Nằm cách Thủ đô Hà Nội khoảng 50km về phía bắc, Thổ Hà là một làng gốm trù phú ven sông Cầu, thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với nghề làm gốm, làm bánh đa mà còn là vùng đất bảo lưu được khá nguyên vẹn những nét văn hóa đặc trưng của một làng Việt cổ, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương.
Sản phẩm gốm làng Thổ Hà
Thổ Hà được coi là một trong ba trung tâm gốm sứ cổ xưa nhất của người Việt. Tổ sư của nghề là tiến sĩ Đào Trí Tiến. Vào thời Lý, ông được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc. Ở đây, ông đã học được nghề làm gốm và khi về nước đã truyền nghề lại cho dân làng Thổ Hà. Với địa thế thuận lợi là làng ven sông, nơi đây nhanh chóng trở thành một thương cảng tấp nập thuyền bè ngược xuôi ra vào bến sông Như Nguyệt để mang đi những sản phẩm gốm được thổi hồn từ đất và bàn tay nghệ nhân làng.
Để có thể tạo ra một sản phẩm gốm bền, đẹp, người làm gốm Thổ Hà phải mua đất sét từ huyện Yên Phong hoặc Xuân Lai (tỉnh Bắc Ninh). Đó là loại sét vàng “lõi mít”, sét xanh “búp ong” ít sạn và tạp chất, có đặc tính dễ tạo hình và định hình khi nung ở nhiệt độ cao. Gốm Thổ Hà không dùng men, đất sét được nung cho đến khi tự chảy men ra, bám trên bề mặt đồ gốm tạo thành một màu nâu óng cánh dán hoặc tím thẫm bóng, mịn và mát.
Làng Thổ Hà xưa chỉ chuyên làm những sản phẩm gốm dân dụng như: chum, vại, ấm tích, bình vôi, tiểu sành, chĩnh chõ… Ngày nay, nhờ sự sáng tạo không ngừng và bàn tay khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân, làng gốm đã chế tác ra nhiều mặt hàng gốm đa dạng, như: các loại đôn, chậu cảnh, chậu hoa, các con giống nghê, cá, rồng…
Bánh đa dừa được đóng gói đem bán
Cùng với nghề gốm, làng Thổ Hà còn nổi tiếng với nghề làm bánh đa nem, bánh đa dừa. Từ bến đò đặt chân lên đất làng Thổ Hà, du khách đã có thể gặp ngay ở chợ những bà, những chị bán hàng đon đả mời khách mua những chiếc bánh đa nem mềm dai, bánh đa dừa giòn thơm – là đặc sản của làng. Đi sâu vào những ngõ nhỏ trong làng, du khách sẽ thực sự choáng ngợp bởi màu trắng lóa của những phên tre phơi bánh, xếp san sát nhau. Bánh đa nem nay được tráng bằng máy, mỏng mịn, phơi trên những tấm phên hình chữ nhật dài. Sau khi phơi khô, bánh được đóng gói và đem bán.
Bên cạnh bánh đa nem còn có bánh đa dừa. Nguyên liệu làm bánh được lựa chọn rất công phu, kỹ càng. Gạo làm bánh phải là loại gạo ngon, bột say mịn, thêm một ít bột mỳ cho bánh có độ xốp giòn; vừng trắng được đãi kỹ, không sạn, có màu vàng nâu sậm của mật mía nấu chảy; lạc già, nhân to, mẩy; dừa già, cùi dày; và sau cùng là đường kính hoặc đường phèn. Đối với bánh đa thông thường chỉ cần tráng một lần là được, nhưng với bánh đa dừa, khi tráng lần thứ nhất rắc đều vừng, lạc, dừa lên mặt bánh; sau đó tiếp tục múc một muôi bột nữa đổ lên láng đều kín nhân, đậy vung lại khoảng 1-2 phút mở vung ra, lúc này bánh đã chín, dùng ống nứa lấy bánh ra trải vào phên tre. Vị thơm của vừng, vị bùi của lạc, vị ngọt giòn của dừa già khiến bánh đa Thổ Hà có sức cuốn hút đặc biệt với du khách.
Cổng làng
Không chỉ nổi tiếng với nghề gốm, nghề làm bánh đa có từ lâu đời, làng Thổ Hà còn được biết đến với quần thể kiến trúc cổ thuần Việt mang đậm dấu ấn của cư dân Đồng bằng Bắc bộ. Nét cổ kính của Thổ Hà thể hiện từ chiếc cổng làng rêu phong trầm mặc, đến ngôi đình, mái chùa, từ chỉ hàng trăm năm, những nếp nhà cổ nhỏ xinh, hay hình ảnh “cây đa, bến nước, sân đình” quen thuộc.
Cổng làng Thổ Hà có kiến trúc đẹp, bề thế và cổ kính, được làm từ chính đôi bàn tay của những nghệ nhân làng, thể hiện sự thịnh vượng của nghề gốm xưa kia. Cổng nằm ở ngay đầu làng, bên tả là hồ nước rộng, bên hữu có cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đây là một trong những chiếc cổng làng đẹp nhất ở vùng hạ và trung lưu sông Cầu.
Vào bên trong làng, những ngõ nhỏ hun hút được lát bằng gạch đỏ truyền thống đã mòn vẹt vì thời gian, những ngả đường hình xương cá, những tuyến đường hình bàn cờ nối tiếp, những ngôi nhà mái ngói nhuốm màu rêu phong, hay những bức tường được dựng bằng những mảnh gốm vỡ trông như những bức phù điêu gốm… đã tạo nên một quần thể kiến trúc độc đáo, riêng biệt. Trong làng hiện vẫn còn lưu giữ được một số ngôi nhà cổ được xây dựng cách đây trên 100 năm, trong đó có những ngôi nhà cổ còn được bảo tồn khá nguyên vẹn như ngôi nhà của ông Trịnh Quang Thanh. Ngôi nhà có bình đồ kiến trúc hình chữ nhị. Gian thờ tự được làm theo kết cấu kiểu “chồng rường giá chiêng” gồm 5 gian, 2 chái. Gian ngoài làm theo kiểu “tiền kẻ, hậu bẩy”, lối ra vào với hệ thống cửa bức bàn. Tường ốp gỗ mít, xung quanh vỉa gạch hoặc trang trí bằng những bức khảm trai gỗ với các đề tài tứ linh, tứ quý và các điển tích Trung Hoa.
Đình Thổ Hà
Tọa lạc ở vị trí giữa làng, trên một khu đất rộng khoảng 3000m², quay mặt ra sông Cầu, đình Thổ Hà được xem là một trong những ngôi đình cổ và đẹp nhất vùng Kinh Bắc. Đình được xây dựng vào năm 1686, thời vua Lê Hy Tông, thờ Thành Hoàng làng Lão Tử và Tổ sư nghề gốm Ðào Trí Tiến.
Đình Thổ Hà tiêu biểu cho không gian tâm linh, văn hóa của người Việt với nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc độc đáo. Đình được chia làm ba cấp, mái đình lợp ngói mũi hài, bốn góc là đầu đao cong vút. Trên góc mái gắn tượng linh thú. Tòa bái đường dài 27m, rộng 16m, bao gồm 7 gian được chống đỡ bởi 48 chiếc cột lim. Nền nhà bái đường được lát đá xanh nhẵn bóng.
Các mảng chạm khắc trong đình thể hiện rõ nét phong cách kiến trúc thời Lê, chủ yếu là “tứ linh, tứ quý”, hoa lá cách điệu, chim thú, đặc biệt là hình ảnh những cô gái mặc váy dài và yếm, tóc búi hoặc chít khăn với nét mặt rạng rỡ. Cô cưỡi phượng, cô cưỡi rồng, cô nhảy múa với mây... Hiện đình còn lưu giữ 9 tấm bia cổ, là minh chứng cho sự cổ kính của ngôi đình này. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà các nhà khoa học lại coi đình Thổ Hà là một bông hoa về nghệ thuật kiến trúc cổ Việt Nam. Đình cũng đã từng được chính quyền Pháp xếp hạng trong Viện bảo tàng Bác Cổ Đông Dương. Ngày 13/1/1964, đình Thổ Hà đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia.
Chùa Đoan Minh
Phía sau đình Thổ Hà là chùa Đoan Minh được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17), theo lối kiến trúc “nội công ngoại quốc”. Tổng thể ngôi chùa bao gồm: sân chùa, gác chuông, tòa tiền đường, tòa thiêu hương, tòa thượng điện, tòa tam bảo và nhà tổ, tạo nên một quần thể kiến trúc - nghệ thuật hài hòa, đa dạng. Gác chuông và tiền đường được chạm trổ lộng lẫy với các hình ảnh rồng mây, hoa lá. Từ tòa tam bảo theo hai dãy hành lang sẽ vào tới động Tiên, nơi ghi lại đầy đủ hình ảnh Phật Thích Ca từ lúc mới sinh ra, trưởng thành cho tới khi rời bỏ kinh thành vào động tu hành đến đắc đạo.
Hiện trong chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như: 15 bức đại tự, hoành phi; trên 20 cặp câu đối cổ được làm bằng gỗ, sơn son, thếp vàng; bát hương đá cổ; hệ thống bia bằng đá xanh, trong đó có 1 tấm bia được tạo tác vào năm 1653, ghi lại việc xây dựng chùa; 1 quả chuông cổ được đúc vào năm Cảnh Thịnh thứ 6 (1798)… Trong chùa còn có tượng Phật tổ Như Lai và Phật bà Quan Âm ngồi trên tòa sen. Năm 1994, chùa Đoan Minh đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia.
Với 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung, từ chỉ Thổ Hà được xây dựng vào thế kỷ 17, là nơi thờ Khổng Tử, Tứ Phối, 72 vị tiên hiền… Trong hậu cung từ chỉ có một bức tượng Khổng Tử bằng đồng. Đặc biệt, 8 tấm bia đá ghi chép danh sách 70 người đỗ đạt qua các triều đại của làng Thổ Hà đã cho thấy đây là mảnh đất giàu truyền thống khoa bảng của xứ Kinh Bắc. Đây cũng là địa điểm thu hút khá đông du khách đến tham quan, nhất là vào mùa thi cử, các sĩ tử đều đến đây thắp hương, lễ bái với tấm lòng thành kính. Từ chỉ làng Thổ Hà đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1999.
Thổ Hà với quần thể kiến trúc cổ kính, thuần Việt cùng những dấu ấn của làng nghề gốm nổi danh một thời đã và đang tạo sức hấp dẫn lớn đối với du khách trong và ngoài nước, những nhà nghiên cứu kiến trúc - mỹ thuật, những nghệ sĩ, nghệ nhân đến tham quan và tìm cảm hứng sáng tác; trở thành nơi gìn giữ và bảo tồn nét văn hóa truyền thống độc đáo của làng quê Đồng bằng Bắc bộ.