Nhiều câu hỏi quanh bộ tranh “Đại lễ phục thời Nguyễn”
Cuốn sách Đại lễ phục VN thời Nguyễn (1802-1945) của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn vừa ra mắt đã nhận được một số ý kiến nghi ngờ về tính chính xác của bộ tranh 54 bức được cho là trang phục đại triều của triều Nguyễn được công bố trong sách.
Nỗi xót xa cho một di sản hội họa đang bị hư hại
Họa sỹ Tôn Thất Đào (1910- 1979) là dòng dõi chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông có nhiều công lao với sự nghiệp đào tạo họa sỹ, và được đánh giá là một trong những người có đóng góp lớn trong tiến trình phát triển mỹ thuật ở Huế- miền Trung và nền mỹ thuật hiện đại VN.
Lăng chúa Nguyễn: Trăn trở cùng những người mở nước định non
Cập nhật 08:03 25/12/12
Trong quá trình hình thành dải đất từ miền Thuận Quảng đến Cà Mau - Hà Tiên của Tổ quốc, những người như công chúa Huyền Trân đã để lại những dấu ấn đậm nét. Nhưng sự củng cố và thật sự định hình dải đất ấy, thời gian qua, dường như, chúng ta đã lãng quên một người mà ông và con cháu ông đã có công lớn hơn thế. Đó là chúa Tiên Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn đời sau. Các chúa đã có công nghiệp to lớn, thế nhưng, có mấy ai biết được hiện các chúa được yên nghỉ nơi nào. Thậm chí đi ngang đó mà vẫn không hay.
Hiện nay, 9 lăng của 9 chúa Nguyễn đều nằm ở địa phận xã Hương Thọ , huyện Hương Trà , Thừa Thiên Huế, tập trung ở các làng La Khê Trẹm, Hải Cát, Kim Ngọc và Định Môn. Qua thời gian, một số lăng đang xuống cấp và bị người dân xâm hại nghiêm trọng. Điều này khiến cho chúng ta không khỏi buồn khi nghĩ về tiền nhân với công lao mở mang bờ cõi, định hình nước non.
Lăng Trường Cơ của chúa Nguyễn Hoàng
Ảnh: Vietlyso.com
Hầu hết các lăng chúa đều đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Ở lăng Trường Thái của chúa Nguyễn Phúc Khoát, các tầng cấp trước lăng cũng bị người dân lấy gạch. Hiện nay, khó có thể nhận ra đó là các tầng cấp của lăng. Ở lăng Trường Thiệu của chúa Nguyễn Phúc Thuần, trên cổng lăng, cây cối mọc bám đã làm hư hại nặng nề. Nhiều vòng thành của các lăng Chúa đang bị nghiêng, bị đổ, bị người dân lấy mất gạch … Nhiều mảng tường thành bị đổ sụp xuống. Nhìn các vòng thành bị “biến dạng” một cách thảm hại, có lẽ, ai nhìn thấy cũng sẽ tự hỏi: các tường thành đổ xuống thành các đống gạch thì các lăng Chúa Nguyễn đi về đâu? Trong khi, các tường thành là một trong các hợp phần tạo nên kiến trúc và sự bảo vệ chung cho các lăng.
Trong nỗ lực cứu vãn, dòng họ Nguyễn Phước cũng đã tiến hành trùng tu một cách đơn lẻ. Ở các lăng như Trường Cơ của chúa Nguyễn Hoàng, Trường Sanh của chúa Nguyễn Phúc Chu, Trường Hưng của chúa Nguyễn Phúc Tần đã được trùng tu, bảo tồn hoặc xây lại một số phần. Tuy vậy, việc giữ nguyên bản vật liệu cổ vốn có và kiến trúc cũ của các lăng trong quá trình trùng tu đã không được coi trọng. Điều này có thể nhìn thấy ở lăng Trường Cơ của chúa Nguyễn Hoàng.
Lăng Trường Thanh của chúa Nguyễn Phúc Chu
Ảnh: Vietlyso.com
Ở lăng Trường Thái của chúa Nguyễn Phúc Khoát, các tầng cấp trước lăng cũng bị người dân lấy gạch. Hiện nay, khó có thể nhận ra đó là các tầng cấp của lăng. Ở lăng Trường Thiệu của chúa Nguyễn Phúc Thuần, trên cổng lăng, cây cối mọc bám đã làm hư hại nặng nề. Có thể nói, ở các mức độ khác nhau, nhiều lăng chúa Nguyễn đang lâm vào cảnh xuống cấp ngày một nặng nề.
Trong 9 lăng Chúa, trừ lăng Trường Cơ của chúa Nguyễn Hoàng, các lăng Chúa còn lại đều có sự xâm hại của người dân. Một điều dễ nhận thấy ở các lăng là người dân vào khu vực của lăng để trồng cây như chuối, ớt, khoai, rau và một số loại cây hoa màu khác… Thậm chí, người dân đã cuốc, xới đất ở khoảng trống giữa 2 vòng thành của các lăng để trồng cây. Nói chung, trong khu vực của các lăng chúa, miễn chỗ nào trồng cây được là người dân trồng cây. Mùa này qua mùa khác, việc trồng cây của người dân càng làm cho sự xuống cấp của các lăng Chúa nhanh hơn.
Lăng Trường Thiệu của chúa Nguyễn Phúc Thuần
Ảnh: Vietlyso.com
Khi trao đổi vấn đề này với ông Phan Thanh Hải – PGĐ Trung tâm BTDT CĐ Huế, ông Hải cho biết: “Cái khó hiện nay trong quá trình bảo tồn, trùng tu các lăng chúa Nguyễn, chính là sự chồng chéo về chức năng quản lý. Chức năng quản lý là cơ quan chúng tôi, chức năng thừa tự là dòng họ Nguyễn Phước, chức năng quản lý hành chính và an ninh là chính quyền địa phương. Nhưng chúng tôi thiếu sự phối hợp từ chính quyền địa phương. Đồng thời là quá nhiều các công trình khác thuộc Quần thể di tích cố đô Huế cần phục hồi, tôn tạo nhưng kinh phí thì thiếu mà người thì không đủ.”
Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh băn khoăn: “Các chúa Nguyễn có công rất lớn với sự hình thành miền Nam nước ta. Do đó, không thể để các lăng chúa nằm “bên lề” của con đường phát triển trong dòng chảy lịch sử dân tộc được. Thử hỏi, nếu không có sự Nam tiến của các chúa Nguyễn thì có dải đất chữ S này không? Và nếu có sẽ đến ngang đâu?”.
Thời gian qua, các hội thảo về vai trò lịch sử của các chúa Nguyễn và triều đình nhà Nguyễn đã được tổ chức. Những góc nhìn mới, những sự công nhận dù còn dè dặt nhưng cho thấy đó là dấu hiệu nhìn về sự thật. Đâu đó đã có sự công nhận về các chúa Nguyễn nhưng như thế chưa đủ với công lao các chúa. Trong nỗ lực và sự công nhận cần có, bảo vệ và tôn tạo nguyên trạng lăng các chúa Nguyễn là trách nhiệm của chúng ta. Để mọi người biết rằng, vùng đồi núi ở xã Hương Thọ - huyện Hương Trà, có sự an nghỉ của những nhân vật lịch sử “mở nước định non”.
Theo Đình Đính (TRT)