Danh y Hoàng Đôn Hòa cứu người công đức bao la
DANH Y HOÀNG ĐÔN HÒA CỨU NGƯỜI CÔNG ĐỨC BAO LA
LÊ MINH QUỐC
Chuyện xưa kể rằng, ngày nọ có một hung thần xuống trần gian, hắn vào nhà tên Ngưu và ép buộc: "- Một là mày giết mẹ, hai là mày giết anh và thứ ba là uống rượu". Ngưu vốn là người hiếu thuận, không thể làm được những việc thất đức tày trời như thế nên chọn cách thứ ba. Khi rượu vừa uống vào thì ngũ tạng tứ chi của Ngưu đảo lộn tất cả. Trời đất quay cuồng. Càng uống càng say và Ngưu điên khùng đốt nhà. Lúc ấy:
Mẹ hoảng sợ vừa la vừa khóc
Ngưu co giò đá phốc ra sân
Người anh nổi giận đùng đùng
Xông vào quyết dạy thằng khùng một phen
Saün chiếc búa nằm trên mặt đất
Ngưu búa luôn vào óc người anh
Xưa nay Ngưu vốn hiền lành
Rượu vào nên mới hóa thành trâu điên
Đó là một trong những câu chuyện mà danh y Hoàng Đôn Hòa thường kể để răn học trò và kết luận:
Gã hung thần cười vang đắc chí
Bởi rằng y chính thị ma men
Muốn làm thiên hạ hóa điên
Chỉ cần tốn một hũ hèm là xong!
Ông sống vào thế kỷ XVI, quê quán ở thôn Huyền Khê, xã Thanh Oai trung, tổng Thanh Oai Thượng, huyện Thanh Oai phủ Ứng Thiên, từng thi đậu giám sinh, nhưng không ra làm quan mà ở ẩn để nghiên cứu về nghề thuốc. Dưới thời vua Lê Trang Tông (1533-1548) trong làng xảy ra bệnh dịch, ông đã phát thuốc và cứu giúp lương thực cho nhân dân. Do đó, mọi người xem ông như một vị phúc tinh. Danh tiếng ngày càng vang xa, vì vậy, ông đã lọt vào "mắt xanh" của nhà vua. Đến thời vua Lê Thế Tông (1573-1599) tình hình chiến sự giữa họ Mạc và họ Trịnh vẫn còn sôi động. Hoàng Đôn Hòa được lệnh đi theo phục vụ trong quân của họ Trịnh với chức danh Điều hộ lục quân. Ông đã có sáng kiến chế thuốc Tam hoàn tán mang theo và dùng các phương thuốc có saün tại địa phương. Nhờ vậy, binh lính đã vượt qua được các bệnh dịch và sốt rét ác liệt. Sau khi chiến thắng được quân Mạc, với công lao của mình, Hoàng Đôn Hòa được phong tước Lương dược hầu và phong chức Thị nội thái y viện phủ đường. Với những kẻ tầm thường khác thì đây là cơ may để leo lên đỉnh cao của danh vọng, nhưng Hoàng Đôn Hòa không nghĩ thế. Những năm tháng hành quân trong quân đội họ Trịnh dẹp họ Mạc để phù Lê, ông đã tận mắt chứng kiến cảnh máu đổ xương tan của những dân binh. Họ đổ máu cũng không ngoài mục đích giành lấy ngôi báu giữa các thế lực phong kiến. Vì vậy, không để cho bả danh lợi cám dỗ, ông thẳng thắn xin được nghỉ hưu để chuyên tâm về nghề y. Trở về quê nhà, ông cùng với Phương Dung phu nhân tổ chức trồng thuốc Nam và dạy dân chữa bệnh bằng thuốc Nam. Trong cuộc đời của mình, ông đã đúc kết được hơn 200 phương thuốc độc đáo trị những bệnh như phù thủng, hoắc loạn, đau bụng kinh niên, thấp khớp v.v... Trong tác phẩm Hoạt nhân toát yếu (nắm phép cốt yếu cứu người), ông đã phát hiện thêm nhiều vị thuốc Nam như Bồ cu vẽ chữa bệnh liệt nửa người, Cỏ răng cưa chữa bệnh bị thương ứ máu, Gối hạc chữa sưng đau, Cây dầu sơn chữa trúng tên thuốc độc, Dây gắm chữa phong tê thấp đau chân, đau ngang lưng v.v... Với tác phẩm này lương y Lê Trần Đức cho biết thêm: "Quyển này chỉ trình bày một số vấn đề chủ yếu về phòng bệnh và trị bệnh cần thiết cho sự sống người ta, nên những phương thuốc này nhằm chữa bệnh theo chứng dễ áp dụng và mang nhiều tính chất thực tiễn như một cuốn sổ tay dùng thuốc. Trước tác không nói đến lý luận cơ sở hay nguyên nhân bệnh lý, tuy nhiên phân tích dược lý và các tác dụng của các phương thuốc thì thấy được ít nhiều tính chất biện chứng của nó. Hơn nữa qua nội dung hướng dẫn việc dùng thuốc thì chúng ta càng thấy rõ nét một kho tàng kinh nghiệm quý báu. Đặc sắc là trước tác này có sự lựa chọn qua thực tiễn, nên phương thuốc ít mà tinh, không rườm rà như trong các sách phương tễ học hay bệnh học khác, thường làm cho người đọc thêm loạn mắt khó nắm.
Nhằm mục đích cứu người (hoạt nhân) với một ý nghĩa rộng rãi, trước tác gồm cả các phép dưỡng sinh, hít thở vận động để trị bệnh, tăng sức khỏe và lời dạy thanh tâm tiết dục, giữ gìn trong sinh hoạt để sống lâu, gắn liền việc chữa bệnh với phòng bệnh". (1) Và phương pháp dưỡng sinh của ông gồm 4 điểm chính:
"Một là luyện khí, hít thở sâu và đều, để đưa thêm nguồn sống vào cơ thể, thau đổi khí đục, tiếp thu khí mới và làm cho mạch máu chảy đều, với quan niệm sự sống của người ta lấy khí làm gốc, lấy hơi thở làm đầu. Khí là cơ sở của mệnh.
Hai là giữ tinh thần được yên lặng. Vậy cần tập trung tinh thần, không nghĩ ngợi gì cả, dẹp hết mọi mối tâm tư suy nghĩ trong khi luyện thở.
Đồng thời cần bảo đảm cho giấc ngủ được đầy đủ và điều hòa, để lấy lại sức và làm cho tinh thần được yên định.
Ba là cần vận động thân thể để cho khí quyết lưu thông điều hòa, nếu ngưng trệ thì sinh bệnh, ví như "nước chảy thì không bẩn, ngõng cửa quay thì không mọt". Do đó, thân thể phải làm việc để giúp cho sự phân hóa bên trong được điều hòa và làm tinh thần khoan khoái, gân xương vững chắc.
Bốn là giữ cho lòng thanh tĩnh, hạn chế các dục vọng ham muốn thái quá về tiền tài, danh lợi, nữ sắc, làm xúc động tinh thần, và đặc biệt chú trọng việc tiết dục để cho tinh khí khỏi hao tán, thì tinh thần được vững mạnh, tránh được bệnh tật và kéo dài được tuổi thọ" (2).
Có lẽ, Hoàng Đôn Hòa là một trong những danh y đầu tiên quan tâm đến chữa bệnh cho gia súc. Ông viết: "Mỗi buổi sáng dắt trâu bò ra khỏi chuồng, trước tiên dắt chúng đi uống rồi sau đó mới cho ăn cỏ, tránh được chứng trướng bụng. Như mùa đông không có cỏ mà phải cho ăn rơm rạ khô, thì nên lấy nước vo gạo rưới cho ẩm rồi sau mới cho trâu bò ăn; như vậy chúng dễ béo mà tránh được chứng táo nhiệt". Chỉ một chi tiết nhỏ này, cho thấy ông rất am hiểu về đối tượng nghiên cứu của mình. Qua nghiên cứu của ông, ta biết cây tầm sét thì dùng lá chữa trâu bò nổi mụn lở bọng nước, còn rễ chữa ngựa tê chân khi nằm thì không đứng dậy được; cỏ mân châu chữa trâu bò bị dịch; dây tơ hồng chữa trâu bò, ngựa bị nghẹn, họng tắc không nuốt được; lá bạc sau chữa trâu bò cày bừa mệt nhọc và thiếu ăn gầy tóp; lá xương rồng chữa trâu bò sưng chân long móng; lá buởi bung chữa trâu bò bị lở sinh giòi v.v... Chắc chắn những phương thuốc này góp phần không nhỏ trong việc cải thiện sức cày, sức kéo trong đời sống nông nghiệp Việt Nam thế kỷ XVI.
Với những cống hiến lớn cho nền y học nước nhà, sau khi qua đời, danh y Hoàng Đôn Hòa được nhân dân lập đền thờ. Ngoài ra ông còn được Triều đình sắc phong Lương Dược Linh Thông cư sĩ. Hiện nay, tại làng Đa Sĩ, xã Kiến Hưng (Hà Đông) còn lưu lại câu đối ca ngợi:
Thần Tung nhạc giáng sinh, giúp nước ân cân lưu phương châu ngọc.
Phật Vương xuất thế, cứu người công đức khắp cõi bao la.
(Lê Trần Đức dịch)
Ngoài ra còn có những tấm hoành phi ghi những chữ vàng chói lọi công đức: Hợp đức của âm dương, Thầy thuốc giỏi giúp nước, Thêm thọ cho dân. Trở lại với câu chuyện khuyên các môn sinh không đam mê tửu sắc, trong tác phẩm Hoạt nhân toát yếu, ông có ghi lại bài thơ (dịch):
Trời sinh cái tính lôi thôi
Gái thơm cùng rượu sóng đôi hại mình
Bệnh tật phát bất thình lình
Thuốc như vàng ngọc cứu mình được đâu!
Lời răn dạy này không phải đã lỗi thời.
Nguồn : ykhoanet.com/SKDS
Người chuyển lên blog : Văn Hữu Nhân
(1) Những gương mặt trí thức Việt Nam - NXB Văn Hóa Thông Tin 1998, trang 171.
(2) Những gương mặt trí thức Việt Nam - NXB Văn Hóa Thông Tin 1998, trang 177.
Chuyển lên WebQDY : Văn Hữu Nhân, Phạm Ngọc Đính