặp ông Nguyễn Hữu Toại, là một trong những hậu duệ dòng Nguyễn Hữu.

Ông Toại giải thích Nguyễn Hữu là một nhánh trong dòng họ 20 đời của Định Quốc Công Nguyễn Bặc (924 - 979) người Hoằng Hóa - Thanh Hóa, có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân để lập ra triều Đinh, đóng đô ở Hoa Lư. Nói rồi ông Nguyễn Hữu Toại cầm bản đồ gia hệ, sách lịch sử họ Nguyễn lên xe dẫn chúng tôi đến thôn Gia Miêu 2, nơi có nhà thờ của dòng họ Nguyễn Hữu có đề chữ quốc ngữ: Bình Ngô Khai quốc Công thần.

Cả một chi họ lớn thế mà cái nhà thờ tổ bé bằng ngôi nhà rường nhỏ ở Huế. Ngôi nhà nhỏ nhưng ở trong có bàn thờ ba cấp uy nghiêm lắm. Tượng, bài vị đều sơn son thếp vàng.

Theo ông Toại thì ở đây là nơi thờ tự ông tổ là Nguyễn Công Duẩn, hậu duệ đời thứ 10 của Nguyễn Bặc. Theo sử sách, Nguyễn Công Duẩn lập nhiều chiến tích trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, được Lê Lợi giao trách nhiệm lo hậu cần cho cuộc kháng chiến chống quân Minh. Các trận đánh ác liệt như Ninh Kiều, Tốt Động, Xương Giang..., ông Duẩn đều lo chu tất lương thảo.

Ông được phong tước Thái Bảo Hoành công. Hậu duệ của Nguyễn Công Duẩn cuối đời Hậu Lê là Nguyễn Kim.

Nguyễn Kim là một tướng giỏi, có nhiều công lao, được phong tước An Thành Hầu. Ông có hai con trai đều là tướng giỏi được phong chức Quận công. Trong đó có Nguyễn Hoàng trở thành người mở đầu cho sự nghiệp của các chúa Nguyễn ở phía Nam.

Nguyễn Hoàng được vua Lê phong tước Thái úy Đoan Quốc Công. Năm 1558, người ta bảo do Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm gợi ý "Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân" mà ông xin vào trấn thủ Thuận Hóa!

Sau khi thắp nhang bái lạy tổ Nguyễn Công Duẩn ở nhà thờ họ Nguyễn Hữu, ông Toại dẫn chúng tôi đi thăm lăng mộ Nguyễn Kim vừa được xây dựng lại năm 2007. Từ đường Hà Trung - Vĩnh Lộc, rẽ trái khoảng cây số là đến vùng núi Triệu Tường, núi Thiên Tôn để thăm lăng Trường Nguyên, còn gọi là lăng Triệu Tường, là nơi hợp táng ông bà Nguyễn Kim và hoàng hậu triều Nguyễn - thân sinh và thân mẫu của chúa Tiên Nguyễn Hoàng.

Theo ông Toại, còn có miếu Triệu Tường cách lăng hơn cây số. Miếu Triệu Tường thờ gốc tổ triều Nguyễn, gồm nhiều kiến trúc bố trí trong một khu vực chu vi 182 trượng, bao quanh có hồ nước và cầu gạch, lại có hai lớp lũy bao bọc.

Không gian bên trong thành Triệu Tường chia làm ba khu vực: Khu vực chính ở giữa xây nguyên miếu thờ Nguyễn Kim và Nguyễn Hoàng. Khu vực phía đông dựng miếu thờ Trừng Quốc Công (Nguyễn Văn Lưu - thân phụ của Nguyễn Kim), khu vực phía tây dành làm nơi trú ngụ của các quan và gia đình hộ lăng và trại lính canh lăng. Tất cả đều do các vua Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng xây dựng.

Từ ngày nhà Nguyễn sụp đổ (9/1945), chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn một thời bị các nhà sử học cực đoan cho là “phản động”, nên lăng Trường Nguyên, miếu Triệu Tường, cũng như các di tích Nguyễn ở Gia Miêu ngoại trang không được chăm sóc, trở nên hoang tàn.

Năm 2006 - 2007, lăng Triệu Tường được khôi phục lại nơi thờ vọng, bia và nhà bia ở chân núi Triệu Tường. Kinh phí xây lăng thờ Nguyẽn Kim ở Gia Miêu 3 do bà con tộc Nguyễn Phúc, Nguyễn Hữu quyên góp. Đường vào lăng Nguyễn Kim đúc bê tông rộng rãi. Làng Gia Miêu xưa bây giờ chia thành ba làng: Gia Miêu 1, Gia Miêu 2, Gia Miêu 3. Lăng Nguyễn Kim thuộc địa phận Gia Miêu 3.

Theo ông Nguyễn Hữu Toại, sau khi di tích Gia Miêu được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, miếu Triệu Tường, đình Gia Miêu, những di tích quan trọng của đất thiêng Gia Miêu ngoại trang, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã có kế hoạch đầu tư 300 tỷ đồng để phục dựng và bảo tồn. Nghe mà phấn chấn trong lòng!

Rời Gia Miêu ngoại trang, ngồi trên xe đi thăm Thành nhà Hồ, tôi cứ miên man nghĩ về miền địa linh nhân kiệt Thanh Hóa. Quả thực không nơi nào sinh ra lắm người tài làm vua, làm chúa như mảnh đất “khu Bốn đẩy ra, khu Ba đẩy vào” này.

Thanh Hóa là quê hương của vua chúa thời Tiền Lê, Sơ Lê, Lê Trung Hưng, Lê Hoàn, Lê Thái Tổ, Hồ Quý Ly... Xứ Vĩnh Lộc, Thanh Hóa là quê hương của Trịnh Kiểm, người mở đầu cho 12 đời chúa Trịnh 249 năm ròng. Rồi Gia Miêu ngoại trang ở Hà Long, Hà Trung là quê hương của chín chúa: bắt đầu chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1558 - 1613), kết thúc là Nguyễn Phúc Thuần tức Định Vương, còn gọi là chúa Định (1754 - 1777), và 13 vua của vương triều Nguyễn, từ Gia Long (bắt đầu từ 1802) đến Bảo Đại (kết thúc 1945).

Từ chúa đến vua kéo dài 387 năm. Một chặng đường lịch sử dằng dặc đã tạo nên nước Việt Nam hình thù như hôm nay và hai Di sản Thế giới là quần thể di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế.

Khu di tích Lam Kinh
Các chúa Nguyễn ngoài việc đã vẽ nên bản đồ đất nước, còn có nhiều hoạt động mới mẻ về kinh tế, đối ngoại. Xứ Đàng Trong đất cằn, kinh tế kém phát triển, nên chín đời chúa Nguyễn đã tìm ra một kế sách kinh tế hữu hiệu, chưa từng có ở Việt Nam, đó là mở cửa cho thương gia nước ngoài vào làm ăn và đẩy mạnh giao thương quốc tế. Nhờ đó mà giàu có, tăng cường tiềm lực quân sự, suốt hàng thế kỷ chống lại họ Trịnh Đằng Ngoài.

Các chúa Nguyễn đã biến vùng Thuận - Quảng còn hoang sơ vào giữ thế kỷ XVI, trở thành một vùng kinh tế phát triển làm bàn đạp cho công cuộc mở mang bờ cõi về phía Nam.

Một loạt đô thị, thương cảng ra đời thu hút nhiều thuyền buôn và thương gia nước ngoài, như cảng thị Thanh Hà (Huế), Hội An (Quảng Nam), Nước Mặn (Bình Định), Vũng Lấm (Phú Yên), Gia Định (Sài Gòn), Cù Lao Phố (Đồng Nai), Mỹ Tho, Hà Tiên...; buôn bán với cả Nhật Bản, Indonesia và Philippines...

Các chúa và vua Nguyễn có nhiều khiếm khuyết trong lịch sử, nhưng họ chính là triều đại đã mở thêm một nửa nước, tạo nên dáng hình Tổ quốc hôm nay. Công lao ấy là vô cùng lớn. Ngay ông vua nhiều tai tiếng nhất của triều Nguyễn là Nguyễn Phúc Ánh, tức vua Gia Long, năm 1802, lên ngôi Hoàng đế, cũng đặt niên hiệu là Gia Long (Gia là Gia định, Long là Thăng Long), thể hiện ý thức thống nhất toàn vẹn đất nước.

Lịch sử vương triều Nguyễn đã tạo nên nhiều biến cố ở Đại Việt suốt 387 năm. Tất cả đều phát tích từ một vùng thôn quê hẻo lánh: Gia Miêu ngoại trang. Đó là sự lạ lùng của lịch sử!
 

NGÔ MINH
Ý kiến phản hồi