Đang tải.....

Ngôi đền thiêng và huyền tích về 9 cây muỗm ngàn tuổi

Thứ Hai, 15/11/2010 08:10

Hà Nội nghìn năm tuổi chứa đựng trong lòng một trầm tích hùng vĩ của Thăng Long ngàn năm văn vật với những cung điện đền đài, những trấn thành Đông, Tây, Nam, Bắc linh thiêng, độc đạo. Có một nét văn hóa đã trở thành truyền thống là việc dựng đền đài, miếu mạo ghi công trạng của những anh hùng, liệt nữ đã hy sinh để bảo tồn, khẳng định nòi giống tiên rồng. Đền Voi Phục thờ Hoàng tử Linh Lang đại vương, vị tướng chỉ huy một đạo thủy quân đã quyết chiến với giặc Tống và hy sinh trên phòng tuyến Như Nguyệt năm 1077 - là một trong nhiều ngôi đền như vậy.

Từ huyền bí đền thiêng

Đền Voi Phục là một ngôi đền trong Thăng Long tứ trấn của thành Thăng Long (nay là Hà Nội ), trấn giữ phía Tây thành. Ngoài cửa đền có đắp hai con voi quỳ phục dưới đất, nên gọi đền là Voi Phục. Cũng có tích kể lại rằng cái tên đền Voi Phục bắt nguồn từ câu chuyện vào đầu đời Lê theo phong thủy của đền thì đền nằm trên con phượng hoàng, trên mình con phượng hoàng có một giếng ngọc. Khi đào giếng ngọc, người dân đã tìm thấy một đôi voi đang ở thế phủ phục. Từ đó đền có tên là đền Voi Phục. Đôi voi đá hiện vẫn được đặt ở cửa đền đầy uy nghiêm.

Ở Hà Nội có hai ngôi đền cùng mang tên Voi Phục. Ngôi đền ở Thủ Lệ nhiều người biết hơn vì nằm giữa công viên và là trấn phía Tây trong Thăng Long tứ trấn. Tuy vậy, đền lại là nơi xây dựng sau bởi vì theo cách lý giải của Ban quản lý di tích đền Voi Phục Thụy Khuê, xưa, theo quy định của triều đình Lý, hễ cùng thờ một vị thần thì ngôi đền nào xây sau sẽ phải làm với quy mô nhỏ hơn ngôi đền xây trước. Đền Voi Phục trên đường Thụy Khuê là ngôi đền thờ Đức Thánh Linh Lang có tuổi đời hơn 900 năm. Đền được xây dựng đầu tiên trong khoảng 269 ngôi đền thờ Đức Thánh. Theo dân gian tương truyền, ngày 13/12 năm Kỷ Tỵ (1030), thứ phi của vua Lý Thái Tông là Hạo Nương đã hạ sinh một hoàng tử khôi ngô tuấn tú trong một làng nhỏ thuộc làng Thụy Chương (nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội) ở ven hồ Dâm Đàm (nay là Hồ Tây). Đức vua vui mừng đặt tên cho hoàng tử là Linh Lang (hay còn gọi là Hoàng Chân).

Có nhiều huyền tích về thần Linh Lang, trong đó phổ biến truyền thuyết được dân gian lưu truyền rộng rãi. Đây là hoàng tử Hoằng Chân con vua Lý Thái Tông do một bà phi người làng Bồng Lai (Đan Phượng) sinh ra ở Trị Chợ Thủ Lệ. Hoàng tử đã tham gia trận đánh quân Tống xâm lược trên phòng tuyến sông Cầu và hy sinh tại đó. Tiếc thương hoàng thúc, vua Lý Thánh Tông đã sắc phong cho Linh Lang là Linh Lang đại vương thượng đẳng thần (sắc phong cao nhất của nhà Lý). Đồng thời nhà vua truyền cho các làng xóm nơi Linh Lang đã ở, đã đóng quân hoặc đi qua đều phải lập đền thờ ngài, cả thảy có 269 làng.

Còn có thần tích kể rằng , Cảo Nương là một Cung phi của vua Lý ra tắm ở Hồ Tây bị rồng cuốn lấy người, về có mang sinh ra hoàng tử trên mình có 28 vết vảy rồng và 7 hàng chấm sáng long lanh như ngọc trên ngực. Vua bèn đặt tên cho là Linh Lang và xây dựng điện cho hai mẹ con ở ngay bên bờ hồ Linh Lang. Lớn lên Linh Lang xin đi cầm quân đánh thắng quân Tống. Vua muốn nhường ngôi cho nhưng chàng từ chối, về ở Trại Chợ, sau bị bệnh từ trần hóa con rồng đem cuốn quanh phiến đá rồi đi xuống Hồ Tây biến mất. Vua bèn cho lập đền thờ ở ngay nơi ở của hoàng tử và phong thần, là Linh Lang đại vương. Trong đền có hòn đá, có hai vết lõm, như thể chứng thực huyền tích nói rằng khi Linh Lang sắp hóa kiếp đã nằm.

Đến huyền tích 9 cây muỗm "cụ"

Trong đền Voi Phục ở Thụy Khuê hiện còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật cổ. Đó là bộ nghi trượng thờ trong hậu cung. Nhìn còn mới nguyên nhưng trên thân đã được dán ký hiệu đánh dấu niên đại từ thời nhà Lê (do hội di sản văn hóa dân gian Hà Nội thẩm định). Ngoài hiên chỗ bậc tam cấp còn hai đôi rồng đá được chế tác với những nét hoa văn cách điệu. Không chi tiết tinh xảo như hình ảnh rồng đá thời Nguyễn sau này. Những rồng đá ở đây được làm theo phong cách rồng thời Lý với dáng uốn khúc của rồng, còn hoa văn là hình sóng nước, hoa lá.

 Cụ May bên cây muỗm được công nhận cây di sản.

Nét đặc biệt nữa, đền Voi Phục Thụy Khuê có lẽ là một trong số ít ngôi đền được giới khoa học biết đến nhiều bởi lẽ ở đây có những cây muỗm cổ thụ gần ngàn năm tuổi. Nhìn từ trên cao, tán rộng lớn của 9 cây muỗm cổ thụ này như thể "cửu long tranh châu" (chín con rồng tranh hòn ngọc). Viên ngọc chính là ngôi đền thờ Linh Lang đại vương. Còn khi điểm chín gốc cây này lại với nhau thì tạo nên chữ Thần. Tất cả gồm 9 cây muỗm được trồng quanh đền với quan niệm văn hóa phương Đông, con số 9 là số trường cửu. Cụ Hà Văn May, 90 tuổi, hiện làm thủ từ đền trong suốt 30 năm cho biết: "Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam có đến đây hai lần. Một lần không chính thức và một lần gần đây nhất vào ngày 28/9/2010". Những người trong Hội có nói với cụ May về sự kiện bảo tồn cây di sản Việt Nam và đề nghị cụ làm bản đăng ký công nhận Cây di sản cho 9 cây muỗm tại đền. Cụ rất mừng với đề xuất này và hy vọng cộng đồng và các nhà khoa học sẽ giúp đền có kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật cũng như tuyên truyền đến cộng đồng về giá trị môi trường, cảnh quan và lịch sử của những Cây di sản.

Theo GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE): "9 "cụ" muỗm này là những cây đại thụ đầu tiên của Việt Nam được công nhận Cây di sản". Kết quả điều tra xác định tuổi đời của cả 9 cây muỗm này vào khoảng 700 năm. Cây nhỏ nhất có chu vi thân 2,92m, cao 17m. Tương ứng, cây to nhất là 5,20m và 29m. Hiện trong đền có 8 cây muỗm ở trong khuôn viên. Do biến động của xã hội mà diện tích đền Voi Phục đến nay chỉ còn hơn 2000m2, một cây muỗm giờ đã ở ngoài khuôn viên đền nằm đối diện với cửa chính bên kia đường Thụy Khuê trong khu vực nhà dân.

Cụ May chia sẻ: Thật vui mừng khi đúng vào dịp Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng long, thành phố Hà Nội đã chính thức gắn biển đưa 9 cây muỗm tại đền vào danh sách Cây di sản Việt Nam. Tuy nhiên, cụ không giấu được nỗi niềm lo lắng về việc hiện nay không ít cây cổ thụ tại Hà Nội bị kẻ xấu chặt phá, thậm chí bưng cả cây như "sự kiện" ngày 1/11, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội phát hiện cây bồ đề có tuổi đời cả trăm năm, đường kính thân hơn 1m tại khu vực chợ 19/12 đã bỗng nhiên biến mất. Cụ và nhiều người quan tâm đến các cây cổ thụ không khỏi bồn chồn cho số phận cây xanh ở Hà Nội. Mong muốn lớn nhất của cụ là với sự kiện 9 cây muỗm được công nhận là Cây di sản, các nhà khoa học sẽ hỗ trợ kỹ thuật đề giúp đền bảo vệ 9 cây muỗm khỏi bệnh nấm mốc làm cây đang có hiện tượng bị sầu thân. Cùng với đó là giúp người dân xung quanh đền hiểu thêm về giá trị lịch sử, văn hiến của đền Voi Phục không lấn chiêm xâm phạm cảnh quan đền.

Văn Hậu

Chia sẻ:
Xem theo ngày