Skip to main content

Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P1)

Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P1)

Thánh Gióng - Một trong bốn vị thánh bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt, là người anh hùng đã có công dẹp giặc Ân mang lại thái bình cho đất nước. Để tỏ lòng thành kính và tôn vinh Ngài, một tượng đài lớn được dựng lên trên đỉnh núi Đá Chồng huyện Sóc Sơn (Hà Nội) - Nơi mà theo truyền thuyết, sau khi đánh tan giặc Ân, Thánh Gióng đã trút bỏ áo giáp, cưỡi ngựa sắt bay về trời.

Tượng đài Thánh Gióng hướng chính diện khi nhìn gần
Có thể nói, đây là địa điểm phù hợp với truyền thuyết dân gian cũng như tín ngưỡng, tâm linh để xây dựng tượng đài. Tuy nhiên sau khi hoàn thành, quần thể tượng đài Thánh Gióng lại bộc lộ ra nhiều điểm yếu kém cả về quy hoạch kiến trúc lẫn tạo hình tượng đài.
 
Thứ nhất là hướng của tượng đài chưa hợp lý.
 
Thông thường, trong quy hoạch thiết kế tổng thể một quần thể tượng đài, mặt chính diện của quảng trường luôn là hướng mà tượng đài khoe ra góc nhìn đẹp nhất của mình. Bởi đó là trung tâm, là nơi tập trung đông người nhất, và là hướng mà du khách tiến vào chiêm bái tượng đài. Ở tượng đài Thánh Gióng, nhìn từ phía chính diện của quảng trường, tượng đài lại phô ra một hình ảnh xấu và dễ gây nhầm lẫn nhất cho du khách. Những người làm quy hoạch kiến trúc, trong trường hợp này đã hoàn toàn bỏ qua một yếu tố tối quan trọng, đó là hướng di chuyển, tầm nhìn và góc quan sát của người tham quan.
 
Tượng đài Thánh Gióng nhìn từ hướng chính diện, khi đang đi từ phía dưới lên. 
 
Với kích thước đồ sộ và có hướng lao lên không trung, tượng đài Thánh Gióng cao hơn 14m (tính cả bệ) hướng thẳng trực diện ra phía trước quảng trường. Du khách đến chiêm bái, đi theo những bậc đá từ phía dưới thấp lên cao, bị chân đế và phần phía trước tượng ngựa chồm ra che khuất nên không thể thấy hết trọn vẹn tượng đài. Và kể cả khi ta có ngắm tượng đài từ xa (tại vị trí lầu bát giác phía đối diện, cách tượng hàng trăm mét) thì hình ảnh tượng đài cũng không vì thế mà khả dĩ hơn. Đã thế, khuôn mặt Thánh Gióng lại bị che khuất bởi phần cổ và đầu ngựa. Kết quả là, tại vị trí đẹp nhất để chiêm bái tượng đài, người xem chỉ thấy một “nhân mã” quái dị chồm lên thay cho hình ảnhThánh Gióng đang thanh thản cưỡi ngựa bay về trời.
 
Tượng đài Thánh Gióng nhìn từ phía lầu bát giác đối diện ( đây là vị trí đẹp theo quy hoạch để du khách chiêm bái tổng thể tượng đài từ xa). 
 
Thứ hai là tượng đài chưa lột tả được ý tưởng như tác giả mong muốn.
 
Theo như diễn giải: chân tượng đài được tạo hình từ sự cách điệu của mây, của hào quang và những cây tre ngà. Ý muốn khắc hoạ hình ảnh một Thánh Gióng cưỡi ngựa bay về trời giữa những ánh hào quang rực rỡ.
 
Có nhiều ý tưởng văn học nghe thì rất hay, rất lấp lánh, nhưng khi chuyển sang thể hiện bằng ngôn ngữ tạo hình thì khó mà giữ được như tinh thần ban đầu. Những ánh hào quang chân tượng đài Thánh Gióng rơi vào trường hợp đó.
 
Việc diễn tả một thứ hư ảo như “ánh hào quang” bằng những chất liệu tạo hình cụ thể trong điêu khắc là rất khó, phải là người “cực” cao tay mới thể hiện được. Ngắm tượng đài Thánh Gióng, người xem khó mà hình dung ra đó những ánh hào quang vút lên theo sau chân ngựa như điều tác giả muốn nói. Từ tạo hình đến chất liệu và kỹ thuật thể hiện đều không gợi cho ta một chút liên tưởng nào tới luồng sáng hào quang huyền ảo hay những thân tre ngà. Ngược lại, nó đưa ta đến hình ảnh một mỏm đá vươn cao, với những thớ đá lô xô, thô ráp, chất chồng; nơi mà tại đó Thánh Gióng phi ngựa lên và bay về trời.
 
Hiệu ứng hào quang toả ra từ tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh). Một tuyệt tác điêu khắc Việt, thể hiện sự cảm nhận tinh tế của các nghệ sỹ dân gian. 
 
Còn đây… hào quang từ Tượng đài Thánh Gióng? 
 
Thứ ba là hình tượng Thánh Gióng cưỡi ngựa bay về trời chưa thanh thoát.
 
Đó là bởi việc xử lý những “khối âm” của tượng đài “chưa ngon” dẫn đến hiệu ứng ngược. Tượng cho cảm giác vững trãi quá mức cần thiết mà thiếu đi cái nhẹ nhõm bay bổng. Nửa thân sau của ngựa sắt dính bệt vào đầu mỏm đá, còn thế ngựa đang bay lên không trung lại như bị trượt chân, mất đà, hụt hơi. Vậy nên, thay vì thanh thoát bay lên trời, thì ngựa Gióng lại như đang… chồm mình qua khe núi. Kết quả là cả người lẫn ngựa không thoát lên được, dẫn đến hiệu ứng bay bổng của tượng đài cũng không đạt tới độ hư ảo như mong muốn.
 
Thánh Gióng cưỡi ngựa chồm qua khe núi hay đang nhẹ nhõm bay về trời giữa ánh hào quang!?