Chùa Chuông - Đẹp nhất danh lam
.
"Hưng Yên tỉnh nhất thống chí" của Trịnh Như Tấu có ghi: "Chùa Chuông - Phố Hiến đẹp nhất danh lam" có nghĩa: chỉ Chùa Chuông ở Phố Hiến là đẹp nhất. Chùa đẹp không phải bởi cảnh quan và tên gọi mà còn đẹp hơn bởi Chùa Chuông nằm trong quần thể di tích đô thị cổ Phố Hiến một thời nổi danh "thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến".
Tương truyền: Vào một năm đại hồng thuỷ, có một quả chuông vàng trên một chiếc bè đã trôi vào bãi sông thuộc địa phận thôn Nhân Dục. Các nơi đua nhau kéo chuông về địa phương mình nhưng không được, chỉ có bô lão thôn Nhân Dục mới kéo được chuông. Dân làng cho là trời phật giúp đỡ bèn góp công của dựng chùa, xây lầu treo chuông. Mỗi lần đánh chuông, tiếng vang xa hàng vạn dặm. Do vậy, chùa còn có tên là Kim Chung tự (tức Chùa Chuông vàng). Chùa tọa lạc trên mảnh đất rộng lớn thuộc tổng An Tảo, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên xưa (nay thuộc phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên).
Chùa chuông được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XV), qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, chùa vẫn giữ được nét kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê (thế kỷ XVII). Năm 1992, Chùa Chuông đã được Bộ VHTT xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật.
Cái đẹp của quần thể kiến trúc chùa Chuông chính là ở bố cục cân đối, nhịp nhàng. Chùa Chuông có kết cấu kiểu "Nội công ngoại quốc", bao gồm các hạng mục: Tiền đường, Thượng điện, Nhà tổ, Nhà mẫu và 2 dãy hành lang. Mặt tiền chùa quay hướng Nam, đó là hướng của "Bát Nhã" và "Trí Tuệ". Chùa được bố trí cân xứng trên một trục trải dài từ cổng Tam quan đến Nhà tổ. Cổng Tam quan có kiến trúc chồng diêm hai tầng tám mái. Qua cổng Tam quan là tới ba nhịp cầu đá xanh, bắc ngang qua ao được xây dựng năm 1702. Tiếp đến là con đường độc đạo được lát đá xanh dẫn thẳng đến nhà Tiền đường, Thiên hương, Thượng điện. Ở hai đầu phía Đông và phía Tây nối Nhà Tiền đường và Nhà Mẫu là hai dãy hành lang, được bài trí đối xứng các lớp tượng khác nhau. Đầu tiên là động Thập điện Diêm Vương tả cảnh Diêm vương trừng phạt kẻ ác; hai động Phật bằng đất mô tả quá trình tu hành đắc đạo của Đức Phật. Trong chùa có hệ thống tượng phật phong phú, nổi bật là 8 tượng Kim Cương, 18 vị La Hán, 4 tượng Bồ Tát. Tượng được tạo tác rất công phu, mỗi pho tượng có tư thế và biểu cảm khác nhau. Trong chùa có nhiều di vật như: hoành phi, câu đối, đồ thờ, bia đá, trong đó có bia "Kim Chung tự thạch bi ký" dựng năm Vĩnh Thịnh (1711) mô tả cảnh chùa và ghi công đức tu tạo. Phía cuối là lầu chuông, lầu khánh, nhà tổ.
Hằng năm, vào dịp đại lễ Phật Đản, dịp xuân về, Chùa Chuông lại tổ chức lễ hội, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và khách thập phương. Cùng với sự phát triển, mở rộng của thành phố Hưng Yên, Chùa Chuông sẽ được đầu tư, quy hoạch trở thành điểm du lịch văn hóa hấp dẫn du khách về với Hưng Yên.
Nhóm PV
;
Các tin khác
- Đẩy nhanh tiến độ xử lý đất dôi dư(23/10/2013)
- Nguy cơ mất an toàn giao thông từ xe đạp điện(02/10/2013)
- Lỗ Xá: Lá cờ đầu xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư(16/09/2013)
- Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Trung thu(16/09/2013)
- Chủ tịch UBND tỉnh Doãn Thế Cường dự lễ giao quân tại huyện Tiên Lữ(06/09/2013)
- Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng dự lễ khai giảng tại Trường THPT chuyên Hưng Yên(05/09/2013)