Phố Hiến là đô thị cổ, hình thành và phát triển từ thế kỷ 16, cực thịnh vào thế kỷ 17. Là một thương cảng lớn, đầu mối giao lưu quốc tế rất sầm uất và phồn thịnh, chỉ đứng sau kinh đô Thăng Long. Chính vì vậy mà đã có câu ca 'Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến'. 'Phố Hiến là nơi dừng lại của tất cả thuyền bè nước ngoài từ bốn phương đến buôn bán ở đàng ngoài...'. Ở đàng trong, thương cảng là phố cổ Hội An (Quảng Nam).
Ngay từ khi hình thành, phố Hiến đã mang diện mạo của một đô thị kinh tế, kết cấu một bến cảng sông, một tập hợp chợ, phường, phố... các thương điếm của người nước ngoài. Nó được hình thành như một đô thị nhiều quốc tịch; một cộng đồng dân cư tứ xứ, trong đó nhiều nhất là người Việt và người Hoa, ngoài ra còn có người Nhật, Xiêm La, Bồ Ðào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp...
'Ðông Ðô Hội Quảng', hiện tọa lạc ở phường Hồng Châu, là một minh chứng nơi hội họp của các thương nhân nước ngoài, chủ yếu là người Hoa. 'Ðông Ðô Hội Quảng' được khởi dựng từ năm 1590, toàn bộ nguyên vật liệu và đồ tế khí được vận chuyển từ ba tỉnh: Quảng Ðông, Quảng Tây, Phúc Kiến của Trung Quốc sang bằng đường biển và được 14 dòng họ người Hoa, cùng người dân Việt phố Hiến xây dựng nên. Hiện nay, phố Hiến vẫn còn bảo tồn và lưu giữ hơn 100 di tích lịch sử văn hóa có giá trị, trong đó có 18 di tích được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Tiêu biểu là những đền, chùa... được hình thành với sự ra đời của thương cảng phố Hiến.
Chùa Hiến (Thiên Ứng tự) tọa lạc trên đường phố Hiến, phường Hồng Châu. Tương truyền do Tô Hiến Thành - quan đại thần nhà Lý hưng công xây dựng từ đời nhà Trần, đến năm 1709 được trùng tu lại. Ðặc biệt, chùa Hiến còn có hai tấm bia đã lưu giữ nhiều tư liệu lịch sử nói lên quá trình tụ cư của thương cảng phố Hiến. Sân chùa có cây nhãn 'tiến' (nhãn tiến vua) tuổi thọ hơn 300 năm.
Ngoài chùa Hiến, còn có chùa Chuông (Kim Chung tự), tọa lạc tại thôn Nhân Dục, phường Hiến Nam. Chùa được xây dựng từ đời nhà Lê năm 1702, đến năm 1707 được trùng tu và có quy mô hoàn chỉnh cho đến ngày nay. Tương truyền, vào một năm đại hồng thủy, có một quả chuông vàng để trên một bè trôi dạt vào bãi sông thôn Nhân Dục. Các nơi đua nhau ra kéo chuông về địa phương mình nhưng không được. Chỉ khi các bô lão thôn Nhân Dục ra kéo mới được chuông. Dân làng đã đóng góp công sức dựng nên chùa, xây gác chuông... Mỗi lần chuông đánh lên, tiếng chuông vang xa cả vạn dặm...
Ðền Mẫu được xây dựng vào thời Trần Nhân Tông (1279), nằm ven hồ Bán Nguyệt, phong cảnh hữu tình. Ðền thờ bà Dương Quý Phi, thời nhà Tống Trung Quốc. Theo 'Ðại Nam nhất thống chí', bà Quý Phi họ Dương là người đã tuần tiết để giữ lòng chung thủy với vua và trung thành với nước. Người đời ở đây tán xưng là Dương thiên mẫu. Ðền Mẫu rất linh thiêng và đã được trùng tu nhiều lần với kiểu kiến trúc chồng diêm hai tầng, tám mái, cửa xây vòm cuốn, có một cửa chính và hai cửa phụ, quy mô như ngày nay.
Ðền Thiên Hậu nằm trên đường Trưng Trắc, phường Quang Trung, do 40 dòng họ người Hoa ở Quảng Ðông, Quảng Tây, Phúc Kiến quyên góp tiền bạc xây vào năm 1640. Ðền thờ bà Lâm Tức mạc - một vị thần biển có công giúp dân giúp nước. Ðền Thiên Hậu là một công trình mang đậm nét kiến trúc Trung Hoa, ở các hạng mục như tam quan, nhà tế, mái đền, đao góc và kết cấu các vì kèo...
Hồ Bán Nguyệt là một nét đặc trưng cho đô thị phố Hiến. Hồ cong hình trăng khuyết, đây là khúc bỏ lại của sông Hồng khi đổi dòng. Phong cảnh hồ thật hữu tình, mặt nước luôn trong xanh, phẳng lặng. Bên hồ cây xanh râm mát. Một bên là phố Nguyệt Hồ, một bên là đê sông Hồng.
Hằng năm, lễ hội phố Hiến vào tháng ba âm lịch, cả quần thể di tích phố Hiến lại giăng đèn, kết hoa, tạo nên một không khí lễ hội dân gian truyền thống phong phú và đậm nét cổ truyền phố Hiến. Trên mặt hồ Bán Nguyệt, người ta lại tổ chức hát giao duyên trên thuyền rồng, đua thuyền... Trên bờ hồ, tổ chức thi kéo co, đấu vật, biểu diễn hát ả đào, hát chèo, hát trống quân... mang đậm nét bản sắc phố Hiến xưa.
Hồng Long
Theo NhanDan
Không có nhận xét nào:
Đăng một Nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, không vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký.
Khi đăng nhận xét, bạn có thể chọn Ẩn danh (Anonymous), chọn Tên (Name) hay URL (blog) hoặc bằng các tài khoản Blogspot, WordPress của bạn.
Cảm ơn bạn đã comment. @Điền Gia Dũng