Hà Nội: Tu bổ, tôn tạo di tích Bích Câu Đạo quán
Ban quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội đã khởi công tu bổ, tôn tạo di tích Bích Câu Đạo quán tại số 14, phố Cát Linh, phường Cát Linh (Đống Đa- Hà Nội).
Cổng chính vào Bích Câu Đạo Quán
Từ năm 1999, Ban quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội) đã có "Dự án xây dựng, bảo tồn tôn tạo và khai thác di tích lịch sử văn hóa Bích Câu Đạo quán", tuy nhiên, đến nay, dự án mới được triển khai.
Toàn cảnh Bích Câu Đạo quán thế kỉ 15
(Ảnh: Internet)
Theo đó, di tích Bích Câu Đạo quán sẽ được tu bổ với kinh phí khoảng 43 tỷ đồng (từ ngân sách và vốn xã hội hoá), trong đó gần 24,2 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng; hơn 19,1 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích. Các hạng mục được phục hồi, tu bổ gồm: Chùa chính với diện tích 202 m2, mặt bằng hình chữ “đinh”, tường xây gạch chỉ đặc, mái lợp ngói mũi hài, nền lát gạch Bát Tràng phục chế; nhà Mẫu có diện tích 129m2, gồm tiền tế và hậu cung với các góc đắp đao cong và hình đầu kìm; nhà Tổ có diện tích 96m2, gồm 5 gian xây gạch chỉ đặc, cửa bức bàn kiểu “thượng song hạ bản” bằng gỗ lim; nhà khách có diện tích hơn 80m2 và nhiều công trình phụ trợ khác.
Bích Câu Đạo quán được xây dựng từ cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16, đời Vua Lê Thánh Tông, thờ các chân nhân đắc đạo thành tiên. Nơi đây còn gắn liền với mối duyên kỳ ngộ giữa nàng tiên Giáng Kiều và chàng trai họ Trần nơi hạ giới, gửi gắm ước mơ người và tiên hòa hợp của dân gian. Trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến, Bích Câu Đạo quán trở thành trụ sở Ủy ban Kháng chiến. Bích Câu Đạo quán được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá năm 1990.
Theo cpv