Văn bia (bi văn) là thuật ngữ dùng để chỉ văn từ được trình bày trên bia đá. Xét về nguồn gốc, bia vốn là phiến đá, trụ đá, hoặc tấm gỗ dựng trước cung thất, hay tông miếu để đo bóng mặt trời, từ đó xác định thời gian, có khi được dùng để buộc các con vật tế. Thoạt kỳ thuỷ bia không có chữ, loại bia có chữ được các nhà kim thạch học gọi là khắc từ bi (bia khắc văn từ), chỉ xuất hiện vào thời Đông Hán và ta quen gọi đó là văn bia. Văn bia nói chung và văn bia thời Lý nói riêng là nguồn sử liệu quí, có giá trị về nhiều phương diện. Một văn bia hoàn bị thời Lý có thể nói là sự thống nhất của nhiều loại hình nghệ thuật trong một chỉnh thể; chí ít là sự kết hợp của 3 trong một, bao gồm: Văn chương, hội hoạ, điêu khắc… Tìm hiểu nội dung, nghệ thuật văn bia thời Lý không thể tách khỏi bối cảnh lịch sử đương thời và quan niệm của triều đình trung ương về vai trò của Phật giáo trong công cuộc cai trị đất nước. Trước thời Lý, Phật giáo đã xác lập được vị trí khả quan trong xã hội. Lý Thái Tổ, vị vua sáng nghiệp triều Lý, vốn xuất thân từ cửa Thiền, rất mực tôn sùng đạo Phật, điều đó cũng được các vị vua sau đó kế thừa và phát huy, khiến thời Lý trở thành giai đoạn phát triển huy hoàng của Phật giáo. Văn bia thời Lý tính đến nay đã được Viện nghiên cứu Hán Nôm thống kê được trên dưới 20 tác phẩm, các văn bia này phần nhiều gắn liền với những ngôi chùa quan trọng, liên quan tới quí tộc, quan chức, hoặc các thiền sư có uy tín. Trong số 20 tác phẩm này có 3 văn bia liên quan đến mộ chí, và bia “Phụng Thánh Phu nhân Lê thị mộ chí” là một trong 3 tác phẩm ấy, xin được giới thiệu nội dung và hiện trạng của văn bia quí này.
Bia “Phụng Thánh Phu nhân Lê thị mộ chí” được đặt ở toà Tiền đường Chùa Phúc Thánh, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Bia được tạo dáng rất đẹp, đặt trên lưng Rùa “Rùa đội bia”; Rùa đội bia Phụng Thánh cũng được tạo khác hoàn toàn với các thân Rùa khác đội bia ở giai đoạn thời Trần, Lê, Nguyễn. Thân Rùa được tạo rõ ràng thành 3 phần từ một khối đá xanh, dạng đá Thanh Hoá; với tổng thể chiều dài 1,07m x rộng 0,67m x cao 0,57m; phần dưới cùng của khối đá thô ráp tạo thành hình thang cân ngược để chôn xuống đất; tiếp đó là đến phần thân Rùa, thân Rùa được tạo khá đẹp với 3 phần rõ rệt: Đầu Rùa cổ rụt, hai mắt to tròn, hai tay trước bám chặt vào thành phiến đá, hai chân sau ẩn vào trong đá. Phía lưng Rùa được tạc hình bông sen nở rộ gồm có 16 cánh sen chạy vòng quanh, nhuỵ sen có đường kính 0,50m; giữa nhuỵ sen có lỗ hình chữ nhật sâu 0,17m x dài 0,23m x rộng 0,15m. Phần văn bia cũng được tạc công phu, tỷ mỷ; bia có chiều cao 0,89m x rộng 0,67m x dầy 0,15m. Bia có 2 mặt, mặt trước và mặt sau bia không trang trí cầu kỳ như các văn bia sau này. Mặt trước bia phía trên cùng trang trí hình cúc dây, tay mướp cách điệu chạy từ trên đỉnh bia toả ra quanh viền bia chạy dài về đế bia, tiếp đến là trán bia được khắc chìm 8 chữ Hán lớn có kích cỡ 4cm x 4cm theo thể chữ Khải “Phụng Thánh Phu nhân Lê thị mộ chí”, 8 chữ này được bao bọc bởi những hình hoa cúc, hoa sen cách điệu. Tiếp đến là phần thân bia chứa đựng nội dung, trong thân bia có lòng bia dài 0,73m x rộng 0,61m; trong lòng bia khắc chìm chữ Hán, Nôm với khoảng gần 700 chữ ghi lại nội dung liên quan đến Bà Lan Xuân; các chữ Hán, hoặc chữ Nôm xuất hiện trong văn bia đều là chữ Khải (một trong 7 loại chữ Hán cổ: Giáp cốt, Kim văn, Tiểu triện, Lệ thư, Khải thư, Thảo thư, Hành thư), các chữ được khắc tròn đều, to và mập không mảnh mai như văn tự bia ở thời sau.
Bia “Phụng Thánh Phu nhân Lê thị mộ chí” được chia nội dung ra 2 phần rõ rệt, phần chí (tự, ký) và phần minh. Phần chí ghi chép lại tên tuổi, hành trạng, huân nghiệp và đức hạnh của phu nhân, phần minh 12 câu mỗi câu 7 chữ ca tụng công lao của Phu nhân. Xin được giới thiệu đầy đủ cả phần phiên âm, dịch nghĩa nội dung văn bia:
Nguyên Văn chữ Hán đã có chế bản
Phiên âm:
Phụng Thánh Phu nhân Lê thị mộ chí
Hoàng Việt Phụng Thánh Phu nhân Lê thị mộ chí minh tịnh tự
Thần Tông Nhân Hiếu hoàng đế phu nhân Lê thị, húy Lan Xuân, tức Phụ Thiên đại vương chi quý nữ dã. Mẫu viết: Thụy Thánh công chúa, Dự Tông chính hoàng chi mạnh nữ dã. Trưởng bà viết: Thụy Thánh công chúa tức Thánh Tông hoàng đế chi mạnh nữ dã. Tổ Phụ ký úy Chân Đăng châu bảo sở quan sát sứ, tức Ngự Man đại vương chi thân điệt, thực Lê gia Đại Hành hoàng đế chi tôn. Phụ Thiên đại vương giả hữu tử tức nhị thập viên, thái hậu nhất, phu nhân tam, công chúa tứ, thái tử đẳng nhất thập hữu nhị. Thiên Chương Bảo Tự nhị niên Giáp Dần, hoàng đế sơ nạp Đại vương mạnh nữ, bà Cảm Thánh Hoàng Thái Hậu. Kiến phu nhân tư mỹ, kiêm hữu tứ giáo, hựu sính chi vi phi. Tạm nhập công cung nhi minh chi phụ đạo; tiên đăng tông nhất nhi thể cố âm phong. Phục dụng tất trúng độ; ngôn động tất trúng tiết. Tứ niên Bính Thìn tiến sách Phụng Thánh phu nhân. Thị thời cố chi tâm hạnh, tiết sử sử chi hóa tu, thái phồn chi chức bất nhất; tiểu tinh chi huệ cập hạ. Hiệp Hoàng Anh chi tần ngu, tán tương hoàng du; do Nhâm Khương chi phụChu, tiên dương đế đạo.
Ngũ niên Đinh Tỵ, hào tống cung xa, thệ lưu lăng tẩm. Chấp phỉ giải chi tâm nhi hiện, mạc tu hành thượng đạo nhi giáo ngu. Phu nhân mạo đoan khiết nhi tính thâm tĩnh; hỉ nộ bất hình ư sắc, sử nhân tắc dĩ duyệt lưu, vô suy sách bách. Đãi kim thượng tức vị, thái hậu phụ chính, mỗi sóc vọng tắc nghệ triều. Thượng đốc kinh chi, dữ ngôn tắc cực tình vô khiên. Bốc lai, phả hữu tư yết. Thượng cập Hoàng thái hậu thường hạnh kỳ cung thất, kiến kỳ cử trí, gia kỳ vi nhân nhi thán viết: "Cổ chi minh thế phu nhân". Nhân hữu mỗi nhất húy, cảnh tín cung thuận hợp lễ. Vị á duy thành, gia nghiệp gia đốc ư kính. Thường niệm ý cẩm chi hướng tổ bất vong. Phụng nguyện khải thắng duyên dĩ đáp tiên thánh chi quyến ngộ. Đãi chung tắc biếm kỳ trắc dĩ nhĩ tiền nhân chi vinh, lễ dã. Nãi bốc trung giang châu lạc, duy Tuế Phong hương vi hưu. Cương loan tán tú nhi hoàn liệt; giang hồ thanh bích nhi đới nhiễu. Hoạch âm dương hướng bối chi đồ; tư hổ long bão ấp chi thế. Đặc mông thánh chỉ, cấp tứ nhân công, trạc tài ngõa nhi lập bảo sở. Phủ tảo vân tất, hương hỏa bất tức chi kỳ cố dã tôn.
Chính Long Bảo ứng cửu niên, cửu nguyệt, phu nhân tẩm tật. Thượng thân thị dược nhĩ, bách nhi phất sưu. Dĩ dương niên thập nguyệt thập bát nhật Kỷ Mùi chi thần hoăng, niên lục thập hữu tam. Thượng vị chi chấn điệu, xuyết triều giảm thiện. Nãi sắc giáng phúng quyên chi vật dã cụ ư thường, khả vị ai vinh chi lễ hữu gia. Chiếu Thái phó Trần công, kỵ Nội thị sảnh phụng nghị lang Lê công giám hộ tang táng. Mật cứu quy hậu thị như Chiêu Thánh hoàng hậu chi cố sự. Thập nhất niên đông, thập nhị nguyệt, sơ bát nhật Bính Dần chi thần, ân chỉ biệt táng vu địa hương sở, Phác sơn, Diên Linh Phúc Thánh tự chi Tây ngung. Nãi mệnh quốc sử thuật thử phương du, chí vu mộ thạch.
Minh viết:
Long bàn hổ phục dựng tú khí
Trung giang vãng vãng sản hào quý
Phu nhân ý hạnh hiển đương thì
Thần bà xước hợp vi dị
Ngọc lâu đài cung thất á hậu
Tâm đồng cầm sắt vô đố kỵ
Cung xa yến giá phụng lăng tẩm
Sử vô phong vũ nan đồ chí
Nhật quá cao sơn khí yêm yêm
Nhân gian thống tích sán nhiên lệ
Tuế phong tân mộ lập trinh mân
Truyền dân du cổ thiên vạn thế
Dịch nghĩa:
Mộ chí của Phu Nhân Phụng Thánh họ Lê
Bài minh kèm theo lời tựa trên mộ chí của Phu nhân Phụng Thánh họ Lê nước Hoàng Việt.
Phu nhân của Thần Tông Nhân hiếu hoàng đế họ Lê húy là Lan Xuân, con gái út của Phụ thiên đại vương. Mẹ là công chúa Thụy Thánh, con gái cả của Dự Tông chính hoàng. Bà trưởng là công chúa Thụy Thánh, con gái cả của Thánh Tông hoàng đế. Ông nội, phò ký úy giữ chức Quan sát sử ở bảo sở châu Chân Đăng, cháu gọi Ngự man đại vương bằng chú và là cháu nội vua Lê Đại Hành. Phụ thiên đại vương có hai mươi người con; một thái hậu, ba phu nhân, bốn công chúa, mười hai thái tử. Năm Giáp Dần, Thiên Chương Bảo Tự thứ hai (1134), lúc đầu hoàng đế kén con gái cả của Phụ thiên đại vương vào cung, tức là bà Cảm Thánh hoàng thái hậu. Thấy phu nhân có nhan sắc và đủ tứ giáo, hoàng đế lại đón về làm thứ phi. Mới vào cung (phu nhân) đã hiểu rõ đạo làm vợ; lên trước nhà tông thất thì giữ bền phong độ nữ lưu, ăn mặc điểm trang ắt đúng lễ nghi; nói năng cử chỉ ắt đúng khuôn phép. Năm Bính Thìn, Thiên Chương Bảo Tự thứ tư (1136) được tiến phong Phụng Thánh phu nhân. Bấy giờ phu nhân giữ bền tâm hạnh, sửa mình theo giáo hóa Nho gia, giữ trọn bổn phận dâu hiền, phụng thờ tiên tổ không thiếu sót mà ân huệ lẽ mọn cũng thấm xuống tận gia nhân. Thật sánh ngang Nga Hoàng, Nữ Anh vợ của Thuấn, dâng lời phò trí giúp mưu; cũng giống như Thái Nhâm, Thái Khương giúp nhà Chu, trước hết nêu cao đạo đế.
Năm Đinh Tỵ, Thiên Chương Bảo Tự thứ năm (1137), phu nhân gào khóc theo đưa xe tang, rồi nguyện ở lại trông coi lăng tẩm, giữ lòng không trễ biếng mà (đạo đức của phu nhân) vẫn rõ ràng; chẳng tu đạo thượng thừa mà sự giáo hóa (của phu nhân) được hoàn bị. Phu nhân dung nhan đoan chính, tính tình kín đáo, mừng giận không lộ ra nét mặt; dùng người thì khiến họ vui mà ở lại, chẳng cần roi vọt bức bách. Đến khi đức kim thượng lên ngôi, thái hậu phụ chính, thường ngày rằm, mồng một, phu nhân đều đến dự chầu. Hoàng thượng một lòng kính mến, chuyện trò rất mực ân cần, mà không điều gì lầm lỗi. Mỗi khi (phu nhân) dự tính việc gì đều yết kiến riêng (vua và hoàng thái hậu). Vua và hoàng thái hậu thường đến tư thất thăm phu nhân, thấy việc cắt đặt trong nhà nề nếp, bèn khen ngợi phẩm cách phu nhân và thán rằng: "Thật là bậc phu nhân thời thịnh trị ngày trước". Đối với tật riêng của từng người, phu nhân vẫn giữ được tấm lòng cung thuận, hợp lễ; cương vị sánh ngang với các bậc vương công mà nếp nhà vẫn một niềm cung kính. Thường vinh hiển thì không quên tiên tổ, cội nguồn, nguyện được mở thắng duyên để đền đáp ơn quyến ngộ của tiên thánh. Lại mong khi từ giã cõi đời được gần gũi mẹ cha, ấy là hợp lễ vậy. Thế rồi chọn vùng xóm bãi giữa sông, được hương Tuế Phong là nơi đất đẹp, núi đồi thanh tú vây quanh, sông hồ biếc trong bao bọc. Lại được hướng nhìn sông dựa núi, nhờ thế rồng ấp hổ chầu. Được đặc ân thánh chỉ cấp thợ thuyền, cho gỗ ngói để xây dựng bảo sở. Công chạm vẽ vừa xong thì việc khói hương không dứt. Thật là ơn huệ cao cả của chúa thượng.
Tháng chín năm Chính Long Bảo ứng thứ 9 (1171), phu nhân lâm bệnh. Hoàng thượng thân hành trông nom thuốc thang cơm cháo, chạy chữa trăm cách mà bệnh vẫn không khỏi. Sáng sớm ngày Kỷ Mùi năm ấy phu nhân tạ thế, thọ 63 tuổi. Hoàng thượng rất thương xót, bỏ triều giảm ăn, sắc ban lễ phúng gấp bội lệ thường. Đó có thể gọi là một tang lễ rất hậu vậy. Rồi chiếu ban thái phó họ Trần, Nội thị sảnh phụng nghi lang họ Lê trông coi việc tang chế. Mật xét, tang lễ theo như nghi thức của Chiêu Thánh hoàng hậu trước đây. Sáng sớm ngày Bính Dần, mồng 8 tháng Chạp mùa đông năm Chính Long Bảo ứng thứ 11 (1173), được ân chỉ cho đem táng tại quê hương, trên núi Phác, phía tây chùa Diên Linh Phúc Thánh. Lại sai quốc sử thuật đạo đức tốt đẹp của phu nhân ghi vào bia mộ.
Minh rằng:
Rồng cuộn hổ chầu chất chứa khí đẹp
Đất giữa dòng luôn luôn sinh người quý hiển hào kiệt
Đức hạnh phu nhân rực rỡ đương thời
Thần bà duyên dáng hợp thành sự linh dị
Lâu đài cung thất chạm ngọc vàng, sánh ngang ngôi vương hậu
Tâm đồng ý hợp, cầm sắc hài hoà, không lòng ghen ghét
Khi xa giá quy tiên, phu nhân ở lại thờ phụng lăng tẩm
Khiến cho gió mưa không huỷ hoại được
Mặt trời khuất sau núi cao, khí trầm trầm
Người đời thương tiếc, nước mắt trào tuôn
Dựng bia đá trên mộ mới ở hương Tuế Phong
Truyền cho dân giữ mãi nghìn đời.
Qua bài văn bia “Phụng Thánh phu nhân Lê thị mộ chí” cho ta hiểu về lịch sử xây dựng ngôi chùa Phúc Thánh, và công trạng của bà Lê Thị Lan Xuân (dân gian gọi Bà là Xuân Lan) đối với ngôi chùa. Năm Thiên Chương Bảo Tự thứ 5 (1137) vua Lý Thần Tông băng hà, với tấm lòng hiếu hạnh phu nhân trông coi lăng tẩm và để tang nhiều năm, sau này phu nhân xin vua Lý Anh Tông cho về hương Tuế Phong để tu và lập nên ngôi chùa Phúc Thánh trên núi Phác. Nghiên cứu văn bia ta thấy ngoài sự thống nhất của nhiều loại hình nghệ thuật, sự kết hợp chỉnh thể văn chương, lịch sử, nghệ thuật hội hoạ, nghệ thuật chạm khắc hoa văn thì trong văn bia còn xuất hiện những chữ Nôm như: Bà, Sông...đây là những chữ Nôm sớm nhất trong quá trình hình thành và phát triển chữ Nôm Việt. Bia “Phụng thánh phu nhân Lê thị mộ chí” là một văn bia quí trong số trên dưới 20 văn bia thời Lý của cả nước, và là văn bia thời Lý duy nhất ở tỉnh Phú Thọ cần được giữ gìn và bảo vệ.
*Tài liệu tham khảo:
- Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên (bản dịch), Tập I, II Nhà XBKHXH - 1993
- Thơ văn Lý Trần - Nhà XBKHXH, tập I - 1971
- Thơ văn Lý Trần - Nhà XBKHXH, tập II - 1989
- Văn bia thời Mạc - Đinh Khắc Thuân Nhà XBKHXH - 1996.
(Lê Công Luận - Phó GĐ Bảo tàng Hùng Vương dịch; Bài và ảnh Nguyễn Hữu Thanh - Phòng VHTT )