Cái tên đầm Thị Tường đã có lâu lắm rồi. Nhiều câu chuyện, truyền thuyết đã thêu dệt nên một Thị Tường đầy chất huyền thoại. Đơn cử như truyện: “Bà Thị Tường đã kiên cường dũng cảm ngày đêm đứng ra xua đuổi bầy chim do Chúa Hổ sai lấy đá lấp biển, vì giận vua Thủy Tề từ chối sính lễ cầu hôn lấy công chúa của Chúa Hổ. Những khoảng trống do bà Tường canh giữ vẫn còn nguyên vẹn, không bị đá che lấp, để cá tôm sinh sản nuôi sống con người…".
Vậy Thị Tường là ai? Bà từ đâu đến? Có thật hay hư cấu nên?
Từ những thông tin ban đầu...
Thông tin đầu tiên nhận được từ ông Nguyễn Văn Triệu (pháp danh Huệ Ân), Chánh thư ký di tích Kiến trúc nghệ thuật chùa Phật Tổ (Quan Âm Cổ Tự), phường 4, TP Cà Mau, thì Tô Quang Xuân là người đầu tiên lập chùa. Ba của Tô Quang Xuân là người có gốc ở Bình Định, theo Tây Sơn và có nghề làm thầy thuốc. Khi triều Tây Sơn sụp đổ, gia đình phải di chuyển về vùng đất Cà Mau sinh sống, nay là ấp Nhà Di, xã Trần Thới, huyện Cái Nước. Trong 5 anh em trai có Tô Quang Xuân và một chị gái là Tô Thị Tường. Tô Thị Tường có tật ở chân nhưng rất giỏi võ nghệ.
Tìm hiểu về dòng họ tô
Theo ông Tô Văn Nhặt (sinh năm 1922, ấp Nhà Di, có bằng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, do Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký ngày 28/6/1997), dòng họ Tô vào khai hoang vùng đất, nay gọi là Nhà Di, có hai anh em Tô Hòa và Tô Thuận. Sở dĩ gọi là Nhà Di vì khi Tô Hòa và Tô Thuận vào đây đã có một, hai ngôi nhà người Khmer làm nghề đặt xà di bắt cá, từ xà di nói trại thành Nhà Di.
Theo gia phả dòng họ Tô ở Nhà Di, thì Tô Hòa có 11 người con đặt tên là: Như, Đạo, Dị, Thiền, Thị, Trạng, Nghiêm, Điểm, Ngỡi, Rốn và Rẫy (trong họ Tô hay gọi là 11 ông, bà sơ). 11 người con này sau có con cộng lại 75 người (trong họ Tô gọi là 75 ông, bà cố).
Trong 11 người con Tô Hòa có ông anh cả là Tô Như (các cụ lớn tuổi hiện nay gọi là Sơ Cả) và người con gái có tật ở chân nhưng rất giỏi võ nghệ, trong gia phả họ Tô tên là Tô Quý Thị, thường gọi là Thị Tường (các cụ lớn tuổi hiện nay gọi là Sơ Năm). Thị Tường được cha là Tô Hòa cử sang giữ và khai thác đầm lớn mà sau này thành địa danh là đầm Thị Tường.
Dòng họ Tô nhánh Tô Hòa hiện nay cư trú ở xã Trần Thới (huyện Cái Nước), xã Phú Tân, Phú Thuận, Tân Hưng Tây, Phú Mỹ (huyện Phú Tân) và xã Thanh Tùng (huyện Đầm Dơi). Hiện ở Nhà Di có xây tháp tổ, mộ tổ là mộ của Tô Hòa và vợ. Hằng năm đến ngày 16 tháng giêng (âm lịch), dòng họ Tô về làm giỗ tổ ở Nhà Di và làm giỗ bà Sơ Năm Tô Quý Thị (Thị Tường) vào ngày rằm tháng giêng ở chùa Nhà Di (chùa Nhà Di do bà Tô Quý Thị lập).
Theo ông Tô Văn Nhặt, ông sờ Tô Thuận (em của ông sờ Tô Hòa) có người con tên là Tô Quang Xuân, người lập am nhỏ thờ Quan Âm (Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự - Chùa Phật Tổ ngày nay). Như vậy, Tô Quý Thị tự Thị Tường gắn với địa danh đầm Thị Tường là con chú, con bác với Tô Quang Xuân được nhân dân tôn gọi là Phật Tổ (chùa Phật Tổ).
Địa danh đầm Thị Tường có tên thật, việc thật, hiện dòng họ Tô ở Nhà Di còn lưu giữ gia phả từ thời ông sờ Tô Hòa. Đây là nguồn sử liệu quý giá cần được bảo tồn.
Đầm Thị Tường với địa hình tự nhiên, đã trở thành tấm chắn cản trở tàu giặc càn vào căn cứ Tỉnh ủy và là nơi che chở cán bộ của khu căn cứ Tỉnh ủy Xẻo Đước (1960-1975) an toàn, góp phần rất lớn trong việc lãnh, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi đem lại hòa bình độc lập ngày 30/4/1975. Nơi đây, sẽ trở thành điểm hẹn du lịch hấp dẫn khách tham quan trong và ngoài nước, là tiềm năng mang lại hiệu quả kinh tế cho tỉnh nhà trong tương lai không xa./.