Nằm bên quốc lộ 5 ồn ào và tấp nập xe cộ, khu di tích Nguyên phi Ỷ Lan vẫn giữ được vẻ tĩnh lặng, huyền bí của một ngôi đền cổ được xây cất cách nay gần 900 năm. Đến đây, du khách sẽ được tìm hiểu về cuộc đời nữ danh nhân nổi tiếng với tài trị nước, đồng thời được tham quan nhiều di vật cổ của triều đại Lý. Từ trung tâm Hà Nội qua cầu Chương Dương chừng 18km, ta sẽ gặp đền thờ nguyên phi Ỷ Lan nằm bên quốc lộ 5 thuộc địa phận Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Khu di tích này còn có tên gọi khác là chùa Bà Tấm hay đền Bà Tấm. Toàn bộ quần thể di tích gồm chùa, đền, điện, sơn trang nằm trong khuôn viên có sân, nhà thủy đình, cây xanh ước rộng đến 3ha. Nghi môn với lối kiến trúc độc đáo gồm nhiều họa tiết trên cánh cửa Đưa mắt từ con đường nhựa hun hút nhìn vào dễ dàng nhận thấy cổng đền với mái cong uốn lượn, xen kẽ nhiều họa tiết rồng, phượng, mây, gió… - những dấu hiệu của lối kiến trúc cổ xưa độc đáo. Đền có hai cổng, cổng bên ngoài gọi là tam quan và cổng trong gọi là nghi môn. Tam quan là một nhà lớn ba gian, vững chãi với kiểu kiến trúc hai tầng bốn mái. Mặt tiền tam quan mở ra ba cửa lớn hình chữ nhật, phía sau để trống, thông với cổng nghi môn. Qua nghi môn, phía bên trái là đôi rồng chầu thời Lý được làm bằng đá liền khối với nhiều đường nét, chạm khắc tinh xảo. Đôi rồng dài 1,3m, cao 0,8m, nặng hàng chục tấn phủ phục bên mạn sườn một quả đồi nhỏ - tương truyền là nơi thờ nguyên phi Ỷ Lan. Kế tiếp là ngôi đền chính được xây dựng từ cuối thế kỷ 11, là nơi phụng thờ nguyên phi ngay trên quê hương người. Đền có kiến trúc theo lối cung đình thời Lý, có 72 cửa, thuộc loại cổ nhất nước ta, cách đó không xa đền phía tay phải có ngôi chùa mang tên Linh Nhân Tư Phúc Tự, do chính Linh Nhân hoàng thái hậu Ỷ Lan xây dựng năm 1115. Cầu đá Đôi rồng thời Lý phủ phục bên mạn sườn đồi thờ nguyên phi Ỷ Lan Trên đồi là miếu thờ nguyên phi Ỷ Lan Song có lẽ ấn tượng hơn cả là những hiện vật quý được lưu giữ và bảo tồn suốt gần chín thế kỷ. Đó là ba chân tảng đá chạm cánh sen, hai đầu sư tử đá, một thành bậc chim phượng đều có từ thời Lý, bốn tấm bia đá thời Hậu Lê, một khám thờ chạm rồng uốn khúc yên ngựa được chạm thủng hoa văn linh vật từ thời Mạc… Và đặc biệt là hai câu đối ca ngợi công đức của thái hậu Ỷ Lan: Thập bát tử, điếu phỏng thế tại tam truyền chiêu lệnh thục Bách dư sở tự quán địa lưu cố trạch tối linh thanh (Có nghĩa: Đời nhà Lý thứ ba kén được người con gái đẹp, có đức có tài. Đất nước ta có trên một trăm nơi thờ nhưng đây chính là quê hương của bà được lưu truyền đến ngày nay và rất linh thiêng) Trong đó, độc đáo nhất phải kể đến tượng hai sư tử điêu khắc bằng đá trong tư thế phủ phục đang vờn ngọc, được chạm khắc với đường nét đặc biệt mềm mại, tạo cho chúa sơn lâm một vẻ đẹp vừa uyển chuyển vừa oai hùng mạnh mẽ. Đôi mắt to lồi hẳn ra ngoài, ẩn dưới đôi lông mày rậm, hàm răng đều đặn, răng nanh nhọn và khỏe, nhất là chân mập với những móng cong sắc, quắp chặt. Thêm vào đó, tư thế “sơn lâm vờn ngọc báu” còn gợi sự mềm mại, uyển chuyển. Có lẽ chính từ sự kết hợp này đã tạo nên hồn cốt của hiện vật. Tấm văn chỉ Bốn tấm bia đá thời Hậu Lê Ngôi chùa Linh Nhân Tư Phúc Tự do hoàng thái hậu Ỷ Lan xây dựng năm 1115 Tượng sấu đá trong sân đền Bà Tấm Và đến đây thì không thể bỏ qua tượng nguyên phi Ỷ Lan được chạm khắc tinh vi và đặt trong khám gỗ lớn, toát lên vẻ đôn hậu, nhân từ của một thánh mẫu đất Bắc. Ngày nay, trên khắp đất nước ta có đến 72 nơi lập đền thờ nguyên phi, nhưng duy chỉ có đền và chùa tại quê hương bà (Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội) là còn giữ được vẻ nguyên sơ cũng như các di vật cổ kính. Và hiếm nơi nào ở Hà Nội lại có một không gian yên tĩnh, linh thiêng như khu di tích đền thờ Đức quốc mẫu nguyên phi Ỷ Lan. Đây không chỉ là nơi ta tìm đến để tưởng nhớ vị danh nhân đã có công với đất nước, mà còn là nơi ta tìm về những giá trị văn hóa, lịch sử và kiến trúc của triều đại nhà Lý. Vườn tháp Giếng ngọc sau chùa Linh Nhân Tư Phúc Tự Đền chính thờ thái hậu Ỷ Lan với đôi câu đối: Thập bát tử, điếu phỏng thế tại tam truyền chiêu lệnh thục - Bách dư sở tự quán địa lưu cố trạch tối linh thanh Cổng sau đền Bà Tấm
NGUYỄN DỊU - TIẾN THÀNH Tuổi trẻ online 26/11/09 |
Điểm đến (Thư viện) > Hà Nội >