Thánh đường Hồi giáo giữa lòng Hà Nội

Ông Đào Hồng Cương đã 21 năm trông nom thánh đường Hơn một thế kỷ qua, thánh đường Hồi giáo duy nhất của miền Bắc nằm bình yên trên con phố nhỏ Hàng Lược, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.

Đức tin của cộng đồng Hồi giáo đang ngự trị nơi thánh địa AL-NOUR được xây dựng từ năm 1890.

 
 Không gian ngoài thánh đường

Công trình trắng

Cả thế kỷ đứng đó mà hỏi ra chả mấy người sinh sống ở Hà Nội biết đến tòa thánh đường Hồi giáo nhỏ nhắn ấy. Mang cảm giác tò mò, lạ lẫm tôi tìm đến thánh đường những ngày đầu xuân năm mới khi giá rét đang bao trùm buốt giá cả không gian. Màu trắng tinh khôi của AL-NUOR dường như không vướng chút bụi thời gian. Cánh cửa xanh đang khép hờ nên tôi liền quay sang hỏi thăm người đàn ông luống tuổi đang nhẩn nha phả khói thuốc bên cốc trà nóng bên hông thánh đường. Trò chuyện một lát, tôi mới biết rằng đây là ông Đoàn Hồng Cương, người trông coi thánh đường đã 21 năm nay. Theo chân ông, tôi háo hức đi khám phá.

Thánh đường AL-NUOR đặt ở hướng tây để quay về hướng thánh địa Mecca linh thiêng của người Hồi giáo. Mỗi chi tiết kiến trúc đều là những dấu ấn đặc trưng của kiến trúc nhà thờ Islam, đặc biệt là ảnh hưởng kiến trúc Ấn Độ như mái vòm, cửa vòm, tháp nhọn… Không gian AL-NUOR khá đơn giản, thoáng đãng với những ô cửa hình vòm cao rộng ở gian phòng lễ chính. Người theo đạo Hồi không khuyến khích phụ nữ đến thánh đường, tuy nhiên nơi đây vẫn bố trí một phòng hành lễ cho phụ nữ, cách biệt bởi những tấm vải tạo không gian riêng biệt. Ông Cương cho biết: “Ở đây thỉnh thoảng cũng có phụ nữ, trong đó có cả những người phụ nữ Việt Nam lấy chồng theo đạo Hồi đến làm lễ vào ngày thứ 6 quan trọng. Tuy nhiên con số này cũng khá ít ỏi”. Thế nên có lẽ một cô gái như tôi bước vào chốn thiêng liêng này đã gặp phải vô số ánh mắt nhìn lạ lùng của những người đàn ông tới hành lễ.

Không bị ngăn cách, không gian thánh đường phóng khoáng, tinh khiết trong màu trắng của những hàng cột trắng chạy dọc hai dãy hành lang dẫn đường cho các con chiên vào phòng làm lễ. Giày dép để bậc cửa thềm. Sau đó, người hành lễ men theo dãy hành lanh bên ngoài đến khu vực tẩy trần chân tay sạch sẽ. Có lẽ với những người lần đầu tiếp xúc với những con người theo đạo Hồi gần thế này đều cảm thấy ngạc nhiên thú vị bởi những giới luật. Lúc thì là những tấm thảm trắng, khi khác là những tấm thảm trang trí họa tiết Ấn Độ đặt giữa phòng lễ chính để con chiên phủ phục hành lễ.

Mặc cho sự ồn ào, bụi bặm ngoài phố, thánh đường luôn mang trong mình sự bình yên, thư thái trong vẻ ngoài đơn sơ, mộc mạc. Trong khoảnh sân nhỏ hẹp, chiếc ghế đá nằm tĩnh lặng đón nhận những chiếc lá khế vàng nhẹ rơi khi gió bay qua. “Cây cối cũng là tài sản quan trọng của thánh đường chúng tôi. Cây trồng trong AL-NOUR cũng đều ngót nghét trăm tuổi cả rồi nhưng quanh năm đều ra hoa trái xanh tươi. Mấy cây khế ở đây sai quả lắm đấy, tôi hát chả bao giờ hết”, ông Cương vui vẻ cho biết. Qua tán lá cây khế già, tôi ngước lên ngắm nhìn những cột tháp thẳng đứng vươn lên mạnh mẽ giữa trời mưa xuân bay phảng phất. Mỗi ngày trên đỉnh tháp đó, ánh nắng ban mai chiếu rọi cứ dần lan tỏa cả thánh đường trắng báo hiệu giờ hành lễ bình minh đã đến!

Gắn bó với đất Thăng Long đã 121 năm, thánh đường AL-NOUR cũng đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử. Khoảng thời gian năm 1964-1973 hầu như thánh đường phải đóng cửa vì chiến tranh, thế nhưng chưa một lần thánh đường bị bom rơi đạn lạc tàn phá. Một điều kỳ diệu mà chẳng ai lý giải được!

 
 Bên trong thánh đường

Tình người

Nước da hơi ngăm đen, dáng vẻ phong trần nhưng ông Cương rất nhiệt thành, ấm áp khác hẳn với những điều tôi tưởng tượng về những người đàn ông Hồi giáo khó gần. Câu chuyện của ông đầy ắp kỷ niệm gắn bó với thánh đường AL-NUOR. Là thế hệ thứ 3 trong gia đình theo đạo, từ thưở ấu thơ, AL-NUOR đã thân thiết với cậu bé Mohamed (tên thánh của ông Cương). Nối nghiệp cha, năm 1990 sau khi về nghỉ chế độ 176, Mohamed đã đảm nhiệm chăm sóc thánh đường từ đó đến giờ. Trong số mấy anh chị em trong nhà, chỉ có duy nhất ông ở lại định cư tại Hà Nội. Mới đó, cậu bé ngày nào giờ tóc đã hoa râm, sống sum vầy bên bầy con cháu chắt. Chưa một lần đặt chân thăm quê nội, Mohamed luôn canh cánh nỗi lòng được một ngày “vinh quy bái tổ”. Ông tâm sự: “Tôi luôn giữ bên mình hộ chiếu Pakistan như một sự kết nối với quê hương. Tên tiếng Việt Hồng Cương là do mẹ đăng ký để tôi đi học hòa đồng cùng chúng bạn. Đến giờ cũng muốn một lần đưa gia đình về thăm quê nhưng hoàn cảnh không cho phép nên đành chấp nhận”. Bao nhiêu tình yêu với quê nội, ông đều dành trọn cho AL-NUOR.

Nổi tiếng với những quy định khắt khe nên tôi đã từng nghĩ cuộc sống của những người Việt theo đạo Hồi chắc sẽ gặp nhiều khó khăn. Khi được hỏi về điều đó, ông vui vẻ chia sẻ: “Thế cô nhìn tôi có gì khác biệt không nào? Ngoài những quy định bắt buộc như không được ăn thịt lợn, uống rượu, bia và tháng nhịn ăn Ramadan thì tuyệt đối phải tuân thủ còn mọi thứ đều nhẹ nhàng, đơn giản thôi. Đạo luật quy định hành lễ 5 lần/ngày nhưng cả nhà mỗi người một việc, bận rộn nên cứ tùy hoàn cảnh mà làm lễ, không nhất thiết phải đến thánh đường. Sinh hoạt, vui chơi thì mọi người sao gia đình mình vậy chả khác gì bà con lối xóm”. Có lẽ bởi vậy mà 3 thế hệ những người phụ nữ về làm dâu trong gia đình ông đều dễ dàng thích ứng và vượt qua những sự khắt khe vốn có của đạo luật. 

Quê hương mỗi người chỉ một nhưng Mohamet hạnh phúc đang được sống trong tình yêu thương của quê hương thứ hai - mảnh đất Kinh kỳ ngàn năm lịch sử. “Tuổi thơ, bạn bè, gia đình tôi đều ở trên mảnh đất này. Làm sao tôi có thể rời xa quê hương của mình đi đâu được chứ. Ước mong của tôi chỉ là một lần về thăm quê nội chứ chưa bao giờ có ý định hồi hương”, ông chia sẻ.

Sau hơn một thế kỷ dầm mưa dãi nắng, tòa thánh đã xuống cấp nhiều như hệ thống trần, mái yếu, rạn nứt… nhưng việc nâng cấp sửa chữa lại vấp phải khá nhiều khó khăn. Ông Cương cho biết: “Phương án cải tạo ít nhất cũng phải tốn đến 5-6 tỉ đồng trong khi đó sự tồn tại của thánh đường vẫn chỉ dừng lại ở tấm biển gắn di tích văn hóa đã bị lấy trộm 3 năm rồi nên rất khó để xin kinh phí của chính quyền. Cũng là sản phẩm của người nước ngoài nhưng nếu đem so với cầu Long Biên ít tuổi cả chục năm trời thì dường như thánh đường đã bị lãng quên”. Như nhắc đến nỗi lòng chất chứa bao năm nay, giọng ông bất giác chùng xuống. Từ giờ đến cuối cuộc đời, công việc quan trọng ông muốn hoàn thành nhất chính là tu sửa lại thánh đường. Ấy nhưng chẳng để nỗi buồn vây bủa lấy mình lâu, ông bắt tay vào việc xúc tiến thành lập ban quản lý, lo liệu giấy tờ gửi tới khối Ả Rập xin quỹ sửa chữa. Không một lời ca thán, không đòi hỏi gì cho bản thân, người đàn ông ấy cứ thế mải miết, lặng lẽ chăm sóc ngôi nhà của đấng tối cao với đức tin và niềm yêu thương ấm áp…

 
 Ông Đào Hồng Cương đã 21 năm trông nom thánh đường

Một vài tín đồ lục tục đi vào cổng thánh đường bắt đầu buổi hành lễ đầu chiều…

Mặc cho sự ồn ào, bụi bặm ngoài phố, thánh đường luôn mang trong mình sự bình yên, thư thái trong vẻ ngoài đơn sơ, mộc mạc.

Theo mag.ashui.com

Copyright © 2010 | Hội Kiến Trúc Sư Đà Nẵng. Giấy phép Số 179/GP-TTĐT
ĐC: Tầng 4 tòa nhà số 165 Trần Phú- quận Hải Châu - Tp Đà Nẵng, Việt Nam
Tel: (0511).3872841 - 3565116, Fax: (0511)3872841
Tổng lượt truy cập: 181673
Design by KVN