|
Thiếu đầu tư, tôn tạo, khu di tích Quận Vân đang trở thành phế tích. |
KTNT - Sau hơn 20 năm khai lộ, 7 năm được công nhận Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia nhưng khu di tích Quận Vân ở thôn Nỏ Bạn, xã Vân Tảo (Thường Tín - Hà Nội) vẫn chưa một lần được trùng tu, tôn tạo. Hiện, nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng trước sự thờ ơ của người dân và chính quyền địa phương.
Đôi nét về khu di tích Quận Vân
Phải chạy lòng vòng qua con đường hẹp một hồi chúng tôi mới tìm được khu lăng mộ Quận Vân. Nằm yên vị giữa cánh đồng, lăng đá Quận Vân tĩnh mịch đến mức khiến người ta nghe rõ từng cơn gió siết. “Ngày mới tìm được khu lăng mộ, người ta kéo đến xem đông lắm. Nhưng sự tò mò đi qua thì người đến thăm cũng thưa dần. Lâu lắm rồi chúng tôi mới thấy có người tới đây”, ông Nguyễn Văn Ngân, người dân ở thôn Nỏ Bạn cho biết.
Khu lăng đá Quận Vân từng được giới khảo cổ công nhận là công trình kiến trúc cổ độc đáo nhất Việt Nam. Tất cả các hiện vật ở đây từ binh lính, ngựa chiến, nghê đá, toà tháp đến án thư, ngai đều được đẽo gọt, chạm trổ rất tinh xảo bằng loại đá xanh quý hiếm. Được biết, năm 1733, nhận thấy thế đất ở làng Vân La Thượng (nay thuộc xã Vân Tảo) hợp phong thuỷ, quan Đô đốc đại giang Quận công Đỗ Bá Phẩm cho người chở đá từ Đông Triều (Quảng Ninh) về xây lăng làm nơi an nghỉ. Năm 1914, một trận mưa lớn nhấn chìm cả xã Vân Tảo trong biển nước. Khi nước rút, cánh đồng Nỏ Bạn rộng lớn bị san phẳng bởi lớp phù sa dày hàng mét. Khi đó, người dân tưởng khu lăng mộ bị dòng nước cuốn đi nên công trình này chìm vào quên lãng. Năm 1986, khi chính quyền xã Vân Tảo có chủ trương lấy bớt đất phù sa để người dân canh tác thì mới phát hiện ra khu lăng mộ này.
Khu di tích là một quần thể với nhiều công trình bằng đá được chạm trổ tinh vi, tỉ mỉ tới từng chi tiết. Phía ngoài có một con chó đá, tiếp đến là 2 chiến binh tay cầm gươm đao, mũ, áo chỉnh tề cao khoảng 1,5m. Giữa khu lăng mộ là 2 án thư đá và 2 ngai đá được bài trí theo hình long chầu mã nguyệt. Mỗi bên có 2 con voi phục, 2 ngựa chiến, phía trong cùng là 2 con nghê đá đứng chầu trước nhà bia 8 mái cao gần 1,8m, được dựng lên bởi hàng chục phiến đá to chạm trổ hình rồng, phượng chìm nổi.
Ông Trương Văn Tuân, người trông coi khu lăng mộ than thở: “Tôi đã trông nom nơi này gần 20 năm rồi. Nhìn những vật thiêng bị lụi tàn theo thời gian mà xót xa”.
Chính quyền cần vào cuộc
Với vẻ đẹp độc đáo còn chưa được phát lộ, khu lăng đá Quận Vân đã được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia năm 2003. Điều đáng buồn là sau khi được phát hiện và công nhận là di tích lịch sử, khu lăng mộ vẫn chưa được chính quyền địa phương quan tâm đúng mức. Ngoài số tiền 60.000 đồng/tháng trợ cấp cho người trông giữ lăng, khu di tích chưa một lần được trùng tu, tôn tạo. Công trình kiến trúc cổ hàng chục năm qua vẫn nằm trơ trọi giữa cánh đồng, không có mái che, không có tường rào, hệ thống điện đã xuống cấp. Thêm vào đó, sau nhiều lần ông Tuân tự phục chế những chi tiết bị sứt mẻ bằng xi măng, do kĩ thuật làm không chuyên nghiệp nên phần nào đã làm giảm giá trị di vật cổ.
Ông Nguyễn Văn Lựu, Phó chủ tịch UBND xã Vân Tảo thừa nhận: “Khu di tích ngày càng xuống cấp. Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần có ý định nâng cấp sửa chữa, nhưng phần do ngân sách của xã eo hẹp, phần sợ thợ sửa chữa không có chuyên môn sẽ làm giảm giá trị của các di vật nên đành chịu”.
Người dân, chính quyền biết việc cần làm ngay là phải xây cổng, xây tường bao quanh khu lăng để ngăn cách với cánh đồng; thiết lập hệ thống thoát nước, hệ thống điện quy củ... Lý do được chính quyền đưa ra là không có kinh phí. Nếu không có giải pháp kịp thời, e rằng chẳng mấy chốc khu di tích lăng mộ đá Quận Vân sẽ trở thành phế tích.
Vũ Quang - Vũ Đông |